Nhận thông báo con gái lớp 5 không phải học thêm ở trường, Quỳnh Trang, 35 tuổi, nói "như trút được gánh nặng" và thấy cuộc đua vào trường chuyên công bằng hơn.
"Ít nhất tôi sẽ tiết kiệm được 1/3 thu nhập, chưa kể thời gian đưa đón", bà mẹ đơn thân có mức lương 15 triệu đồng mỗi tháng ở Cầu Giấy, Hà Nội nói.
Con gái chị Nguyễn Quỳnh Trang đang học lớp 5, có nguyện vọng thi vào trường chuyên gần nhà.
Đầu năm học, Trang cho con đi học thêm với giáo viên trong trường, tuần hai buổi, mỗi buổi 150.000 đồng. Ngoài ra, cô bé cũng được mẹ cho đi luyện thi với một giáo viên của trường chuyên, chi phí tương tự. Dẫu vậy người mẹ vẫn không yên tâm khi các phụ huynh khác xếp lịch học cho con kín các buổi tối và thứ 7, chủ nhật.
Tuy nhiên, quy định mới có hiệu lực từ 14/2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh mà mình đang dạy trên trường.
Trong nhà trường, Bộ chỉ cho dạy thêm với ba nhóm: có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp. Việc dạy thêm này phải miễn phí.
Quỳnh Trang tin nếu dừng được dạy thêm, học thêm, tất cả học sinh được tiếp thu lượng kiến thức như nhau. Khi đó, những bé có tố chất thực sự nổi trội, có khả năng tự học tốt, cơ hội vào trường chuyên cao hơn.
Con gái chị là học sinh giỏi nhất lớp, rất chăm chỉ nên tin bé có nhiều cơ hội hơn nếu tất cả thí sinh đều không học lò luyện, học thêm. "Nếu không đậu, tôi cũng không phải áy náy do mình đầu tư cho con chưa đủ tốt", Trang nói.
Phương Mai, ở Duy Tiên, Hà Nam cũng thấy "người nhẹ bẫng" khi con gái dừng học thêm ở trường. Đầu năm học, con gái chị than không hiểu các môn toán và tiếng Anh.
Mai thuê gia sư kèm thêm cho con ở nhà. Nhưng cô bé kể thường xuyên bị cô giáo gọi lên bảng, trả lời đúng không được khen nhưng nếu sai lại bị mắng thậm tệ. Sợ con bị trù dập, chị đăng ký cho con học thêm với chính cô dạy trên lớp, khiến lịch học dày đặc.
"Ai cũng hỏi sao bắt con học nhiều vậy, nhưng tôi không còn lựa chọn. Tôi sợ con bị phân biệt đối xử", người phụ nữ 42 tuổi, nói.
Chồng làm việc xa, một mình Mai vừa lo việc nhà vừa đưa đón con đi học nên sự bận bịu tăng gấp đôi. "Quy định này đáng ra phải có sớm hơn'', chị nói.
Con gái chị Phương Mai tự học tại nhà, tối 7/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ khi con vừa vào lớp 1, chị Bích Thủy, 33 tuổi, ở Hà Nội, đã chủ động đến nhờ cô giáo kèm cặp con gái sau giờ học chính tại lớp. "Con tôi được vào lớp chọn nhưng lại đuối hơn các bạn. Nếu không được kèm cặp, tôi sợ con không theo được", chị nói.
Bận với công việc kinh doanh lại không có nghiệp vụ sư phạm, chị thấy học thêm với cô giáo là cách tốt nhất để con tiến bộ. Nhưng sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, chị Bích Thủy nhận thông báo cô giáo tạm dừng học thêm. ''Phụ huynh tự nguyện sao lại cấm'', chị nói.
Khảo sát của VnExpress với 10.000 độc giả cho thấy 58% ủng hộ dừng học thêm, nhưng 35% lo không thể quản lý con hoặc phải cho con học thêm bên ngoài với chi phí cao hơn.
Phụ huynh ở Hà Nội đưa con đến trường. Ảnh: Phạm Chiểu
Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, nguyên hiệu trưởng một trường quốc tế tại TP HCM, cho rằng quy định cấm dạy thêm là không khả thi vì đây là nhu cầu có thực. Ông cho rằng việc yêu cầu giáo viên dạy miễn phí ba nhóm học sinh cũng là bất hợp lý, vì giáo viên cũng là người lao động, cần được trả công.
Bên cạnh đó, nhiều trường công lập có nguy cơ phải dừng dạy thêm buổi chiều do thiếu kinh phí, đẩy gánh nặng quản lý con cái về phía phụ huynh, đặc biệt những người đi làm cả ngày. "Đây là một thách thức lớn cần cân nhắc", ông nói.
Phạm Thu Hồng, giáo viên tại một trường nông thôn ở Thanh Hóa, chia sẻ rằng dạy thêm không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn là cơ hội hỗ trợ học sinh yếu theo kịp chương trình. Thành tích học sinh ảnh hưởng trực tiếp đến đánh giá giáo viên, nên việc kèm cặp cũng là cách nâng cao chất lượng giảng dạy.
Nhiều phụ huynh chủ động nhờ giáo viên kèm con do không có thời gian hoặc không biết cách dạy. "Tôi không ép học sinh học thêm. Thậm chí thời gian này có con nhỏ, tôi không dạy buổi tối, nhưng phụ huynh vẫn năn nỉ", cô nói.
Với hơn 10 năm làm nghề giáo, Thu Hồng cho rằng dạy thêm cũng là một dịch vụ. Nếu giáo viên dạy không tốt hoặc thu phí cao, học sinh sẽ không theo học. "Những trường hợp gây khó dễ để ép học sinh học thêm chỉ là ‘con sâu làm rầu nồi canh’. Chúng tôi kiếm tiền bằng sức lao động, vì sao lại bị cấm và lên án?", cô bày tỏ.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hội Bảo vệ Quyền lợi Trẻ em) hoàn toàn ủng hộ quy định mới, đặc biệt là việc dừng học thêm ở bậc tiểu học. Bà cho rằng lượng kiến thức trên lớp đã đủ, trong khi giai đoạn này trẻ cần được rèn luyện kỹ năng sống và phát triển năng khiếu để hoàn thiện nhân cách.
Tuy nhiên, bà không tin quy định này có thể thực hiện trọn vẹn, vì giáo viên có thể tìm cách lách luật để tiếp tục dạy thêm.
Chung mối lo ngại, chị Nguyễn Quỳnh Trang lo rằng giáo viên và trường học có thể thay đổi hình thức để duy trì học thêm, thậm chí với mức phí cao hơn. "Như vậy, chỉ khổ con nhà nghèo", chị bày tỏ.
Theo bà Hồng Hương, để quy định khả thi, nhà chức trách cần kiểm soát chặt chẽ và nâng cao thu nhập cho giáo viên, giúp họ không phải dạy thêm để cải thiện đời sống.
Bà cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong việc nâng cao đạo đức nghề giáo, nhân rộng những tấm gương giảng dạy tận tâm để hạn chế tình trạng "ép học thêm".
Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh cho rằng để chấm dứt học thêm tràn lan, cần chấp nhận thực trạng chất lượng giáo dục thay vì chạy theo thành tích. Phụ huynh cần hiểu bắt con đi học thêm quá nhiều sẽ khiến trẻ không còn thời gian tiêu hóa kiến thức, dẫn đến học không hiệu quả.
"Cha mẹ cần dành thời gian hướng dẫn con, tập thói quen học tập nghiêm túc và tạo khoảng nghỉ hợp lý để trẻ tiếp thu kiến thức hiệu quả", ông nói.