Biết chia sẻ, biết quý trọng và biết nói cám ơn là điều bất cứ người mẹ nào cũng cần dạy con.
Hiện tôi đang có một gia đình vui vẻ, một người chồng tâm lí, mẫu mực; hai đứa con ngoan học giỏi. Gia đình luôn là niềm tự hào và thứ đáng quý giá nhất với tôi. Mọi người đều ghen tị với cuộc sống cũng như phương pháp giáo dục con của tôi khi nhìn thấy hai nhóc tì nhà tôi rất khéo léo và luôn biết quan tâm tới người khác.
Dạy con biết yêu thương không khó, chỉ cần mẹ cố gắng hướng con ngay từ khi con nhỏ. Đến bây giờ tôi nhận thấy mình đã làm đúng với con
Dạy con biết chia sẻ, quan tâm người khác
Khuyến khích con yêu tặng những món đồ chơi hay quần áo mà con không dùng tới nữa là cách tốt để con biết chia sẻ tình thương và sự quan tâm đến người khác. Hãy dạy cho con biết rằng “những món đồ con không dùng nhưng nó lại rất cần thiết cho những ai không có”.
Trường của bé Bống nhà tôi một năm thường có tổ chức khuyên góp, ủng hộ giúp đỡ các bạn học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần như vậy, tôi và bé sẽ cùng nhau lập danh sách những thứ bé có thể đem đi ủng hộ. Để con tự chọn món đồ mình cho đi, để sau này con không trách bạn là “tự ý cho đồ của chúng”. Với những món đồ chơi, bé thường lưu luyến không muốn cho đi, tôi nhẹ nhàng khuyên bé “món này con có chơi nữa đâu”, “mẹ thấy con nó lăn lóc mãi, có thèm ngó ngàng đến đâu”, “cho bạn món này, con vẫn còn nhiều đồ khác để chơi mà”. Sau một hồi phân vân, suy nghĩ, bé sẽ đồng ý cho đi những đồ chơi đó.
Nhiều bé rất biết “giữ đồ” của mình, bé không thích ai động hay chơi đồ chơi của bé, các mẹ không nên ép buộc con một khi con đã muốn. Bạn cần chỉ cho con lí do tại sao con nên làm từ thiện. Giúp con làm quen với việc này từ nhỏ, con sẽ hình thành được đức tính tốt, luôn biết giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn.
Dạy con biết quý trọng những gì mình đang có
Trong cuộc sống ngày nay, nhiều bạn không nhận ra rằng mình đang hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều người bên ngoài xã hội. Chúng có thể sinh ra thói quen “bạn có gì thì mình phải có”; trách mắng bố mẹ là không chịu mua đồ này, đồ kia; hay không biết quý trọng những gì mình đang có.
Tư tưởng trên là không tốt một chút nào đối với các con, chính vì vậy mẹ nên giúp con nhận thức và biết coi trọng, giữ gìn những gì mình đang có.
Thỉnh thoảng, vợ chồng tôi cố gắng sắp xếp thời gian để đứa bé đến thăm những trại trẻ mồ côi. Đến đây, con sẽ được tiếp xúc với các bạn có mảnh đời kém may mắn. Con sẽ biết rằng, mình đang có cuộc sống mà các bạn đang mong muốn, con có bố mẹ còn các bạn thì không.
Khi tôi cho con xem một số hình ảnh về cuộc sống khó khăn của các bạn phải đi ăn xin, con thường hỏi “tại sao quần áo các bạn lại như vậy?” “tại sao các bạn không ngủ ở nhà?”, “tại sao các bạn không đi học?”….Trước mỗi câu hỏi như vậy của con, tôi sẽ giải thích rõ ràng và nói về những thiếu thốn mà những đứa trẻ đó gặp phải, từ đó giúp con cố gắng sống tốt hơn.
Đây là cách làm tốt để dạy con biết chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh.
Dạy con bài học quan trọng “không được quên gia đình”
Sau này lớn lên, con ra ngoài xã hội, gặp gỡ và giao lưu với rất nhiều người và dần dành ít thời gian cho gia đình. Bố mẹ hãy dạy con không được phép quên gia đình, dạy con phải biết đặt ra đình lên vị trí hàng đầu.
Muốn được con biết ơn và tôn trọng, cha mẹ nên biết cách chăm sóc, quan tâm con một cách đúng cách, hãy cố gắng trở thành những người phụ huynh mẫu mực trong mắt con.
Tôi hay kể cho con nghe những câu chuyện khi con mới sinh ra, con quấy khóc và bố mẹ đã phải vất cả rất nhiều. Đây không phải kể công, kể tội con, tôi chỉ muốn con biết bố mẹ có yêu con thì mới chịu vất vả để chăm con.
Tôi nói cho con biết nếu không có bố mẹ thì tuổi thơ và cuộc sống của một đứa trẻ sẽ khổ đến mức nào. Sau đó, bé sẽ quay ra ôm lấy tôi và nói ngọt ngào “con yêu mẹ”. Tôi hạnh phúc bởi câu nói đó của con.
Mẹ luôn dạy con biết quý trọng và yêu thương gia đình (Ảnh minh họa)
Dạy con biết nói cảm ơn từ những việc đơn giản nhất
Nhiều bậc cha mẹ dạy con biết nói lời cảm ơn khi được nhận quà, nhưng các thành viên trong gia đình lại quên cảm ơn lẫn nhau trong những việc đơn giản hằng ngày.
Để con biết nói cảm ơn, cha mẹ hãy làm gương tốt cho con noi theo. Đôi khi một câu cảm ơn, một lời khen ngợi sẽ giúp con biết mình đã làm được việc tốt, bé sẽ vui vẻ đón nhận đó.
Khi nhờ con lấy cho mình một đồ vật gì, tôi sẽ xoa đầu và mỏm cười nói câu “cảm ơn” với con. Tôi nhớ, có lần tôi nhờ bé lấy hộ điện thoại trong phòng, sau đó tôi quên không cảm ơn con, bé đã nhắc nhở tôi ngay “mẹ không nói gì với con ah?”.
Ngoài ra, mẹ nên khuyến khích con viết một “bức thư” ngắn để bày tỏ sự biết ơn đối với những người mà con yêu thương. Với những đứa trẻ nhỏ, chưa biết chữ, con có thể thay những dòng chữ nắn nót thành những bức vẽ ngộ nghĩnh đáng yêu. Ai nhận được thư đó của con, chắc chắn sẽ là người may mắn bởi mình chiếm vị trí quan trọng trong tâm trí bé.