Trẻ bị cảm lạnh: Dấu hiệu và biến chứng nghiêm trọng

Ngày 01/04/2019 16:04 PM (GMT+7)

Dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh thông thường là sổ mũi và hắt hơi. Trong trường hợp những trẻ sức đề kháng quá kém, virus sẽ gây nhiễm trùng thứ phát dẫn đến biến chứng.

Trẻ bị cảm lạnh: Dấu hiệu và biến chứng nghiêm trọng - 1

Tác giả bài viết: Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Trẻ bị cảm lạnh: Dấu hiệu và biến chứng nghiêm trọng - 2

Ts.Bs.Trương Hồng Sơn

Trẻ bị cảm lạnh, thông thường sẽ tự khỏi và không cần thiết phải đi khám bác sĩ. Song cũng có những trường hợp người già và trẻ em bị cảm lạnh gặp biến chứng viêm phế quản, viêm phổi... do hệ miễn dịch yếu.

Chính vì thế các mẹ cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu cảm lạnh và liên hệ ngay với bác sĩ nếu có triệu chứng đầu tiên của các biến chứng.

Trong trường hợp thấy các triệu chứng của cảm lạnh ở trẻ kéo dài hơn 10 ngày hoặc các triệu chứng ngày càng nặng hơn, trẻ có thể gặp biến chứng thứ cấp. Với những trẻ này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị các mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sỹ kịp thời.

Dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh

Dấu hiệu trẻ bị cảm lạnh thông thường là sổ mũi và hắt hơi, nguyên nhân là các virus gây cảm lạnh đã có sẵn trong họng và mũi của trẻ. Chỉ cần phụ huynh lơ là trong việc chăm sóc con nhỏ đã vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong dịch nhầy tích tụ ở mũi và lồng ngực. Khi không may bị cảm, hệ miễn dịch của trẻ lại yếu nên trẻ sẽ bị “hạ gục” ngay.

Trẻ thường bị cảm lạnh nhiều lần trong một năm, nhất là khi thời tiết thay đổi. Để giúp trẻ nhanh chóng hồi phục, mẹ cần lưu ý trong khâu chăm sóc trẻ.

Nếu trẻ nhỏ được mẹ chăm sóc và bảo vệ kỹ lưỡng tại nhà bệnh cảm sẽ tự hết, toàn bộ dịch nhầy chứa virus bị tống ra ngoài. Trong trường hợp những trẻ sức đề kháng quá kém, virus sẽ gây nhiễm trùng thứ phát dẫn đến biến chứng.

Các biến chứng liên quan đến cảm lạnh

- Viêm tai cấp tính

Viêm tai là một biến chứng thường gặp của bệnh cảm lạnh ở trẻ nhỏ. Cảm lạnh có thể gây ra việc hình thành dịch và tắc nghẽn sau màng nhĩ. Khi vi khuẩn hoặc virus cảm lạnh thâm nhập vào khoảng không chứa đầy không khí phía sau màng nhĩ sẽ gây ra viêm tai.

Biến chứng này thường gây ra một cơn đau cực độ ở tai. Trẻ rất nhỏ nên có khó chịu hay đau đớn chỉ có thể khóc hoặc ngủ kém. Trẻ nhỏ bị viêm tai có thể có dịch nhầy từ mũi màu xanh hoặc vàng, đôi khi có trẻ bị cảm sốt sau khi bị nhiễm cảm lạnh thông thường.

Viêm tai sẽ khỏi trong vòng 1-2 tuần. Với những trẻ bị biến chứng viêm tai, thông thường các mẹ sẽ chăm sóc bằng chườm ấm, sử dụng acetaminophen hoặc ibuprofen (thuốc không cần kê đơn) và các thuốc nhỏ tai theo đơn cũng giúp làm giảm các triệu chứng. Trong một số trường hợp, bác sỹ có thể sẽ kê thêm một vài loại thuốc kê đơn. Trong những trường hợp rất hiếm, phẫu thuật ống tai sẽ được tiến hành để làm khô các dịch trong tai. Khi thấy con nhỏ có những dấu hiệu của viêm tai nghiêm trọng, mẹ hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ.

Trẻ bị cảm lạnh: Dấu hiệu và biến chứng nghiêm trọng - 3

Trẻ nhỏ bị viêm tai có thể có dịch nhầy từ mũi màu xanh hoặc vàng. Ảnh minh họa

- Lên cơn hen suyễn

Cảm lạnh là nguyên nhân phổ biến nhất của cơn hen suyễn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng hen suyễn, bao gồm khò khè khó thở, tức ngực có thể trở nên nặng hơn ở những trẻ bị cảm lạnh. Các triệu chứng của cảm lạnh cũng sẽ kéo dài hơn ở những trẻ bị hen suyễn.

Nếu trẻ bị hen suyễn và đang bị cảm lạnh, bác sĩ khuyên mẹ cần tiến hành làm những bước sau cho trẻ nhỏ:

+ Kiểm soát lượng khí của trẻ với máy đo lưu lượng khí vào cùng một thời điểm hàng ngày, qua đó, điều chỉnh thuốc hen suyễn của trẻ cho phù hợp.

+ Lập kế hoạch đối phó với các cơn hen suyễn, lên kế hoạch chi tiết về những gì cần làm nếu các triệu chứng nặng hơn. Nếu mẹ chưa có kế hoạch này cho trẻ, trao đổi với bác sỹ để tạo ra kế hoạch theo dõi riêng cho trẻ.

+ Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, uống nhiều nước. Nếu các triệu chứng hen suyễn nặng hơn, điều chỉnh lượng thuốc của trẻ và đến gặp bác sỹ.

Mẹ hãy nhanh chóng tìm sự giúp đỡ của nhân viên y tế ngay lập tức nếu thấy trẻ cực kỳ khó thở, họng bị sưng nghiêm trọng hoặc nếu trẻ có các triệu chứng của viêm phổi (sốt cao, ớn lạnh, đổ mồ hôi, cảm thấy đau buốt khi hít thở sâu hoặc ho có đờm).

Để phòng tránh biến chứng cảm lạnh hen suyễn, các bà mẹ cần kiểm soát cơn hen của trẻ trong khi bị cảm lạnh và điều trị sớm trước khi triệu chứng hen suyễn bùng phát.

- Viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng của các xoang mũi, được nhận ra bởi các cơn đau ở vùng mặt, đau đầu nặng, sốt, ho, sưng họng, mất vị giác và khứu giác, cảm giác đầy ở tai và hơi thở hôi.

Viêm xoang có thể phát triển khi cơn cảm lạnh thông thường làm tắc nghẽn các xoang mũi. Xoang mũi tắc nghẽn sẽ khiến vi khuẩn và virus phát triển trong các dịch nhầy của mũi. Điều này sẽ dẫn tới viêm và nhiễm trùng xoang mũi.

Trẻ bị cảm lạnh: Dấu hiệu và biến chứng nghiêm trọng - 4

Nếu trẻ có các triệu chứng của viêm phổi (sốt cao, ớn lạnh, đổ mồ hôi... Mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ tìm đến bác sĩ để được xử trí kịp thời

Viêm xoang cấp tính có thể kéo dài tới 8 tuần nhưng thường có thể điều trị được. Bác sỹ có thể gợi ý một vài loại thuốc giảm đau không cần kê đơn, thuốc thông mũi và đôi khi sẽ kê thêm thuốc kháng sinh. Hít hơi nước đôi khi cũng làm giảm các triệu chứng. Đổ nước sôi vào một cái bát hoặc chậu, trùm khăn qua đầu và cúi mặt hít hơi nước. Tắm nước nóng và thuốc xịt mũi từ muối biển cũng có thể có tác dụng. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ thì cần nhờ sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ để hiệu quả điều trị được tốt hơn.

Tốt hơn hết, nếu trẻ bị cảm lạnh dẫn đến biến chứng viêm xoang hoặc các triệu chứng cảm lạnh kéo dài trên 10 ngày, hãy đến gặp bác sỹ. Mặc dù rất hiếm gặp nhưng nếu viêm xoang không được điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng khác nguy hiểm hơn.

- Viêm họng

Đôi khi, trẻ bị cảm lạnh có thể sẽ bị viêm họng. Viêm họng thường phổ biến ở trẻ nhỏ lứa tuổi đi học và trẻ vị thành niên (từ 5-15 tuổi).

Viêm họng có nguyên nhân là do vi khuẩn Streptococcal, lây lan tương tự như cảm lạnh. Trẻ có thể bị viêm họng khi tiếp xúc với người bệnh hoặc với các bề mặt, các giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, hoặc khi dùng chung đồ dùng với người bệnh.

Triệu chứng của viêm họng bao gồm: Đau họng, khó nuốt, sưng, đỏ amiđan (đôi khi có chấm trắng hoặc có mủ), xuất hiện những nốt nhỏ, màu đỏ ở vòm họng, sưng, đau các hạch bạch huyết ở cổ, sốt, đau đầu, kiệt sức, ban đỏ, đau bụng và/hoặc trẻ bị cảm lạnh nôn nhiều (thường gặp ở trẻ nhỏ).

Khi trẻ có triệu chứng viêm họng thường được điều trị bằng kháng sinh và các loại thuốc giảm đau không cần kê đơn để giảm đau. Nếu được chỉ định dùng kháng sinh, mẹ hãy dùng cho trẻ uống đủ liều, kể cả khi con đã cảm thấy khá hơn. Bởi nếu dừng thuốc kháng sinh ở giữa liều có thể dẫn đến việc tái phát triệu chứng hoặc thậm chí những biến chứng nặng hơn.

Tối đi ngủ đắp chăn cho con thế này, không bao giờ lo trẻ đạp chăn, cảm lạnh
Từ vụ bé sơ sinh tử vong vì chăm trùm kín đầu, mẹ học cách đắp chăn cho con ấm mà an toàn
Ts.Bs.Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia