Khi bé buồn chán không có trò gì chơi là lúc để mẹ giúp con thông minh hiệu quả.
Tôi nghe thấy cô con gái 7 tuổi của mình níu tay than thở “mẹ ơi, con chán quá”. Ngay lập tức như bao bà mẹ khác, tôi nghĩ “trách nhiệm” của mình phải làm cho con vui lên. Tôi lấy ngay ipad của mình cho con mượn, bật tivi cho con xem bộ phim hoạt hình yêu thích hoặc dùng một phương tiện giải trí công nghệ nào đó để con hết chán. Tuy nhiên, lâu dần tôi chợt nhận ra mình đang lãng phí thời gian của con nhỏ. Việc đưa cho con những món đồ chơi, những cách thức giải trí đã được lập trình sẵn như vậy sẽ là phản tác dụng. Tại sao lại như vậy? Tôi xin lý giải với các bà mẹ nguyên do sau đây.
“Chán quá” đã trở thành một điệp khúc liên tục của trẻ em
Hầu hết trẻ nhỏ khi rảnh rỗi, chán nản không biết làm gì thường sẽ tự động nghĩ ra trò chơi cho bản thân. Trẻ chỉ thực sự vui nhất với những trò do chúng tự nghĩ ra. Vì sao? Đơn giản là bởi vui chơi chính là “công việc” của trẻ.
Vậy nhưng xã hội dường như đang xây dựng một thế hệ trẻ em mới chỉ biết gắn chặt đôi mắt và trí não vào những chiếc màn hình: những iphone, ipad, máy tính, tivi, playstation… Đương nhiên trẻ đã gắn liền với những thiết bị này, khi tách ra sẽ luôn cảm thấy chán nản, không tự biết phải chơi gì. Đó cũng là lý do mẹ thường xuyên nghe con phàn nàn điệp khúc “chán quá”.
Tại sao trẻ cần sự buồn chán?
Thời gian rảnh rỗi, không có việc gì làm mang đến cho trẻ em cơ hội để khám phá thế giới bên trong và bên ngoài của chúng, là sự khởi đầu của sự sáng tạo. Đây là cách trẻ tìm hiểu chính mình và thế giới xung quanh, khi óc tưởng tượng phát huy không ngừng. Nếu chúng ta cứ giữ con với những bài học, những việc nhà, những trò chơi hay các hoạt động có tổ chức do người lớn nghĩ ra, trẻ sẽ không bảo giờ học được cách đối phó với những rung động trái tim mình, nhận biết ra được mình thích gì và muốn gì.
Hãy để con tự chơi một mình (ảnh minh họa)
Trẻ em khi buồn chán sẽ tự động nghĩ ra “trò chơi” cho mình: xây dựng một pháo đài ở sân sau, làm cho một con quái vật từ đất sét, viết một truyện ngắn hoặc bài hát, hoặc tổ chức những đứa trẻ hàng xóm vào làm một bộ phim…, Trẻ cần được gặp và gắn kết những “nguyên liệu” thô trong cuộc sống để tự mang đến niềm vui cho bản thân. Qua đó, trí thông minh và khả năng sáng tạo cũng sẽ được phát triển.
Chính vì vậy, khi thấy con nói “chán quá” mẹ đừng vội giải quyết cho con những trò chơi của mình. Hãy để trẻ ngồi đủ lâu trong sự buồn chán, con sẽ tự phát hiện ra được niềm vui đằng sau đấy. Mặc kệ con chính là mẹ đã tạo môi trường mở cho sự sáng tạo hỗn độn của trẻ được có cơ hội hình thành và phát triển.
Tôi đã mặc kệ nhưng con vẫn cứ quấn lấy chân tôi?
Đương nhiên, mẹ không thể ngay lập tức lờ đi đứa con đang chán nản của mình. Tuy nhiên bạn nên biết rằng trẻ đôi khi không có ý muốn bạn chỉ chúng chơi gì mà chỉ là muốn thu hút sự quan tâm của mẹ.
Khi cô con gái tôi phàn nàn về sự buồn chán, ngay lập tức tôi sẽ dừng mọi công việc của mình và tập trung vào con. Chỉ trong vòng 5 phút, với những gợi ý nhỏ hoặc trò chuyện, cô con gái của tôi sẽ nhận ra mẹ vẫn đang quan tâm đến mình và do đó như được tiếp thêm “nhiên liệu” để tự vui chơi và sáng tạo.
Nếu con bạn đã biết đọc và không có việc gì làm? Sẽ có cả một thế giới sách đang chờ đợi chúng. Đây cũng là cơ hội để giúp con thông minh qua những kiến thức từ sách truyện. Vậy làm thế nào? Trước hết, tôi tạo thói quen rủ con gái mình cùng đi hiệu sách, chọn những quyên chúng tôi thích và sưu tập thành một tủ dày dặn. Khi con gái tôi phàn nàn về chuyện không có gì chơi, tôi sẽ gợi ý cùng con đọc một quyển sách. Tuy nhiên, tôi chỉ đọc ¼ đầu, sau đó sẽ giả vờ bận rộn (với điện thoại chăng hạn) và gợi ý con “Con tiếp tục tự đọc đi nhé!”. Trong hầu hết các trường hợp, cô con gái của tôi đều tiếp tục ngoan ngoãn ngồi đọc. Dần dần,bé sẽ hình thành thói quen đọc sách những khi rảnh rỗi, tâm hồn và kiến thức cũng vì vậy mà phát triển lên rất nhiều.
Nếu con bạn chưa biết đọc? Tôi cũng có vài gợi ý sau đây giúp bé tự phát triển óc sáng tạo và trí tưởng tượng mà không cần “dính” đến những thiết bị màn hình vi tính. Bạn có thể mua cho con bút chì màu và thật nhiều giấy, những dụng cụ đất nặn hay xếp hình. Trẻ sẽ tự thỏa thích chơi đùa và bạn cũng chẳng còn bận tâm về việc con sẽ quấn lấy mình nữa.
Có thể nói, rất nhiều vị phụ huynh mắc phải sai lầm cho con chơi với các thiết bị điện tử khi nghe trẻ phàn nàn “chán quá”. Đấy là một sai lầm trong cách giáo dục trẻ. Những khi nghe “điệp khúc chán quá” này, ta nên vui chứ chẳng phải lo. Hãy để trẻ tự tìm ra trò chơi cho bản thân hay nếu cần, chỉ đưa cho trẻ những món đồ chơi “thô”, những nguyên liệu cần trẻ tiếp tục sáng tạo và định hướng cho bản thân. Làm được như vậy, là mẹ đã giúp con phát triển trí thông minh và não bộ ngay từ tấm bé.