Nếu trẻ bị sốt cao và co giật, trẻ sẽ bị rơi vào tình trạng thiếu oxy não, mất ý thức, kéo dài tình trạng này sẽ gây nguy hiểm. Vậy trẻ sốt co giật ảnh hưởng như thế nào? Cha mẹ hãy tìm hiểu để phòng tránh.
Trẻ bị sốt co giật có dấu hiệu như thế nào?
Sốt co giật là tình trạng thường xảy ra ở đối tượng trẻ trong độ tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi (đặc biệt là khoảng từ 12-18 tháng tuổi) và có thân nhiệt sốt khoảng từ 38 độ C trở lên. Khi trẻ bị sốt co giật sẽ có triệu chứng thân nhiệt tăng đột, người cứng, trợn mắt, chân tay bị co giật liên hồi, thường sau khoảng 1-2 phút thì sẽ tự hết co giật.
Sốt co giật là tình trạng thường xảy ra ở đối tượng trẻ trong độ tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi. (Ảnh minh họa)
Không phải tất cả những trẻ bị sốt đều sẽ có triệu chứng co giật, khi nhiệt độ tăng cao không nhất thiết sẽ gây nên co giật. Đối với một số trẻ có cơ địa dễ bị co giật do sốt thì nhiệt độ sốt cao sẽ dễ dẫn đến co giật hơn, thậm chí khi sốt 38 độ C cũng đã có thể gây nên co giật.
Trẻ sốt co giật ảnh hưởng như thế nào?
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, trước đây hầu hết các phụ huynh và bác sĩ đều lo sợ rằng trẻ bị sốt cao sẽ lên cơn co giật gây nguy hiểm, đặc biệt là làm ảnh hưởng đến não của bé.
Tuy vậy, sau nhiều công trình nghiên cứu cũng đã chỉ rằng,nếu sốt cao co giật thông thường không làm hại não. Chỉ một số trường hợp chẩn đoán nhầm và bỏ sốt bệnh như sốt cao co giật, viêm não hoặc viêm màng não. Thực tế, sốt co giật là lành tính, không làm ảnh hưởng đến não trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Cách xử lý khi trẻ bị sốt co giật
Cũng theo PGS.TS Dũng, phụ huynh không nên hốt hoảng mà cần biết cách xử lý đúng cách. Đặc biệt, khi trẻ bị co giật thường sẽ có biểu hiện nghiến răng, trợn mắt...nên không biết sơ cứu đúng cách vô tình gây hại cho trẻ, thậm chí là tử vong do ngạt, hoặc hít phải chất nôn, bị viêm phổi nặng do chất nôn từ dạ dày trào ngược vào phổi, gây tổn thương cho phổi.
Theo đó, PCS.TS Dũng khuyên, phụ huynh nên để trẻ nằm nghiêng, nới rộng quần áo, không cho trẻ uống thuốc động kinh và cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Đặc biệt, cần phải để trẻ nằm nghiêng vì khi trẻ bị co giật sẽ kèm theo nhiều đờm dãi, thậm chí là chất nôn từ thức ăn.
Nếu để trẻ nằm ngửa sẽ dễ chảy vào phổi gây tử vong do sặc phổi. Vì thế, cần phải đặt theo tư thế nằm nghiêng để làm thông đường thở cho trẻ.
Khi trẻ bị sốt co giật, cha mẹ cần phải biết cách xử lý kịp thời. (Ảnh minh họa)
Việc đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời ngoài việc có thể đề phòng cơn co giật tiếp theo, thì còn giúp các bác sĩ nhanh chóng tìm ra những bệnh lý kèm theo như viêm não, viêm màng não... Trong trường hợp trẻ bị co giật sốt cao do kèm theo những bệnh này sẽ ảnh hưởng đến não.
Bên cạnh đó, khi phát hiện trẻ bị sốt cao co giật, người nhà không nên đứng vây kín xung quanh vì có thể sẽ làm trẻ bị thiếu oxy.
Tốt hơn, phụ huynh nên nới rộng quần áo để giúp trẻ thoáng mát, đặc biệt là vùng cổ và dùng khăn mềm nhúng vào nước hơi ấm, lau khắp người cho trẻ, đặc biệt là những vùng nách, bẹn, trán... Khi trẻ có nhiệt độ trên 38,5 độ C cần cho uống thuốc hạ sốt và không nên uống thuốc động kinh, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Cách phòng ngừa sốt cao co giật ở trẻ
- Khi trẻ có các biểu hiện sốt, phụ huynh hãy đưa trẻ đi khám để được điều trị sớm, phát hiện nguyên nhân gây sốt và phòng tránh trẻ bị co giật.
- Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều lần hơn, uống thêm nước điện giải (oresol), cam, chanh để bù nước và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
- Cởi bớt quần áo cho trẻ, mặc quần áo thoáng mát, không nên ủ ấm hoặc bọc kín trẻ.
- Đặt trẻ nằm tại nơi sạch sẽ, thoáng mát.
- Thường xuyên theo dõi thân nhiệt cho trẻ bằng cách cặp nhiệt độ.
- Lau người cho trẻ bằng nước ấm, sử dụng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trẻ cao lên quá 38,5 độ C.
- Cho trẻ ăn các loại đồ ăn lỏng và dễ ăn như cháo, sữa...hoặc các món bé thích ăn để giúp phục hồi sức khỏe.
Lau người và đặt trẻ tại nơi thoáng khi bị sốt cao. (Ảnh minh họa)
Bài thuốc chữa sốt cao co giật ở trẻ em
Dân gian có một số bài thuốc được cho là giúp chữa sốt cao co giật ở trẻ em. Tuy nhiên, trước khi sử dụng những bài thuốc này, cha mẹ cần phải lưu ý tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc người có chuyên môn, không nên tùy tiện sử dụng.
Bài thuốc cùng rau diếp cá
- Dùng một nắm rau diếp cá và rửa sạch từng lá, giã thật nhuyễn.
- Dùng nước vo gạo, chắt lấy 1 chén đặc và cho cùng rau diếp cá đã giã nhuyễn vào nồi đun sôi, giảm nhỏ lửa.
- Tiếp tục đun trong khoảng 20 phút để rau diếp cá mềm nát rồi nhấc khỏi bếp, để nguội lấy nước lọc cho bé uống.
- Trong những ngày bé bị sốt, nên cho bé uống nước rau diếp cá này từ 2-3 lần, sau ngày đầu tiên.
Bài thuốc cùng cỏ nhọ nồi
- Dùng cỏ nhọ nồi ngâm rửa sạch.
- Ngâm lại cùng nước muối và đun sôi để nguội rồi vớt ra, cho vào cối sạch giã nát.
- Lọc lấy nước và cho bé uống, uống mỗi lần khoảng 50ml.
Bài thuốc cùng chanh tươi
- Dùng dao và cắt chanh thành những lát mỏng.
- Dùng miếng chanh chà sát vào trán, dọc xương sống, khủy tay, khủy chân của bé.
- Khi chà chanh lên người trẻ cần phải tránh những vết trầy xước, những chỗ bé đang bị ngứa. Nếu bé kêu xót, mẹ cố gắng giữ trong vòng 2-3 phút và lau đi. Sử dụng chanh là một trong những cách hữu hiệu trẻ bị sốt cao từ 39 độ C.
Chanh tươi là bài thuốc dân gian hỗ trợ làm giảm sốt cao ở trẻ. (Ảnh minh họa)
Bài thuốc cùng giấm táo
Khi nhiệt độ của bé tăng cao, mẹ có thể ngâm khăn trong giấm táo pha loãng cùng nước theo tỉ lệ 1:2 rồi đắp lên trán và bụng bé. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng giấm táo rồi quấn quanh lòng bàn chân của trẻ.
Bài thuốc cùng hành tây
Sử dụng hành tây và thái lát mỏng, lấy khoảng 2-3 lát hành tây và chà xát vào lòng bàn chân trẻ trong vòng 2 phút rồi dùng tất bọc hành lại quanh chân trẻ, giúp bé hạ sốt và bớt khó chịu hơn.
Khi nào đưa trẻ bị sốt co giật đến bác sĩ ngay lập tức?
- Bé bị sốt co giật kéo dài hơn 5 phút.
- Cơn co giật chỉ liên quan đến một số bộ phận của cơ thể thay vì toàn bộ cơ thể.
- Trẻ cảm thấy có thở, nôn nhiều, cổ cứng.
- Ở trẻ sơ sinh sẽ thấy một điểm mềm phồng lên trên đầu.
- Trẻ xuất hiện một cơn co giật khác trong vòng 24 giờ.