2 năm đầu đời nếu trẻ bị 7 đợt tiêu chảy thì đến 7 tuổi sẽ thấp hơn 3,6cm so với các bạn cùng tuổi.
Bậc làm cha mẹ ai cũng mong muốn con mình cao lớn khỏe mạnh. Bên cạnh những yếu tố như di truyền, cách ăn uống, môi trường sống... thì những lí do dưới đây cũng ảnh hưởng khá nhiều đến chiều cao của con bạn
1. Cho con uống nhiều nước uống có ga
Cho con uống nhiều nước uống có ga là một trong những lí do khiến con bị lùn. Các loại nước ngọt có ga được chế biến với hương vị hấp dẫn, khi uống vào có cảm giác thoải mái, dễ chịu nên được xem là đồ uống giải khát yêu thích của các bé. Nhưng theo các chuyên gia, mẹ không nên cho bé uống nhiều nước ngọt có ga.
Việc uống nhiều nước ngọt là nguyên nhân làm tăng quá trình đào thải canxi qua đường nước tiểu. Do đó, lượng nước ngọt trong cơ thể càng nhiều thì nguy cơ trẻ thiếu canxi càng tăng, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển chiều cao.
Khí ga và lượng đường tinh trong các loại nước ngọt có ga sẽ khiến bé có cảm giác no giả trong khi các loại đồ uống này không hề có giá trị cung cấp dinh dưỡng, chính vì vậy trẻ dẫn đến việc biếng ăn. Hơn nữa khi cơ thể không được cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu đồng thời bụng bé lại ngập khí ga và nước làm cho cơ thể bé nặng nề và không muốn vận động. Và chính việc biếng ăn và lười vận động cũng ảnh hưởng phần nào tới chiều cao của trẻ trong tương lai.
2. Mẹ bổ sung quá nhiều canxi
Bổ sung quá nhiều canxi có thể khiến cơ thể trẻ dư thừa và ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao. Việc hấp thụ canxi còn phụ thuộc vào thể trạng của từng trẻ, bởi vậy việc người lớn tìm cách bổ sung canxi cho con sẽ không mấy tác dụng nếu thể trạng của trẻ bị yếu và khó khăn trong việc hấp thị canxi.
Hàng ngày, cơ thể trẻ có thể hấp thụ canxi thông qua các thực phẩm. Tỷ lệ hấp thụ canxi của cơ thể không phải là vô hạn mà nó có mức độ. Chính vì vậy mà việc cung cấp canxi quá nhiều sẽ chỉ dẫn đến dư thừa và lãng phí chứ không hề làm cho xương phát triển tốt.
Để hấp thụ canxi, trẻ phải tiêu thụ vitamin D. Không có vitamin D, cơ thể không thể tạo ra một hormone gọi là calcitriol, trong khi đó hormone này lại góp phần hấp thu canxi. Ngoài việc tắm nắng cho trẻ, vitamin D có thể bổ sung qua đường uống hoặc qua một số loại thực phẩm như sữa, lòng đỏ trứng, cá hồi, nấm, dầu gan cá, pho mát…
Bổ sung quá nhiều canxi có thể khiến cơ thể trẻ dư thừa và ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao (Ảnh minh họa)
3. Lùn vì tiêu chảy, giun sán, rối loạn tiêu hóa
Những bệnh như tiêu chảy, giun sán, rối loạn tiêu hóa ở trẻ nếu không được kịp thời chữa trị cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị lùn. Kết quả điều tra cho thấy, trong khoảng 2 năm đầu đời nếu trẻ bị 7 đợt tiêu chảy thì đến lúc 7 tuổi trẻ sẽ thấp hơn 3,6 cm so với các bạn cùng tuổi không nhiễm bệnh.
Trẻ bị nhiễm giun đường ruột sẽ thấp hơn 4,6cm. Lý giải cho hiện tượng này là do khi bị nhiễm trùng đường ruột trẻ có nguy cơ mất protein qua đường ruột, giảm hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Năng lượng để phát triển chiều cao sẽ bị dùng vào việc chống lại dịch bệnh. Nếu trẻ gặp đồng thời cả hai vấn đề này thì tác hại của chúng đối với chiều cao càng bị ảnh hưởng.
Trẻ rối loạn tiêu hóa sẽ thường gặp các triệu chứng tiêu chảy, táo bón, biếng ăn, nôn trớ, đầy hơi, khó tiêu hay phân sống. Nếu để lâu không chữa trị, thì các bé có thể bị suy dinh dưỡng vì kém hấp thu thức ăn, chậm lớn, hay ốm yếu vì sức đề kháng kém. Điều này cũng ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
4. Thiếu tình thương của mẹ
Theo các nhà nghiên cứu, thiếu tình mẫu tử hay phải sống trong gia đình thường xuyên cãi cọ khiến cho trẻ phải sống trong âm thanh của cuộc cãi vã, không chỉ ảnh hưởng đến tăng chiều cao mà còn có thể khiến trẻ bị mắc bệnh “ức chế cảm xúc”. Ức chế cảm xúc ảnh hưởng đến hệ thống chức năng tuyến yên, làm giảm sự tiết hooc môn tăng trưởng, kết quả là sự tăng chiều cao của trẻ bị thấp hơn một vài cm so với những đứa trẻ bình thường khác.
Hoàn cảnh gia đình cũng liên quan đến giấc ngủ của trẻ (ngủ không ngon giấc, không sâu, dễ bị tỉnh giấc, khi tỉnh giấc lại dễ khóc)... sẽ ảnh hưởng đến sự tiết hóc môn tăng trưởng. Ngoài vóc người thấp bé, trẻ còn phải đối mặt với sự kém phát triển trí tuệ hơn mức bình thường và dễ mắc chứng tự kỷ, hiếu động thái quá, uống nhiều, ăn nhiều, hành vi cũng dễ bị kích động.
5. Dậy thì sớm
Trẻ dậy thì sớm thường có chiều cao vượt trội hơn các bạn cùng trang lứa vào thời gian đầu. Nhưng cũng nhanh chóng chững lại và trở nên thấp hơn bạn bè khi đến tuổi trưởng thành. Khi trẻ bắt đầu dậy thì xương phát triển mạnh nhưng các sụn ở đầu xương cũng nhanh chóng “đóng kín” khi trẻ dậy thì hoàn toàn, khiến trẻ không phát triển thêm được nữa”. Đó là lí do tại sao những đứa trẻ dậy thì muộn lại có chiều cao vượt trội hơn so với trẻ dậy thì sớm.
Khi phát hiện các dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ, phụ huynh nên đưa bé đi khám để có hướng xử lý phù hợp, như dùng hormone tăng trưởng kích thích chiều cao.
6. Cho trẻ ăn quá nhiều thịt bò
Bản thân thịt bò chứa rất ít canxi. Đồng thời, trong thịt bò còn giàu các nguyên tố có tính axit, chủ yếu là phốt pho, lưu huỳnh và clo - nguyên nhân khiến máu có tính axit. Khi trong máu có axit cơ thể phải dùng canxi trong thực phẩm và canxi trong xương để trung hòa, từ đó tăng sự bốc hơi canxi và giảm hấp thụ canxi trong cơ thể.
Hàm lượng protein trong thịt bò, nhất là ở bắp bò rất cao nên nếu trẻ ăn quá nhiều thì sẽ gây phản tác dụng. Cụ thể khi lượng protein tích tụ nhiều trong cơ thể mà không được tiêu hao thì nó sẽ chuyển hóa thành mỡ thừa trong các mạch máu và khớp xương, gây nên áp lực, từ đó tăng khả năng mắc các bệnh về xương khớp.
7. Chỉ ninh xương nấu cháo cho trẻ
Canxi trong canh xương tuyệt đối không dễ bị hòa tan. Sau khi ninh một nồi xương trong nồi áp suất khoảng 2 giờ đồng hồ, chất béo trong tủy xương lần lượt nổi lên, nhưng canxi trong nước xương vẫn rất ít. Vì vậy quan điểm của các mẹ khi cứ cho con ăn nhiều canh xương thì sẽ có đủ canxi là không đúng.
Trên đây là một số lí do khiến trẻ hạn chế chiều cao, các mẹ cần nắm rõ để tránh gây ảnh hưởng tới con. Hãy cố gắng nuôi con một cách khoa học để đem đến cho con một chiều cao lí tưởng.