Nhiều bà mẹ mắc lỗi sai lớn khi cố tình đút cơm cho con thật nhanh, thậm chí một thìa cơm một thìa nước rồi tự hào về “chiến tích” đó.
Có con ăn nhanh, 10 phút, 5 phút đã xong bát cơm to luôn là niềm ao ước của tất cả các bà mẹ. Chúng ta luôn cố gắng làm mọi cách để trẻ được ăn nhanh nhất: cho con vừa ăn vừa xem tivi để đánh lạc hướng, xay nhuyễn cháo lẫn thịt, rau để tất cả hòa chung thành một thứ nước sền sệt dễ nuốt, khỏi nhai hay thậm chí còn cho con ăn một thìa cơm kèm một thìa nước để thực phẩm trôi luôn xuống họng.
Chúng ta biện minh rằng phải làm như vậy để trẻ ăn được nhanh, được nhiều. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng mình: ăn nhanh chưa chắc đã là ăn đúng và ăn nhiều chưa chắc đã hấp thụ được nhiều dinh dưỡng
Theo tôi, một bà mẹ “khôn” thì nên biết cho con ăn chậm:
Ăn chậm, ăn ít hấp thụ thức ăn tốt hơn ăn nhanh, ăn nhiều
Thực phẩm đi vào cơ thể, cần phải tiêu hóa. Bao gồm tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học. Tiêu hóa cơ học chủ yếu trong khoang miệng. Răng sẽ nhai thức ăn, trong khi nhai, các tuyến nước bọt sẽ được tiết ra để pha trộn với thức ăn, giúp tiêu hóa bước đầu. Lần thứ hai, khi thức ăn xuống tới dạ dày, các dịch vị trong dạ dày sẽ tiến hành tiêu hóa hóa để thực phẩm được tiêu hóa và hấp thu hoàn toàn.
Chính vì vậy, nếu mẹ cố tình cho con nuốt chửng, không nhai thì cũng đồng nghĩa với việc quá trình tiêu hóa cơ học của miệng đã bị bỏ qua. Thức ăn dù có ăn được nhiều nhưng cũng chẳng hề được tiêu hóa và hấp thụ tối đa. Con ăn nhiều mà còi vẫn hoàn còi là vì thế.
Ăn nhanh chưa chắc đã là ăn đúng và ăn nhiều chưa chắc đã hấp thụ được nhiều dinh dưỡng (ảnh minh họa)
Trẻ ăn chậm sẽ thông minh hơn
Trẻ sơ sinh chưa học bằng lý thuyết, bằng nguyên tắc, bằng logic hay bằng sách vở. Não bộ trẻ được phát triển thông qua khối lượng thông tin do các giác quan cung cấp mà trong đó, giác quan quan trọng nhất không phải là tai, mắt hay mũi. Giác quan quan trọng nhất của trẻ sơ sinh chính là chiếc miệng nho nhỏ.
Tất cả những gì bé thấy, bé cầm, bé đều có một phản xạ rất tự nhiên, đó là đưa lên miệng mút. Điều này nói với chúng ta điều gì? Trẻ đang thu thập thông tin, đang tìm hiểu xem đồ vật kia mặn ngọt ra sao, mềm hay cứng, bề mặt mịn hay thô ráp…tất cả đều qua vị giác.
Chuyện ăn uống của trẻ cũng là một kênh phát triển não bộ vô cùng quan trọng. Đừng làm con thụt lùi, làm con chậm nói, chậm phát triển chỉ vì cho tất cả cơm thịt rau dưa vào xay thành một bát hổ lốn và nhét cho con ăn “cho nhanh”.
Ăn chậm giúp răng bé mọc đều, đẹp
Ăn chậm để thúc đẩy, phát triển cơ hàm dưới sẽ có rất nhiều lợi ích khác nhau. Việc nhai nuốt sẽ khiến tăng cường chuyển động khớp, tạo không gian cho răng bé mọc đều, đẹp. Mặt khác, việc răng bé được ma xát với nhau cũng khiến dòng máu trong nướu răng được vận chuyển linh hoạt, từ đó tăng sức đề kháng cho răng, giảm bệnh răng miệng của bé khi lớn lên.
Trẻ ăn chậm ít bị đau dạ dày
Ăn chậm cũng làm tăng tiết acid dạ dày, thuận lợi hơn để tiêu hóa. Dựa trên các dữ liệu khảo sát, người ta thấy rằng: Những đứa trẻ được phát triển thói quen ăn chậm, khi lớn lên tỷ lệ mắc chứng đau dạ dày là rất thấp. Ăn chậm, tiêu hóa thức ăn chậm rất có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển của răng, dạ dày…Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, mẹ cũng nên thiết lập cho con thói quen ăn chậm.
Muốn yêu con thương con, hãy học cách kiên nhẫn từ những thìa cháo trở đi.