Thuốc hạ sốt cho trẻ là loại thuốc thông dụng luôn cần có trong tủ thuốc gia đình của các bà mẹ nuôi con. Tuy nhiên, ngoài uống thuốc hạ sốt cho trẻ em, có nhiều loại thực phẩm trong căn bếp của mẹ cũng có công dụng hạ sốt hiệu quả.
1. Khi nào cần sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ?
Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay. Trẻ em có thể sốt cao rất nhanh lên mức 39 độ C, 40 độ C với hiện tượng co giật rất nguy hiểm.
2. Các loại thuốc hạ sốt cho trẻ
Có nhiều loại thuốc hạ sốt nhưng thông thường bác sĩ sẽ kê đơn sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ chứa hoạt chất Paracetamol (còn gọi là acetaminophen). Ngoài ra cũng có thuốc hạ sốt chứa hoạt chất aspirin hoặc ibuprofen.
Ưu điểm của thuốc hạ sốt Paracetamol là tác dụng nhanh, an toàn, ít có biến chứng. Paracetamol có thể đi kèm với các hoạt chất khác để tăng công dụng, tuy nhiên với trẻ em thầy thuốc khuyên dùng Paracetamol đơn chất để đảm bảo an toàn. Với các trường hợp trẻ sốt cao đặc biệt mới có chỉ định khác.
Paracetamol đơn chất có tác dụng hạ sốt mạnh và nhanh chóng, kháng viêm nhẹ. Thuốc được dùng như cách hạ sốt cho trẻ mọc răng, sốt phát ban, sốt virus. Nhiều bà mẹ hỏi về thuốc hạ sốt efferalgan 80mg cho trẻ. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều thuốc hạ sốt chứa Paracetamol với các thương hiệu khác nhau, Efferalgan chỉ là một trong số những thương hiệu đó.
Thuốc hạ sốt cho trẻ em dạng siro được nhiều gia đình tin dùng vì vị dễ uống, tiện sử dụng cho trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)
Còn efferalgan 80 mg là liều lượng thuốc. Liều lượng này phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng của trẻ, chứ không phải trẻ nào khi sốt cũng dùng 80 mg. Cụ thể:
+ Trẻ sơ sinh 1-6 tháng tuổi cân nặng 4-7 kg: 80 mg
+ Trẻ 7 tháng -1 tuổi cân nặng 8-12 kg: 150 mg
+ Trẻ 2-9 tuổi có cân nặng 13-50 kg: 250 mg
Khi trẻ sốt cần được cặp nhiệt độ kiểm tra thân nhiệt liên tục để cho uống thuốc hạ sốt kịp thời. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ chỉ nên uống 3-4 lần/ngày. Mỗi lần uống cách nhau 4 tiếng, dùng 1 gói thuốc hoặc 1 viên đạn, hoặc 1 nắp siro. Nếu trẻ vẫn sốt cao sau khi đã uống thuốc hạ sốt 30-60 phút cần tư vấn bác sĩ.
- Các dạng thuốc hạ sốt phù hợp cho trẻ em: Tùy vào độ tuổi và cách tiếp nhận thuốc của mỗi trẻ, cha mẹ có thể chọn thuốc hạ sốt được bào chế ở các dạng và liều lượng khác nhau:
+ Thuốc hạ sốt cho trẻ em dạng siro: Loại này có thể được bào chế với nhiều mùi vị thơm ngon, phù hợp với sở thích của trẻ em. Cách sử dụng tiện lợi, dễ đo lường với các hàm lượng phổ biến là Paracetamol 80mg/5ml, 150mg/5ml hoặc 250mg/5ml.
+ Thuốc hạ sốt dạng gói bột: Loại này cũng có nhiều hương vị trái cây thơm ngon, dễ uống cho trẻ. Chỉ cần đổ bột ra chén pha thêm chút nước sôi rồi cho bé uống.
Với trẻ đã biết nuốt nước hoặc uống thuốc, cha mẹ nên cho con sử dụng thuốc hạ sốt đường uống vì tác dụng hạ sốt nhanh. Paracetamol dễ dàng được hấp thụ từ dạ dày và ruột vào máu chỉ sau uống khoảng 15 phút - 30 phút.
Theo dõi thân nhiệt của trẻ thường xuyên và thời gian uống thuốc để biết hiệu quả hạ sốt. (Ảnh minh họa)
+ Thuốc hạ sốt hình viên đạn: Dùng để nhét hậu môn cũng được bào chế với 3 hàm lượng là 80mg, 150 mg, 300 mg. Dạng thuốc này thích hợp sử dụng khi trẻ sốt li bì, nôn nhiều không uống được thuốc, trẻ ngủ say cha mẹ không muốn đánh thức trẻ. Khi nhét thuốc qua đường hậu môn, cha mẹ cần thận trọng, nhẹ nhàng tránh làm tổn thương vùng hậu môn của trẻ. Tác dụng hạ sốt qua đường hậu môn chậm hơn đường uống khoảng 15 - 20 phút vì khả năng hấp thụ Paracetamol từ trực tràng vào máu tốn thời gian hơn. Kiểu thuốc hạ sốt hình viên đạn này thích hợp sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi.
*Lưu ý: Tất cả những thông tin về thuốc và cách dùng thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết cách dùng chính xác, cha mẹ nên liên lạc với bác sĩ để biết chính xác, không tự ý dùng thuốc cho bé.
3. Cách hạ sốt bằng thực phẩm an toàn cho trẻ
Giấm táo
Chất axit trong giấm táo sẽ giúp giải phóng nhiệt độ cơ thể qua da. Với trẻ dưới 3 tuổi, mẹ có thể pha hỗn hợp nước và giấm táo theo tỷ lệ 2:1 để ngâm khăn mặt lau người cho bé khi bị sốt.
Trẻ trên 3 tuổi, mẹ có thể pha 10 ml giấm táo và 5 ml mật ong cùng chút nước ấm để bé uống ngày 2-3 lần để hạ sốt. Ngoài ra, có thể cho 100 ml giấm táo hòa cùng nước ấm để bé ngâm mình trong bồn tắm giúp hạ sốt nhanh chóng.
Lòng trắng trứng
Lòng trắng trứng có tác dụng như một loại gel lạnh, giúp hấp thu nhiệt lượng, giảm sốt nhanh chóng và an toàn cho trẻ nhỏ.
Mẹ lấy 2 lòng trắng trứng, đánh lên cho đều. Ngâm 2 chiếc khăn xô mềm vào bát dung dịch lòng trắng trứng rồi quấn quanh 2 gan bàn chân của bé. Cho trẻ đi tất chân để cố định khăn và tránh làm rớt lòng trắng trứng ra ngoài. Khoảng 30 phút bỏ tất và khăn xô, lấy khăn khô lau sạch chân cho bé, mẹ sẽ thấy bé hạ sốt.
Trái cây giàu vitamin C
Trong khi trẻ nhỏ bị sốt, cơ thể bé cần bù nước kịp thời, các loại nước trái cây tươi từ cam, chanh, bưởi, quýt sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và hạ sốt nhanh chóng.
Nước ép dưa hấu
Dưa hấu có vị ngọt, tính hàn giúp thanh nhiệt, giảm sốt hiệu quả. Nếu trẻ đã có thể ăn được dưa hấu, mẹ có thể cho bé đang bị sốt ăn 300-500 gram dưa hấu hoặc ép nước cho trẻ uống.
Nước dừa
Trong số các loại thực phẩm giúp hạ sốt không thể không kể đến nước dừa. Đây là loại nước giải khát và bù nước rất tốt cho cơ thể, đặc biệt trong trường hợp trẻ sốt cao, cơ thể mất nước. Nước dừa có hàm lượng kali, vitamin C, đặc biệt là chất điện giải rất cần thiết với người đang sốt.
Cháo đậu xanh
Khi trẻ nhỏ bị sốt, nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng như cháo, súp. Khi nấu cháo, mẹ có thể cho thêm nắm đậu xanh nấu cùng. Đậu xanh chứa nhiều axit amin tốt cho dạ dày và lá lách, có tác dụng sản sinh kháng thể miễn dịch, giúp kháng viêm, tiêu độc, hạ sốt hiệu quả.