Mẹ như Ninja trong nhà, khẩu trang và kính mắt lúc nào cũng kè kè bên cạnh vì dịch đau mắt đỏ.
Hà Nội những ngày này đang là tâm bão của dịch đau mắt đỏ. Mẹ ở nhà với Nấm 24/24 nhưng vẫn bị “bão đau mắt” càn quét. Bệnh đau mắt đỏ phát rất nhanh. Từ chiều tối hôm trước đến sáng hôm sau mắt mẹ đã đỏ ngầu, sưng nhức. Mẹ vừa chống chọi với bệnh vừa tìm mọi biện pháp ngăn ngừa cho con vì Nấm mới 4 tháng tuổi, hệ miễn dịch còn non yếu.
Đau mắt đã khổ sở rồi, chăm con trong những ngày này thì vất vả vô vàn. Với riêng mẹ, nó như một cực hình. Mẹ lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ từ thuốc uống, thuốc tra mắt đến kính, mũ.
Mẹ đành hóa trang thành Ninja để tránh lây đau mắt đỏ cho Nấm
Mẹ vừa lo chữa trị cho mình vừa tìm hiểu tất cả các cách phòng tránh cho con. Mỗi lần nhỏ thuốc tra mắt xong, mẹ vội vàng chạy nhanh vào nhà tắm rửa tay xà phòng thật kỹ và dùng khăn ấm để lau tay luôn cho con một cách cẩn thận. Phòng ngủ của gia đình mình, mẹ thường xuyên thay ga gối cho con và cho cả bố mẹ. Nhà cửa và tất tần tật những vật dụng mẹ tiếp xúc lúc nào mẹ cũng chú ý để vệ sinh sạch sẽ.
Mẹ vẫn đùa với bố, có khi sau trận đau mắt này, mẹ đột nhiên trở thành một người kỹ tính trong chuyện vệ sinh và hay xét nét cách vệ sinh của tất cả thành viên trong gia đình. Mẹ canh chừng con từng ly từng tí, không cho Nấm đưa tay lên miệng. Mẹ quan sát con từng giờ và thường xuyên cặp nhiệt độ cho Nấm. Mẹ lo lắng bệnh đau mắt đỏ của mẹ sẽ lây sang con bất cứ lúc nào.
Giai đoạn này, con ăn sữa mẹ hoàn toàn nên việc lựa chọn sử dụng thuốc cũng rất quan trọng. Chọn như thế nào để không ảnh hưởng đển nguồn sữa và tuyệt đối không ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Mẹ cách ly con bằng kính râm và khẩu trang kín miệng. Hàng ngày, mẹ hút sữa chứ không dám cho con ti trực tiếp.
Bà ngoại sốt ruột, vẫn giục mẹ thử làm theo một số phương thuốc dân gian của các cụ, đắp lá trầu không hay lá bỏng cho nhanh khỏi. Nhưng tất cả đều vô tác dụng. 7 ngày bị đau mắt với mẹ dài đằng đẵng, khoảng thời gian ấy mẹ không được ôm con như lúc mẹ khỏe. Đêm, mẹ vẫn ngắm nhìn con ngủ trong tình trạng mắt, miệng như Ninja. Nước mắt mẹ cứ trào ra, thương con mà bất lực khi mắt chưa khỏi nổi.
Vừa thương con vừa thấy thật buồn cười khi sáng hôm sau tỉnh dậy nhìn mẹ trong tình trạng kính râm và khẩu trang bịt kín. Mắt nhắm mắt mở, con ngơ ngác ngạc nhiên, con cũng chẳng cười với mẹ. Nấm nhìn mẹ rất lâu rồi chỉ chực mếu máo, không phải mẹ. Mẹ ầu ơ lên tiếng vỗ về con, Nấm mất vài phút nghe giọng mẹ để “nhận diện”.
Bố mấy ngày vừa qua cũng vất vả nhizều và mẹ thấy, trình độ chăm con gái của bố khéo hơn, “lên tay” rõ rệt. Mẹ vắt sữa để trong tủlạnh. Bố Nấm canh cữ cả đêm chờ đúng giờ để dỗ dành con ăn. Đêm nào cũng vậy, 2 đến 3 lần. Mẹ được nghỉ ngơi nên cũng nhanh khỏi bệnh.
Dịch bệnh đã qua, mẹ khỏe mạnh bình thường và lại được ôm hôn con như trước. Một tuần qua, mẹ thấy thương bố Nấm và yêu con hơn vô vàn lần. Bố thức đêm trông con giờ hốc hác, còn con không được ti mẹ trực tiếp nên cũng bớt hồng hào. Hai bố con Nấm là tài sản quý giá nhất của cuộc đời mẹ. Mẹ mong sức khỏe và bình an đến với gia đình ta. Để mỗi sớm mai thức dậy, mẹ con mình không phải mất đến chục phút đồng hồ để “nhận ra nhau”, để bố không phải hớt hải khi đêm về canh cữ dỗ dành con ăn sữa, để nụ cười và hạnh phúc trong tổ ấm nhỏ của mẹ luôn vẹn tròn…
Mẹ chỉ mong vậy thôi!
Khỏi dịch bệnh, mẹ mới thấy thương bố Nấm làm sao.
Đau mắt đỏ là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa, triệu chứng ban đầu của bệnh là nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nề, chảy nước mắt. Những dấu hiệu sớm có thể nhận biết là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt, có thể bị sốt nhẹ. Vì đau mắt đỏ có nguy cơ lây nhiễm cao trong vòng 2 tuần từ khi bị bệnh nên việc chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng. Thời gian ủ bệnh đau mắt đỏ thường từ 5-10 ngày. Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện bằng mắt đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai. Ghèn thường là nước trong hoặc ghèn màu vàng. Triệu chứng thường gặp là người bị nhiễm bệnh thường bắt đầu khi mắt cảm thấy khó chịu, sau đó cộm như có cát trong mắt, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Một số dấu hiệu có thể nhận biết là: · Chảy nhiều nước mắt · Mẩn đỏ, ngứa và sưng mắt. · Đau liên tục trong mắt (cảm giác cộm mắt) · Khó chịu với ánh sáng · Có chất dịch màu trắng rõ ràng (nếu là đau mắt do nhiễm virus hoặc dị ứng) · Có dử mắt màu vàng và màu xanh lục từ mắt (do nhiễm khuẩn) Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua các giao tiếp thông thường, vì thế không nên dùng chung đồ vật, tránh tiếp xúc gần hoặc nói chuyện đối diện với người bệnh. Nên giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, rửa tay với xà phòng nhiều lần trong ngày. Bệnh nhân nên đeo kính râm và nhỏ dung dịch nước muối đẳng trương (NaCl 0,9%) hoặc nước mắt nhân tạo. Có thể dùng thuốc nhỏ kháng sinh ngừa bội nhiễm vi trùng. Chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu. Dùng bông gòn sạch lau khô. Giữ gìn vệ sinh cá nhân. Rửa tay với xà phòng sát khuẩn thường xuyên giúp tránh lây lan. |