Bé trai 8 tuổi tử vong sau khi sốt, nôn nhiều vì mắc căn bệnh “quen mặt”, dễ phòng nhưng nhiều người chủ quan

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 19/12/2022 11:08 AM (GMT+7)

Sau khi bị sốt, buồn nôn và nôn nhiều, bệnh nhi được cho dùng thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Khi trẻ chuyển tới viện đã quá nặng, gia đình xin đưa về nhà vì không đáp ứng điều trị.

Đó là trường hợp bé trai 8 tuổi, ở Phú Thọ. Trước khi vào viện 3 ngày, trẻ có biểu hiện sốt theo cơn kèm buồn nôn, nôn nhiều, dùng thuốc điều trị tại nhà do trạm y tế kê đơn. Sau 3 ngày dùng thuốc, tình trạng trẻ không cải thiện, đồng thời xuất hiện cơn giật (khoảng 4 phút). Sau cơn giật, trẻ lơ mơ nên được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện tuyến huyện nhưng không đỡ và tiếp tục được chuyển tới BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ điều trị.

Trước đó, trẻ được chẩn đoán mắc cúm B, viêm não-màng não, viêm phổi, kèm theo tình trạng rối loạn đông máu. Quá trình chuyển đến viện, trẻ ở trong tình trạng co giật, ý thức lơ mơ, đã đặt ống nội khí quản.

Tại bệnh viện, sau 8 tiếng điều trị chống phù não, tăng áp lực nội sọ và thở máy, tình trạng trẻ vẫn rất xấu. Trẻ hôn mê, không có phản xạ ánh sáng, đồng tử 2 bên giãn 5mm, tăng áp lực nội sọ. Các bác sĩ ngay lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bé. Dù có tim trở lại nhưng nhịp không đều, vẫn hôn mê sâu, đồng tử giãn, không có phản xạ ánh sáng. Các bác sĩ tiên lượng tình trạng trẻ rất nặng, gia đình sau đó xin cho bệnh nhi về bên gia đình và người thân, không tiếp tục điều trị.

Nhiều trường hợp chủ quan khi mắc cúm khiến tình trạng nặng thêm, thậm chí tử vong. (Ảnh minh họa)

Nhiều trường hợp chủ quan khi mắc cúm khiến tình trạng nặng thêm, thậm chí tử vong. (Ảnh minh họa)

Các bác sĩ cho biết, năm nay số lượng cúm B được ghi nhận tại BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tăng đột biến, riêng 3 tháng cuối năm 2022, khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho 124 trẻ, con số này cao gấp 3 lần so với số liệu được tổng hợp trong cả năm 2020. Các bệnh nhi khi nhập viện điều trị chủ yếu có các biểu hiện như sốt cao liên tục, khó đáp ứng với thuốc hạ sốt kèm theo ho, viêm họng, sổ mũi.

Một thực tế đáng báo động là khi trẻ bị cúm, các gia đình thường không đưa đến các cơ sở y tế thăm khám mà thay vào đó tự mua thuốc về điều trị cho con tại nhà. Chỉ đến khi các biểu hiện của trẻ nặng lên, gia đình mới cho trẻ đến bệnh viện, khi đó rất có thể bệnh đã gây ra những biến chứng nặng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.

Bác sĩ Trần Thị Thùy Linh - Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết hiện bệnh cúm hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ hàng năm, nhất là với nhóm trẻ dưới 2 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, những người mắc các bệnh nền mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)… Đặc biệt, virus cúm còn có thể phát triển rất nhanh trong cơ thể làm phá hủy tế bào gây suy đa tạng, thậm chí gây tử vong.

Bác sĩ Thùy Linh hướng dẫn, các mũi tiêm cúm cho từng đối tượng như sau:

- Trẻ em dưới 9 tuổi cần được bảo vệ bởi 2 liều cúm, mỗi liều cách nhau tối thiểu 1 tháng trước khi tiến hành tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.

- Trẻ lớn trên 9 tuổi và người lớn cần tiêm vắc xin mỗi năm 1 lần.

- Phụ nữ mang thai là đối tượng cần ưu tiên tiêm ngừa cúm.

- Đối với phụ nữ đang có kế hoạch mang thai, tốt nhất nên tiêm vắc xin phòng cúm trước khi có thai 3 tháng. Nếu đang có dịch cúm mà chưa kịp tiêm trước khi mang thai, vẫn có thể tiêm phòng vắc xin ngừa cúm bất hoạt vào 3 tháng giữa thai kỳ.

Mẹ chủ quan khi bị cúm lúc mang thai, sinh xong choáng váng khi thấy điều này trên mặt con
Suốt 7 tháng đầu mang thai, người mẹ không đi siêu âm, kể cả sau lần bị cúm, chị đau lòng khi thấy con chào đời với gương mặt dị dạng, không thể tự bú...

Các vấn đề sức khỏe khác

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch cúm