Tuy nhiên, bênh thế nào để không xích lòng đôi bên mà cái thân mình vẫn “đảm bảo an toàn” thì không phải anh em nào cũng biết.
Tôi là con một trong gia đình nên đương nhiên khi lấy vợ, cô ấy sẽ phải về làm dâu. Bản thân tôi cũng muốn tròn chữ hiếu nên trước giờ chưa bao giờ có ý nghĩ ra ở riêng. Ấy nhưng chị em khoan đừng chê tôi “bám váy mẹ”, tôi vẫn khẳng định với chị em “Mâu thuẫn chăm con, chồng bênh vợ là đương nhiên”.
Tuy nhiên, bênh thế nào để không khiến vợ giận dỗi, mẹ xích lòng mà cái thân mình vẫn “đảm bảo an toàn” thì không phải ông chồng nào cũng biết.
Vợ tôi và mẹ chồng trước giờ luôn sống vui vẻ, hoà thuận. Vậy nhưng từ khi cu Bin, thằng cháu đích tôn của ông bà, đứa con đầu tiên của chúng tôi ra đời…hai người phụ nữ “quyền lực nhất gia đình” này bắt đầu có nhiều mâu thuẫn. Nàng không thích mẹ chồng bế ẵm, rung lắc ru cháu ngủ. Mẹ chồng không ưa nàng cứ “để mặc thằng bé khóc mà không thèm dỗ”. Nàng phản đối chuyện bà tắm cho cháu bằng lá chè. Bà lại không đồng tình chuyện con dâu “lột trần thằng bé 2 tuần tuổi ra phơi nắng”.
Vậy tôi đã làm thế nào để “sống sót” dưới hai làn đạn? Xin mách anh em vài chiêu
Đừng bao giờ im lặng
Nghe mẹ chồng chỉ trích con dâu, con dâu than phiền về mẹ chồng là chuyện gia đình nào cũng có, ông chồng nào cũng nghe. Vậy nhưng phản ứng của đa số cánh đàn ông là im lặng cho qua chuyện, không lên tiếng để bảo vệ vợ, giải thích cho mẹ. Cách làm này không cải thiện mà còn khiến mối quan hệ vợ chồng xấu đi khi vợ nghĩ rằng chồng mình là người nhu nhược, không có tiếng nói trong gia đình.
Khi “lên tiếng”, cũng đừng bao giờ chỉ ra ai là người sai
Chuyện chăm con khác nhau là do quan niệm mỗi thời một thay đổi, không thể nói được là vợ đúng hay mẹ sai. Lớp già đi trước, có kinh nghiệm nhưng đôi khi cũng kèm theo các quan niệm cổ hủ. Lớp trẻ đi sau chưa được thực hành nhưng đã có những kiến thức mới, khoa học và tiến bộ.
Mục đích đơn giản nhất mà mẹ và vợ bạn gọi ta ra phân xử không phải để nghe phân tích ai đúng ai sai mà chỉ muốn xem ta đứng về phía ai mà thôi. Nếu ta thấy ai có lý hơn và đứng về phía người đó thì chẳng khác nào làm mâu thuẫn thêm nghiêm trọng hơn.
Do đó, mỗi khi mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn trong cách chăm con và nhờ “người ngoài cuộc” là tôi đây vào phân xử, tôi chẳng “dại” gì chỉ thẳng ra ai là người sai mà luôn ở phía trung lập.
Bênh thế nào để không xích lòng đôi bên mà cái thân mình vẫn “đảm bảo an toàn” thì không phải anh em nào cũng biết. (ảnh minh hoạ)
Đợi “trời yên bể lặng” mà nói chuyện với từng người
Tại sao không phân xử ngay “ba mặt một lời”, đó là do khi có người đàn ông đứng giữa, nàng và mẹ sẽ không ai chịu nhún nhường. Vậy nhưng khi tách họ ra mỗi người một nơi để “thoả thuận”, mọi việc lại đơn giản hơn rất nhiều. Hãy thay người này để nói tốt về người kia theo ý mình bởi sẽ chẳng ai lại đi kiểm chứng lại những điều ta nói cả. Dần dần mọi thứ sẽ dịu lại và trở về quỹ đạo vốn có của nó.
Thể hiện được cái uy của đàn ông
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu xảy ra. Người mẹ luôn cảm thấy ghen tị ghi con trai mình nuôi giờ đi ủng hộ một người phụ nữ khác. Người vợ thì lại nghĩ chồng chỉ biết mẹ, không biết bảo vệ vợ, “bất tài vô dụng”. Đứa trẻ lại cần một cách nuôi dạy thống nhất, không thể lửng lơ. Do đó, hãy là người quyết đinh, tỏ rõ sự nghiêm nghị và dứt khoát của mình. Hãy để cho nàng biết, chồng luôn đứng về phía vợ, nhưng cũng đồng thời, phải giải thích được cho mẹ, vì sao phải chăm sóc trẻ nhỏ như vậy.
Cha mẹ mới là người chăm con
Đây là điều cuối cùng mà các ông chồng cần phải nhớ. Nếu mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu quanh chuyện chăm con mãi không được giải quyết, hãy ghi nhớ câu nói này. Không ai chăm con tốt bằng mẹ và cha mẹ mới là người chăm con. Ông bà là người đi trước, là người có nhiều kinh nghiệm, có thể đưa ra lời khuyên. Vậy nhưng quyết định cuối cùng, vẫn phải là ở bố mẹ cháu. Hãy nói rõ quan điểm ngay từ đầu để thống nhất trong gia đình, mọi chuyện sẽ được giải quyết êm đep.