Theo chị Ngoan, điều quan trọng trong dạy Montessori ở nhà là không cần quá dựa vào giáo cụ mà "nhà có gì hãy dùng cái đó".
Phương pháp giáo dục Montessori mới du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây nhưng ngày càng phát triển mạnh. Phương pháp này hiện được nhiều phụ huynh quan tâm khi chọn phương pháp giáo dục và chọn trường cho con. Montessori được đánh giá đem lại hiệu quả cao dành cho các bé trước độ tuổi tiểu học (dưới 6 tuổi). Vậy, phương pháp Montessori là gì, có gì mới, vượt trội hơn so với phương pháp giáo dục truyền thống và những phương pháp giáo dục khác? Cùng Làm mẹ tìm hiểu về phương pháp giáo dục sớm này. |
Kỳ trước: 6 hoạt động Montessori đơn giản cha mẹ nào cũng có thể dạy con tại nhà
Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình là điều rất quan trọng khi dạy Montessori cho trẻ, điều này sẽ giúp bé có thể phát huy hết khả năng nội tại của mình.
Ở bài trước, chúng tôi đã giới thiệu đến các bậc phụ huynh chi tiết 6 hoạt động Montessori đơn giản mà trẻ có thể học tại nhà. Để biết thực tế, những hoạt động này nói riêng và phương pháp Montessori được thực hiện như thế nào, hiệu quả ra sao, có thực sự phù hợp với trẻ hay không, mời quý độc giả theo dõi những chia sẻ, kinh nghiệm dưới đây của chị Đỗ Thị Ngoan (Hà Nội).
Chị Ngoan là một giáo viên có 3 năm kinh nghiệm dạy Montessori và cũng có con nhỏ 5,5 tuổi. Chính vì hiểu hết được những lợi ích mà phương pháp giáo dục Montessori đem đến, chị Ngoan đã áp dụng những kiến thức của mình để dạy Montessori ở nhà song song với việc cho con học trên lớp.
Chị Đỗ Thị Ngoan và con trai.
Không cần giáo cụ như trên lớp, chị dùng tất cả đồ đạc trong nhà có thể sử dụng để dạy con hiểu. Theo chị Ngoan, điều quan trọng khi dạy Montessori ở nhà cho con chính là dạy con những kỹ năng để con phát triển vận động tinh, từ đó giúp phát triển não bộ.
"Là một giáo viên Montessori, hiểu bản chất bài học và hiểu được tính logic trong phương pháp, mình đã áp dụng dạy con các kiến thức cơ bản dựa vào những vật dụng sẵn có trong nhà là chủ yếu. Bời vì giáo cụ Montessori vừa đắt, lại rất nhiều, mình không thể mua đủ để về dạy con được, với lại không gian để giáo cụ cần rộng.
Sách cũng là một vật dụng khá hay để dạy con. Ngay từ khi mang thai mình đã áp dụng các biện pháp thai giáo, trò chuyện, đọc sách cho con từ trong bụng và đến bây giờ mình vẫn duy trì thói quen đọc sách mỗi tối trước khi đi ngủ cho con. Đồng thời, mình còn duy trì mỗi tháng cho con đi hiệu sách một lần để con chọn sách yêu thích. Bên cạnh đó, mình sẽ mua những quyển sách theo chủ đích dạy con và tặng con”, chị Ngoan chia sẻ.
Dưới đây, chị Ngoan sẽ chia sẻ kinh nghiệm dạy 5 lĩnh vực trong Montessori ở nhà cho con tới các bậc phụ huynh:
- Toán học:
Mình dạy con học từ lượng đến số. Khi học lượng, mình dùng các đồ dùng như thìa, bát hay đồ chơi để con học và đếm, còn về số sẽ dạy con học thuộc thông qua các hoạt động chơi hay làm những quyển sách đa dạng để thực hành.
Những bài như phép tính cộng, trừ, nhân, chia, mình cũng đơn giản hoá và tự làm một số loại đồ dùng để dạy con giúp con hiểu được bản chất phép tính thông qua các hoạt động đố vui, tổ chức các trò chơi.
Con chưa làm được bố mẹ từ từ hỗ trợ, tạo kỹ năng cho con rồi dần dần rời đi. Dạy Montessori ở nhà phải có sự đồng hành của bố, mẹ và cả những người xung quanh.
Đỗ Thị Ngoan - Eva.vn
”Với những phép tính mình thường dạy con thông qua các câu đố vui kết hợp sử dụng các đồ chơi sẵn có để con thực hành.
Ví dụ: Mẹ đi chợ mua được 3 con cá đồ chơi, về nhà mẹ chia đều cho ba chị em. Hỏi mỗi bạn được mấy con?
Những lần đầu chơi mình thường chuẩn bị cho con đồ dùng kèm theo để con dễ dàng thực hiện, sau đó dần dần cho con tự tư duy và cho kết quả.
Sau mỗi lần chơi mình luôn nhấn mạnh phép chia là phải công bằng, cũng tương tự như các phép cộng, trừ và nhân.
Con hiểu được vấn đề, bản chất nên con thực hiện các phép tính trong phạm vi 10 một cách khá thuần thục, và thậm chí lớn hơn.
Trong toán có bài học số 0 và chẵn lẻ tương đối khó dạy. Ví dụ, bài học số 0, mình chuẩn bị 10 hộp và một ít đỗ đen có sẵn trong nhà, mỗi hộp dán từ 0-10. Sau khi con bỏ đỗ vào từng hộp theo số lượng được dán. Còn hộp số 0, mình cầm lên với vẻ mặt ngạc nhiên, dùng hai tay bốc ở trong hay dốc ngược hộp xuống làm sao để con nói ra được “số 0 là không có gì". Từ đó, con hiểu số 0 có nghĩa là không có gì.
Bài chẵn lẻ, mình cũng cho con chơi xếp các khối gỗ nhỏ hay những hạt lạc theo lượng và theo hàng giống như cách dạy trong Montessori, sau đó dùng bút kẻ, dùng ngôn ngữ hình thể để diễn đạt.
Trong đó, những hàng có lượng là 1-3-5-7-9 dùng bút kẻ thì bị chặn một hạt ở giữa không kẻ qua được và gọi những số đó là số lẻ, còn những số dùng bút kẻ được là số chẵn. Khi con hoạt động, con sẽ hiểu vấn đề không chỉ có 2-4-6-8 mà còn rất nhiều số khác là số chẵn.
Con trai và 2 cháu nhà chị Ngoan tự khám phá qua sách.
- Văn hóa khoa học:
Ở nhà không thể mua giáo cụ như ở trên lớp mình dùng quả địa cầu dạy và giải thích cho con về các châu lục, đại dương, làm những thí nghiệm đơn giản cho con hiểu về không khí và chứng minh cho con biết sự tồn tại của không khí. Ví dụ, dạy con về lục địa, mình sẽ giải thích đó là vùng đất liền có các quốc gia như Việt Nam, có nhà cửa, cây cối,… còn đại dương là biển.
Để con hiểu được “lục địa”, “đại dương”, mình phải mất nửa tháng trời. Duy trì cách dạy đến đâu chắc đến đó, giúp con hiểu và kích thích con.
Cuối tuần, mình cho con ra ngoài trời chơi khám phá tìm hiểu môi trường xung quanh con về cây cối, các loại mây... Mỗi khi dạy con, mình thường hỏi “Còn điều gì con chưa hiểu không?” hay “Có điều gì con muốn hỏi mẹ không?". Con sẽ cởi mở hơn.
- Thực hành cuộc sống:
Quá trình rèn nề nếp không phải đơn giản, bố mẹ phải kiên trì và trải qua 4 giai đoạn của trẻ: không chấp nhận – đấu tranh – dần dần chấp nhận - chấp nhận.
Đỗ Thị Ngoan - Eva.vn
”Đây là lĩnh vực nhằm phát triển vận động tinh, khả năng vận động khéo léo của đôi bàn tay, các kỹ năng thực hành cuộc sống hàng ngày: như cầm bình rót, xúc, nhón...
Mình hiểu được bản chất từng bài học nên không nhất thiết cần phải có giáo cụ trên lớp, mà dạy con bằng chính dụng cụ ở nhà.
Tuy nhiên, bố mẹ phải chấp nhận những giai đoạn như vương, vãi, đổ để sau đó, con sẽ biết cách làm đúng, đừng la hét hay làm hộ con.
Thực hành cuộc sống có những bài như xúc hạt, hay phân loại, bố mẹ đều có thể dạy con với những đồ dùng sẵn có trong nhà. Bố mẹ hướng dẫn con không nên nói và giải thích trong khi làm để con có thể tập trung hơn vào cách thực hiện.
Ngoài ra, lĩnh vực này còn có bài tập khung vải, cài cúc, kéo khóa, thắt dây lưng, buộc dây giầy. Mình thường tận dụng những áo, giầy ở nhà. Sau đó tạo hứng thú cho con tham gia các hoạt động cài cúc áo hay khoá lại những cái áo chưa được khoá,...
Khi con được làm những điều này con sẽ cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Những điều này bố mẹ có thể làm hàng ngày với con. Điều đó cũng tạo cho một thói quen gọn gàng, sạch sẽ ngăn nắp với đồ dùng cá nhân của mình.
Thông qua những hình ảnh, các bé có thể tự kể câu chuyện theo tưởng tượng của mình. Ngoài ra, các bé còn tự rửa bát, giặt quần áo nhỏ, gấp quần áo.
- Cảm quan:
Nhìn (thị giác): Bố mẹ khi chơi với con hãy thường xuyên đưa ra các câu hỏi như: “Con nhìn thấy gì?”, “Con thấy nó như thế nào?".... để kích thích khả năng quan sát của con hơn.
Nghe (thính giác): Cho con nghe những âm thanh khác nhau và cho con đoán tiếng động xung quanh hay cảm nhận có thể bằng đồ vật trong nhà hoặc nghe qua băng, đĩa. Nếu con nhỏ tuổi, bạn nên tích cực cho con nghe nhạc.
Nếm (vị giác): Hãy hỏi con sau khi ăn mỗi món. Ví dụ: bài vị cay có nhiều mức độ, có thể để con thử tương ớt chẳng hạn, vị ngọt của đường hay một loại hoa quả nào đó, vị mặn của muối, vị chát....
Ngửi (khứu giác): Cho con cảm nhận qua những mùi hương thường ngày.
Sờ (xúc giác): Cho con chơi với nhiều đồ chơi có nhiều chất liệu khác nhau, và đưa ra những câu hỏi cảm nhận của con như thể nào khi sờ vào đồ vật đó.
Ở nhà, chị Ngoan cũng luôn đặt những đồ trong phòng con phù hợp tầm với.
- Ngôn ngữ:
Ở nhà, mình dạy con học 29 chữ cái qua các trò chơi khác nhau, qua bài học ba bước trong Montessori và nhiều hình thức thực hành cho con làm như: Tìm chữ, đố chữ, vẽ chữ theo cách của con...
Một hoạt động mà trẻ rất là thích đó là tìm nhiều vật có âm đầu là C. Mình cho vào 1 túi và dán chữ C ở ngoài. Sau đó cho con chơi, phát âm theo tên của vật khi nhìn vào gương, tìm những vật trong nhà có âm đầu giống với chữ được dán ở ngoài túi. Chữ cái khác lại đổi sang một trò chơi khác để con không nhàm chán.
Với những bạn nhỏ tuổi 0-3, bố mẹ có thể cho con ghép vật thật vào đúng tranh hình ảnh của đồ vật đó hay các con vật, khuyến khích và dạy con cách phát âm. Những cái này rất dễ làm mà chi phí hợp lý.
Đối với mình, dạy trẻ là phải dạy thường xuyên, thông qua hoạt động vui chơi, trò chuyện, trải nghiệm,... Đặc biệt, học chữ cái thông qua hoạt động vui chơi giúp con rất dễ nhớ.
Ngoài việc dạy con, mình cũng dành nhiều thời gian để quan sát con làm việc, vui chơi và luôn lắng nghe con... để hiểu con hơn, biết được con đang mong muốn điều gì hay đang gặp khó khăn gì? Luôn đồng hành và trưởng thành mỗi ngày cùng với con.
Chị thường dạy con kỹ năng mềm, giơ tay khi phát biểu, thưa gửi và cảm ơn.
- Bố mẹ mua giáo cụ không hiểu bản chất, không biết cách dạy không nên dạy con vì điều đó sẽ làm cho trẻ bị hiểu sai bản chất của giáo cụ đó đem lại cho con.
- Bố mẹ có thể dạy con đạo đức, dạy kỹ năng hàng ngày như giao tiếp, giáo dục lễ giáo. Nếu bố mẹ có thời gian buổi tối hãy chơi cùng con, kể chuyện cho con nghe.
- Ở lứa tuổi 0-3, bố mẹ nên nói chuyện nhiều với con, nói rõ ràng, đủ câu để con học và bắt chước bố mẹ. Nên duy trì thói quen đọc sách cho con, hỏi những câu hỏi dễ, phù hợp với con, kích thích con trả lời.
- Bố mẹ hãy kiên trì dạy con, không nên nóng vội, thúc giục con.
- Thứ 7, chủ nhật, bố mẹ có thể cho con ra ngoài chơi, khám phá thiên nhiên bên ngoài, vận động.
Mời độc giả gửi những video ngộ nghĩnh của các bé trong độ từ 0-10 tuổi kèm thông tin cơ bản về hòm mail: lamme@eva.vn. Ban biên tập sẽ lựa chọn những bức ảnh/clip ngộ nghĩnh nhất để chia sẻ trên chuyên mục Làm mẹ. |