Sự bất cẩn, chủ quan của mẹ suýt nữa đã phải trả giá bằng tính mạng của con.
Tự mua thuốc cho con uống, lấy toa thuốc cũ hoặc của người lớn áp dụng cho bé uống thuốc quá liều, quá “date”… những hành động chủ quan của người lớn khiến sức khỏe của bé bị đe dọa, nhiều khi còn gây ảnh hưởng lâu dài.
Bé gặp nguy vì cha mẹ bất cẩn
Hệ hô hấp của bé Bông, 18 tháng tuổi, con gái chị Hằng (Bắc Ninh) rất nhạy cảm mỗi khi thời tiết thay đổi. Lần này cũng vậy, bé hắt hơi, sổ mũi, kèm theo những tiếng ho húng hắng. Theo “kinh nghiệm”, chị Hằng đã tự ý mua thuốc hạ nhiệt, giảm đau về cho bé uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên.
Sau 2 ngày, thấy bệnh tình của con không thuyên giảm, chị đã tự ý tăng thêm 1 viên cho mỗi lần uống. Đến ngày thứ 3, bé có những biểu hiện nặng hơn như mệt mỏi, chán ăn, kèm theo nôn trớ. Gia đình chị Hằng tá hỏa đưa con đến bệnh viện thì mới hay bé đang bị ngộ độc thuốc.
Trường hợp bé Vũ Khanh, 3 tuổi (Quận 4, TP. HCM) còn nguy hiểm hơn. Hôm ấy, do bố mẹ không để ý, bé đã lấy rất nhiều loại thuốc trong tủ thuốc của gia đình bỏ hết vào mồm rồi nhai, nuốt ngấu nghiến. Khi bố mẹ phát hiện ra thì mặt bé đã tái lại, mắt lơ mơ, rồi nôn thốc nôn tháo. Cũng may là gia đình đã kịp thời đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.
Do bố mẹ không để ý, bé đã lấy rất nhiều loại thuốc trong tủ thuốc của gia đình bỏ hết vào mồm rồi nhai, nuốt ngấu nghiến. (Ảnh minh họa).
Nên cho bé dùng thuốc như thế nào?
Bác sĩ Lê Văn Nhân - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM cho biết, xu thế chung hiện nay, nhiều gia đình có sẵn tủ thuốc trong nhà. Khi thấy con có những biểu hiện bệnh, bố mẹ thường tự ý lấy thuốc cho con uống.
Trong một số ít trường hợp, việc làm này có thể không dẫn đến sự nguy hại nào. Tuy nhiên, đây là việc không nên. Khi bố mẹ tự ý cho con uống thuốc không theo toa, không hỏi ý kiến bác sĩ sẽ gây ra nhiều hiểm họa cho bé như ngộ độc thuốc (do uống không đúng thuốc, không đúng liều lượng), làm tổn hại đến sức khỏe của bé.
Bác sĩ Nhân cũng khuyến cáo, cha mẹ không nên căn cứ vào những biểu hiện bệnh giống nhau mà cho bé dùng lại toa thuốc cũ hoặc dùng lại toa thuốc của người khác, bởi một toa thuốc được bác sĩ kê chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm.
Có thể căn bệnh cũ của bé tái phát hoặc những biểu hiện bệnh của bé này giống bé kia nhưng mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe khác nhau nên không thể dùng chung một toa thuốc.
Ngoài ra, nhiều cha mẹ còn mắc những sai lầm đáng tiếc khác khi sử dụng thuốc cho bé như: tự ý tăng liều lượng, vô tình cho bé uống thuốc quá hạn sử dụng, pha thuốc chung với sữa hoặc thức ăn, đề nghị bác sĩ kê thêm thuốc bổ. Những việc này là hoàn toàn không nên làm.
Bác sĩ Nhân cho biết thêm, nếu trẻ có chế độ dinh dưỡng hợp lý và thể trạng bình thường thì không cần bổ sung vitamin. Việc bổ sung thuốc bổ chỉ thực sự cần thiết nếu chế độ ăn của trẻ không cung cấp đầy đủ dưỡng chất hoặc trẻ gầy yếu, nhưng cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ bởi trẻ dùng quá nhiều thuốc bổ sẽ dẫn đến thừa vitamin và chất khoáng, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ như sỏi thận, vàng da, loét dạ dày, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa….
Một số lưu ý khác Khi bé nhiễm bệnh, cách tốt nhất là bố mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ và cho con uống đúng, uống đủ thuốc được kê trong toa (nếu có). Tuy vậy, để thực hiện việc cho bé uống thuốc đúng cách rất cần sự khôn khéo, tinh ý của bố mẹ. Chẳng hạn, không nên cho thuốc vào các hộp đựng kẹo hay siro và khi cho con uống thuốc thì dỗ “uống siro, ngon lắm”, “ăn kẹo ngon nhé”… |