Phương pháp giáo dục Montessori cho trẻ tự do chọn lựa và hoạt động trong một môi trường dành riêng, phù hợp với khả năng và từng giai đoạn phát triển.
Phương pháp giáo dục Montessori mới du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây nhưng ngày càng phát triển mạnh. Phương pháp này hiện được nhiều phụ huynh quan tâm khi chọn phương pháp giáo dục và chọn trường cho con. Montessori được đánh giá đem lại hiệu quả cao dành cho các bé trước độ tuổi tiểu học (dưới 6 tuổi). Vậy, phương pháp Montessori là gì, có gì mới, vượt trội hơn so với phương pháp giáo dục truyền thống và những phương pháp giáo dục khác? Cùng Làm mẹ - Eva.vn tìm hiểu về phương pháp giáo dục sớm này. |
Phương pháp giáo dục Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục người Ý - Maria Montessori.
Phương pháp giáo dục Montessori cho phép trẻ tự do lựa chọn hoạt động cho mình. (Ảnh minh họa)
Montessori cho rằng nếu trẻ em được tự do chọn lựa và hoạt động trong một môi trường dành riêng cho trẻ, phù hợp với khả năng và giai đoạn phát triển, các em sẽ phát huy tối đa tiềm năng sẵn có của mình.
Phương pháp này dựa vào đặc điểm tâm lý trẻ dưới 6 tuổi:
• Khuynh hướng thích gần gũi với thiên nhiên
• Tính trật tự
• Thích khám phá
• Hoạt động có mục đích
• Thao tác với môi trường xung quanh
• Tính lặp lại
• Tính trừu tượng
• Tính hoàn hảo
• Trí tuệ toán học
Montessori chia sự phát triển của con người ra làm bốn giai đoạn. Mỗi giai đoạn có những đặc trưng riêng với phương pháp giáo dục khác biệt. Trong đó, Montessori chú trọng nghiên cứu giáo dục sớm cho bé dưới 6 tuổi và trong độ tuổi tiểu học.
Montessori chú trọng nghiên cứu giáo dục sớm cho bé dưới 6 tuổi và trong độ tuổi tiểu học. (Ảnh minh họa)
Trong lớp học Montessori, trẻ em sáng tạo trong quá trình học tập. Ở lớp học, các giáo viên đưa ra các hoạt động phù hợp với lứa tuổi để hướng dẫn trẻ. Trẻ làm việc theo nhóm và cá nhân để khám phá kiến thức và thế giới, phát triển tiềm năng tối đa. Trẻ sẽ dựa trên kinh nghiệm thực tiễn để thu thập hiểu biết về ngôn ngữ, toán học, khoa học, âm nhạc, tương tác xã hội,...
- Trẻ sơ sinh đến 6 tuổi
Giai đoạn này là đối tượng nghiên cứu chính của Montessori. Bé sơ sinh đến 6 tuổi học tập và khám phá thế giới xung quanh bằng các giác quan nhạy bén của mình. Trẻ tiếp thu thế giới xung quanh giống như miếng bọt biển hút nước. Trẻ được 6 tuổi, khả năng học tập này giảm dần.
- Trẻ từ 6-12 tuổi
Theo Montessori, thời điểm này trẻ bắt đầu xuất hiện “khuynh hướng tập thể”: Xu hướng làm việc và giao tiếp theo nhóm. Trong giai đoạn này, trẻ hình thành nên tính tự lập, khôn khéo, có tính tổ chức xã hội và dễ dàng tiếp thu các bài học đạo đức.
+ Vận động: từ 0 – 7 tuổi
+ Các dạng toán học: từ 0-3,5 tuổi và 4-7 tuổi
+ kiểm soát cảm xúc: 0-2,5 tuổi
+ Tính trật tự: từ 6 tháng- 3,5 tuổi
+ Thích những đồ vật nhỏ: từ 1 -3,5 tuổi
+ Từ vựng: từ 1 -3,5 tuổi
+ Các giác quan: từ 2,5 -6,5 tuổi
+ Hình dạng chữ cái và âm thanh: từ 2,5 -5 tuổi
+ Âm nhạc: từ 3-7 tuổi
+ Viết: từ 4,5-7 tuổi
+ Đọc: từ 5-7 tuổi
Ưu điểm
- Phát triển năng lực dựa trên bộ giáo cụ thực tiễn
Montessori phát triển bộ giáo cụ để phát triển năm lĩnh vực: giác quan, kỹ năng cuộc sống, ngôn ngữ, toán, địa lý và văn hóa. Bộ giáo cụ này bao gồm 134 trò chơi khác nhau dành cho trẻ. Các trò chơi này được thiết kế để trẻ tự chơi và tự kiểm chứng kết quả công việc của.
- Tính tự lập
Montessori cho rằng nếu trẻ không được làm cái gì, chúng sẽ không biết làm cái ấy. Tại sao trẻ không được tập dọn đồ ăn cho bản thân mình chỉ vì nỗi sợ của người lớn là chúng sẽ đánh đổ bát đĩa? Montessori khuyến khích giáo viên và bố mẹ tạo cơ hội cho trẻ được làm mọi thứ trong khả năng.
- Khả năng tập trung
Các trò chơi và dụng cụ cho trẻ đều có mục đích và đều rèn sự tập trung cao độ, ví dụ như trò xúc hạt, trò xâu hạt, rót nước, xếp tháp… Trẻ bị cuốn hút vào các trò chơi, và tập trung vào trò chơi đó một cách tự nhiên không gượng ép, từ đó hình thành dần sự tập trung cao độ.
- Trẻ phát triển não phải thông qua 5 giác quan
Khi chơi trẻ phải dùng cả 5 giác quan. Trong giai đoạn vàng, trẻ nhận được càng nhiều kích thích lên não bộ thì não càng phát triển, từ đó trẻ càng thông minh, lanh lợi, hiểu chuyện, sớm phát triển sự tinh tế và óc thẩm mỹ.
Ví dụ như chuyện nghịch nước của trẻ có thể biến thành bài học rót nước trong Montessori. Trẻ vừa được chơi nước, vừa luyện cách cầm bình (cầm nắm), luyện lực cổ tay (nhấc bình lên rót nước vào bình còn lại), và sự chỉnh chu, ngăn nắp (chơi xong lau nước vãi, cất đồ về chỗ cũ). Tất cả những kích thích đó đều tác động lên não trẻ.
- Phát triển não trái bằng những bài học tư duy
Những bài học của Montessori có nhiều bài áp dụng phương pháp thử và sai. Trẻ nhìn bố mẹ làm một lần rồi tự làm, sai thì thử kiểu khác, làm tới đúng thì thôi. Bố mẹ chỉ gợi ý, không làm cho trẻ, không cầm tay chỉ việc. Qua những lần thử và sai đó, trẻ tự rút ra được kinh nghiệm, quy luật của trò chơi, bản chất của vấn đề, từ đó phát triển não trái của trẻ.
- Trẻ hiểu bản chất vấn đề chứ không học vẹt
Trẻ sẽ được làm quen dần các khái niệm từ số đếm đến số học từ giáo cụ. Sau nhiều lần chơi với giáo cụ trẻ sẽ tự rút ra bản chất và quy luật của số, phép tính, … Trẻ học một cách tự nhiên, tự khám phá nên chúng rất thích và say mê.
- Rèn tính cách
Mỗi bài học Montessori cần theo đúng các bước vạch sẵn, chơi xong xếp giáo cụ về đúng vị trí và lau dọn, làm một lần chưa được thì hai lần, ba lần, n lần. Phương pháp thử và sai (bé tự làm, sai làm lại, bố mẹ không tác động) giúp trẻ kiên nhẫn và kìm chế.
Nhược điểm
- Không đề cao giao tiếp
Với trẻ khả năng giao tiếp là một yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển. Trẻ nào cũng cần được chơi và thích chơi với các bạn. Nhưng các bài tập Montessori thường chú trọng vào cá nhân trẻ mà ít có yếu tố tương tác nhóm trẻ với nhau.
- Không chú trọng phát huy trí tưởng tượng
Các bài học của Montessori đều chơi qua giáo cụ nên trẻ ít phát huy được trí tưởng tượng. Vì vậy ngoài việc áp dụng Montessori cần bổ sung thêm các hoạt động làm phong phú cho trí tưởng tượng.
>> XEM TIẾP: Phương pháp dạy con ngoan học giỏi bằng cách kích thích trí thông minh sớm cho trẻ
Mời quý độc giả đón đọc Phần 2: Sự khác biệt giữa phương pháp Montessori và phương pháp giáo dục truyền thống vào 00h06 ngày 9/12 trên chuyên mục Làm mẹ. |