Không cần hoa, cũng chẳng cần quà, đối với những người mẹ đang chăm con bệnh tại khoa Ung bướu – BV Nhi Trung ương thì món quà lớn nhất mà họ mong muốn nhận được chính là sức khỏe của con.
Sáng 20/10 tại Khoa Ung bướu – BV Nhi TW vẫn giống như mọi ngày. Ở nơi đây chẳng có hoa, chẳng có quà, cũng chẳng có lấy một lời chúc nhân ngày Phụ nữ Việt Nam. Câu hỏi mà các mẹ vẫn quan tâm hỏi nhau chỉ là “sức khỏe con hôm nay tiến triển thế nào?”, “hôm nay con truyền hóa chất có mệt không?”…
Đối với những người phụ nữ ấy thì những món quà trong ngày 20/10 là thứ gì đó quá xa xỉ và họ chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Bởi họ đang phải từng ngày từng giờ cùng với những đứa con bé bỏng chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, giành giật lấy sự sống.
Với họ, bữa ăn 20.000 đồng hai mẹ con cũng nhường nhau ăn, căn phòng trọ đi thuê trong những tháng ngày chữa bệnh 20.000 – 30.000 đồng/đêm cũng là những thứ đáng lo thì làm sao họ dám nghĩ tới những món quà xa xỉ kia.
Mẹ già 51 tuổi ngược xuôi chăm con ung thư
Nhìn người phụ nữ với dáng hình gầy gò, ốm yếu và khuôn mặt già nua ấy ai cũng sẽ nghĩ rằng cô đi chăm cháu trong viện chứ không phải chăm con. 51 tuổi, cái tuổi đáng lẽ ra người ta cũng ổn định cuộc sống, vui vầy với con cái thì cô Phan Thị Nghinh (huyện Nam Trực – tỉnh Nam Định) vẫn ngày đêm ngược xuôi trong viện chăm đứa con đang bị ung thư.
Cô bảo, cuộc đời mình tưởng chừng không tránh khỏi cảnh “chăn đơn, gối chiếc”. Nhưng đến năm 31 tuổi, nhờ mai mối, cô đã có được một “tấm chồng”, đó là chú Đoàn Văn Hưng. Nhưng mãi tới 7 năm sau, cô với chú mới có được một đứa con đầu lòng đặt tên là Đoàn Văn Hiệp.
Mẹ chẳng mong đến ngày 20/10, chỉ mong chờ ngày con được khỏe mạnh xuất viện.
Chồng bản tính vốn chậm chạp, thần kinh không ổn định nên mọi gánh nặng trong gia đình đổ dồn lên vai người phụ nữ ấy. cuộc sống lại càng trở nên khó khăn hơn khi năm 14 tuổi, Hiệp được các bác sĩ chẩn đoán bị u viêm bào thần kinh ổ bụng.
Kể từ ngày con nằm viện để chống trọi với căn bệnh ung thư quái ác cũng là ngày những vật dụng có giá trị trong nhà cứ lần lượt ra đi. Đến cả ngôi nhà để chui ra chui vào những khi nắng mưa cô cũng cầm cố cho người ta.
Khi được hỏi cô có mong ước gì trong ngày 20/10, cô thoáng chút giật mình. “Hóa ra hôm nay là 20/10 à, suốt bao năm nay tôi có biết đến đó là ngày gì đâu. Người mẹ già như tôi có mong ước gì đâu ngoài việc con được khỏe mạnh trở về”…nước mắt người mẹ ấy lăn dài khi nghĩ tới chặng đường dài vô tận cùng con chống chọi với căn bệnh ung thư.
Muốn cùng con trở về đoàn tụ với gia đình
Còn đối với người mẹ trẻ Trần Thị Minh (SN 1988, trú tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) thì 20/10 ước mong của chị chỉ là sức khỏe của con sớm hồi phục để được về đoàn tụ cùng với gia đình.
Chị bảo, trước kia, khi con chưa bị bệnh, vào những dịp lễ, cả gia đình cũng thường quây quần bên nhau, tổ chức một bữa ăn nho nhỏ. Nhưng 20/10 năm nay, điều đó có lẽ sẽ chẳng thể thực hiện được bởi vì cô con gái mới chỉ 2 tuổi của chị đang từng ngày từng giờ trong viện chống chọi lại với căn bệnh ung thư máu.
Con còn quá nhỏ, chị phải ở lại trong viện chăm con. Mọi gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai người chồng. Vậy là, mọi chi phí trong gia đình đều phải cắt giảm một cách đáng kể.
Khi những người phụ nữ khác đang hân hoan trong niềm vui của ngày 20/10 thì nước mắt mẹ lại rơi khi nghĩ đến con.
Bé con ơi!Hãy mau khỏe lại để nước mắt mẹ đừng rơi thêm nữa.
Ăn còn chẳng đủ thì lấy đâu ra hoa với quà
Vừa trải qua đợt điều trị hóa chất, bé nhà chị Nguyễn Thị Cúc (36 tuổi, Thanh Sơn – Phú Thọ) trở nên quấy khóc. Chị lại phải rong con dọc hành lang bệnh viện, con khóc vì đau đớn, nước mắt của người mẹ ấy cũng rơi.
Kể từ ngày con nhập viện, chỉ có một thân một mình chị chạy đôn chạy đáo khắp viện để lo cho con. Chị bảo, nhiều khi thấy gia đình người ta có vợ có chồng cùng chăm bẵm con nghĩ cũng tủi thân nhưng cũng đành phải cố gắng. Vì chồng chị phải làm ở dưới quê kiếm tiền chữa bệnh cho con và để chăm 1 cháu nữa.
20/10 đối với chị cũng giống như bao ngày. “Ăn còn chẳng đủ thì làm sao dám nghĩ đến hoa với quà”. Ngày mà người phụ nữ ấy quan tâm chỉ là khi nào đến đợt truyền hóa chất cho con, khi nào con phải đóng viện phí, phải mua thuốc...
Điều mẹ mong muốn nhất chỉ là con của mẹ được khỏe mạnh, phát triển như bao đứa trẻ khác.
Nụ cười của con còn hơn cả những bó hoa, những món quà đắt tiền. Đối với mẹ, chỉ vậy thôi đã đủ hạnh phúc rồi...
Những người phụ nữ ấy, mỗi người một hoàn cảnh nhưng ở họ đều có một điểm chung đó là tấm lòng hi sinh cao cả vì con… Con bệnh, họ chẳng còn dám nghĩ cho mình, mọi sự quan tâm, lo lắng đều dồn vào những đứa con bé nhỏ kia. Hy vọng, sẽ có một phép màu giúp các con sớm khỏe mạnh để các mẹ cũng bớt nhọc nhằn.