Từng giành nhiều chiến thắng trong các cuộc thi cờ vây cấp quốc tế, chị Hồng Anh tiếp tục được nhiều mẹ bỉm sữa yêu thích khi có những chia sẻ hữu ích khi nuôi và dạy con.
Với những ai yêu thích các môn thể thao chắc chắn không còn xa lạ với cái tên Nguyễn Thị Hồng Anh - nữ kỳ thủ cờ vây xinh đẹp của Việt Nam với 5 lần vô địch quốc gia và từng giành HCĐ tại Sea Games.
Thế nhưng, khi đang trên đà phát triển của sự nghiệp, chị Hồng Anh quyết định dừng lại để tập trung vào một công việc không kém phần khó khăn vất vả nhưng đem lại niềm hạnh phúc ngọt ngào nhất - đó là "làm mẹ".
Gia đình nhỏ của chị Hồng Anh.
Chị Hồng Anh có một cô con gái dễ thương Nguyễn Thảo Nguyên (tên thường gọi là Chelsea) đến nay được gần 3 tuổi. Hiện tại, gia đình chị đang định cư tại thành phố Dubai (các tiểu Vương quốc Ả rập), nhưng chị vẫn thường kết nối với các bà mẹ bỉm sữa Việt cùng nuôi con nhỏ thông qua các kênh mạng xã hội.
Do nữ kỳ thủ cờ vây thường tìm tòi tất cả những thông tin, kiến thức về việc chăm và nuôi dạy trẻ nhỏ nên chị có nền tảng khá tốt, những chia sẻ của chị được rất nhiều các bà mẹ bỉm sữa dành lời khen ngợi.
Phương pháp ăn dặm tốt nhất là phương pháp do con lựa chọn
Chia sẻ về quá trình nuôi con ăn dặm, chị Hồng Anh cho biết: "Mình là một người mẹ không giỏi trong việc nấu ăn, không có khái niệm nấu ăn càng không bao giờ nghĩ mình có thể yêu việc bếp núc. Thế nhưng, kể từ khi có Chelsea, mọi thứ với mình đều thay đổi cả, mình có thể làm tất cả vì tình yêu dành cho con.
Chelsea là một cô bé có cá tính trong cả cách ăn uống, con thích thì ăn, không thích là không ăn và cha mẹ cũng không bao giờ phải ép hay làm trò thì con mới ăn. Ngay từ nhỏ, mình tập cho con thói quen ăn cùng mọi thành viên trong gia đình để con có thể tự lập tốt hơn và cảm nhận được tầm quan trọng của bữa cơm gia đình".
Theo đó, đến tuổi con gái bắt đầu tập ăn dặm, chị Hồng Anh xác định sẽ không có phương pháp ăn dặm nào tốt bằng phương pháp do chính con lựa chọn. Điều quan trọng là chị phải tạo được tâm lý vui vẻ, thoải mái khi ăn cho con.
Vì thế, trong giai đoạn ăn dặm của con, chị Hồng Anh đã phân bổ để thực sự phù hợp với nhu cầu của con:
Từ 6-9 tháng: ăn dặm BLW (phương pháp ăn dặm tự chỉ huy) hoàn toàn
Từ 9-10 tháng: ăn BLW kết hợp ăn sinh tố hoa quả xay nhuyễn
Từ 10-11 tháng: ăn cháo đặc hoặc cơm nhuyễn, sinh tố xay và BLW
Từ 11 tháng trở lên: ăn đa dạng: cháo, soup, cơm, BLW và tập xúc thìa
Từ 12 tháng: tập cho con xúc thìa thành thạo và ăn cơm
Những món ăn dặm BLW ngày đầu chị Hồng Anh chuẩn bị cho Chelsea.
Đừng để biếng ăn sinh lý ở con thành biếng ăn tâm lý
Giống như nhiều em nhỏ khác, Chelsea cũng từng có thời gian gặp tình trạng biếng ăn khiến cho mẹ Hồng Anh phải xoay chuyển nhiều phương pháp để giải tỏa.
"Khi Chelsea xuất hiện dấu hiệu lười ăn, chán ăn, việc đầu tiên mình làm là xác định nguyên nhân để tìm ra cách giải quyết phù hợp. Mình lọc ra 7 nguyên nhân chính:
1. Cấu trúc thức ăn không phù hợp.
2. Món ăn nhàm chán hay lặp đi lặp lại một món nhiều lần (ví dụ cháo, cho dù là cháo thịt hay cháo cá thì nó cũng chỉ là cháo).
3. Sức khỏe: nếu bé mọc răng, sốt, hay không khỏe trong người đương nhiên biếng ăn.
4. Thời tiết: thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh, hay lạnh sang nóng, hay hôm nay bỗng dưng nắng gay gắt hơn mọi ngày cũng làm một đứa trẻ thấy chán ăn.
5. Vì muốn đổi cách ăn (như bé muốn tự xúc hoặc bé muốn được xúc...).
6. Vì cảm xúc bé không được vui vì bản thân người lớn lúc thấy không vui cũng không thích ăn, trẻ con cũng vậy.
7. Không vì lý do gì cả, chỉ đơn giản là rơi vào biếng ăn sinh lý. Lúc đó cơ thể con không muốn ưu tiên ăn mà chỉ muốn chơi".
Chị Hồng Anh xác định đúng nguyên nhân trẻ biếng ăn và có cách xử lý khéo léo, con gái Chelsea bỗng ăn uống ngon miệng và phát triển tốt hơn.
Sau khi nhận thấy bé Chelsea rơi vào tất cả những trường hợp trên đây, trừ điều số 1 vì bé ăn thô ngay từ đầu, chị Hồng Anh bắt đầu giúp con "gỡ rối" cho từng nguyên nhân một. Bên cạnh đó, theo chị "cái cơ bản và cốt lõi nhất mà mình quan tâm và phải thực hiện để giải quyết biếng ăn cho con là:
1. Tạo cho con không khí ăn vui vẻ.
2. Không sử dụng công cụ mua vui cho con chỉ để mục đích ăn.
3. Tư tưởng ăn là cho con, không phải ăn cho mẹ. Nên tôn trọng cảm xúc của con là ăn hay không ăn.
4. Không nên suy nghĩ quá nhiều về chuyện con biếng ăn, không bù đắp bằng việc cho con ăn vặt hay không bù sữa.
5. Chịu khó nấu ngon và hiểu được sở thích của con để đa dạng món ăn.
6. Ăn lạt, không gia vị từ ban đầu là nền tảng để con không kén ăn.
7. Không ép, không la, không mắng, không dùng những từ ngữ tiêu cực lên con mỗi khi con không ăn.
8. Cố gắng ăn cùng con trong mỗi bữa ăn".
Từ trường hợp bản thân gặp phải, với những bà mẹ có con gặp phải tình trạng biếng ăn, chị Hồng Anh đưa ra có lời khuyên: "Đôi khi các mẹ cần cho con khoảng thời gian được đói, tức là phải để con có cơ hội hiểu cơ thể mình khi nào đói khi nào no, đừng hiểu cơ thể con hộ con.
Ví dụ như bé chỉ ăn được nửa bát rồi không ăn nữa vì có thể bé no rồi. Nhưng mẹ không tin, vẫn ráng dụ hay ép con ăn dẫn tới bé bị rối loạn, không biết khi nào mình no và tâm lý biếng ăn xuất hiện nếu bất cứ khi nào mẹ ép con.
Biếng ăn ở trẻ kéo dài, thậm chí biếng ăn bệnh lý nguyên nhân không phải từ bé mà là từ mẹ. Muốn chữa biếng ăn cho con thì đầu tiên người mẹ phải thay đổi tư tưởng, phải tĩnh tâm xem xét, phải sáng suốt khi thực hành nhưng tất cả hãy dựa trên sự tôn trọng con và tôn trọng cảm xúc của con thì mình tin tất cả sẽ thành công, và đứa bé sẽ vượt qua biếng ăn rất nhanh chóng.
Mọi sự biếng ăn đều sẽ qua đi theo giai đoạn. Chỉ duy nhất biếng ăn tâm lý là sẽ kéo dài rất lâu thậm chí tới khi bé lớn lên. Biếng ăn tâm lý đến từ việc bé bị ép, la mắng, dùng những biện pháp tổn thương tinh thần khi ăn.
Và 1 điều nữa là những đứa bé đều rất giỏi, rất ngoan. Nếu con chưa giỏi, chưa ngoan thì đó là do mẹ suy nghĩ và do cách mẹ làm chưa đúng. Nên lúc đó, thay vì chỉnh con, hãy điều chỉnh bản thân mình trước".
Dưới đây là một số thực đơn ăn uống của bé Chelsea qua các tháng tuổi:
- Salad gà sốt táo: ức gà, súp lơ xanh, bắp cải mini, khoai tây, măng tây hấp chín. Sau đó ép táo lấy nước trộn với chút bột bắp cho thêm bơ lạt nấu lên cho đặc lại rồi tưới lên salad.
- Bánh bao khoai lang, dưa hấu và dưa leo
- Cơm nắm cá hồi, bắp cải mini, cà rốt, đậu ván, củ cải trắng, spinach hấp
- Khoai lang, táo, đậu Hà Lan hấp
- Bắp cải tím, măng tây, ức gà hấp, bơ, xoài
Dưới đây là 9 kinh nghiệm nuôi con ăn dặm do chính bản thân chị Hồng Anh rút ra được, mời các mẹ bỉm sữa tham khảo: 1. Thời gian ăn dặm: chắc chắn phải đợi tới 6 tháng khi bé đã biết ngồi, vì việc bé biết ngồi với việc sẵn sàng của hệ tiêu hoá có liên quan nhau đó, nếu bé chưa ngồi được khi đủ 6 tháng thì nên tập cho bé ngồi rồi hãy cho ăn, ăn chậm đi vài tuần không thành vấn đề. Nhưng đừng cho bé ăn sớm. Nếu vì lý do đi làm, mẹ muốn tập trước cho bé ăn trước khi mẹ đi làm thì cố gắng trước 1 tuần đến 10 ngày thôi. 2. Phương pháp ăn dặm: phương pháp nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Nhưng các mẹ đừng quá chăm chăm vào ý định của mình mà hãy tôn trọng bé, để bé lựa chọn. 3. Món ăn: phương pháp nào cũng vậy, món ăn cần đa dạng, giới thiệu càng đa dạng thì sau này con càng đỡ lười ăn và "không biết ăn", 6-8 tháng thì chỉ nên ăn rau củ và trái cây, đa dạng nhiều loại rau củ, nhiều vị và mùi hương khác nhau, 8 tháng có thể giới thiệu thêm thịt trắng và cá trắng, trứng, qua tháng thứ 9 thì có thể giới thiệu thịt đỏ. Lưu ý là hương vị tự nhiên từ rau củ mà ra nhé, TUYỆT ĐỐI KHÔNG gia vị gì cho bé. 4. Nguyên tắc ăn: - Không ép ăn và dụ ăn, tôn trọng quyết định của bé: khi bé đang ăn mà ngưng, chứng tỏ bé đã no và không muốn ăn nữa, lúc này mẹ phải tôn trọng bé là kết thúc buổi ăn đó. Đừng thấy bé mới ăn ít quá mà không ăn nữa là nghĩ bé lười ăn rồi tìm cách ép bé hoặc dụ dỗ để bé ăn tiếp. Trong trường hợp nếu bé không hợp tác từ đầu, ví như đưa món ăn lên bé không đụng vô, hoặc đụng vô cắn 1 miếng rồi nhè ra, lắc đầu và không muốn ăn nữa! Lúc này là bé chán món đó, thử đổi món khác cho bé xem sao, nếu BLW thì tiếp tục cho bé món khác để chọn, bé lại tiếp tục lắc đầu, bốc lên bóp nát rồi vứt đi thì mẹ cứ cho bé làm như vậy! Nếu muốn bé ăn thì đổi phương pháp, nấu thử kiểu Nhật rồi đút xem bé hợp tác không? Nếu không thì thôi hôm đó bé thật sự vô cùng lười ăn vì nhiều nguyên nhân (trời nóng, mọc răng, đầy bụng, táo bón, mệt...)... 5. Cho bé ăn uống giống ba mẹ, cùng lúc với ba mẹ, bé sẽ thấy có không khí ăn uống và dần hiểu được tới giờ ăn là cả nhà cùng ăn với nhau trên bàn ăn. Bé sẽ luôn tò mò thức ăn ba mẹ, luôn muốn được như người lớn là ăn giống ba mẹ, nên hãy cho bé ăn món giống như vậy. Như vậy vừa điều chỉnh được thực đơn cho ba mẹ và vừa chế biến gọn gàng hơn! 6. Cân bằng dinh dưỡng, chú trọng rau xanh trái cây: 1 trong những nguyên nhân trẻ lười ăn là chế độ ăn nhiều đạm, giàu chất béo dẫn đến trẻ hay bị đầy hơi, táo bón, nặng bụng. Do đo hãy chú trọng đến thực đơn nhiều rau củ cho bé. Việc bé có ăn được rau củ trái cây hay không phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn đầu khi giới thiệu thức ăn dặm cho bé (giai đoạn trước 1 tuổi). Và việc ăn rau củ bao giờ cũng khó ăn hơn thịt cá rất nhiều, do đó nếu bé ăn được rau củ thì thịt cá không thành vấn đề sau này. 7. Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính: sữa bột vô cùng nhiều đạm, chất béo và nhiều thứ khác nữa làm cho trẻ rất dễ no lâu và lâu tiêu hoá. Do đó, trẻ sẽ bị lười ăn luôn. Các mẹ cố gắng duy trì sữa mẹ cho con được càng lâu càng tốt (theo khuyến cáo là ít nhất 2 tuổi, tối đa là con tự nguyện bỏ bú). Nhưng mẹ nào đi làm không có điều kiện cho con tu ti thì đêm về ôm con cho tu ti bù, còn ban ngày chịu khó vắt sữa trữ cho con bú. 8. Váng sữa, sữa chua, sữa tươi: với đứa trẻ sữa mẹ hoàn toàn thật sự không cần, nếu sử dụng những sản phẩm bổ sung từ sữa thì nên dùng trước mỗi bữa ăn 2 tiếng. 9. Lịch ăn: tính cả bú mẹ thì mỗi bữa ăn cách nhau 2-3 tiếng. Ví dụ sáng bú mẹ lúc 7h thì bữa ăn tiếp theo là 9-10h, tiếp theo nữa là có thể bú mẹ lúc 11-12h thì bữa ăn tiếp nữa là 1-2h. Nhưng bữa chính thì lúc mới ăn dặm từ 6-8 tháng chỉ nên 1-2 bữa. Sau đó tới 12 tháng thì có thể tăng lên 3 bữa ăn chính, ăn phụ tuỳ tình hình hợp tác của bé, nếu bé ham bú, bú nhiều thì bữa phụ coi như là bữa bú của bé lun cũng được. |