Đau núm vú, viêm vú, căng tức sữa...là một trong những rắc rối các mẹ thường hay mắc phải trong thời gian đầu cho con bú.
Sữa mẹ là thực phẩm hoàn hảo nhất của tự nhiên dành cho trẻ sơ sinh, làm tăng sức đề kháng, nuôi dưỡng nguồn sinh lực dồi dào mang đến cho con sự khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống. Đặc biệt nó còn là sợi dây vô hình gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng giữa mẹ và bé. Đây là lý do tại sao tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu.
Tuy nhiên, công việc tưởng chừng như đơn giản này cũng có thể khiến cho nhiều bà mẹ phải đau đầu vì các sự cố phát sinh. Với các bà mẹ "mới toanh" khi lần đầu cho con bú chắc hẳn sẽ gặp không ít khó khăn cũng như những lo lắng ban đầu. Dưới đây là những rắc rối khi cho con bú mà các mẹ hay gặp nhất.
1. Đau núm vú
Một trong những khó khăn mà các bà mẹ thường gặp phải khi lần đầu cho con bú đó là hiện tượng đau nhức đầu ti. Vị trí nằm không đúng của trẻ trong lúc bú là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hiện tượng núm vú bị đau. Do đó nếu mẹ vẫn bị đau kéo dài hơn một phút khi cho bé bú, hãy thử kiểm tra tư thế của cả hai mẹ con.
Cách giải quyết: Cố gắng đặt miệng bé đối xứng với núm vú và đảm bảo diện tích vú bé ngậm vào nghiêng hơn về phía dưới. Nếu bé đang bú sai vị trí, đầu tiên hãy đặt ngón trỏ vào miệng bé để từ từ đưa bé ra khỏi núm vú. Giữ cằm bé hoặc chờ tới khi bé ngáp để đưa lại núm vú vào miệng em bé.
Khi bé đã ở đúng tư thế, cằm và mũi bé phải chạm được vào ngực mẹ, và mẹ có thể nhìn thấy núm vú của mình hoặc phần quầng vú phía dưới miệng bé. Nếu trường hợp vị trí bú của bé chuẩn mà mẹ vẫn thấy đau núm vú thì rất có thể núm vú của mẹ bị khô. Lúc này, mẹ nên mặc các loại quần áo rộng và tránh rửa núm vú bằng xà phòng.
2. Núm vú bị nứt
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc núm vú bị nứt như bị nấm, da khô, hút sữa không đúng cách. Trong tuần đầu tiên cho bé bú, núm vú của mẹ có thể bị nứt và chảy máu khi bé chưa bám ti tốt.
Cách giải quyết: Kiểm tra tư thế bú của bé, cần đảm bảo cho bé bú ở tư thế mà mẹ có thể nhìn thấy núm vú của mình hoặc phần quầng vú phía dưới miệng bé. Ngoài ra, mẹ hãy cố gắng cho bé bú thường xuyên trong thời gian ngắn. Khi bé ít đói, lực bú của bé sẽ nhẹ nhàng hơn.
Trước vấn đề này, các mẹ đừng cố gắng điều trị núm vú của mình bằng bất cứ loại hóa chất nào khác như xà phòng, nước rửa, nước hoa... bởi nó sẽ ảnh hưởng đến dòng sữa của mẹ. Mẹ chỉ nên rửa núm vú bằng nước sạch hoặc bôi sữa non rồi để khô tự nhiên. Các mẹ cũng có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen 30 phút trước khi cho bú. Ngoài ra, một cách hữu hiệu nữa là hút sữa ra cho bé bú hoặc dùng miếng dán bảo vệ đầu ngực để tránh tình trạng bé nhay vú gây nứt da.
3. Bị tắc, nghẽn ống dẫn sữa
Đây là một vấn đề phổ biến khác khi các bà mẹ cho trẻ sơ sinh bú. Nguyên nhân có thể là do người mẹ trước đó đã mặc áo nịt ngực quá chật khiến núm vú thụt vào trong hay ngủ nằm sấp,... Dấu hiệu nhận biết vấn đề này là ngực có khối u cứng, đau nhức, thậm chí bị đỏ lên không rõ nguyên nhân. Nếu mẹ bắt đầu bị sốt và đau nhức vùng ngực thì đây chính là dấu hiệu cho thấy hiệu ngực có thể đã bị nhiễm trùng và cần phải đi kiểm tra.
Cách giải quyết: Các mẹ thử sử dụng phương pháp mát xa kích sữa cho bầu ngực hoặc sử dụng máy hút sữa để hút hết lượng sữa thừa. Tắc sữa không gây hại cho bé bởi sữa mẹ có kháng sinh tự nhiên, nhưng những vấn đề nó gây ra có thể khiến mẹ khó chịu trong sinh hoạt thường ngày.
4. Quá nhiều sữa khiến ngực bị căng/tràn sữa
Việc bộ ngực của mẹ thấy bị căng tức và nặng nề trong vài tuần đầu tiên là điều bình thường, nhưng nếu mẹ thấy ngực mình khó chịu hơn sau thời gian đó, đặc biệt, ngực trở nên đau cứng và không thoải mái thì rất có thể mẹ đang bị ứ sữa. Khi mẹ căng sữa sẽ khiến cho ngực bị cứng, gây khó khăn cho việc bám ti của em bé.
Việc bộ ngực của mẹ thấy bị căng tức và nặng nề trong vài tuần đầu tiên là điều bình thường, nhưng nếu mẹ thấy ngực mình khó chịu hơn sau thời gian đó, đặc biệt, ngực trở nên đau cứng và không thoải mái thì rất có thể mẹ đang bị ứ sữa (Ảnh minh họa)
Cách giải quyết: Cho con bú thường xuyên từ 8 đến 12 lần một ngày với cả hai ngực. Mẹ đừng bỏ lần bú nào của con và tiếp tục cho bé bú cả đêm lẫn ngày. Hãy chắc chắn bé được nằm ở vị trí chính xác và được núm vú đúng cách, giúp ngực mẹ tiết hết ra sữa. Ngoài ra, mẹ hãy dùng một chút nước làm mềm núm vú trước khi cho bé bú. Có thể kết hợp mát xa bầu ngực để sữa xuống nhanh và tự nhiên hơn.
5. Viêm vú
Hiện tượng viêm vú cũng là một trong những rắc rối khi cho con bú mà các mẹ hay mắc phải. Đây một bệnh nhiễm trùng có các triệu chứng giống bệnh cúm như sốt, đau ngực. Hiện tượng này thường xảy đến trong vài tuần đầu sau khi sinh hoặc ở các bà mẹ đang trong quá trình cai sữa. Nguyên nhân gây bệnh là do núm vú nứt để lâu hoặc ống dẫn sữa bị tắc hoặc ứ sữa.
Cách giải quyết: Cách hiệu quả nhất để điều trị các bệnh nhiễm trùng là dùng thuốc kháng sinh, chườm nóng và quan trọng nhất là hút hết sữa trữ trong bầu ngực. Mẹ hãy sử dụng các máy hút sữa đến khi vùng màu đỏ ở ngực dịu lại. Bệnh viêm vú không làm ảnh hưởng tới chất lượng sữa mẹ, nên mẹ vẫn có thể tiếp tục cho con bú nếu gặp phải vấn đề này.
6. Bệnh tưa miệng
Bệnh tưa lưỡi ở trẻ bị gây ra do một loại nấm tên là Candida. Dấu hiệu của bệnh nấm Candida ở người mẹ là núm vú đỏ, đau như bị ong châm khi cho trẻ bú, thậm chí khi chạm nhẹ vào cũng gây đau. Khi trẻ bú mẹ, trẻ rất dễ bị nhiễm nấm từ người mẹ và xuất hiện biểu hiện của bệnh tưa lưỡi. Các dấu hiệu khác bao gồm các bạt trắng ở mặt trong của má trong khoang miệng và ở lưỡi.
Cách giải quyết: Các tốt nhất là Ccả mẹ lẫn bé đều cần gặp bác sĩ nếu có dấu hiệu bị bệnh. Bác sĩ sẽ kê đơn cho cả hai mẹ con để kháng nấm trên núm vú và trong miệng bé. Trong thời gian điều trị, tốt nhất mẹ không nên cho bé bú trực tiếp.
Trong thời gian điều trị, tốt nhất mẹ không nên cho bé bú trực tiếp (Ảnh minh họa)
7. Không đủ sữa cho bé bú
Đây là một trong những rắc rối khi cho con bú của nhiều bà mẹ sau khoảng đôi ba tháng cho con bú bởi càng về sau nhu cầu bú sữa của trẻ càng tăng dẫn đến việc mẹ thiếu sữa cho con bú. Vấn đề này liên quan đến chức năng sản sinh sữa của người phụ nữ trong giai đoạn cho con bú, liên quan đến rối loạn nội tiết tố tiết ra từ tuyến yên, do tác dụng phụ của việc uống một loại thuốc nào đó hay do các vấn đề phẫu thuật ngực trước khi có con.
Cách giải quyết: Mẹ hãy mát xa ngực và sử dụng thường xuyên máy hút sữa có thể giúp giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, mẹ nên bổ sung vào khẩu phần ăn của mình những thực phẩm lợi sữa như rau củ màu đỏ, hoa quả khô, yến mạch, móng giò, rau khoai lang...Mẹ cần tránh các thực phẩm sau khi cho con bú: cà phê, socola, bông cải xanh, hoa quả có múi...
8. Bé ngủ khi đang bú sữa mẹ
Trong những tuần đầu tiên sau khi sinh, trẻ thường ngủ rất nhiều. Việc ngủ quên khi đang bú diễn ra rất thường xuyên, nhiều đến nỗi nhiều bà mẹ lo rằng bé chưa bú đủ sữa đã ngủ quên.
Cách giải quyết: Khi bé đang bú, nếu mẹ thấy nhịp bú của bé từ từ chậm lại, mắt khép hờ và dần rời khỏi núm vú, hãy tìm cách làm bé tỉnh táo. Mẹ có thể cù bé, thổi vào má hoặc xoa lưng kết hợp nói chuyện cùng bé, sau đó chuyển bé sang ngực bên kia và cho bé bú tiếp.
9. Tụt đầu ti/ núm vú bị lõm xuống
Mẹ có thể xác định núm vú của mình có bị lõm xuống hay không bằng phương pháp tự kiểm tra đơn giản: dùng ngón cái và ngón trỏ nhẹ nhàng nắm lấy núm vú, nếu núm vú co lại chứ không lồi ra tức là núm vú bị lõm xuống. Vấn đề này không ảnh hưởng đến yếu tố sức khỏe, nhưng nó sẽ làm việc cho con bú khó khăn hơn.
Cách giải quyết: Sử dụng máy hút sữa để sữa chảy ra, sau đó bảo quản một cách cẩn thận và cho trẻ uống dần.
10. Bị đau ngực khi sữa chảy xuống
Ngực phụ nữ vận hành như một cỗ máy, khi cho bé bú, tất cả các bộ phận của ngực đều vươn xuống phía dưới hỗ trợ việc đẩy sữa ra khỏi ngực. Và cũng giống như máy móc, khi phải làm việc quá nhiều, các bộ phận trong ngực có thể bị tổn thương. Một số bà mẹ chỉ cảm thấy lâm râm ngứa ở bầu ngực, trong khi một số khác lại thấy đau nhức khó chịu.
Cách giải quyết: Nếu mẹ chỉ có cảm giác ngứa râm ran khi sữa chảy xuống, hãy thử thư giãn khi cho con bú hoặc hút sữa. Nếu mức độ nghiêm trọng hơn, các mẹ cần kiểm tra các dấu hiệu của viêm ngực, nhiễm trùng vú và các bệnh liên quan. Đôi khi những cơn đau này cũng có nguyên nhân là do ngực mẹ có quá nhiều sữa. Trong trường hợp này, mẹ có thể thử cho bé bú lâu hơn trên một vú và chỉ chuyển sang vú kia khi hết sữa.
Nếu cơ thể mẹ xuất hiện các dấu hiệu nặng hơn như sốt, nhức mỏi, ớn lạnh… thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để giải quyết triệt để vấn đề.