Xót xa mẹ già 80 tuổi nuôi con tâm thần

Ngày 17/10/2014 00:00 AM (GMT+7)

Dân làng vẫn thường gọi mẹ con cụ là 2 số kiếp bị “trời đày”. Bởi lẽ, ở cái tuổi gần đất xa trời, bà cụ Mách vẫn vò võ một mình nuôi người con trai bị tâm thần, mất hết lí trí.

Căn nhà  hai mẹ con cụ Vũ Thị Mách và anh Nguyễn Văn Thuần  nằm lọt thỏm giữa sự giàu có của cái làng đang trở mình lên phố thị. Trong nhà cụ, xác xơ như túp lều của “chị Dậu”, đồ đạc lèo tèo vài thứ: chiếc nồi gang còn vương vài hạt cơm khê cháy đen, vứt chơ chỏng.  Ở xó nhà là đấu thóc còn non nửa của cô con gái cả vừa đem cho hôm sang thăm mẹ. Có lẽ thứ đáng giá nhất với gia đình cụ là chiếc quạt điện mất lồng, hoen gỉ và cũ mèm.

Bao năm nay cụ vẫn sống trong sự cân đong về thời gian, cụ bảo, nhà cụ không có đồng hồ để mà xem giờ giấc, mà có thì cũng chẳng biết xem như thế nào cả. Cụ Mách sinh ra được 5 người con: 4 gái và 1 trai. Bốn cô con gái đã  yên bề gia thất và đi lấy chồng xa. Còn duy nhất anh con trai tênThuần, tưởng chừng như trụ cột trong nhà để hai cụ dựa dẫm bấu víu thì lại bị mắc chứng bệnh về thần kinh. Cụ ông mất. Cụ Mách tảo tần nuôi con, gả chồng cho hết thảy 4 người con gái và tiếp tục đoạn đời truân chuyên khi nuôi cậu con út.

Cụ lần sờ đôi quang gánh để ở gầm giường,  kể chuyện cho khách nghe bằng giọng tiếc rẻ: “Giá mà ông trời không lấy đi của tôi sức khỏe thì giờ này tôi vẫn có thể gồng gánh được vài đấu thóc chứ chẳng chơi”. Cụ cười hiền từ, nụ cười móm mém, hiếm hoi của một người phụ nữ dường như cả đời oằn lưng gánh lấy sự khổ sở.

Xót xa mẹ già 80 tuổi nuôi con tâm thần - 1
Ngôi nhà của 2 mẹ con cụ Mách

Cách đây 3 năm do trận ngã giữa đồng lúc đang gánh thóc, cụ Mách đành nghỉ ở nhà  nương nhờ vào số tiền ít ỏi từ trợ cấp xã. Giàn mướp xác xơ trước nhà không kịp ra quả để chăm lo cho bữa ăn của hai mẹ con cụ. Không sáng thì trưa,  rau muống và mướp luộc là hai món luân chuyển được tái hiện trong mâm cơm nghèo nàn ấy.

Suốt 44 năm qua, ngoài cái công lao nuôi dưỡng đứa con bệnh tật, bà cụ còn mang thêm cả cái công dò dẫm tìm con: bất kể trời sáng tối hay mưa nắng, bão bùng. Lúc bình thường, anh con trai cụ lang thang khắp các xóm, có khi lê lết ra mãi khu đường lớn rồi lẩn thẩn đi một cách vô định, thậm chí có những lúc quên đường về. Hàng xóm láng giềng nhìn thấy về mách cụ, cụ lại bỏ công, bỏ việc lật đật gọi con về như gọi một đứa trẻ.

Nghĩa địa là nơi con trai cụ ngủ

Làng xóm vẫn thấy tiếng khóc bất lực, buông xuôi hay bóng dáng thất thểu của bà cụ Mách  khi không ngăn nổi bước chân đứa con trai điên dại lúc đêm về. Bệnh của anh Thuần thường hay phát lúc nửa đêm, anh vẫn lững thững đi ra khu nghĩa địa của xã để ngủ. Chị Nguyễn Thị Cửi (chị gái anh Thuần) đưa đôi tay gân guốc quệt những giọt nước mắt lã chã trên hai gò má: “Thương lắm, có những đêm em trai tôi cứ nằm lăn lóc ngoài nghĩa trang. Nó nằm chềnh ềnh trên mả nhà người ta, gếch chân nọ lên chân kia, rồi lăn lộn làm đủ thứ trò.  Cả họ nhà tôi phải đội khăn trắng lên đầu dọa ma nó mới chịu theo về. Nhưng được hôm trước, hôm sau lại chứng nào tật ấy, chẳng biết sợ gì và có khi nó cũng không suy nghĩ nổi để mà sợ”.

Khác với tưởng tượng về người điên, anh Thuần trông hiền lành và đáng thương.  Chiếc áo phông đỏ nhàu nhĩ, chiếc quần đùi bên thấp, bên cao trông bộ dạng lếch thếch đến khổ sở. Bộ râu đồng bộ với mái tóc húi cua đã ngả sang màu của hoa râm, lấm tấm bạc. Và có một điều đáng chú ý nhất ở người đàn ông điên dại ấy là những vết sẹo. Ẩn hiện trong lớp tóc hoa râm ấy không biết cơ man nào là sẹo. Những vết sẹo lồi cứ chằng chịt, dày đặc như những con ruồi bâu kín lấy một món đồ ngọt. Đấy là tất cả  dấu tích còn sót lại sau những lần anh Thuần bị ngã.

Anh bị chứng  bệnh động kinh nên mỗi lần lên cơn co giật là lại lăn đùng ra như cây gỗ đổ. Có những khi máu chảy lênh láng khắp sân, sùi bọt mép tưởng chừng như không qua nổi, ấy thế mà chỉ mấy ngày sau khi điều trị ở trạm y tế xã, anh lại hồi phục bình thường, lại lang thang đờ đẫn. Trận mưa bão vừa rồi, hai cống nước trong xóm Ngang ngập nước, anh  cũng bị ngã hai lần, may mắn có hàng xóm phát hiện và lôi anh lên kịp thời.  Chị Cửi kể lại, mỗi lần phát bệnh, anh cào cấu tất cả những gì xung quanh, kể cả đất đá rồi cứ thế bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Thậm chí có bãi rác nào trong thôn, anh lục tung, sục sạo để tìm lấy đồ ăn như bị bỏ đói từ lâu lắm rồi.

Xót xa mẹ già 80 tuổi nuôi con tâm thần - 2
Ở tuổi gần đất xa trời, hàng ngày người mẹ ấy vẫn phải chạy đi tìm con

Những lần đầu tiên khi thấy con trai cụ  ngã như thế, dân trong xã hốt hoảng vô cùng. Đám thanh niên đi chơi tối, lắm lúc phải khóc thét lên khi vô tình vấp phải một đống đen chềnh ềnh giữa làng, máu miệng trào ra, bong bóng mũi phập phồng. Họ đá phải anh Thuần. Người dân xóm Ngang nhiều lần như thế hóa quen, chép miệng: “Thế này thì chết chứ sống làm sao nổi, chỉ khổ thân bà cụ Mách”.

Xót xa mẹ già 80 tuổi nuôi con tâm thần - 3
Người con trai mắc bệnh tâm thần của cụ Mách

44 sinh con ra là 44 năm cụ Vũ Thị Mách phải sống trong khổ đau và nước mắt. Đôi mắt của người mẹ ấy đã đục mờ, đôi chân chai cứng vì những lần tìm đứa  con trai khắp các xã như tìm một đứa trẻ. Để đến giờ phút này, khi cái tuổi đã gần đất xa trời trong thâm tâm cụ vẫn thường trực và đau đáu một nỗi niềm: “Sau này, tôi chết, thằng Thuần biết sống ra sao”?

Đầu giờ chiều, anh Thuần lại thất thểu lê đôi dép ra phía sân miệng lẩm bẩm: “Tối rồi mà cứ keng keng, cốc cốc” rồi đột nhiên phá lên cười sằng sặc. Tiếng cười của một người điên hiền lành sao mà chua chát, não nề. Bà cụ lại lọ mọ gọi với theo con: “Đừng đi nữa, mày đi, mẹ biết tìm ở đâu”...

T.Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gia đình và Xã Hội