Tiến sĩ Nhi khoa vạch ra sai lầm của mẹ Việt trước dịch cúm mùa

Ngày 25/01/2018 09:27 AM (GMT+7)

Theo PGS.TS y học Nguyễn Tiến Dũng, trẻ bị cúm thường là tự khỏi, bằng cách chăm sóc tại nhà, chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt và không cần nhập viện.

Trong những ngày qua, thời tiết thay đổi thất thường, nắng mưa đột ngột là lý do khiến trẻ mắc bệnh cúm mùa gia tăng nhanh chóng. Thống kê trong vòng 2 tuần trở lại đây tại Bệnh viện Nhi TW cho thấy, đã có hơn 300 bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh cúm mùa, trong đó hơn 100 trường hợp phải nhập viện điều trị, có bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi, viêm phế quản…

Tại Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai hàng ngày cũng có hàng trăm bệnh nhi đến khám do có các triệu trứng nghi cúm.

Tiến sĩ Nhi khoa vạch ra sai lầm của mẹ Việt trước dịch cúm mùa - 1

PGS.TS y học Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai

PGS.TS y học Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ về dấu hiệu nhận biết cúm cũng như cách phòng tránh bệnh cúm cho trẻ trong mùa lạnh.

Không phải cứ mắc cúm là cho con vào viện

Nghe nhiều thông tin về bệnh cúm mùa nên khi con có dấu hiệu sốt nhẹ và thi thoảng ho, chị Nguyễn Thị Huệ (Hà Nội) đã rất lo lắng và cho con vào viện khám. Bé được các bác sĩ chuẩn đoán là bị cúm thông thường. Song, chị Huệ vẫn muốn cho con ở lại để điều trị vì sợ về nhà điều trị không đúng cách sẽ có những biến chứng khác.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS y học Nguyễn Tiến Dũng cho rằng chỉ nên cho trẻ nhập viện trong những trường hợp cúm biến chứng như viêm phổi nặng, suy hô hấp: “Gần đây rất nhiều người hỏi tôi là con nhà em xét nghiệm thấy cúm A rồi thế là sợ phát khiếp và cho vào viện, đấy là sai. Cúm phải xác định là biến chứng gì chứ cúm thường mà cho vào viện là không nên”.

Bác sĩ cũng cho biết diễn biến của bệnh cúm thường là tự khỏi, bằng cách chăm sóc tại nhà, chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt (chỉ dùng thuốc paracetamol). Thuốc Oseltamivir không phải là thuốc bắt buộc phải có để điều trị trong những trường hợp cúm mùa thông thường và chỉ sử dụng trong một số trường hợp cúm nặng. Nếu trẻ được chăm sóc tốt, không có bội nhiễm thì tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ, tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh lan tràn. Các phụ huynh cũng không cần quá lo lắng, nên chú ý cho con nghỉ ngơi, tránh ra ngoài nhiều để tránh những biến chứng.

Tiến sĩ Nhi khoa vạch ra sai lầm của mẹ Việt trước dịch cúm mùa - 2

Cúm phải xác định là biến chứng gì chứ cúm thường mà cho vào viện là không nên. (Ảnh minh họa)

PGS.TS y học Nguyễn Tiến Dũng cũng nhấn mạnh: Bệnh cúm năm nào cũng có, trừ những dạng cúm đặc biệt như cúm A H5N1, H1N1, H7N9 mới gây bệnh nặng, còn đối với bệnh cúm mùa thông thường thì rất thường gặp. Cúm mùa hay gây thành dịch nhưng đại bộ phận là nó rất nhẹ và triệu chứng của nó thay đổi tùy từng cơ địa người bệnh. Có trường hợp chỉ là sốt đơn thuần, có những người vừa sốt lại có thêm các triệu chứng toàn thân ví dụ như đau đầu, đau mình mẩy, đau cơ bắp, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, ho…

Tùy từng trẻ mới nên tiêm phòng cúm

Trước tình trạng bệnh cúm mùa đang có nguy cơ tăng lên, nhiều người có ý định mua thuốc tăng cường miễn dịch và tiêm phòng cúm cho con. Tuy nhiên, PGS.TS y học Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: “Rất nhiều người bổ sung thuốc để tăng cường miễn dịch là rất dại. Tăng cường miễn dịch là tăng sức của mình bằng cách ăn uống tốt, thể dục thể thao, rèn luyện cơ thể là quan trọng chứ không phải uống một cái gì vào là tăng cường miễn dịch.

Còn về mũi tiêm phòng cúm thì toàn thế giới người ta khuyên tiêm, và tiêm trước mùa cúm. Nhưng tôi phải cảnh báo nếu tiêm thì mỗi năm phải tiêm một lần vì virut cúm thay đổi liên tục, nên năm nay tiêm thì chỉ phòng cho năm nay thôi, năm sau nó biến chủng rồi.

Tiến sĩ Nhi khoa vạch ra sai lầm của mẹ Việt trước dịch cúm mùa - 3

Các gia đình nên cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là những loại nước giàu vitamin C. (Ảnh minh họa)

Vì thế những người cơ địa đặc biệt thì nên tiêm, chứ những người khỏe mạnh thì không cần. Đối với trẻ em cũng tùy từng trẻ, chứ không phải ai cũng nên tiêm. Ví dụ trẻ sinh non hay trẻ có bệnh mãn tính, trẻ hay phải tiếp xúc với môi trường không tốt thì tiêm, chứ không phải nhất thiết cứ tiêm đồng loạt, vì nếu tiêm thì năm nào cũng phải tiêm chứ không phải tiêm một lần là phòng tuyệt đối”.

Bác sĩ cũng khuyên các gia đình nên cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là những loại nước giàu vitamin C như nước cam tươi, nước chanh, nước táo… giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Chế độ ăn hàng ngày của bé cũng cần đấy đủ dưỡng chất, nếu trẻ bị cúm biếng ăn thì có thể cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, ấm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo, súp dinh dưỡng, sữa nóng…

Mời độc giả gửi những video ngộ nghĩnh của các bé trong độ từ 0-10 tuổi kèm thông tin cơ bản về hòm mail: lamme@eva.vn. Ban biên tập sẽ lựa chọn những clip hay nhất để chia sẻ trên chuyên mục Làm mẹ.

Thanh Loan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp