Khi mắc hen phế quản, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, đặc biệt đối với trẻ em, cha mẹ cần phải có hiểu biết về bệnh và luôn chú ý để có kế hoạch chăm sóc, điều trị cho con được hiệu quả.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ Bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp - BV Nhi đồng 1 TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam |
Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp - BV Nhi đồng 1 TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Nhi Việt Nam |
Bệnh hen phế quản là bệnh lý viêm mạn tính đường hô hấp. Khi có thêm yếu tố kích thích từ bên ngoài, đường thở sẽ bị co thắt, sưng phù, tăng tiết đàm làm đường thở bị tắc nghẽn từng cơn. Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ bị khó thở, tức ngực, ho kéo dài, hay vào ban đêm và sáng sớm. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Dấu hiệu cơn hen phế quản
Khi cơn hen xuất hiện, trẻ sẽ có những biểu hiện sau:
- Cơn hen phế quản nhẹ: xuất hiện những cơn ho, khò khè.
- Cơn hen phế quản vừa: ho, thở khò khè rõ, tiếng nói ngắt quãng, có dấu hiệu thở nhanh, co kéo cơ hô hấp phụ (co kéo lồng ngực, hõm ức, hố thượng đòn).
- Cơn hen phế quản nặng: khó thở nặng, trẻ nhỏ không bú được, nhìn thấy rõ hiện tượng co kéo lồng ngực, mũi ức, hố thượng đòn, môi trẻ tím tái, rất khó khăn khi nói hoặc khóc.
- Hen phế quản rất nặng (ác tính): trẻ không thể khóc hoặc nói, khó thở dữ dội, thậm chí có cơn ngưng thở. Nếu không có biện pháp can thiệp và chữa trị kịp thời trẻ khó tránh khỏi tử vong.
Bệnh hen phế quản thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây hen phế quản ở trẻ
Hen là bệnh di truyền, có tính chất gia đình. Tuy nhiên, còn cần có thêm yếu tố bất lợi từ môi trường thì bệnh hen mới phát sinh.
Có nhiều yếu tố gây khổi phát cơn hen mà chúng ta cần nhận biết để phòng tránh:
- Do nhiễm virus đường hô hấp: Các trường hợp bị hen phế quản cấp đa phần đều do nguyên nhân này, chiếm đến 85%. Các loại virus gây bệnh là Rhinovirus, Coronavirus, Influenza virus, para-influenza virus, virus hợp bào hô hấp (RSV).
- Các nguyên nhân khác:
+ Môi trường ô nhiễm: khói bụi, khói thuốc lá.
+ Các tác nhân gây dị ứng: mạt nhà, gián, phấn hoa, lông thú vật (chó, mèo), nấm mốc, hóa chất trong các chế phẩm tẩy rửa gia dụng….
+ Chất có mùi nồng.
+ Thực phẩm gây dị ứng: cá, tôm, cua, trứng, sữa, các loại hạt (đậu phọng)…
+ Gắng sức (nô đùa hoặc tập thể dục quá sức), xúc cảm mạnh...
Một số nguyên nhân gây hen phế quản ở trẻ. Ảnh minh họa
Chế độ ăn uống của trẻ bị hen phế quản
Các bậc cha mẹ thường hay quan tâm tới việc trẻ bị hen phế quản kiêng ăn gì?
Chúng ta cần lưu ý 2 khía cạnh sau:
- Chỉ khoảng 5-10% bệnh nhân hen thật sự có dị ứng thức ăn. Do vậy, không cần thiết phải kiêng ăn nghiêm ngặt cho mọi trẻ hen mà chỉ tránh khi thật sự là dị ứng.
- Nhưng hen kèm dị ứng thức ăn lại thường nặng. Do vậy, cần lưu ý phát hiện trẻ hen có bị dị ứng thức ăn hay không.
Trong thực tế, để việc điều trị hen phế quản có hiệu quả và hạn chế tái phát bệnh, cần lưu ý trong chế độ ăn của trẻ như sau:
- Tránh những thức ăn có nhiều muối, thức ăn đóng gói – đóng hộp. Tránh dùng bột ngọt.
- Cần theo dõi trẻ thường dị ứng với loại thực phẩm nào để kiêng ăn và phòng ngừa. Điều này là rất cần thiết vì mỗi trẻ lại có cơ địa riêng và hen kèm dị ứng thức ăn lại thường nặng.
- Tăng cường những thức ăn có chứa vitamin C, magnesium, những acid béo Omega 3 vào khẩu phần ăn của trẻ. Bởi vì việc thiếu vitamin C kết hợp với không khí ô nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, đặc biệt là đối với trẻ em.
Một vài lưu ý đối với trẻ mắc hen phế quản
- Tỷ lệ mắc hen phế quản ở trẻ em trên thế giới là khoảng 10%. Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nếu cơn hen nặng không được xử lý và cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, khi không kiểm soát được cơn hen, trẻ sẽ gặp những trở ngại trong cuộc sống như: phải nghỉ học thường xuyên, hoạt động thể chất bị hạn chế, mất ngủ, cảm thấy khó chịu bởi các triệu chứng ho, khò khè, khó thở, nặng ngực và các triệu chứng dị ứng.
- Tuy không thể điều trị khỏi hoàn toàn hen phế quản nhưng có thể kiểm soát được bệnh, trong một thời gian dài trẻ sẽ không còn triệu chứng của hen nữa. Nhưng phụ huynh không được chủ quan hoặc để cho trẻ tự ý dùng thuốc vì có khả năng các cơn hen sẽ tái xuất hiện khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp hoặc khi đã trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ cần luôn chủ động nắm bắt thông tin, tình hình của con mình để giúp bé phát triển khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tâm lý.
- Đa phần các trưởng hợp trẻ mắc hen phế quản là do nguyên nhân dị ứng, chiếm đến 70-80%. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đi test dị ứng để tìm ra nguyên nhân, giúp chủ động kiểm soát chế độ ăn và môi trường xung quanh trẻ. Nếu như liên quan đến các yếu tố môi trường không tránh được (phấn hoa, bụi nhà…) thì trẻ có thể được bác sĩ chỉ định liệu pháp miễn dịch đặc hiệu.
- Trẻ có thể chơi cùng thú cưng như chó, mèo... nếu không bị dị ứng với lông và chất tiết ra của chúng. Điều này sẽ giúp giải tỏa tâm lý cho trẻ và bồi đắp tình yêu thương động vật, tinh thần trách nhiệm của trẻ em. Tuy nhiên, nếu trẻ bị dị ứng thì cha mẹ có thể xin tư vấn ý kiến của bác sĩ để nuôi các con vật khác như: rùa, cá…
- Nếu được sử dụng đúng cách, các thuốc điều trị hen phế quản (dạng xịt, hít…) đều được cho là an toàn cho trẻ. Nhưng vẫn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ định kỳ để kiểm soát về liều lượng thuốc. Thuốc điều trị hen cơ bản được chia thành 2 mục đích sử dụng là: cắt cơn và ngừa cơn. Khi được chẩn đoán là mắc bệnh, trẻ sẽ được chỉ định và hướng dẫn sử dụng thuốc dạng xịt/hít ở nhà để cắt cơn hen kịch phát. Phụ thuộc vào mức độ bệnh khác nhau mà trẻ chỉ cần dùng thuốc để ngừa cơn hoặc có thể kết hợp cả thuốc uống.
Sử dụng thuốc điều trị hen phế quản phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Ảnh minh họa
- Cha mẹ nên giải thích, cởi mở chia sẻ về bệnh tình với trẻ để giúp con có những kiến thức, thông tin về bệnh cũng như cách phòng tránh. Tuy nhiên, phụ huynh cũng khéo léo động viên con để trẻ không bị bối rối, lo lắng, dẫn đến áp lực tâm lý ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Điều này rất quan trọng để kiểm soát các cơn hen vì nếu trẻ dùng thuốc (hít, xịt, khí dung) không đúng cách hoặc dùng không thường xuyên hoặc tự ý bỏ thuốc thì sẽ không còn tác dụng nữa.
- Trẻ có thể tham gia các hoạt động thể thao theo ý thích nếu như các cơn hen được kiểm soát tốt. Thậm chí tập luyện thể thao còn rất tốt cho tim mạch và hô hấp của trẻ. Tuy nhiên, cần trao đổi với bác sĩ điều trị về các hoạt động của trẻ để có thể sử dụng thuốc giãn phế quản trước khi tham gia hoạt động thể lực.
- Trong trường hợp trẻ thường xuyên xuất hiện các cơn khó thở trong và sau khi hoạt động thể chất thì cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để loại trừ trường hợp trẻ bị hen phế quản do gắng sức.
- Cha mẹ cần phải nắm rõ các dấu hiệu khi lên cơn hen kịch phát của trẻ. Từ đó, có thể đánh giá đúng mức độ nặng nhẹ của các trường hợp xảy ra, xác định khi nào thì cần theo dõi tiếp, lúc nào phải nhập viện.
- Nếu cần hỗ trợ trong quá trình chăm sóc và điều trị bệnh cho trẻ, cha mẹ nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa về dị ứng hoặc hô hấp để được chẩn đoán và theo dõi một cách chính xác nhất.
Phòng tránh hen phế quản
Việc phòng tránh trẻ lên cơn hen còn phục thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, cha mẹ có thể áp dụng một số cách sau để phòng tránh được tốt nhất cho con:
- Đối với trẻ có tiền sử bị hen:
+ Vào mùa lạnh: trẻ cần được mặc ấm, đặc biệt là khi đi ra khỏi nhà. Khi trẻ không có cơn hen thì mới tắm cho trẻ. Khi tắm, trẻ phải được tắm bằng nước ấm, lau người bằng khăn khô và mặc quần áo ngay khi tắm xong. Ngoài ra nếu được, tốt nhất nên chuẩn bị thêm một số thiết bị như: lò sưởi, điều hòa nóng để khi tắm xong, trẻ sẽ được ở trong không khí ấm, không bị lạnh đột ngột dẫn đến cảm lạnh, có nguy cơ xuất hiện cơn hen phế quản.
+ Không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn có khả năng làm xuất hiện cơn hen như: tôm, cua, ốc...
+ Không nên cho trẻ tiếp xúc với các loại khói bụi nên người trong gia đình tốt nhất không hút thuốc lá khi ở nhà và sử dụng các loại bếp ít khói.
Người thân không nên hút thuốc lá để tránh ảnh hưởng đến trẻ. Ảnh minh họa
+ Thỉnh thoảng nên phơi nắng chăn ga, gối đệm cho sạch sẽ, khô ráo.
+ Khi vệ sinh phòng riêng của trẻ, dùng khăn ướt lau bụi và hút bụi bằng máy là tốt nhất.
+ Nghiêm túc điều trị theo tư vấn và chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Điều trị dự phòng hen ở trẻ em:
Ngoài điều trị cắt cơn hen ở trẻ thì việc điều trị dự phòng cũng quan trọng, đặc biệt đối với gia đình có tiền sử bố mẹ bị hen. Việc điều trị này sẽ phải tuân theo hướng dẫn của chương trình kiểm soát hen toàn cầu GINA. Một số thuốc được sử dụng trong điều trị dự phòng như sau:
+ Thuốc dạng hít : Fluticasone Propionate ( Flixotide), Budesonide (Pulmicort), Salmeterol/fluticasone propionate (Seretide), Formoterol/Budesonide (Symbicort).
+ Thuốc dạng uống: Montelukast….
Cần lưu ý là các thuốc phòng ngừa này sẽ được các bác sĩ chì định tùy mức đô nặng, mức độ kiểm soát của bệnh cũng như tuổi của trẻ. Các thuốc này không gây nghiện và nói chung là khá an toàn. Thường trẻ cần phải sử dụng thuốc trong 1 thời gian dài (nhiều tháng, thậm chí nhiều năm).
Các bác sĩ sẽ tùy theo tình trạng của trẻ mà gia giảm liều lượng thuốc để có thể giúp trẻ kiểm soát bệnh hen tốt nhất. Do vậy, cần cho trẻ tái khám đầy đủ, đúng hẹn và nhất là không được tự ý ngưng thuốc dù trẻ có vẻ tốt hơn.