5 loại rau quả giúp bé khỏe mạnh hơn trong những ngày giá rét có thể mẹ chưa biết.
Để tăng sức đề kháng cho bé những ngày đông giá lạnh, các mẹ có thể bổ sung một số loại rau củ dưới đây vào thực đơn hàng ngày của bé.
1. Súp lơ
Súp lơ trắng cùng họ với súp lơ xanh là loại rau rất giàu dinh dưỡng cho bé như: vitamin C, vitamin K, vitamin A (từ beta-carotene), các vitamin nhóm B, chất xơ, canxi, chất sắt, axit folic, omega 3, selen, kẽm, đạm thực vật.
Nguyên tố vi lượng sắt và canxi trong súp lơ giúp bé phát triển khỏe mạnh trong những năm đầu đời. Lượng vitamin C dồi dào làm cơ thể bé hấp thu các dưỡng chất trên một cách tốt nhất.
Lưu ý: Súp lơ xanh không phải loại rau an toàn cho bé mới tập ăn dặm vì nó có thể khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu và 'xì hơi'.
Tốt nhất là bạn nên cho bé làm quen với súp lơ xanh khi bé được khoảng 8-10 tháng tuổi. Nếu bé có trục trặc với vấn đề tiêu hóa thì nên cho bé ăn súp lơ muộn hơn một chút nữa
Ngoài ra, súp lơ xanh cũng chứa nhiều chất xơ hòa tan. Chất xơ hòa tan có tác dụng “thư giãn” đường ruột, ngăn ngừa chứng táo bón nhưng sự “thừa mứa” chất xơ hòa tan trong chế độ ăn lại có thể khiến bé bị tiêu chảy.
Súp lơ là thực phẩm giàu dưỡng chất (Hình minh họa)
Thực đơn súp lơ cho bé
- Để bé hấp thụ tốt nhất các loại dưỡng chất, các mẹ nên luộc hay hấp chín súp lơ cho bé ăn. Trước tiên, rửa sạch súp lơ, cắt bỏ cuộng rau, gọt lớp vỏ bên ngoài thân súp lơ, cắt vừa miếng. Sau đó cho vào nồi hấp hoặc luộc súp lơ với một ít nước. Đun từ 3-5 phút cho súp lơ chín mềm. Xay súp lơ đã nấu chín cho bé ăn, hoặc trộn với cháo/bột của bé.
- Súp lơ bằm: Cắt lấy những bông súp lơ đủ cho khẩu phần ăn của bé. Hấp chín rồi cho máy nghiền nhừ. Có thể thêm nước để tạo thành kết cấu phù hợp với bé.
- Súp lơ, táo và bí ngòi: Vài bông súp lơ, 1 miếng táo, bí ngòi sắt nhỏ. Hấp chín súp lơ, bí ngòi rồi nghiền nhuyễn. Táo cũng nghiền nhuyễn rồi trộn với hỗn hợp súp lơ, bí ngòi. Có thể thêm chút nước để kết cấu hỗn hợp bớt đặc. Món ăn sẽ có vị ngọt dịu, thơm thơm của 3 loại rau quả.
- Cháo/ bột súp lơ, thịt gà: Ninh nhuyễn cháo với nước hầm gà. Súp lơ hấp chín, nghiền mịn, thịt gà luộc chín nghiền nhuyễn. Khi bé ăn thì đổ súp lơ, thịt gà vào đun lại cho sôi là được. Nêm chút nước mắm lạt cho kích thích khẩu vị của bé.
Mẹ có thể thêm cà rốt, khoai tây vào món cháo/bột trên. Có thể thay thế thịt gà bằng thịt lợn hoặc thịt bò đổi bữa cho bé.
Thực phẩm có thể kết hợp với súp lơ: táo, súp lơ xanh, đậu xanh, đậu khô, khoai tây, bí ngòi, đậu lăng, thịt bò, thịt gà, thịt lợn.
2. Củ cải
Củ cải là một loại củ giàu vitamin C, canxi, một ít chất xơ và protein, củ cải chứa chất ngọt tự nhiên, giúp bé ngon miệng và tăng cường sức đề kháng. Đường trong củ cải chủ yếu là các loại đường dễ hấp thụ; những chất khoáng cần cho cơ thể như canxi, photpho, sắt 0,6, mangan, bromine..; các vitamin nhóm B , vitamin C và nhiều loại axit amin.
Cha mẹ có thể tập cho bé ăn củ cải khi bé được khoảng 6-8 tháng tuổi. Cũng có thể cho bé ăn củ cải muộn hơn, ngoài 8 tháng tuổi vì củ cải được luộc (hấp) chín, cắt hình hạt lựu khá phù hợp khi cho bé ăn bốc.
Củ cải có vị ngọt tự nhiên giúp em dễ ăn hơn (Hình minh họa)
Các món ngon cho bé từ củ cải
- Củ cải nghiền nhuyễn: Củ cải được rửa sach, gọt vỏ, thái hạt lựu, sau đó bỏ vào nồi hấp cho đến khi củ cải chín mềm là được. Tiếp đến, dùng thìa dầm nhuyễn củ cải (có thể thêm chút nước lọc để hỗn hợp bớt đặc) trước khi cho bé thưởng thức.
- Hỗn hợp củ cải, khoai lang: Hấp khoai lang và củ cải cho đến khi cả hai cùng chín mềm. Sau đó, dùng thìa dầm nhuyễn hỗn hợp trên trước khi cho bé ăn hoặc cắt khoai lang, củ cải thành dạng hạt lựu, cho bé ăn bốc.
Thực phẩm có thể trộn chung với củ cải là: táo, lê, carrot, lúa gạo, khoai lang; thịt gà, thịt bò, thịt lợn.
Ngoài ra, các mẹ có thể luộc hoặc nướng chín củ cải trong lò rồi cắt nhỏ cho bé ăn.
Lưu ý: Nên bảo quản củ cải ở nơi thoáng mát trong phòng hoặc trong ngăn mát tủ lạnh. Chỉ nên cắt củ cải trước khi chế biến nó. Với củ cải đã được gọt vỏ, thái lát, nên để chúng trong một bát nước lọc, đặt vào ngăn mát tủ lạnh. Thời gian an toàn không quá 2 ngày.
3. Khoai tây
Khoai tây giàu tinh bột, vitamin A, C và kali. Một củ khoai tây hấp chứa đến 252 kalo.
Do khoai tây nhiều tinh bột, ít các chất dinh dưỡng khác nên các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ nên cho bé ăn khoai tây khi bé được khoảng 8 tháng tuổi. Thời điểm này, bé cần nhiều carbonhydrat để phát triển.
Khoai tây chứa rất nhiều tinh bột (Hình minh họa)
Thực đơn từ khoai tây cho bé
- Khoai tây hầm nhừ cùng xương, nêm gia vị, hành lá, cà chua cho bé ăn nóng cùng cơm.
- Khoai luộc chín, xắt hạt lựu. Sau đó, trộn cùng đậu Hà Lan, cà rốt đã luộc chín và dưa chuột, thành món salad cho bé ăn chơi. Có thể thêm sốt mayonnaise và chút gia vị để món ăn vừa miệng.
- Nấu soup khoai tây kèm thịt gà, hành tây. Thêm ít cà rốt để món ăn có màu sắc đẹp, kích thích bé ăn ngon.
- Đem khoai tây nướng chín thơm, cắt nhỏ, bỏ vào bát cho bé bốc ăn.
- Khoai tây sau khi luộc chín, dùng thìa dầm nhuyễn. Tiếp đó, trộn cùng thịt băm, carrot băm nhỏ, nặn như viên mọc, đem tẩm bột chiên giòn, rán vàng lên.
- Trứng đúc khoai tây: Khoai tây thái hạt lựu mỏng. Cho khoai vào chảo xào cùng bơ. Trứng đập ra bát rồi đánh bông lên, thêm ít hành, gia vị. Khi khoai chín thì từ từ đổ trứng vào trong chảo. Nhanh tay cuộn trứng lại để trứng không bị bục, nát.
Lưu ý: Đảm bảo rằng khoai không mọc mầm hoặc có những đốm xanh. Cách bảo quản khoai tốt nhất là để khoai ở nơi khô, mát, tránh ánh nắng mặt trời. Tránh dự trữ khoai tây trong ngăn đá. Cũng không nên để khoai ở khu vực ẩm ướt vì như thế, nó sẽ dễ mọc mầm.
4. Đu Đủ
Đu đủ là một loại trái cây rất bổ dưỡng. Chúng chứa một lượng cao vitamin C (giúp hấp thụ chất sắt), Vitamin A (2.516 IU), Vitamin E. Đu đủ cũng là một nguồn cung cấp chất xơ và acid folic. Ăn đu đủ giúp trẻ sáng mắt, phòng táo bón vô vùng hiệu quả.
Dinh dưỡng trong đu đủ: Vitamin: Vitamin A - 2516 IU, Vitamin C - 142 mg, Vitamin B1 (thiamine) - 0,06 mg, Vitamin B2 (riboflavin) - 0,07 mg, Niacin - 0,77 mg, Folate - 87 mcg.
Chất khoáng: Kali - 591 mg, Photpho - 12 mg, Magnesium - 6,9 mg, Canxi - 55 mg, Sắt - 0,23 mg. Ngoài ra có chứa hàm lượng mangan, kẽm và đồng.
Đu đủ giúp trẻ sáng mắt, phòng táo bón hiệu quả (Hình minh họa)
Món ngon cho bé từ đu đủ
Chế biến đu đủ khá đơn giản. Chỉ cần chọn loại đu đủ chín, tươi là cha mẹ có thể xắt đu đủ dưới dạng hạt lựu, dùng thìa nạo, dầm (xay nhuyễn) đu đủ hoặc thái đu đủ thành lát mỏng và cho bé thưởng thức (lưu ý với cách thái hạt lựu hoặc xắt lát mỏng chỉ phù hợp với bé đã ở độ tuổi ăn bốc). Đu đủ khá thích hợp cho bé ăn bốc vì nó có màu sắc đẹp và hương vị mềm mại.
Nhớ loại bỏ hết hạt đu đủ vì hạt đu đủ tuy không độc nhưng chúng lại khó tiêu hóa trong dạ dày non nớt của bé. Ngoài ra các mẹ có thể làm món:
Đu đủ nghiền nhừ: Có thể hấp (hoặc không hấp) một khoanh đu đủ chín đã được gọt vỏ, bỏ hạt trong ít phút (để đu đủ mềm và bé dễ tiêu hóa) trước khi bạn tiến hành nghiền nhuyễn đu đủ và cho bé thưởng thức.
Hỗn hợp đu đủ, đào, sữa chua (dành cho bé 8 tháng tuổi trở lên): Nguyên liệu gồm ½ miếng đu đủ chín (đã gọt vỏ, bỏ hạt và được nghiền nhừ); ½ cốc nhỏ đào chín đã được nghiền nhừ và 1 hộp sữa chua (loại của bé).
Trộn đào và đu đủ đã được nghiền nhuyễn với nhau. Thêm sữa chua vào hỗn hợp và trộn đều lên và cho bé thưởng thức.
Những thực phẩm có thể trộn chung với đu đủ là: táo, bơ, chuối, xoài, đào, carrot, khoai lang, thịt gà, thịt lợn, sữa chua.
Lưu ý: Với bé có dạ dày nhạy cảm, nên gọt vỏ, bỏ hạt, cắt đu đủ chín thành khoanh và cho chúng vào nồi hấp khoảng 5-10 phút (cho đến khi đu đủ mềm), trước khi cho bé ăn. Với những bé có dạ dày khỏe thì cha mẹ nên cho bé ăn đu đủ tươi (không cần hấp) vì dưới tác dụng của nhiệt, lượng vitamin trong đu đủ có thể bị hao hụt.
5. Quả lựu
Lựu không chỉ là một loại trái cây ngon, mát mà có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong quả lựu có chứa một lượng lớn các chất oxy hóa, vitamin C và nhiều loại vitamin khác giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe và chống lại nhiều bệnh tật.
Tuy nhiên khi bé còn nhỏ, lựu dễ khiến cho trẻ bị hóc vì phần thịt được bao quanh một chiếc hạt rất cứng. Tuy nhiên, các mẹ có thể cho bé làm quen với nước ép lựu khi bé được khoảng 8-10 tháng tuổi.
Các mẹ có thể làm nước ép lựu mà không cần tách hạt (Hình minh họa)
Nước ép lựu giàu vitamin B, C, canxi và phốt pho. Lựu chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp bé khỏe mạnh, ngăn ngừa các chứng bệnh về tim mạch.
Lựu được mua về, tách lấy hạt, cho vào máy ép hoa quả. Hạt lựu nếu có bị ép vỡ ra cũng không độc, trái lại, nó còn tốt cho sức khỏe của bé. Một số nghiên cứu cho thấy, dầu hạt quả lựu có tác dụng ngăn ngừa ung thư da.
Ngoài ra, các mẹ nên chú ý một số điểm sau:
- Nên pha loãng nước ép lựu với chút nước đun sôi để nguội.
- Nên cho bé dùng nước ép lựu ngay sau khi chế biến.
- Nên cho bé uống với một lượng nhỏ rồi tăng dần lên.
- Nước lựu có thể được kết hợp với khoai lang dầm nhuyễn, chuối chín được dầm nhuyễn.