Chia sẻ về quãng thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư, chị Thuỷ Bốp luôn canh cánh nỗi niềm về cậu con trai 11 tuổi.
Chị Bùi Thu Thủy (33 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội), tên thường gọi là Thủy Bốp là một bà mẹ đơn thân xinh đẹp, được mọi người nhắc đến như một tấm gương lạc quan, kiên cường đấu chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Có lẽ rất ít người bệnh ung thư, khi sức khỏe còn yếu vẫn có thể leo núi Fansipan cùng con trai như chị. Năm vừa qua, cùng với việc trị bệnh, chị Thủy còn xuất bản cuốn sách “Bốp à! Mẹ bị ung thư” do NXB Văn học phát hành đồng thời đầu tư kinh doanh, mở nhà hàng. Những gì chị Thủy đã làm, sự lạc quan, kiên cường của chị đã khơi dậy cảm hứng sống mạnh mẽ trong lòng nhiều người. Bằng rất nhiều thông điệp phát đi trên các phương tiện truyền thông, câu chuyện của chị Thủy đã chạm vào trái tim hàng nghìn người để từ đó, họ biết yêu thương và trân trọng cuộc sống của mình nhiều hơn. Chính vì những điều vĩ đại đó, Thủy Bốp chính là một trong những nhân vật được đề cử giải Wechoice - người truyền cảm hứng năm nay. |
Đối mặt
Có lẽ bây giờ ra đường, rất nhiều người nhận ra tôi nhờ những bài báo kể chuyện tôi bị ung thư vú suốt hơn 1 năm trời. Từ một cục u nhỏ, nó đã biến tôi thành một bà mẹ đầu tóc lông mi trọc lóc, ngày càng giống “anh Thủy” chứ không phải là “chị Thủy” nữa, với hi vọng sống mong manh và trải qua những giây phút sụp đổ, đau khổ, muốn phát điên. Người ta thường gọi tôi bằng rất nhiều cái tên ấn tượng, như bà mẹ ung thư leo Fanxipan, single mom ung thư xinh đẹp… Nhưng bạn biết không, so với những câu chuyện dài tôi kể đi kể lại với mọi người về hành trình bị ung thư của mình, thì bản thân tôi chỉ coi mình đơn giản là “mẹ của Bốp”.
Phải, Bốp là con trai tôi, mới ngày nào sinh nó bé bằng cục kẹo, giờ nó đã cao ngang với tôi rồi. Chúng tôi đã có những ngày tháng hạnh phúc biết bao nhiêu, Bốp là món quà kỳ diệu nhất tôi có trong cuộc đời mình nên kể cả lúc quyết định làm mẹ đơn thân tôi vẫn luôn giữ cho con những gì tốt đẹp nhất. 11 tuổi, Bốp trưởng thành hơn những đứa trẻ khác, đôi lúc tôi lén nuốt ngược 2 dòng nước lạnh lẽo vào lòng khi biết vì mình, dường như thằng bé đã có trách nhiệm như một thằng đàn ông, gì cũng biết làm, gì cũng phụ mẹ được, thậm chí, Bốp còn là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất trong những chuyến leo núi.
Tuy nhiên, đúng là chẳng có gì trọn vẹn hoàn hảo, tôi có Bốp, nhưng lại “lỡ” mắc bệnh, nên tôi thấy có lỗi vì sinh con ra, rất có thể Bốp sẽ không có mẹ đồng hành trong quãng đường đời rất dài ở phía trước. Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ con trai mình cô đơn.
Nếu chẳng may lâm vào hoàn cảnh của tôi, bạn sẽ đối diện với nó như thế nào?
Tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân ung thư như mình đã buông xuôi, tuyệt vọng thế nào. Nhưng tôi không chọn cách chìm trong đau khổ, ngược lại, mỗi ngày trôi qua tôi đều sống hết mình vì con trai, dạy con chân cứng đá mềm với từ khóa “nếu không còn mẹ nữa”… Tôi chọn cách chiến đấu với ung thư như một “bà mẹ chiến binh” trong mắt Bốp. Giữa những cơn đau vật vã, khổ sở, mệt mỏi đến lụi tàn, tôi vẫn luôn có con trai làm điểm tựa để mạnh mẽ chịu đựng những lần phẫu thuật, xạ trị. Mà đáng lẽ ra, tôi phải là chỗ dựa cho con trai mới đúng. Nhiều lúc tôi thấy mình thất bại trong vai trò làm mẹ, Bốp quá kiên cường, dũng cảm so với sự yếu đuối của tôi.
Lòng dũng cảm
Nghĩ về Bốp, tôi thấy rằng việc chịu trách nhiệm cho cuộc đời một ai đó, nó không chỉ đơn giản là quãng đường 10 - 12 năm hoặc lâu hơn thế. Trang bị cho con bao nhiêu thứ, thời gian còn lại bên con bao lâu mới là đủ? Tôi không biết! Giống như nhiều bà mẹ, tôi muốn chuẩn bị cho Bốp điều kiện vật chất tốt nhất có thể. Nhưng trở thành bệnh nhân ung thư vú đã làm tôi hiểu ra rằng, điều quan trọng nhất mà mỗi người cần có, chính là lòng dũng cảm!
Từ lúc phát hiện mình ung thư, tôi đã viết những trang sách cuộc sống hoàn toàn ngược lại với suy nghĩ của mọi người, và chẳng giống bất kỳ bệnh nhân ung thư nào cả. Tôi khiến bác sĩ đau đầu hơn vì những gì họ dặn phải tránh, tôi đều làm hết: phóng xe máy ầm ầm, leo núi, đi máy bay… Không phải vì tôi ngang ngược, mà tôi đang cố gắng để những ngày tháng còn lại trở nên ý nghĩa hơn, thời gian với bệnh nhân ung thư như tôi quý giá đến từng giọt, tôi không thể lãng phí để nằm kiêng cữ, nghỉ ngơi được. Thật lạ là càng làm việc nhiều, tôi càng thấy mình mạnh mẽ hơn. Và nhờ ung thư, tôi cũng chinh phục được rất nhiều thử thách mà 1 năm trước thôi, tôi chưa từng đặt ra cho chính mình. Tôi cùng Bốp chinh phục 2 đỉnh núi, riêng tôi, tôi chạm tay vào 5 ngọn rồi. Cùng với việc trị bệnh, tôi xuất bản sách, mở nhà hàng kinh doanh đồ ăn, café rồi làm bánh trái, thực phẩm bán online.
Tôi cười rất nhiều, để Bốp và mọi người hiểu tôi thực sự ổn. Dù con trai thốt lên rằng “ôi, mẹ càng ngày càng giống anh Thủy”. Bằng cách sống lạc quan, tự tin, tôi muốn truyền cho Bốp lòng dũng cảm vươn tới giấc mơ của riêng mình. Tôi thường nói với con rằng: “Những gì con muốn làm, hãy làm ngay hôm nay. Những gì con ước mơ hãy bắt tay vào thực hiện và dù con có thực hiện được hay không, con cũng đừng nản chí hoặc coi đó là thất bại của mình vì ít nhất con đã dám thử và cố gắng”.
Tôi nghiệm ra rằng, thứ gì không giết chết bạn, nó sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn!
Những tế bào ung thư đã sản sinh ra nguồn năng lượng to lớn khiến tôi có thể làm việc như một bà mẹ siêu nhân. Ngoài ra, Bốp chính là nội lực, là sức mạnh để tôi chiến đấu với bệnh tật và nhiều khó khăn khác trong cuộc sống.
Niềm vui bắt đầu từ nỗi buồn
Ai sống rồi cũng đến lúc phải ra đi. Từ khi bị bệnh, tôi hiểu ra rằng, cái chết luôn hòa lẫn trong từng hơi thở của mỗi người. Nó khiến tôi trải qua từng giây phút một cách ý nghĩa hơn. Điều gì cần làm, tôi cố gắng làm càng nhanh càng tốt.
Hàng ngày, có nhiều người gọi điện cho tôi, bối rối không biết làm gì khi bị bệnh ung thư. Họ kể về nỗi đau thể xác, tâm hồn hay cả số phận đáng thương của mình. Tôi nghĩ mình không phải đường dây nóng nhưng tôi luôn cố gắng động viên vì biết đâu đấy, những lời nói đó có thể giúp nhiều người tin yêu hơn vào cuộc sống.
Tôi luôn thể hiện sự tự tin, lạc quan vì hy vọng có thể tiếp cho rất nhiều người năng lượng sống. Tôi thường hỏi ngược lại rằng “tại sao mọi người lại quan tâm chú ý đến mình quá như thế?”. Tôi tò mò, đi tìm hình ảnh của chính mình trong mắt người khác, và hạnh phúc làm sao khi tôi thấy mình là một tia nắng trong suốt nhưng đầy ấm áp, rạng rỡ với mọi người. Nếu không thể mạnh mẽ chống chọi với cơn đau bệnh tật, tôi mong bạn hãy luôn cố gắng vươn lên. 32 tuổi với tôi vẫn là quá trẻ để biết trước điểm dừng của cuộc đời mình, nhưng nó không phải là cái cớ để tôi buông xuôi, chờ đợi cái chết đến bên.
Cuộc sống có thể niềm vui thì ít mà nước mắt lại ngập tràn. Song dù có đang ở hoàn cảnh nào, xin đừng mất đi lòng tin vào những điều tốt đẹp bởi vì chúng vẫn luôn ở đó, rất gần bên cạnh bạn. Giống như một lúc nào đó, chẳng may có điều gì đó bất hạnh xảy đến, bạn có thể gọi cho tôi hoặc đọc bài chia sẻ này, biết đâu đấy, bạn sẽ tìm thấy lý do để chiến đấu với chính mình.
Không ai muốn mình bị bệnh để trở nên nổi tiếng, phô diễn sự mạnh mẽ.
Tôi ở đây, chỉ muốn nói với mọi người rằng: Cuộc sống có thể có nhiều thứ không may song điều quan trọng nhất bạn cần làm là dũng cảm đối diện với thực tại. Hãy sống hết mình để khi bạn ra đi, có thể mỉm cười, tự tin rằng những gì có thể, chúng ta đều đã làm hết sức, hết lòng. Xin đừng bao giờ buông tay, vì thực sự trong mỗi cuộc chiến mà ta phải đối diện, chính bản thân chúng ta mới là điểm tựa cho mọi người xung quanh. Nếu ta gục ngã, thì tất cả đều sụp đổ, còn nếu ta kiên cường, lạc quan thì thế giới quanh ta cũng theo đó mà bừng sáng.