Bố mẹ xin chữ đầu năm cho con không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn gửi gắm và kì vọng sự bình an, thông minh, khỏe mạnh cho các bé.
Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, với truyền thống của người Việt, không kể già trẻ, gái trai, mọi người thường có tục đi xin chữ. Người cho chữ là những bậc nho sĩ, thầy đồ, thầy giáo học rộng, biết nhiều, viết chữ đẹp lại có tài năng, hiền tài, đức độ. Bởi vậy, người Việt tin rằng xin chữ từ những bậc hiền tài này sẽ mang lại may mắn cho bản thân và gia đình.
Ngày nay, rất nhiều bậc cha mẹ xin chữ cho con với hi vọng các bé luôn bình an, khỏe mạnh, học giỏi. Dưới đây là những chữ phổ biến nhất mà cha mẹ nên xin cho con trong ngày đầu năm mới:
Chữ với ước vọng may mắn, khỏe mạnh, bình an
Chữ Phúc: Điều may lớn, điều mang lại sự tốt lành lớn. Chữ Phúc tiêu biểu cho may mắn sung sướng, thường dùng trong từ “hạnh phúc”.
Chữ Lộc: Những gì của trời ban cho con người như khoa bảng, địa vị xã hội, danh giá, tăng thưởng, lương bổng. Lộc càng dồi dào, cuộc sống vật chất càng hạnh phúc dễ dàng. Thời xưa, Lộc chính là sự ghi nhận công lao các Quan: công lao với dân và công lao với Vua, với nước. Có công lao thì sẽ có Lộc.
Bố mẹ xin chữ đầu năm cho con không chỉ là một nét đẹp văn hóa mà còn gửi gắm và kì vọng sự bình an, thông minh, khỏe mạnh cho các bé. (ảnh minh họa)
Chữ Cát: Điều tốt lành. Ý nói: lời mà kẻ sĩ nói ra đều là lời hay ý đẹp. Chữ Cát thể hiện mong muốn mọi sự đều tốt đẹp của con người.
Chữ An: An mang nghĩa an toàn, bình an, tự tại.
Chữ thể hiện ước nguyện về con đường học hành
Chữ Trí: Thể hiện sự thông tuệ, sáng suốt, hiểu biết.
Chữ Đăng Khoa: Thi cử đỗ đạt. Chữ Đăng Khoa thể hiện mong muốn con thi cử đỗ đạt, vinh danh khoa bảng.
Chữ Tài: Tài trong tài năng.
Chữ Minh: Thể hiện sự thông minh, sáng dạ, trí tuệ minh mẫn
Chữ Chí: Ý muốn kiên trì theo đuổi một sự nghiệp, một việc gì tốt đẹp, nuôi chí lớn, chí lớn...
Chữ Thành: làm mọi chuyện đều được hoàn thành, trọn vẹn. Thành trong Hoàn Thành, có ý muốn nói tâm nguyện làm chuyện gì cũng được trọn vẹn.
Rất nhiều bậc cha mẹ xin chữ cho con với hi vọng các bé luôn bình an, khỏe mạnh, học giỏi. (Ảnh minh họa)
Chữ về đạo đức, tâm tính
Chữ Đức: Sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình. Chữ Đức được kết hợp từ ba bộ chữ là chữ sách, chữ trực và chữ tâm. Trong đó, chữ Sách có nghĩa là bước đi, hành động; chữ Trực nghĩa là ngay thẳng, chính trực; chữ Tâm mang ý nghĩa về sự suy tư, về ý nghĩ, tư duy. Như vậy có thể hiểu một cách khái quát: Chữ Đức nghĩa là sống thực với chính mình, làm đúng với lương tâm mình.
Chữ Nhẫn: Độ lượng, khoan dung, nhận đúng bản chất mà kiên tâm nhẫn nại. Nhẫn, chính là thể hiện bản lĩnh của con người.
Chữ "Hiếu": Hi vọng con sống hiếu nghĩa, tôn trọng mẹ cha đúng đạo làm con.
"Chữ xin về nên treo chữ ở nơi sáng sủa đối diện với nơi trẻ ngồi học và đối với các chữ xin cho con thì không nên treo ở phòng khách hay phòng ngủ. Đối với những gia đình nơi học tập với phòng ngủ là một thì chỉ nên treo ở góc học tập, chứ không nên treo gần giường ngủ" - Ông đồ Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu Hoài Nam (Hà Nội) chia sẻ. |