Tôi chưa từng nghĩ sẽ dạy con gái 5 tuổi về tiền, cho đến khi gặp Sarah trong một lần đi siêu thị.
Một trong những bài học đặc biệt quan trọng mà rất ít mẹ Việt dạy cho con đó là bài học vỡ lòng về tiền: cách chi tiêu và tiết kiệm tiền. Từ trước đến nay, chúng ta luôn quan niệm rằng tiền là vấn đề của người lớn và rất ít chị em có ý định nói với con về vấn đề này.
Chúng ta không biết rằng, bằng phương pháp truyền đạt phù hợp, mẹ sẽ giúp bé rèn luyện và hình thành thói quen chi tiêu hợp lý. Điều này không chỉ giúp cho cuộc sống của bé sau này mà còn làm cho bé hiểu bố mẹ đã và đang phải kiếm tiền vất vả thế nào.
Là một bà mẹ của đứa con gái 5 tuổi, tôi cũng chưa từng nghĩ tiền có trong danh mục các bài học “về thế giới người lớn” đầu tiên mà tôi dạy cho con. Tuy nhiên, sau một lần dắt con đi siêu thị, một cuộc gặp gỡ tình cờ đã làm tôi thay đổi hoàn toàn.
Hôm ấy, nhân dịp nghỉ cuối tuần, tôi dắt con gái đi mua sắm tại một siêu thị nhỏ bán đồ nhập khẩu gần nhà. Hầu như siêu thị này chỉ có người nước ngoài mua sắm. Hai mẹ con đang mải mê xem đồ thì bỗng tôi để ý thấy một cảnh tượng thú vị: Một bà mẹ Tây cùng cô con gái khoảng 6,7 tuổi đang ngồi xụp xuống đất nhẩm đếm rất nhiều tiền lẻ đựng trong một lọ thủy tinh nhỏ. Như nhận ra ánh mắt tò mò của tôi, chị quay ra cười và chúng tôi trở thành bạn với nhau từ đó.
Sau này, càng tiếp xúc nhiều với Sarah, tôi càng nhận ra được những phương pháp dạy con rất độc đáo của bà mẹ trẻ người Mỹ này. Sarah kể với tôi về chuyến thực hành của bài học “Những chiếc lọ thủy tinh” mà chị dạy con, về những cách chị dạy con cách quản lý chi tiêu ngay từ khi còn là một đứa bé.
Bài học 5 bước dạy con tiêu tiền tôi học được của Sarah là những điều tâm đắc tôi muốn chia sẻ lại cho các bà mẹ Việt.
Bước 1: Giới thiệu với con về hệ thống những chiếc lọ
Đầu tiên, chị chuẩn bị 4 chiếc lọ thủy tinh nhỏ và đưa cho bé. Trên mỗi lọ dán nhãn một mục đích mà chị muốn Lana, con gái chị học. 4 chiếc nhãn đó là các từ “tiêu”, “để dành”, “cho” và “đầu tư”. Bé sẽ dùng 4 chiếc lọ để đựng tiền mẹ cho.
Sarah đưa con 4 chiếc lọ dán nhãn 4 mục đích chị muốn dạy con (ảnh minh họa)
Lọ “tiêu”: tiền có thể được tiêu tùy ý bé
Lọ “để dành”: tiền bé tiết kiệm cho một mục đích cụ thể
Lọ “cho”: tiền bé dùng để cho người có hoàn cảnh khó khăn
Lọ “đầu tư”: đây là tiền để mẹ dạy bé cách đầu tư vào một mục đích nào đó.
Bước 2: Đưa cho con một khoản trợ cấp
Mỗi tuần, Sarah sẽ cho con một khoản tiền nhỏ có thể chia hết cho 4 lọ. Bình thường thì chị cho bé 20 nghìn đồng. Như vậy mỗi lọ sẽ có 5 nghìn. Đây được coi như ngân sách ban đầu của bé Lana. Bằng cách này, bé có thể bắt đầu tự giữ và quản lý số tiền mình có.
Bước 3: Đưa bé đi mua sắm và mang theo với lọ “tiêu”
Khi đưa con đi mua sắm, chị cho phép bé mang theo lọ “tiêu” và để con chọn một thứ mình thích ở cửa hàng. Khi bé định mua thứ gì, hai mẹ con sẽ xem giá và đếm số tiền bé có. Đây cũng là lúc tôi gặp mẹ con Sarah lần đầu khi đang thực hành bài học trong siêu thị.
Thông thường, bé sẽ không bao giờ đủ tiền để mua những món đồ bé muốn. Khi ấy, chị giúp con quyết định xem đâu là món con thích nhất, và đặt ra một kế hoạch tiết kiệm để dành tiền mua món đó. Hôm ấy là một gói kẹo trị giá 50 nghìn đồng. Vậy là từ các tuần sau, bé sẽ để tiền mẹ cho ở lọ “để dành” nhiều hơn. Khi số tiền bé để dành vẫn chưa đủ, chị sẽ giúp bé lấy tiền ở lọ “đầu tư” để “đầu tư” vào một hoạt động gì đó giúp bé kiếm thêm tiền. Lana sau đó đã nghĩ ra việc bán nước chanh cho bố mẹ và hàng xóm để “kinh doanh”!
Bước 4: Giúp con học cách quyết định nên dùng tiền để mua hay để dành
Khi bé tìm thấy một món đồ phù hợp với số tiền mình có, mẹ bé Lana sẽ để bé thoải mái mua, nhưng không quên “cảnh báo” với bé rằng nếu không mua thì bé sẽ để dành được tiền nhanh hơn để mua hộp kẹo kia.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều bé, kể cả bé nhà tôi, khi muốn một thứ gì đó liền đòi mẹ mua bằng được và nếu không thỏa mãn thì tỏ ra cáu kỉnh và giận dỗi. Nhưng nếu mẹ áp dụng cách này, bé sẽ hiểu và tình trạng kia sẽ không bao giờ xả ra nữa.\
Bước 5: Làm mẫu cho bé
Khi đưa con đi mua sắm, Sarah luôn để bé thấy mẹ trả tiền cho người bán và nhận lại tiền thừa như thế nào. Chị cũng giải thích cho bé hiểu rằng bố mẹ phải làm việc chăm chỉ để kiếm tiền mua quần áo, thức ăn và đồ chơi cho con. Khi bé nhìn thấy thực tế bố mẹ cầm tiền tiêu, bé sẽ tiếp thu được bài học một cách hiệu quả.
Không cần phải là những kiến thức quá cao xa, các bé sẽ dễ dàng tiếp thu được bài học của mẹ qua những bước đơn giản. Tôi thầm nể phục Sarah và cảm ơn chị hết lời vì phương pháp quá tuyệt vời mà chị truyền lại cho mình.