“Đứng lên đi tiếp, mẹ sẽ đứng sau lưng con” là bài học mà siêu mẫu Xuân Lan dạy con mỗi ngày.
Ở tuổi 35, Xuân Lan một mình chống chọi với bão dữ cuộc đời, tai tiếng thị phi vì cái danh "mẹ đơn thân". Tuy nhiên đằng sau sự mạnh mẽ ở vẻ bề ngoài, những lời nói cứng rắn, ít ai biết được nội tâm yếu mềm của "chân dài" này từng hụt hẫng rất nhiều vì không có chỗ dựa, điểm tựa gia đình.
Đã có lúc cô cảm thấy cô đơn, mệt mỏi khi làm mẹ đơn thân nhưng vì bé Thỏ, cô đã vượt qua tất cả. Cùng nghe Xuân Lan trải lòng về cuộc sống làm mẹ đơn thân gần 4 năm qua và cách cô dạy con gái kỹ năng sống đối phó với những kẻ xấu xung quanh.
Siêu mẫu Xuân Lan và bé Thỏ.
"Tôi hụt hẫng vì không có ai cho mình dựa vào"
Được biết, chị sinh bé Thỏ vào năm 2013, chị có thể kể lại lần vượt cạn đó của mình không?
Sinh bé Thỏ là ca vô cùng khó. Sau khi ca mổ thành công, các bác sĩ còn nói may mà chỉ định mổ không để tôi sinh thường. Lúc vỡ ối tôi vào phòng mổ, bé Thỏ vẫn nằm ở dạ trên nhưng lúc mổ con lại lộn lên khiến các bác sĩ không dám lôi đầu ra trước.
Các bác sĩ phải ấn đầu xuống quay ngược lại nắm chân con ra. Vì tôi bị mất máu nhiều, nhịp tim bị hạ, huyết áp tụt nên các bác sĩ phải xử lý thật nhanh. Khi nắm được bé ra thì thấy nguyên túi bọc điều. Lúc ấy bác sĩ dặn tôi mai mốt đừng chiều bé vì bé từ đẻ xuôi thành đẻ ngược mà còn đẻ bọc điều nữa. (Cười)
Khoảnh khắc ẵm Thỏ để bắt đầu cắt rốn, Thỏ khóc oe oe là hình ảnh đầu tiên khiến nước mắt tôi cứ chảy ra. Lúc sinh, tôi có nhờ người quay lại khoảnh khắc bé Thỏ chào đời nên bây giờ tôi cũng hay cho Thỏ xem lại video và con rất thích.
Chị gặp khó khăn như thế nào khi vượt cạn một mình, không có người đàn ông bên cạnh làm chỗ dựa lúc đó?
Thực ra sinh bé Thỏ là cả một quá trình tâm lý bởi tôi là người nói rất giỏi nhưng tôi lại không làm được thế. Tôi rất hy vọng có chỗ dựa nhưng cuối cùng tôi hụt hẫng vì không có ai để cho mình dựa. Cả bố mẹ cũng khó chấp nhận chuyện tôi trở thành single mom và sợ cháu mình không có một người bố để làm chỗ dựa.
Khi mang bầu bé Thỏ, tôi khá khó khăn về kinh tế nữa vì ngưng hết công việc để giữ con. Dù không chuẩn bị hết điều kiện nhưng tôi thấy tôi may mắn bởi đã mua bảo hiểm y tế trước đó, rồi cố gắng giữ cho con tế bào gốc lưu trữ trong ngân hàng để phòng sau này.
Hơn nữa tôi may mắn hơn là được ông bà, các cô chú hỗ trợ chăm sóc con cả tháng. Tuy nhiên phải thành thật rằng trong thời gian đó tôi vẫn rất hụt hẫng bởi tâm lý của mình cần có chỗ dựa, cần có điểm tựa gia đình.
Tôi tự bảo tôi sẽ là người mạnh mẽ nhưng thực ra lại rất yếu đuối. Nhiều khi con bệnh tôi không biết lo như thế nào chỉ nằm khóc. Dẫu vậy, tôi đã vượt qua tất cả rào cản về tâm lý, về sự thiếu hụt để trở thành một người tự tin, lạc quan về tương lai của con, con đường đi của con và tự hào tuổi ấu thơ của con là tuổi ấu thơ quá tuyệt vời.
Làm mẹ đơn thân, cuộc sống của chị có gặp những khó khăn gì?
Tôi xác định rằng Thỏ làm con của mình thì phải chịu thiệt thòi. Bây giờ tôi chỉ thương con là mẹ đi công tác nhiều quá, con phải ở nhà với ông bà. Nhưng giờ con cũng lớn, tự lập, biết rằng tôi đi làm vì tất cả tương lai của con bởi vậy mỗi lần về nhà, tôi đều muốn cho con đi chơi, ôm con, yêu con.
Những hành động, cử chỉ nào của Thỏ khiến chị cảm thấy an ủi, hạnh phúc nhất dù làm mẹ đơn thân?
Lúc nào đối với tôi, Thỏ cũng là một cô bé rất đáng yêu, lúc nào con cũng dụi vào trong ngực tôi giống như hồi còn nhỏ. Dù lớn nhưng con vẫn leo lên người mẹ, úp mặt lên ngực mẹ lấy hơi ngủ.
Cuộc sống làm mẹ đơn thân có quá nhiều áp lực. Những lúc chạnh lòng, tủi thân và khóc chị làm gì để vơi đi?
Nhiều khi ngủ tôi nằm khóc vì thực ra tôi quá mệt mỏi, quá stress, áp lực với công việc. Và tôi đã khóc cho vơi đi nhưng khi quay qua nhìn con, tôi nhận thấy khóc không thể giải quyết điều gì nữa, khóc chỉ vơi đi xong phải mạnh mẽ đứng lên để tiếp tục vì con.
Thực ra sau khi có Thỏ có nhiều chuyện mất cân bằng với cuộc sống nhưng tôi không có giống như lúc chưa có con nữa. Tất cả sự xáo trộn đó chỉ trong vòng 30 phút là tôi lại phải cân bằng ngay.
Tôi giải quyết bằng cách để Thỏ ngồi kế bên mình, nhìn con, xác định đó mục tiêu lớn nhất, không có gì quan trọng bằng Thỏ và sau đó nhìn con cười, nhìn con nói, đút cho con ăn là mọi mệt mỏi tan biến. Tôi quên hết. (Cười)
Đối với tôi, điều quan trọng nhất vẫn là vì con.
Tôi "bó tay" khi dạy con đối phó với kẻ bắt cóc
Thưa chị, bé Thỏ ở nhà có tính cách thế nào?
Con bé rất là đáo để, rất biết cách lắt léo để người ta chú ý và nghe. Ví dụ khi ăn tôm với ăn mì u đông và ăn rau. Tôi trêu Thỏ ăn rau đi cho tốt để mẹ ăn mì thì con lại kêu mẹ ăn rau đi vì mẹ bị đau tay để Thỏ ăn tôm cho. Con là một đứa trẻ luôn luôn cho rằng lý của con là đúng.
Bé cá tính vậy, chị làm thế nào để dạy bé nghe lời?
Tôi chỉ phân tích với bé đúng hay sai và cho con tự chọn lựa. Tôi phân tích rất tình cảm, cứ chia sẻ cho con biết những điều gì là đúng sai và biết biểu cảm nào mẹ thích. Và đến bây giờ ông ngoại cũng dạy như vậy nên con chưa bao giờ bị đòn roi.
Mới 3,5 tuổi nhưng con rất lý lẽ. Có lần bà ngoại đang bực rút roi ra thì con dỗi khóc. Cho tới 2 tháng sau con vẫn nói rằng "Hôm bữa đáng nhẽ Thỏ đi học vui lắm nhưng bà ngoài rút roi ra làm con buồn lắm. Thỏ không có thích như vậy đâu, nói với Thỏ là Thỏ nghe mà". (Cười)
Chị dạy con như thế nào khi hiện nay có rất nhiều mối đe dọa xung quanh, đặc biệt là nhiều vụ xâm hại trẻ em được đưa ra ánh sáng?
Tôi dặn con rất kỹ rằng không được cho ai đụng vào những vùng nhạy cảm, chỉ mẹ và bà ngoại được tắm cho con còn bất kỳ ai cũng không được. Ở trên lớp cũng vậy, tôi dặn con rằng chỉ có cô giáo thôi còn nếu không con phải tự làm.
Tuy nhiên về chuyện dạy Thỏ đối phó khi gặp các vấn đề như bị người lạ bắt cóc thì tôi gặp khó khăn và không dạy được Thỏ bởi giấc mơ cổ tích của Thỏ rất đẹp, lúc nào cũng Elsa, Anna,…
Thế giới của con là thế giới của tiên bướm, là những người có phép thuật giúp đỡ trẻ em nên khi dạy con rằng nhà có ai tới bắt cóc con thì con kêu sao? Thỏ nói con kêu Elsa đến cứu bởi Elsa có phép thuật hô biến người lạ thành băng giá.
Tôi "bó tay", không có cách nào để con thoát ra được suy nghĩ này bởi với những đứa trẻ thì không phá vỡ được thế giới cổ tích của chúng.
Tôi phải nhờ một người mặc đồ tiên bướm giả làm Elsa xuất hiện trên sân thượng của nhà mình để trò chuyện với bé Thỏ. Và cô tiên bướm đã dạy Thỏ kêu cứu như thế nào khi bị bắt cóc. Cô cũng giải thích với Thỏ rằng cô phải cứu nhiều bạn nhỏ, bận học, chăm sóc gia đình,… nên không thể đến cứu Thỏ khi con bị người xấu bắt cóc.
Là đứa trẻ cá tính, luôn có lý lẽ riêng của mình, có khi nào Thỏ làm cho chị buồn không?
Không có khi nào Thỏ làm tôi buồn bởi vì con là trẻ con. Có tư duy là ba mẹ cứ bắt con phải làm cho mình vui, phải hiểu mình nhưng một đứa trẻ con làm sao hiểu được người lớn. Con là tờ giấy trắng nên ba mẹ vẽ gì là nó phản chiếu đúng như vậy thôi.
Thời gian, quá trình con lớn lên trưởng thành thì con mới hiểu được. Mình phải thích nghi với con chứ không phải để con thích nghi với mình.
Chị sắp xếp thời gian, công việc thế nào để vui chơi với con và bù đắp những thiếu hụt cho con?
Lúc nào rảnh là 100% không thấy tôi ở nhà. Lúc đó, 2 mẹ con ôm nhau đi du lịch đâu đó, đi resort, shopping hoặc đi lang thang trung tâm thương mại từ sáng đến tối. Đó là cách tôi bù đắp cho Thỏ.
Thỏ rất mong mẹ về và muốn đi trung tâm thương mại mua sắm. Bây giờ tôi mua đồ Thỏ không thích nữa. Con tự phối đồ mà không cần đến mẹ.
"Đứng lên đi tiếp, mẹ sẽ đứng sau lưng con"
Từ bé đến giờ Thỏ có hay nhắc đến bố không?
Thỏ nhắc rất là nhiều và Thỏ có mối tương quan với bố rất nhiều, nhưng bố không phải là câu chuyện của mẹ nên khi nào con có nhu cầu, bố có nhu cầu thì bố với con vẫn được gặp nhau. Tôi vẫn giữ hình ảnh người bố để Thỏ có kỷ niệm đẹp về gia đình.
Cuộc sống làm mẹ đơn thân nhiều vất vả và khó nhăn, như chị nói chị đã rất nhiều lần khóc vì mệt mỏi, áp ức, vậy chị có ý định sẽ tìm một người làm chỗ dựa cho mình và con không?
Thời điểm này, cái gì bình yên tôi sẽ chọn, bình yên với cuộc sống, ổn định và phát triển công việc, tôi không muốn bước vào thử thách rồi rủi ro. Và sự cân bằng nhất của tôi vẫn là Thỏ. Nếu nơi nào khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, bình yên và có Thỏ thì tôi vẫn sẽ sẵn sàng.
Cuộc sống của chị bây giờ đã được gọi là bình yên chưa?
Ở thời điểm này, cuộc sống của tôi không có sóng gió nhưng thực sự bình yên hay chưa thì con đường còn dài, cuộc đời còn dài. Hiện cuộc sống của tôi không có sóng gió nên tôi cảm thấy nhẹ ngày nào vui ngày đó.
Chị là người rất tâm huyết với trẻ con, điều gì đã khiến chị trở thành cầu nối giữa trẻ em với gia đình của các bé?
Tôi muốn cho con tôi những kỹ năng sống bởi tôi biết trẻ con có kỹ năng sống sau này sẽ tự tin, sẽ rất khác.
Bởi vậy, ấp ủ của tôi là muốn nhiều trẻ em cũng sẽ tự tin như vậy. Nhiều em nếu được quan tâm, được yêu thương đúng cách sẽ rất khác như trẻ con nhà nghèo được ba mẹ quan tâm sẽ rất hạnh phúc, hơn cả trẻ con nhà giàu không được quan tâm, bị lãng quên trong ngôi nhà của mình. Điều đó mới là đáng thương.
Trong hoàn cảnh nào tôi cũng muốn cho các con có suy nghĩ tích cực, nhìn cuộc đời tích cực, bỏ bớt trách móc, thù hằn, ganh ghét.
Chị có định hướng con đường mai sau cho Thỏ không?
Tôi không định hướng gì cho Thỏ hết. Con sẽ có cơ hội tiếp xúc với tất cả các bộ môn nghệ thuật và con sẽ được học những gì con thích.
Thực ra tôi dạy cho con kỹ năng sống, chứ không dạy lý thuyết cho con. Cái gì cũng vậy, bước vào thực tế, sống thực tế cũng tốt hơn. Học ở trong trường lớp nhiều khi lý thuyết không có thực hành con cũng bị chơi vơi. Với tôi, con vừa nói, vừa làm và vừa phải có trải nghiệm.
Vậy chị có mong muốn gì dành cho bé Thỏ?
Tôi muốn con sống theo đúng cuộc đời mà con muốn. Con sẽ có những quyền yêu thương và khi yêu thương, thất bại, đau khổ, con cũng sẽ tận hưởng nó giống như mẹ đã tận hưởng.
Đó cũng là trải nghiệm sống chứ không bao giờ biến nó thành sự bi lụy, đau khổ của cuộc đời. Đứng lên đi tiếp, mẹ sẽ đứng sau lưng con.
Xin cảm ơn chị về cuộc chia sẻ!