Vừa qua, thông tin một trẻ 8 tháng tuổi ở Trung Quốc tử vong vì sự hồ đồ của người lớn đang gây xôn xao dư luận.
Được biết, đứa trẻ xấu số bị sốt cao vào lúc nửa đêm, lúc đó gia đình bé không trữ thuốc hạ sốt, cha của cháu bé đã dùng rượu xoa vào người bé vì nghĩ rượu sẽ hạ sốt được cho bé.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên một lúc sau, nhiệt độ cơ thể của đứa trẻ tiếp tục tăng cao, bé mệt mỏi và thiếp đi. Đến sáng hôm sau, bé bắt đầu rơi vào trạng thái hôn mê. Gia đình vội vàng đưa đến viện nhưng sự việc đã muộn, bé đã ngừng thở trên đường đi cấp cứu. Bác sĩ cho biết, đứa trẻ tử vong do suy nội tạng và chết não.
Theo các chuyên gia, do tốc độ bay hơi của rượu cồn vượt xa tốc độ bay hơi của nước, nó sẽ có tác dụng làm hạ nhiệt cơ thể, nhưng đồng thời nhiệt độ cơ thể hạ thấp cũng có thể làm mất đi lượng nước lớn, đứa trẻ rất dễ bị biến chứng như ớn lạnh, thiếu nước… Ngoài ra, ngoài ethanol, rượu cồn công nghiệp còn có nhiều metanol độc hại, sẽ gây tổn hại lớn đến thần kinh và hệ tuần hoàn và ngộ độc methanol.
Dấu hiệu trẻ bị sốt cần đi khám gấp
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi bị sốt, bạn nên đưa con đến bệnh viện ngay khi: Trẻ sơ sinh 0-3 tháng sốt từ 38 độ trở lên; trẻ từ 3 - 5 tháng tuổi, sốt lên đến 38 độ hay cao hơn; trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi, sốt khoảng 39 độ hoặc cao hơn.
Trong quá trình hạ sốt cho trẻ, cần chú ý những điều sau đây:
Không nên ủ ấm, cho trẻ mặc nhiều lớp quần áo khi trẻ đang sốt. Ảnh minh họa
- Không nên ủ ấm, cho trẻ mặc nhiều lớp quần áo khi trẻ đang sốt. Nếu bé sốt mà run, bạn cũng chỉ nên cho bé mặc đồ thoáng rộng, đắp chăn mỏng giúp cơ thể bé dễ tỏa nhiệt.
- Không nên dùng khăn lạnh, nước đá, cồn hay rượu để lau hạ sốt cho trẻ.
- Không nên cho trẻ uống thuốc ngay khi trẻ vừa sốt vì việc vội vàng cho con uống thuốc hạ sốt ngay khi bé vừa sốt vô tình khiến cơ chế phòng vệ của cơ thể con không có cơ hội “đối mặt” với các tác nhân gây bệnh. Nếu bé sốt dưới 38,5 độ, bạn chỉ cần áp dụng cách hạ sốt tại nhà và theo dõi chặt chẽ trong 1 -2 ngày. Nếu không giảm, bạn hãy đưa con đến bệnh viện.
- Nếu con bị sốt có kèm co giật, bạn không nên dùng vật cứng để cạy miệng bé hay cố dùng sức ghì bé lại. Hãy cho con nằm nghiêng và theo dõi con chặt chẽ, để ý xem thời gian mỗi cơn co giật kéo dài bao lâu để cung cấp thông tin cho bác sĩ khi cần thiết.
- Tuyệt đối không đổ bất cứ nước uống, thuốc vào miệng trẻ khi đang lên cơn co giật, vì trẻ sẽ dễ hít sặc vào đường thở.
- Không sử dụng các bài thuốc dân gian để hạ sốt cho trẻ. Vì những bài thuốc này chưa được kiểm chứng y khoa nên tác dụng phụ của chúng thế nào chưa ai đánh giá được.