Trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như hệ tiêu hóa chưa phát triển, dị ứng sữa, hấp thu kém...
Mùi, màu sắc và độ cứng của phân trẻ sơ sinh có thể thay đổi theo tuổi và chế độ ăn uống. Phân của bé đôi khi có thể hơi lỏng và có bọt. Mẹ không cần quá lo lắng nếu hiện tượng này không kéo dài và bé vẫn khỏe mạnh, lên cân bình thường.
Tuy nhiên, nếu bé sơ sinh đi ngoài có bọt kèm theo tiêu chảy, giảm cân hoặc các dấu hiệu bất thường khác thì mẹ cần phải chú ý theo dõi.
1. Nguyên nhân trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng này:
Dị ứng sữa có thể khiến bé sơ sinh đi ngoài có bọt. (Ảnh minh họa)
- Hệ thống tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện
Chức năng đường ruột và tiết niệu của bé sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện vì vậy dẫn đến tình trạng đi ngoài có bọt. Nếu phân của bé hơi lỏng, có bọt và chất nhầy thì có khả năng đường ruột của bé bị kích thích và bé chưa tiêu hóa hết đường trong sữa.
- Nhiễm khuẩn đường ruột
Các vi khuẩn như như Salmonella, Shigella, Staphylococcus, Campylobacter hay E. coli cũng có thể gây ra hiện tượng đi ngoài có bọt kèm theo tiêu chảy. Nếu bị nặng bé có thể bị chuột rút, sốt. Bố mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để khám chữa.
- Dị ứng sữa
Bé sơ sinh có thể bị dị ứng protein trong sữa dẫn đến đi ngoài có bọt kèm theo tiêu chảy. Ngoài ra bé có thể gặp các triệu chứng sau: đau bụng, có máu trong phân. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, dị ứng cũng có thể gây phát ban, sưng và khó thở.
- Hội chứng kém hấp thu
Các bé mắc hội chứng kém hấp thu cũng dẫn đến tình trạng đi ngoài có bọt vì chất dinh dưỡng không được tiêu hóa hết.
- Chế độ ăn uống của mẹ
Nếu bé đang bú sữa mẹ thì chế độ ăn uống của mẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến bé. Nếu mẹ ăn các loại thức ăn nhuận tràng có thể khiến bé bị đi ngoài có bọt.
Chế độ ăn uống của mẹ ảnh hưởng đến tiêu hóa của bé. (Ảnh minh họa)
2. Cách xử lý trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt
Điều quan trọng nhất là mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến bé đi ngoài có bọt. Nếu bé đi ngoài có bọt nhưng không bị tiêu chảy và vẫn khỏe mạnh, tăng cân bình thường thì mẹ chỉ cần chú ý chế độ chăm sóc và dinh dưỡng của bé. Đối với các bé đang bú sữa mẹ vẫn cho bé bú bình thường. Nếu bé đang dùng sữa công thức mẹ có thể cân nhắc việc thay đổi nhãn hiệu sữa và vệ sinh sạch sẽ tay, đồ dùng trước khi cho bé ăn.
Đối với các bé đi ngoài sủi bọt kéo dài và kèm theo các dấu hiệu bất thường mẹ nên đưa bé đi khám để tìm ra nguyên nhân bệnh. Ngoài ra mẹ có thể thực hiện các phương pháp sau tại nhà để giúp bé nhanh hồi phục sức khỏe:
- Giữ cho bé đủ nước
Khi trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt kèm tiêu chảy, điều quan trọng là mẹ cần tránh cho bé mất nước. Hãy tiếp tục cho bé uống sữa mẹ hoặc sữa công thức như bình thường nếu bé không bị nôn.
- Tránh xa đường
Mẹ không nên cho bé các loại nước có đường nếu bé đi ngoài có bọt kèm theo tiêu chảy. Chúng sẽ khiến tình trạng của bé thêm tồi tệ.
- Thay tã thường xuyên
Mẹ nên thay tã cho bé thường xuyên để giúp bé khô ráo, thoải mái. Nếu bé khó chịu mẹ hãy cố gắng an ủi và dỗ dành bé.
- Vệ sinh sạch sẽ
Quần áo và chăn đệm của bé cần giặt riêng để tránh sự lây lan. Mẹ nên rửa tay thường xuyên khi chăm sóc cho bé.
Theo Bs. Văn Bàng trên báo Sức khỏe & Đời sống, trẻ sơ sinh bình thường (đặc biệt những trẻ bú mẹ) thường đi tiêu sau mỗi cữ bú. Bé thường đi 5-10 lần trong một ngày, phân sệt, màu vàng sậm, trẻ tăng cân tốt. Nếu trẻ bú không đủ, phân có màu xanh lẫn nước nhưng lượng ít. Nếu trẻ bú nhiều quá, mẹ uống thuốc xổ hoặc ăn thức ăn nhuận tràng thì trẻ bú mẹ có thể bị tiêu chảy. Một số nguyên nhân khác gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh bao gồm: nhiễm trùng, dị ứng sữa, hội chứng kém hấp thu. Ngoài ra, nếu bé bú mẹ thì mẹ cần lưu ý chế độ ăn của mẹ, tránh các thực phẩm chứa nhiều chất béo no, rán, nướng... Nên chọn các thực phẩm lành như thịt nạc, gà, sữa chua, bánh mỳ có kèm nhiều rau, hoa quả, cháo.... |