Mẹ ơi con xin mẹ, con chán ghét bị so sánh với người khác, con ghét cái đứa tên là “con nhà người ta” lắm rồi.
“Con nhà người ta” cái tên quen thuộc mà bất cứ người mẹ nào cũng phải sử dụng ít nhất là một lần. Tôi tự hỏi, không biết người mẹ nào đã sáng chế ra cái tên gọi đấy. Và đến nay cái con người kia vẫn là một điều bí ẩn, không có tên gọi rõ ràng, không có thông tin cha mẹ, không có địa chỉ sống, mà chỉ đơn giản tồn tại là cái cân để đong đo so sánh.
Tôi năm nay 15 tuổi, cái tuổi có thể coi là đã lớn, đã biết suy nghĩ và hành động theo những mong muốn của bản thân. Tôi cứ ngỡ rằng khi mình khôn lớn hơn, mình sẽ thoát khỏi cái bóng của “con nhà người ta thần thánh”. Nhưng mọi chuyện chẳng có gì thay đổi, chỉ khác là tần suất tôi nghe thấy nó ít hơn thôi. Mẹ có biết rằng, đem con ra so sánh với người khác như vậy thì chính mẹ đã làm tổn thương con.
Mẹ ơi ai cũng có lòng tự trọng và con cũng vậy, xin mẹ đừng lấy đi của con. Con sẽ bị tổn thương rất nhiều khi suốt ngày bị chê cái này, trách cái kia. Khi con làm việc gì sai không vừa ý mẹ, con mong được nghe mẹ chỉ ra cái sai của con, thay vì mẹ chỉ biết nói “mày nhìn bạn bè, chị mày xem, chúng nó có như thế không?”, “con nhà người ta thì thế, còn mày thì sao?”…. Mẹ đang khiến con cảm thấy thua kém hơn so với những đứa con khác.
Mẹ đang khiến con cảm thấy thua kém hơn so với những đứa con khác (Ảnh minh họa)
Liệu mục đích mẹ làm vậy với con là gì? Con biết mẹ xuất phát vì muốn cho con noi gương, học hỏi người khác. Nhưng mẹ biết không, việc mẹ làm không hề khiến con tốt hơn, bởi mẹ sinh ra trong lòng con nhiều cái để ghét để oán. Con thú thực với mẹ rằng, mẹ so sánh con với ai, con sẽ sinh ra lòng ghen ghét đố kị với người đó. Con ghét bị so sánh nên con sẽ ghét luôn cái người so sánh với con. Điều này là không tốt một chút nào đúng không mẹ? Vậy xin mẹ hãy dừng ngay việc này lại.
Không biết bao nhiêu lần, con tự hỏi con là con mẹ, hay cái người “chị…, đứa…, con nhà…” mới là con của mẹ. Mẹ hãy chú ý đến con nhiều hơn, thay vì cứ phải đi thăm dò xem người khác thế nào để rồi chê trách con. Con đã từng phải thốt lên rằng “sao mẹ không nhận cái đứa con nhà người ta đấy về mà nuôi?”
Ngày bé con không biết gì, mẹ nói con thì con chỉ biết im lặng ngồi nghe, rồi lại rối rít xin lỗi mẹ. Nhưng mẹ có nhận ra không, giờ mỗi lần mẹ đem con so sánh với đứa “con nhà người ta”, con đã cãi lại mẹ. Con đã bộc lộ rõ thái độ chán ghét khi phải nghe những điều như vậy. Con không hề hào hứng nghe mẹ nói, con cứ để mẹ nói đến chán thì thôi. Và mỗi lần như vậy, con sinh ra tư tưởng không muốn ở gần mẹ. Con sẽ không muốn tâm sự với mẹ, rồi hai mẹ con sẽ hiếm khi tìm thấy khoảng thời gian yên bình khi ở cùng nhau.
Có thể nhiều lần mẹ nói, con không hứng thú nghe, nhưng thật chất con luôn ghi nhớ trong lòng. Con ghi nhớ nó với tâm trạng ấm ức, bực bội. Ngay khi mẹ nói với con rằng “tại sao con không được như chị, bạn bè mình?”, mẹ sẽ quên ngay sau khi nói câu đó, nhưng với con thì không. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến lối nghĩ và tư tưởng của con, và có một thời gian con đã có thói tự ti.
Mỗi lần mẹ mắng, mẹ trách, mẹ so sánh con rất nhiều, nhưng sao đến khi con hỏi mẹ con nhà người ta là ai thì mẹ lại không trả lời con được. Con đoán chắc chắn rằng, mẹ không thể cho con một câu trả lời chính xác, vì ngay bản thân mẹ cũng không biết cái đứa đấy là ai. Nó chỉ tồn tại vô hình, không danh không phận mà thôi.
Mỗi người có một lối sống riêng, một cách sống, một cách nghĩ riêng biệt. Mẹ đừng ép con đi theo khuôn mẫu của mẹ hay của bất cứ ai. Mẹ thử nghĩ xem, nếu thế giới mà ai cũng giống ai thì còn gọi gì là thú vị. Ai cũng cố gắng tạo ra dấu ấn của riêng mình. Con là con, và họ là họ, điều này mãi mãi không thay đổi, nên xin mẹ hãy tôn trọng và đừng xem thường mọi việc làm của con.
Mẹ cứ mãi đem con ra so sánh như vậy, con sẽ càng xa mẹ, và điều dĩ nhiên mẹ sẽ không có cơ hội được nghe những tâm sự thật lòng của con. Con rất muốn nói với mẹ rằng “Mẹ ơi con xin mẹ, con chán ghét bị so sánh với người khác, con ghét cái đứa tên là con nhà người ta lắm rồi”.