Loại nước siro 'homemade' dễ làm và trị ho rất hiệu quả này, mẹ đừng bỏ qua nhé!
Đọc bài chia sẻ Diếp cá – “thuốc” trị viêm phế quản, em chợt nhớ đến một kinh nghiệm trị ho cũng cực kì hiệu quả của bản thân mình. Em xin chia sẻ với các chị em với mong muốn các mẹ luôn có sẵn một “kho thuốc” dân gian trong gia đình để chăm sóc sức khỏe con yêu.
Mùa hè đến quả cũng kéo theo lắm “tai ương”. Đợt nắng nóng cục bộ vừa rồi đã khiến cả gia đình em “lao đao”. Người lớn mệt mỏi đã đành, trẻ em sao lại để con chịu cực được. Vì sợ bé Gấu nóng sẽ sinh tiết mồ hôi, bí bách nên em giữ rịt con trong phòng điều hòa 24/24 giờ. Dù đã được bố mẹ chồng gọi điện góp ý là không nên để bé nằm điều hòa lâu như vậy nhưng vì xót con nên em không nghe. Tự an ủi là trong phòng mình luôn đặt một chậu nước để tránh khô, em tin là Gấu sẽ không làm sao. Một ngày, hai ngày đợt nắng nóng diễn ra, trộm vía thấy con vẫn vui vẻ hoạt bát như thường, em yên tâm với “bí kíp” của mình lắm.
Vậy mà cuối cùng em cũng gặp “tai nạn” các mẹ ạ. Hôm đấy, sau khi cho con ti bữa cuối, em nhẹ nhàng đặt Gấu lên cũi rồi đắp chăn cho con đi ngủ. Gấu nhà em đã được bố mẹ cho ngủ riêng ngay từ hồi đầy tháng, con ngủ ngoan, không quấy khóc nên em yên tâm lắm. Cũng vì chủ quan, lại quá mệt sau một ngày làm việc, em và chồng ngủ thiếp đi mà quên không hẹn đồng hồ để dậy kiểm tra con. Sáng hôm sau, thay vì nghe thấy tiếng đồng hồ gọi dậy, em và chồng lại được “báo thức” bằng những tiếng ho như cuốc kêu của Gấu. Hốt hoảng chạy ra xem con thì hỡi ôi, người một nơi mà chăn đã một nẻo rồi. Em ân hận vô vàn vì thói bất cẩn của bản thân. Sợ bố mẹ chồng biết được lại mắng, em và chồng giấu nhẹm, vội vàng đưa con đi khám. Thế là, dù mới 4 tháng tuổi thôi nhưng Gấu đã phải uống 1 loạt kháng sinh. Xót con lắm nhưng vì làm mẹ lần đầu, em cũng chỉ biết tin bác sĩ thôi. Vậy mà, dù đã thay tới 4 loại kháng sinh rồi, Gấu nhà em vẫn ho sù sụ cả tuần, đêm còn nôn trớ ra cả sữa. Em lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
Quất hồng bì thơm ngon hấp dẫn lại còn chữa ho cực kì hiệu nghiệm (ảnh minh họa)
May thay, cuối tuần ấy chị gái em qua thăm Gấu. Thấy thằng cháu “quí tử” bị ho rạc họng mà mẹ nó - là em đây - lại còn “nã” kháng sinh vào người con, chị mắng em “té tát”. Chị nói cho trẻ nhỏ uống kháng sinh là trường hợp bất khả kháng thôi chứ không hề tốt một chút nào cả, sức đề kháng của bé sẽ yếu đi, sau này hay ốm vặt và dễ sinh nhờn thuốc. Ngay sau đó, chị quay về nhà chắt ngay cho em một lọ nước quất hồng bì thơm ngát. Dặn cho con uống mỗi ngày 3 lần. Món siro 'homemade' này có vị ngọt thanh cực dễ uống nên Gấu nhà em thích lắm. Không đầy 2 ngày sau khi uống quất hồng bì, Gấu đã hết hẳn ho. Em vô cùng ngạc nhiên và thầm cám ơn bà chị “mát tay” của mình.
Vậy là từ đó đến nay, ngày nào em cũng cho Gấu uống một thìa con nước quất hồng bì mỗi sáng. Con hiện giờ khỏe mạnh chẳng còn thấy ho cảm bao giờ. Đối với trẻ dưới 1 tuổi chưa thể dùng được bài thuốc chanh đào mật ong thì một lọ quất hồng bì ngâm đường phèn sẽ là bài thuốc cực kỳ hữu hiệu.
Quất hồng bì không những hiệu quả với trẻ nhỏ mà còn cả với người lớn. Mỗi khi thấy bố Gấu húng hắng ho, em cũng lấy ngay phần vỏ ngâm ra cho bố Gấu ngậm. Hiệu quả tức thì các chị ạ.. Mùa nào thức nấy, khi đi đường mẹ thấy những hàng quất hồng bì đang độ chín thơm gọi mời thì hãy nhớ dừng lại để mua một ít về làm siro chữa ho cho cả nhà nhé.
Em xin mách nhỏ công thức ngâm quất hồng bì được chị gái hướng dẫn: Nguyên liệu: 1kg quất hồng bì; 1kg đường phèn Cách làm 1. Rửa quất hồng bì với nước đun sôi để nguội, rồi đợi ráo nước. 2. Dùng kéo cắt cuống hồng bì. Chú ý không nên dùng tay bứt vì sẽ làm nát quả 3. Cho quất hồng bì vào lọ, phủ đường phèn lên. Buộc nút chặt lọ 4. Để ngâm trong vòng 3 tháng, lớp đường phèn tan đi ta sẽ có một hũ quất hồng bì ngọt thanh thơm mát Lưu ý: Nhớ rửa hồng bì bằng nước đun sôi để nguội và khi ngâm, cho lớp đường phèn lên trên. Lớp đường ở trên sẽ giữ chặt hồng bì, không cho hỗn hợp nổi váng sau ngâm. |