Lẫy là mốc phát triển quan trọng của trẻ, do đó các mẹ nên chú ý để giúp con vượt qua tốt giai đoạn này.
Lẫy là một kỹ năng đặc biệt quan trọng bởi đây là bước đầu tiên giúp bé có thể tự mình dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác. Một số bé biết lẫy khi mới 3 tháng tuổi, số khác trễ hơn vào 4-5 tháng tuổi và các bé sinh non có thể biết lẫy muộn hơn hẳn. Tuy nhiên, cũng có một số bé bỏ qua luôn giai đoạn này để chuyển sang biết ngồi, biết bò.
Bé biết lẫy không chỉ giúp tăng vận động tự lập mà còn hỗ trợ cho bé học ngồi, đứng về sau. Đây là điều rất có lợi cho quá trình phát triển của con, vì lúc này, bé sẽ có thể nhìn mọi thứ xung quanh theo một cách hoàn toàn mới, tầm nhìn được mở rộng hơn, có khả năng quan sát môi trường xung quanh với nhiều góc độ khác nhau.
Không những vậy, quá trình lẫy sẽ giúp tránh được chứng bẹp đầu, vì khi bé nằm quá nhiều, chứng bẹp đầu là điều khó tránh khỏi. Do đó, các mẹ cần lưu ý để nhận biết thời điểm trẻ tập lẫy và có cách dạy con lẫy đúng cách và hiệu quả.
Dấu hiệu nhận biết bé có thể tập lẫy
Dấu hiệu 1: Khi mẹ đặt bé nằm sấp, bé đã có thể tự nhấc đầu dậy và có thể chống tay để nâng đỡ phần đầu và ngực hướng lên trên. Điều này cho thấy cơ ngực và cơ lưng của bé đã cứng cáp và có khả năng chịu lực.
Dấu hiệu 2: Khi bé nằm ngửa, hai chân có thể hướng lên phía trước hoặc thường xuyên nhấc bàn chân lên để đung đưa qua lại.
Dấu hiệu 3: Bé rất thích nằm nghiêng, bởi lúc này trong não bé bé đã hình thành ý thức về việc lẫy
Dấu hiệu 4: Khi đặt bé nằm sấp, bé có động tác bơi bằng hai tay
Dấu hiệu 5: Khi bé nhìn thấy một đồ vật ở gần, bé có thể dịch chuyển người tiến gần lại đó
Các mẹ nên chú ý để nắm bắt rõ thời điểm con bắt đầu có thể tập lẫy để giúp bé lẫy đúng cách (Ảnh minh họa)
Những lưu ý khi cho trẻ tập lẫy
- Để giúp các trẻ tập lẫy đúng với độ tuổi quy định, các mẹ nên thường xuyên cho con tập dần các bài tập phát triển cơ bằng cách cho con thực hiện tummy times (mẹ nên cho bé nằm sấp mỗi ngày). Bài tập này rất quan trọng bởi vì nó giúp cho bé yêu phát triển các cơ xương cổ, cơ xương đầu và xương sống. Ngoài cách này ra, mẹ có thể ôm bé ngang hông của mình, để mặt của bé hướng lên trên.
- Mỗi bé đều có thời điểm lẫy khác nhau, bởi sẽ có nhiều yếu tố tác động riêng biệt đến khả năng của từng bé như: cân nặng, tính cách, sức khỏe. Do đó khi thấy con chưa biết lẫy sớm, các mẹ cũng không nên quá hoảng loạn. Tuy nhiên, khi con được 3 tháng tuổi trở đi, mẹ tuyệt đối không nên để bé nằm một mình trên giường, trên ghế sofa hoặc những nơi cao. Mẹ nên biết rằng chỉ cần một một cú lẫy bất ngờ của con lúc này có thể gây ra tại nạn rất lớn. Sau khi bé biết lẫy, cha mẹ cũng hết sức lưu ý đến điều này, hạn chế tối đa việc để bé một mình mà không có người lớn bên cạnh.
- Khi trẻ bắt đầu tập lẫy, các mẹ không nên cho con tập trong thời gian dài, mỗi ngày mẹ nên dành khoảng 20 phút cho bé tập lẫy, chia nhỏ thành nhiều lần tập trong ngày và mỗi lần chỉ nên cho bé tập khoảng 2 – 3 phút.
- Khi trẻ vừa ăn no xong, mẹ không nên cho trẻ tập lẫy, việc nãy có thể ảnh hưởng đến dạ dày của bé. Hơn thế nữa, khi mẹ nhận thấy bé có dấu hiệu không thoải mái hoặc đang mệt mỏi, quấy khóc mẹ cũng không nên Không nên cho bé tập lẫy, nếu không bé sẽ hình thành tâm lý phản kháng lại việc tập lẫy và không tỏ ra hợp tác với mẹ. Mẹ nên để bé thấy học lẫy là một hoạt động vui vẻ, chớ vội vàng và ép buộc bé khi con không thích.
- Mẹ có thể khuyến khích bé học lẫy thông qua trò chơi. Sau khi bé đã biết lẫy và vươn tay về phía đồ vật mình muốn, mẹ có thể đặt đồ chơi ở cách xa bé một chút để bé có ý thức phải lăn lại gần với đồ chơi. Đây là cách hữu hiệu để giúp bé lẫy thành thạo và biết trườn nhanh hơn.
- Mẹ cũng có thể nằm nghiêng về một bên và quan sát bé lật người để đến gần mẹ hơn. Hãy vỗ tay, mỉm cười khen ngợi những cố gắng của con.
- Khi trẻ tập lẫy, mẹ nên để bé nằm trên sàn nhà có không gian rộng rãi và thoải mái. Không nên để bé tập lẫy trên giường cao, tránh trường hợp người lớn không để ý khiến con ngã.