Tự xúc ăn là một hành vi chủ động, vừa có lợi cho sức khỏe, vừa rèn tính tự lập cho trẻ nhỏ. Tham khảo cách huấn luyện cho con thói quen rất tốt này.
Bước vào giai đoạn 6-9 tháng tuổi, các bé bắt đầu có hứng thú với việc tự xúc ăn bằng thìa. Bố mẹ hãy nhanh chóng “chớp thời cơ” để tập cho bé dùng thìa ăn độc lập.
Để ý dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng
Khi bé nhà bạn đã có thể ăn bốc được và bắt đầu thích nắm lấy thìa từ tay mẹ trong bữa ăn, đây có thể là thời điểm bé đã sẵn sàng để ăn độc lập bằng thìa.
Chọn loại thìa phù hợp
Mẹ nên mua thìa chuyên dùng cho trẻ tập ăn, loại cầm nhẹ tay, vừa vặn cho bé nắm, đầu tròn và làm từ nhựa.
Bắt đầu với 2 chiếc thìa
Để khởi động công cuộc dạy bé tự xúc ăn, hãy dùng hai chiếc thìa: một cho bạn và một cho bé. Bạn có thể xúc cho bé ăn như thường lệ và bé cũng có thể bắt đầu thử nghiệm dùng thìa. Mới đầu, bé sẽ chỉ dùng thìa chủ yếu để gõ nghịch vào bát đĩa và làm vung vãi thức ăn khắp nơi. Đừng lo lắng, việc dạy bé tự xúc đòi hỏi cần phải có thời gian, bé sẽ học được dần dần.
Mẹ phải thật kiên nhẫn vì mới đầu bé sẽ chỉ dùng thìa chủ yếu để gõ nghịch vào bát đĩa và làm vung vãi thức ăn khắp nơi. (Ảnh minh họa)
Dạy bé cách dùng thìa
Chỉ cho bé cách cầm thìa và dùng tay mẹ cầm trực tiếp vào tay bé để hướng dẫn. Từ từ chỉ cho bé cách đưa thìa vào miệng. Khi dạy bé, mẹ cũng nên dùng hai chiếc bát, một chiếc để mẹ xúc thức ăn cho bé còn chiếc kia để bé tự xúc lấy.
Chọn đồ ăn phù hợp
Món ăn cho bé tập xúc nên là thức ăn đặc, ở lại được trên thìa lâu, dễ cho bé đưa vào miệng. (Ảnh minh họa)
Bắt đầu với những loại thức ăn đặc, ở lại được trên thìa lâu hơn so với những thức ăn lỏng dễ đổ ra ngoài thìa trước khi bé có thể cho vào miệng. Một số món gợi ý: sữa chua, phô mai, bột rau của quả nghiền. Khi bé có sự tiến bộ, hãy chuyển sang những thức ăn lỏng hơn như canh hay súp.
Chuẩn bị dọn dẹp “bãi chiến trường”
Trẻ nhỏ lúc tập ăn rất hay bày bừa và làm vung vãi mọi thứ. Mẹ hãy chuẩn bị cho bé chiếc yếm dãi và đặt một chiếc giẻ lau hay thảm ngay phía dưới ghế ăn của trẻ.
Làm gương cho bé
Để bé ăn cùng với giờ ăn cơm của cả gia đình. Không khí gia đình là yếu tố rất quan trọng trong việc rèn nếp ăn cũng như hành vi ứng xử, kĩ năng giao tiếp của bé.
Cổ vũ và khen ngợi bé
Tất cả cách thành viên trong gia đình cần vỗ tay khen ngợi, động viên mỗi lần bé biết dùng thìa đúng cách cho bé để bé có thêm động lực cố gắng.