Hai bệnh nhân bị sốt, vì sao người được dặn chườm khăn mát, người kia chườm khăn ấm? Bác sĩ có lý giải bất ngờ

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 06/04/2023 09:06 AM (GMT+7)

Đề thị học sinh giỏi lớp 8 môn Sinh có câu: Hai bệnh nhân cùng bị sốt, vì sao bác sĩ hướng dẫn một bệnh nhân chườm khăn mát, còn bệnh nhân khác chườm khăn ấm để hại nhiệt? Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn đã chia sẻ câu trả lời khiến nhiều người nhận ra bấy lâu đã làm một việc sai lầm.

Sốt là một tình trạng mà nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ với hệ miễn dịch còn non nớt dễ gặp phải. Một trong những cách để hạ sốt mà không ít người từ xưa đến nay vẫn áp dụng đó là lấy khăn chườm để hạ nhiệt. Mới đây, bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh pôn đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân và đưa ra lời lý giải về việc chườm khăn ấm hoặc lạnh khi sốt có thật sự giúp giảm nhiệt. Câu trả lời này sẽ khiến rất nhiều người phải cân nhắc.

Bác sĩ Trần Văn Phúc chia sẻ về việc có nên chườm khăn ấm hoặc lạnh khi sốt để hạ nhiệt.

Bác sĩ Trần Văn Phúc chia sẻ về việc có nên chườm khăn ấm hoặc lạnh khi sốt để hạ nhiệt. 

Dưới đây là nguyên văn bài viết với tiêu đề "Sốt - hầu hết chườm sai" của bác sĩ Phúc. 

Hai bệnh nhân cùng bị sốt, vì sao bác sĩ hướng dẫn một bệnh nhân chườm khăn mát, còn bệnh nhân khác chườm khăn ấm để hại nhiệt?

(Đề thi học sinh giỏi lớp 8 - Sinh học)

Trả lời:

Với câu hỏi này, sẽ có người nói sốt chỉ nên chườm nóng, người khác lại bảo tất cả bệnh nhân sốt đều chườm lạnh. Tôi cũng thử hỏi ba cô giáo dạy sinh, thì hai cô trả lời không biết, còn một cô thì trả lời sốt rét chườm nóng và sốt nóng chườm lạnh.

Mọi người nghĩ đơn giản quá!

Câu trả lời đúng phải là sốt thì không nên chườm, nếu phải chườm thì tuỳ từng giai đoạn cơn sốt mà chọn khăn ấm hay khăn mát.

Thực tế ở thời điểm hiện tại, tôi phải khẳng định rằng không có khuyến cáo chính thống nào về chườm để hạ sốt, y học hiện đại không khuyến khích chườm.

Tại sao sốt không nên chườm?

Sốt là triệu chứng phổ biến nhất, ai cũng gặp nhiều lần trong đời, nên khi người lớn chúng ta bị sốt thử chườm sẽ thấy ngay vấn đề. Hãy tưởng tượng, cơ thể đang rất mệt mỏi, toàn thân đau nhức và nổi gai ốc, sốt cao hầm hập, vậy mà phải đắp những chiếc khăn ướt lên cơ thể, tác dụng hạ nhiệt đâu chưa thấy nhưng cảm giác rùng mình, ớn lạnh từ đầu tới chân thì ai cũng như nhau. Và người lớn chúng ta, thà chịu sốt cao nằm rên hừ hừ, tôi chẳng thấy mấy ai chườm. Vậy tại sao cứ lôi trẻ ra chườm?

Chườm khi sốt là phương pháp làm mát vật lí, có lịch sử 2.500 năm nhưng giá trị của nó đến nay vẫn chưa được khẳng định chắc chắn, các nghiên cứu chưa thể đánh giá hết rủi ro và lợi ích. Chườm có thể gây co mạch ở da, run lẩy bẩy, kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, rõ nhất ai cũng thấy là cảm giác rất khó chịu.

Nhưng mọi người vẫn chườm lấy được. Nhất là trẻ nhỏ, nhiều bà mẹ biết không nên cho con uống bừa bãi thuốc hạ sốt, kháng sinh, nhưng khi con bị sốt là mẹ sôi sùng sục, muốn phải hạ nhiệt ngay, nên ra công ra sức chườm khăn ướt. Thực tế chườm đúng thì nhiệt cũng hạ nhưng chườm không đúng sẽ phản tác dụng, khiến trẻ càng khó chịu, thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ.

Chườm khăn khi trẻ bị sốt là cách làm của nhiều cha mẹ nhưng nhiều người vẫn không biết cách chườm đúng. (Ảnh minh họa)

Chườm khăn khi trẻ bị sốt là cách làm của nhiều cha mẹ nhưng nhiều người vẫn không biết cách chườm đúng. (Ảnh minh họa)

Chườm thế nào mới đúng?

Để biết cách chườm đúng, mọi người cần phải hiểu các giai đoạn của sốt, điều này rất quan trọng. Sốt được chia thành thời kì nhiệt độ cơ thể tăng, thời kì nhiệt độ cơ thể ổn định, thời kì nhiệt độ cơ thể giảm.

Thời kì tăng nhiệt độ cơ thể

Chúng ta đều biết rằng cơ thể có chức năng miễn dịch. Khi những “kẻ thù” ngoại lai như vi khuẩn và virus xâm nhập, hệ thống miễn dịch sẽ phải xuất đầu lộ diện, hai bên mở ra một trận chiến sinh tử. Vũ khí hệ miễn dịch sử dụng là nhiệt độ.

Virus và vi khuẩn đều không chịu được nhiệt độ cao, chúng sẽ ngừng hoạt động, rồi bị tiêu diệt. Vì thế mà hệ thống miễn dịch căn cứ vào thực trạng số lượng và mức độ nguy hiểm của quân địch, báo cáo về sở chỉ huy trên não bộ, trung tâm điều hoà nhiệt độ ngay lập tức cài đặt con số nhiệt độ cần đạt được, sau đó ra lệnh tăng thân nhiệt để đạt tới nhiệt độ đã cài đặt bằng mọi cách.

Nhưng cần lưu ý là nhiệt độ toàn cơ thể không phải muốn là tăng được ngay. Vì thế, ban đầu cơ thể ưu tiên tăng nhiệt độ ở khu vực lõi. Những vùng ngoại vi bao gồm bề mặt da hay những nơi xa xôi như tứ chi, mạch máu phải co lại và mồ hôi giảm tiết để tránh tản nhiệt, cùng với đó là hiện tượng rung cơ để tăng thân nhiệt nên tay chân run rẩy. Nhờ đó nhiệt độ tăng dần đến mức cài đặt.

Cách nhận biết thời kì này dựa trên biểu hiện: nhiệt độ tăng liên tục + các dấu hiệu gai lạnh, ớn lạnh, nổi gai ốc, rét run, tay chân run rẩy, da nhợt nhạt + dùng thuốc hạ sốt hay chườm nhiệt độ vẫn tăng hoặc chỉ giảm được thời gian ngắn rồi tăng trở lại.

Ở thời kì tăng nhiệt độ này, giả sử trung tâm điều nhiệt cài đặt 40°C, thì cơ thể vẫn cảm thấy các dấu hiệu trên ngay cả khi nhiệt kế đo 39°C. Nếu ở 39°C này mà chườm bằng khăn ướt hạ xuống 38°C chẳng hạn, trong khi cơ thể đang cần tăng nhiệt lên mức cài đặt là 40°C, tức là chúng ta đang làm trái lệnh của trung tâm điều hoà nhiệt. Do đó, trung tâm này sẽ tăng cường chỉ huy vùng ngoại vi dồn nhiệt về trung tâm, nên các dấu hiệu ớn lạnh, run rẩy, nổi gai ốc càng tăng lên.

Vì vậy, thời kì này không nên chườm.

Nhưng sốt quá cao, đặc biệt là thời gian kéo dài, có thể gây nhiều phản ứng có hại. Dễ thấy nhất là co giật ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, sốt còn có thể đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, tăng tiêu thụ oxy, rối loạn chuyển hóa chất béo, dẫn đến trạng thái ketosis.

Sốt cũng có thể gây ra một loạt các triệu chứng như sụt cân, hưng phấn vỏ não, rối loạn chức năng ức chế, giảm tiết dịch tiêu hóa, giảm hoạt động của các men tiêu hóa, rối loạn chức năng tiêu hoá do protein của đường tiêu hoá bị phá huỷ.

Để phòng tránh thì biện pháp giảm nhiệt tốt nhất vẫn là uống thuốc hạ sốt. Bởi vì thuốc hạ sốt có tác dụng “thoả hiệp” với trung tâm điều hoà nhiệt. Nhiều mẹ cho con uống hạ sốt thấy giảm không đáng kể, hoặc chỉ giảm nhẹ được 30 phút đến 1 tiếng lại tăng trở lại, sẽ cuống và lo lắng. Xin các mẹ hãy bình tĩnh, chỉ cần giảm tốc độ tăng thân nhiệt, hoặc giảm nhiệt được một chút, thì cũng đã có tác dụng rất lớn rồi.

Thực sự cần thiết mới chườm.

Nếu chườm thì chú ý không chườm lạnh ở giai đoạn này, vì khăn lạnh sẽ làm tăng co mạch ngoại vi, hệ quả chườm lạnh nhiệt độ càng tăng lên chứ không hạ xuống.

Cách chườm đúng lúc này phải là chườm nóng, dùng khăn ấm lau nhiều lần lên trán, cổ, nách, bẹn, tứ chi nơi có nhiều mạch máu để làm giãn mạch, đổ mồ hôi, từ đó tản nhiệt ra khỏi cơ thể.

Ảnh từ FB của bác sĩ.

Ảnh từ FB của bác sĩ.

Thời kì ổn định nhiệt độ cơ thể

Khi nhiệt độ cơ thể tăng ngang mức nhiệt đã cài đặt, ví dụ 40°C thì sẽ không tăng nữa trong một thời gian, lúc này quá trình sinh nhiệt và quá trình tản nhiệt cân bằng nhau. Do tản nhiệt nên mạch máu trên da giãn ra, lượng máu đến ngoại vi tăng lên, nhiệt độ da tăng cao nên sờ vào nóng và trông thấy da đỏ, độ ẩm da cũng tăng để bốc hơi.

Bản chất của thời kì này là quân ta và quân địch đang ở thế giằng co, chưa phân tranh thắng thua, nên càng kéo dài thời gian thì chúng ta càng phải đề cao cảnh giác, có thể yêu cầu hỗ trợ ví dụ như thuốc kháng sinh nếu nhiễm khuẩn.

Thời kì này muốn hạ sốt có thể chườm mát.

Cách làm đúng là nhúng khăn vào nước lạnh, vắt nhẹ rồi đắp lên trán, cổ, nách, bẹn là những nơi nhiều mạch máu. Khi nào nhiệt độ của khăn bằng nhiệt độ cơ thể, hãy ngâm nó vào nước lạnh và chườm lại, cứ chườm như vậy cho đến khi hạ sốt.

Lưu ý rằng, chườm ấm vào thời kì này không đúng, bởi theo nguyên tắc vật lí nhiệt sẽ đi từ nơi cao đến nơi thấp, vì thế mà khăn nóng hơn không thể lấy được nhiệt cơ thể, mà còn truyền ngược trở lại.

Thời kì giảm nhiệt độ cơ thể

Nếu phe ta đã giành chiến thắng, kể cả đó chỉ là chiến thắng bước đầu, thì trung tâm điều hoà nhiệt trên não sẽ cài đặt lại mức nhiệt độ cơ thể, ví dụ thắng trận giòn giã rồi thì cài luôn 37°C, vẫn còn phải đánh vài trận nhỏ nữa thì cài mức 38°C chặng hạn.

Vì nhiệt độ cơ thể cao hơn nhiệt độ cài đặt, nên có hiện tượng tản nhiệt rất mạnh, các mạch máu ở da giãn ra. Cách nhận biết tình huống này dựa trên biểu hiện cơ thể đổ mồ hôi đầm đìa + các triệu chứng lâm sàng giảm đi nhiều, người nhẹ nhõm, dễ chịu, thấy khoẻ mạnh hơn, nếu là trẻ con thì lại chơi đùa tỉnh táo như bình thường.

Trong tình huống này thực ra chẳng cần chườm vì cơ thể đang hồi phục nên nhiệt hạ nhanh. Nếu ai muốn chườm hãy chườm mát. Trẻ em thì phải hỏi xem nếu trẻ khó chịu khi chườm thì đừng chườm. Trong quá trình hạ nhiệt này, một số trẻ em và người lớn có thể muốn tắm, hoàn toàn có thể tắm được và thậm chí mang lại cảm giác rất dễ chịu, cơ thể khoẻ khoắn hơn. Đừng lo lắng khi tắm. Chú ý là tắm nước ấm, giữ nhiệt độ phòng khoảng 24°C, nên tắm nhanh để tránh hạ thân nhiệt quá nhiều.

Tình huống ngược lại, tức là quân ta thất bại, khi đó sốt hạ nhưng bệnh nặng lên. Sở dĩ sốt hạ vì trung tâm điều hoà nhiệt không nhận được báo cáo chính xác tình hình chiến trường nên không thể cài đặt ngưỡng nhiệt độ đúng. Trên lâm sàng, các triệu chứng nặng hơn nếu ở người lớn thì dễ phát hiện hơn, nhưng với trẻ em phải rất cẩn thận, nên tôi đưa ra mấy dấu hiệu nhận biết quân ta thất bại sau.

- Đặc biệt cảnh giác với trẻ dưới 6 tháng tuổi.

- Tinh thần kém, bơ phờ, không muốn ăn.

- Li bì.

- Khó thở hoặc thở dốc.

- Da tím tái, vân tím, nhợt nhạt, đổi màu…

- Ít nước tiểu.

Rõ ràng nếu quân ta đang trên đường bại trận, mà lại chườm để hạ nhiệt, thì lợi bất cập hại mất rồi, vì hành động đó chẳng khác gì tiếp tay cho quân địch.

Nói đến đây chắc ai cũng hiểu mục đích của chườm khăn ướt là hạ sốt, nhưng chúng ta hầu như chườm sai. Vì không hiểu nên mọi người rơi vào cực đoan. Người thì chỉ chườm nóng, nười khác lại chỉ chườm lạnh.

Đề thi học sinh giỏi môn sinh lớp 8 rất hay. Nếu hỏi các bậc phụ huynh hay các thầy cô, câu trả lời hầu hết đều dựa trên nguyên lí tản nhiệt vật lí đơn thuần, tức là chênh lệch nhiệt độ càng lớn càng tốt. Vậy tại sao chúng ta hay đứa trẻ bị sốt, không ngồi vào tủ lạnh cho nhanh, mà cứ phải chườm hay uống thuốc? Hãy nhớ rằng, cơ thể chúng ta rất mong manh, sốt mà cho vào tủ đá thì chẳng khác gì cơn khát uống thuốc độc để giải khát vậy.

Trẻ sốt cao co giật có nên cho uống nước chanh, cắn tay? Một việc BS khuyên làm cha mẹ nào nghe xong cũng ồ à
Có rất nhiều mẹo, lời truyền tai khi trẻ bị co giật do sốt được chia sẻ như cho trẻ cắn tay, nhỏ nước chanh vào miệng… Điều này liệu có tác dụng? Bác...

Tư vấn sức khỏe trẻ em

HOÀNG DƯƠNG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách hạ sốt cho trẻ