Khi trẻ bị viêm họng có thể khiến bệnh tình nặng thêm nếu ăn những món ăn này.
Bệnh viêm họng là một trong những căn bênh về đường hô hấp, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của trẻ, tuy không nguy hiểm, nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả về sau như viêm amidan hay phổi bị tổn thương.
Đối tượng dễ mắc nhất là trẻ dưới 5 tuổi do sức đề kháng và hệ miễn dịch còn yếu không thể chống lại được tác nhân gây bệnh. Dưới đây là một số thông tin quan trọng liên quan đến bệnh viêm họng ở trẻ mà các mẹ nên lưu tâm và cố gắng phòng tránh tốt cho con.
1. Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh
Vi khuẩn và virus là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh viêm họng trẻ em. Khi mắc bệnh này trẻ sẽ có dấu hiệu tiêu biểu như: đau họng, ho khan, nhức đầu, hai hạch nhân to, sần sùi, tiết dịch, hạch ở cổ và dưới hàm sưng to và đau.
Nghẹt mũi, kém ăn, mất ngủ mệt mỏi cũng là một trong những triệu chứng viêm họng ở trẻ em bố mẹ cần lưu ý.
Khi mắc bệnh này trẻ sẽ có dấu hiệu tiêu biểu như: đau họng, ho khan... (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nếu trẻ thở toàn bộ bằng miệng cũng là một triệu chứng viêm họng ở trẻ em. Bởi lẽ khi mũi bị viêm nghẹt, sinh ra chất dịch bẩn chảy xuống cổ họng bé, làm họng trẻ bị viêm nhiễm dẫn đến bệnh viêm họng. Và khi bị nghẹt mũi, trẻ sẽ không thể tự thở bằng mũi mà phải chuyển sang thở bằng miệng.
2. Thực phẩm tốt cho trẻ bị viêm họng
Khi trẻ bị viêm họng thường có xu hướng lười ăn do đó không nên ép bé ăn quá nhiều một lúc mà nên chia nhỏ thành nhiều bữa vừa giúp bé ăn ngon miệng lại giảm tác động mạnh và đột ngột lên vùng họng của trẻ. Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho trẻ bị viêm họng, bố mẹ có thể tham khảo.
Những món súp nóng
Khi trẻ bị viêm họng bạn nên cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ ăn hơn chẳng hạn như súp gà bởi thành phần có trong thịt gà giúp hạn chế sự sản sinh các dịch nhầy không có lợi rất tốt cho trẻ đang bị ho hoặc viêm họng.
Mẹ có thể nấu súp cùng với nấm và rau củ... để cung cấp cho bé một lượng vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Họng của trẻ bị đau nên mẹ hãy cho bé ăn với số lượng ít một, cho trẻ ăn cả xác có thể ninh nhừ hay xay nhỏ để con nuốt được dễ dàng hơn.
Thành phần có trong thịt gà giúp hạn chế sự sản sinh các dịch nhầy không có lợi rất tốt cho trẻ đang bị ho hoặc viêm họng. (Ảnh minh họa)
Thực phẩm giàu Vitamin C
Vitamin C giúp tăng khả năng thải độc cho gan, nên sẽ loại bỏ các chất có hại của phản ứng viêm họng gây ra. Vitamin C có tác dụng làm mát, nên sẽ xoa dịu sự rát họng.
Vitamin C còn làm tăng sức đề kháng chung của cơ thể nên sẽ giúp bệnh được đẩy lùi. Những thực phẩm chữa viêm họng hiệu quả thuộc nhóm này bao gồm các loại trái cây như cam, quýt, bưởi, xoài...
Rau xanh
Tất cả các loại rau quả quen thuộc như cà chua, bắp cải, rau cải, mồng tơi, rau ngót, rau muống, rau dền… được chế biến dưới dạng luộc hay canh đều cung cấp nguồn vitamin và khoáng chất cực kì cần thiết giúp bé nhanh hạ sốt, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Sữa chua
Sữa chua là một trong những thực phẩm được khuyến khích cho những người bị viêm họng bởi lợi khuẩn probiotic có trong sữa chua chính là chiếc áo bảo vệ cổ họng giúp chống lại vi khuẩn có hại gây bệnh. Chúng cũng giúp trẻ ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt hơn trong những ngày bị bệnh.
Sữa chua là một trong những thực phẩm được khuyến khích cho những người bị viêm họng (Ảnh minh họa)
Những món canh thanh mát
Khi trẻ bị viêm họng, mẹ nên cho bé ăn các món canh thanh mát như mùng tơi, rau đay, rau lang, bầu bí, mướp… Ích lợi của những món canh này làm bạn dịu cơn rát sâu trong cổ họng.
Món canh này cũng rất dễ ăn, dễ nuốt, không làm trẻ khó chịu khi ăn hoặc khi nhai. Món ăn trơn nên không làm tổn thương cơ học bề mặt, giúp họng trẻ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
3. Những đồ ăn tuyệt đối không cho trẻ ăn khi viêm họng
Khi trẻ bị viêm họng, bố mẹ nên tránh cho trẻ ăn những thực phẩm dưới đây:
Không cho trẻ ăn những món cay, nóng
Chúng gây kích ứng cổ họng, khiến hiện tượng sưng đau tăng lên. Hơn nữa, thức ăn nhiều dầu mỡ còn sinh đờm gây khó chịu hơn cho trẻ.
Không cho trẻ ăn đồ ăn quá cứng
Các loại đồ ăn quá cứng đều không nên cho bé ăn nhất là khi trẻ đang bị viêm họng bởi những loại đồ ăn này vừa khiến bé phải nhai nhiều mất thời gian và gây ra đau đớn cho trẻ.
Không cho trẻ ăn đồ ăn quá lạnh
Đồ ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh hay các loại đồ ăn có đá cũng không nên cho bé ăn khi con đang bị viêm họng.
Có thể ngay khi ăn, con sẽ cảm thấy dễ chịu nhưng đồ ăn lạnh dễ khiến cổ họng của trẻ bị tổn thương, con dễ bị tăng thân nhiệt. Nhiều bé sức đề kháng yếu nên đồ ăn lạnh chính là nguyên nhân gây ra tính trạng viêm họng thậm chí là bị sốt, nôn ói ở trẻ.
Đồ ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh hay các loại đồ ăn có đá cũng không nên cho bé ăn khi con đang bị viêm họng. (Ảnh minh họa)
Hạn chế đồ ăn nhanh, thức uống có ga
Cho dù là món yêu thích của trẻ, nhưng khi bé bị viêm họng, bố mẹ cần phải hạn chế những loại đồ ăn này. Các loại thức uống có ga làm bé đầy bụng, khó tiêu thậm chó còn khiến tình trạng bệnh của trẻ thêm nặng hơn.
4. Trường hợp nguy hiểm cần đưa đi bệnh viện
Nếu nhận thấy trẻ có một trong những dấu hiệu dưới đây thì cần đưa đi bệnh viện ngay:
- Đưa trẻ đi khám ngay nếu có các dấu hiệu sốt. Với trẻ dưới 3 tháng tuổi mức độ nghiêm trọng là 38 độ C, với trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi là 38,3 độ C và với trẻ trên 6 tháng tuổi là sốt trên 39 độ C.
- Trẻ bị viêm họng thường kèm theo quấy khóc, kém bú, chán ăn nên cha mẹ dễ nhầm tưởng đó là những dấu hiệu khó chịu khi bé mọc răng. Nếu bé sốt cao, nhịp thở nhanh, chảy dãi nhiều thì nên đưa đi khám.
- Bố mẹ hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu đau cổ họng kéo dài hơn một tuần.
- Nếu nhận thấy hai bên amidan của trẻ sưng to, nặng có thể có thêm mủ hoặc bựa trắng trên bề mặt thì bố mẹ cần lưu ý.
- Nếu người lớn nhận thấy trẻ có xuất hiện các nốt phát ban trên người thì nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra và chữa trị kịp thời. Khó nuốt hoặc thở.
- Đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để gặp bác sĩ nếu thấy bé có biểu hiện nôn ói, khó thở.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trẻ bị viêm họng thường tự khỏi sau 3-7 ngày, vì thế cha mẹ không nên cho trẻ dùng kháng sinh trong các trường hợp này. Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên thì dùng thuốc hạ sốt. Nếu ho nhiều, cha mẹ cho con dùng các loại thuốc ho tây y hoặc đông y như mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh... dùng thuốc long đờm, dùng thuốc co mạch, thuốc kháng histamin, rửa mũi khi bé chảy mũi, tắc mũi. Theo Diệu Thu (Dân Việt) |