Thiện Nhân cho biết hạnh phúc mà cô luôn hướng đến là sự năng nổ, bùng cháy hết mình của tuổi trẻ, bên cạnh đó là những điều bình yên, an...
"Bà bầu lô tô" nổi tiếng Sài Gòn: "Ở nhà các con gọi tôi là ba, ra đường chúng gọi tôi là chị Lộ"
Là tuýp phụ nữ mạnh mẽ, Lộ Lộ không có khái niệm dựa dẫm chồng luật sư tài giỏi. Cô tin rằng sợi dây kết nối cả 2 mạnh mẽ nhất là chung lý tưởng sống và luôn hướng về gia đình.
Những năm gần đây, hát lô tô phổ biến hơn tại Việt Nam và trở thành một nét văn hóa giải trí của người Sài thành. Một trong những gánh hát được công chúng đón nhận là Đoàn lô tô Sài Gòn Tân Thời, cùng với "bà bầu" được mệnh danh là "thánh lô tô" Lộ Lộ.
Chưa bao giờ Lộ Lộ từ chối quá khứ trước khi chuyển giới hay phủ nhận chuyện từng có vợ đẹp, con xinh. Từ đổ vỡ hôn nhân, chị càng trân trọng mối quan hệ hiện tại với người chồng luật sư tài giỏi. Trong hình hài hoàn chỉnh của một người phụ nữ, Lộ Lộ mong muốn đóng góp những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng LGBT tại Việt Nam.
- Chào chị! Năm ngoái, câu chuyện "thánh lô tô" Lộ Lộ kết hôn với bạn trai luật sư ở Mỹ được nhiều khán giả quan tâm. Cuộc sống của 2 vợ chồng trong 1 năm qua có gì thú vị?
Nói kết hôn được 1 năm nhưng cả 2 ở cạnh nhau chắc được vài tháng (cười). Vì công việc, chồng tôi vẫn chủ yếu sống tại Mỹ, trong khi tôi còn đam mê nghệ thuật và dành thời gian nhiều cho gánh hát lô tô ở Việt Nam.
Chúng tôi chấp nhận yêu xa trong quãng thời gian này, mỗi người một nơi nên đôi lúc khá khó khăn để kết nối. Khi sắp xếp được thời gian, tôi sẽ bay qua Mỹ thăm anh hoặc anh bay về Việt Nam. Tuy không ở gần nhưng tâm lý 2 vợ chồng đều ổn. Ít nhất chúng tôi cảm giác có một gia đình ở phía sau ủng hộ công việc và đam mê của mình.
Cả 2 đi từ mối quan hệ bạn bè, hiểu và trân trọng đối phương nên kết hôn với suy nghĩ muốn đồng hành lâu dài. Tôi không chọn cách tổ chức đám cưới rình rang như các cặp đôi LGBT khác mà chỉ tổ chức lễ ăn hỏi với 2 bên gia đình và một buổi ra mắt ở Mỹ.
Lộ Lộ là một trong những người góp phần lan rộng văn hóa hát lô tô trong những năm gần đây.
- Yêu xa là điều không dễ dàng, nhất là trong giai đoạn mới cưới cần vun đắp tình cảm. Anh chị làm gì để giữ cảm xúc cho đối phương?
Tuy thời gian này chưa cho phép chúng tôi ở gần nhau nhưng cả 2 không quá áp lực. Mỗi ngày chúng tôi đều nhắn tin hỏi thăm nhau. Chồng tôi là tuýp đàn ông ít nói nhưng biết cách quan tâm vợ và luôn muốn điều tốt nhất cho tôi.
Với tôi, cách kết nối khi đã là vợ chồng khác với lúc hẹn hò, bồ bịch. Nghĩa là khi cần thì cả 2 sẽ trao đổi, cùng giải quyết những vấn đề quan trọng chứ không cần phải hỏi han mỗi giờ. Hơn hết, chúng tôi tôn trọng nghề nghiệp và thời gian của đối phương dành cho công việc.
- Nhưng vẫn sẽ có lúc cả 2 mất kết nối…?
Tôi từng nghĩ chuyện yêu xa sẽ có nhiều bất lợi. Tôi đặt thẳng vấn đề với chồng: "Anh có muốn ly hôn không vì chúng ta ở quá xa nhau, lúc cần đối phương chăm sóc thì không thể ở cạnh?". Tôi hỏi để xem mong muốn, phản ứng của anh. Anh chỉ nói khi đã chấp nhận lấy nhau thì phải có trách nhiệm, chuyện yêu xa không quan trọng và vợ con thì vẫn phải chăm sóc, quan tâm.
Tôi là người suy nghĩ thoáng, không muốn người ta vì mình mà gò bó trong một mối quan hệ không cho họ nhiều cảm xúc. Khi quyết định kết hôn, anh ấy muốn đưa tôi sang Mỹ. Nhưng tôi còn công việc và vướng bận chuyện học hành của các con nên cả 2 thống nhất sẽ đợi thêm 2 năm. Tôi xem đó là thử thách. Dĩ nhiên là có rủi ro, nhưng hạnh phúc đôi khi cần phải có chông gai để tìm được giá trị tốt hơn.
Tôi sinh ra ở miền biển, thấy nhiều cảnh các chị ở xóm có chồng đi làm ngư phủ, 3-4 tháng mới về nhà, nên mình thấy chuyện ấy bình thường (cười). Nhưng chồng tôi khác, anh ấy sợ người phụ nữ khi không có đàn ông bên cạnh, một mình vừa chăm 2 con, vừa lo công việc, rồi cả gánh hát lô tô… sẽ rất vất vả.
Tôi nói anh, mình cũng từng là đàn ông mà (cười). Nếu tôi giống kiểu phụ nữ cần đàn ông ở cạnh 24/24, luôn muốn họ "túc trực" điện thoại để trả lời tin nhắn, thì chắc mối quan hệ này đổ vỡ từ lâu rồi.
- Là một người từng trải, yêu nhiều, chị bị người chồng hiện tại chinh phục ở điểm gì để đồng ý bước vào hôn nhân?
Đó là bản lĩnh của anh. Chồng nhỏ hơn tôi nhưng suy nghĩ và hành động của anh thể hiện tư duy của một người đàn ông chín chắn, trưởng thành. Trước giờ, tôi thường bị chinh phục bởi những người hơn mình ở một điểm nào đó, còn không thì tôi không quen (cười).
Anh ấy học giỏi và suy nghĩ mọi thứ rất thoáng. Hơn hết, anh ấy tôn trọng, chấp nhận sự khác biệt của tôi. Ban đầu, tôi nghĩ một người giỏi, ổn định ở bên Mỹ như anh ấy sẽ có nhiều lựa chọn, trong khi mình chỉ là một nghệ sĩ tại Việt Nam. Sau này, tôi nhận ra cả 2 có chung mục đích, lý tưởng sống và suy nghĩ sẽ làm nhiều điều tích cực, ý nghĩa hơn cho cộng đồng LGBT.
Ngoài ra, anh còn là người hỗ trợ, "nhà tài trợ" cho các dự án vì cộng đồng trong những lúc tôi thiếu tiền. Hoặc anh sẽ cùng đồng hành kêu gọi tài trợ. Rõ ràng, anh ấy là người phù hợp nhất với tôi ở thời điểm này.
- Có bao giờ chị hỏi chồng điều gì khiến một luật sư ở Mỹ lại muốn kết hôn với một nghệ sĩ Việt Nam, thậm chí chấp nhận yêu xa?
Chưa. Tôi nghĩ chồng tôi dù thành công ở Mỹ nhưng anh sinh ra là người Việt Nam. Trước khi là vợ chồng, chúng tôi là những người bạn, thậm chí anh từng có người yêu, tôi và bạn trai cũ cũng từng đi chơi chung với họ. Chúng tôi cũng từng kết hôn và đã đổ vỡ.
Từ việc làm bạn, cả 2 dần hiểu ra đối phương có chung quan điểm sống với mình. Những dự án Lộ Lộ làm cho cộng đồng LGBT, anh ấy có thể giúp xây dựng, phát triển hình ảnh, lan toả tiếng nói rộng hơn. Có lẽ, anh ấy ấn tượng với những điều tôi đã và đang làm vì nghệ thuật, tạo giá trị cho cộng đồng LGBT.
Tôi nhớ có lần hỏi anh ở ngoài kia rất nhiều người tự do, có thể dành thời gian ở cạnh. Vì sao anh chọn một nghệ sĩ hát lô tô, kết hôn rồi bây giờ mỗi đứa một nơi? Anh chỉ bảo: "Tại lúc đầu chỉ nghĩ cưới xong là có luôn vợ đẹp con xinh, có sẵn hết rồi nên lấy luôn có tiện". Vì đều từng đổ vỡ hôn nhân, chúng tôi hiểu điều tiên quyết để giữ được hạnh phúc của một gia đình là cả 2 phải chung tiếng nói và thấu hiểu nhau.
- Chị có cách "giữ chồng" của riêng mình không?
Tôi có kim chỉ nam riêng trong cuộc sống hôn nhân. Tôi không ghen, ngược lại anh ấy cần phải biết trên trái đất này… chỉ có 1 Lộ Lộ. Nói có vẻ cao ngạo, nhưng tôi có giá trị riêng và anh ấy hiểu mình đã kết hôn với ai. Ở nước ngoài, họ có thể không biết về Lộ Lộ nhưng ít nhất ở Việt Nam, nhiều người biết công việc và con đường tôi làm nghệ thuật.
Có thể lúc này chúng tôi đang yêu xa, ít thời gian gần gũi, nhưng mỗi người đều hiểu và biết cách làm tăng giá trị của bản thân trong mắt đối phương. Tôi còn "nửa đùa nửa thật" rằng chồng mới là người cần "giữ" tôi (cười).
Niềm tin cũng là điều rất quan trọng. Dù xa nhau nhưng tôi không kiểm soát, chưa từng hỏi anh đang đi với ai. Thậm chí, điều tế nhị như chuyện anh có lén ngủ với người khác không, tôi cũng không hỏi vì tin anh. Chỉ cần những lúc tôi nhắn tin tâm sự và chia sẻ có anh ở đó lắng nghe và đồng hành là được. Hiện tại, tôi thấy mọi thứ đến với mình rất nhẹ nhàng và bình an.
- Nhiều người cho rằng cộng đồng LGBT khó tìm được bạn đồng hành, hoặc nếu có thì cũng rất khó để giữ hạnh phúc lâu dài. Chị suy nghĩ gì về điều này?
Tôi chỉ mới bước vào hôn nhân được 1 năm và chưa thể cho ai lời khuyên rằng phải giữ hạnh phúc bằng cách nào. Nhưng nhìn từ cuộc sống, hạnh phúc trong hôn nhân không quyết định bởi giới tính. Nó phụ thuộc vào con người, suy nghĩ và cách họ lựa chọn.
Tôi nghĩ hôn nhân chỉ nên dành cho những người trưởng thành. Tình yêu và hôn nhân là 2 khoảng cách rất xa, cần trải qua nhiều thử thách và không nên vội vàng. Tình yêu là phép thử của cảm xúc, còn hôn nhân là phép tính của cuộc đời. Nếu tính sai thì tiêu đấy (cười). Khi hẹn hò, ai cũng có rất nhiều cảm xúc. Nhưng để chọn kết hôn thì ngoài tình cảm còn là trách nhiệm, nghĩa vụ đồng hành, thay đổi vì nhau.
- Chị là người khó tính và tính rất kỹ trước mọi lựa chọn. Vậy chị đã tính toán điều gì cho cuộc hôn nhân này?
Tôi cũng có chút tính toán. Ban đầu, tôi dự định không kết hôn, chỉ muốn hẹn hò với anh như những cặp đôi khác. Tôi từng thất bại 1 lần chuyện hôn nhân nên sợ lắm! Tôi không suy nghĩ điều đó cho đến khi anh ấy cầu hôn. Chồng là người chủ động chia sẻ việc đã có quốc tịch Mỹ, tính toán tương lai cho 2 con của tôi sau này. Anh muốn các con sang Mỹ học và tôi có thể thoải mái đi lại giữa 2 quốc gia để chăm con. Quan trọng, tôi nghĩ mình đủ cảm xúc để bước tiếp nên quyết định sang Mỹ kết hôn với anh.
- Đổ vỡ trong quá khứ cho chị bài học hay kinh nghiệm gì khi bước vào hành trình mới?
Tôi cảm nhận điều không vui trong quá khứ không xuất phát từ giới tính hay nghề nghiệp, mà đến từ việc đối phương có thích nghi và bản thân có cảm thấy được tôn trọng nữa hay không? Nếu cả 2 không còn giá trị xây dựng cho nhau thì việc tiếp tục chỉ mang lại đau khổ.
Khi dừng lại, nhiều người nói chúng tôi chia tay vì tôi thuộc cộng đồng LGBT. Thực tế, mọi thứ đã ở đó và cả 2 từng có hạnh phúc rất dài suốt 9 năm. Mọi thứ đến từ việc tôi thay đổi công việc và họ không kịp thích nghi, không hiểu hết công việc hay giá trị của mình.
Khi đến với anh, mọi thứ đã trải qua được tôi nhìn nhận và thay đổi để thích nghi. Trong mọi vấn đề, tôi luôn tôn trọng chồng, bàn bạc mọi thứ với anh và cùng thống nhất.
- Sự gắn kết giữa chồng và 2 con riêng của chị thế nào?
Cũng có chút khó khăn. Hiện tại, gia đình vẫn còn vấn đề lớn trong việc gắn kết các thành viên. Vì anh ấy làm việc ở Mỹ, giờ giấc sinh hoạt cũng trái ngược so với thời gian học hành, nghỉ ngơi của 2 bé.
Khi về Việt Nam, anh luôn mua quà cho 2 con. Tôi cũng tạo điều kiện để các bé gần gũi và cảm nhận sự đồng hành của anh. Thậm chí, anh thường bảo tôi gửi thông tin các thầy dạy ở trường quốc tế của 2 bé, để anh có thể quan sát, theo dõi từ xa. Tôi không giỏi ngoại ngữ để trò chuyện với các thầy nên chuyện đó cũng là điều anh nên làm. Tôi cảm nhận được việc anh ấy muốn có trách nhiệm với 2 con của mình.
Không chỉ được chồng quan tâm và yêu thương 2 con riêng của vợ, Lộ Lộ cũng may mắn được mẹ chồng thấu hiểu, chia sẻ.
- Câu chuyện của chị khá đặc biệt khi thay đổi từ một người bố sang hình hài của một người phụ nữ trong mắt những đứa con. Sự thay đổi này có làm tâm lý của chúng biến động?
Tôi nghĩ biến động tâm lý của các con không nằm ở việc tôi thay đổi hình ảnh bên ngoài, vì nó xảy trong quá trình dài chứ không đột ngột. Hồi xưa, tôi trang điểm trên sân khấu rồi dần chuyển sang làm điều ấy ở nhà. Sau đó tôi thay đồ luôn ở nhà, chuyển sang mặc đồ nữ và bây giờ hoàn toàn trong hình hài phụ nữ. Các bé quan sát và thích nghi từ từ với sự thay đổi này. Với các bạn, ba vẫn là ba dù trong bất kỳ hình dáng nào.
Tôi nghĩ điều làm chúng biến động tâm lý nhiều nhất là việc tôi và vợ cũ chọn cách chia tay. Do đó, tôi luôn cảm giác cần phải bù đắp cho sự thiếu thốn tình cảm của 2 con. Tôi từng tâm sự với chồng, nếu tôi không thể dạy con, không cho chúng một môi trường để trở thành người tốt, thì mình sẽ lãnh hậu quả đầu tiên. Lỡ may sau này con không nên người thì chúng sẽ đổ thừa vì mình. Tôi không muốn điều này xảy ra, nên từ bây giờ tôi luôn theo sát mọi hoạt động giáo dục, định hướng tư duy, suy nghĩ của con.
- Cách xưng hô trong gia đình giữa các thành viên liệu có sự thay đổi?
Dù bề ngoài tôi thay đổi nhưng các bé vẫn gọi mình là "ba". Người lớn cũng khuyên đổi cách xưng hô nhưng 2 con không chịu. Bé bảo nếu ra đường mà ba trang điểm, làm lồng lộn thì sẽ gọi là "chị Lộ" (cười). Tôi cũng không bắt buộc điều đó, vì 2 bạn vẫn còn mẹ ruột.
Có những giai đoạn, tôi mới là người khó khăn khi thấy con thích nghi với chuyện ba thay đổi. Như chuyện tôi trang điểm, dẫn 2 con đi học. Khi gặp bạn bè, các bé giới thiệu: "Đây là ba mình nè!", làm tôi "cứng người". Sau này, tôi quen dần và thấy điều đó cũng bình thường.
- Chị từng chia sẻ mẹ chồng hiện tại rất quý và thương 2 cháu. Sự kết nối ấy đã diễn ra như thế nào?
Tôi rất cảm ơn gia đình bên chồng, đặc biệt là mẹ chồng. Bà hiểu, thương tôi cũng như 2 đứa cháu dù không chung máu mủ. Sau khi kết hôn vài tháng, bà còn bay từ Mỹ về Việt Nam chăm cháu cho tôi đi làm. Hiện tại, bà đang làm công việc y tá ở Mỹ nên rất quan trọng sức khỏe, dặn dò con cháu nhiều về nền nếp sinh hoạt.
Tôi cảm thấy con của nghệ sĩ thường thiệt thòi. Nhà tôi chủ yếu 3 ba con sống nương tựa nhau. Những lúc tôi đi làm thì 2 bạn nhỏ phải tự thân vận động, bảo ban chăm sóc lẫn nhau. Tôi thương các con vì chúng ít nhận được sự quan tâm, gần gũi của ba mẹ. Thế nên tôi biết ơn ông bà rất nhiều, đặc biệt là mẹ chồng vì sự quan tâm của bà.
- Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Tin liên quan
Trước khi thành công, danh hài Quang Thắng phải làm nhiều nghề để mưu sinh như chạy chợ, buôn hàng, giao quần áo và thậm chí là đẩy xe bò...
Cát Tuyền là nữ ca sĩ chuyển giới tiên phong trong showbiz Việt. Nói về cuộc đời “2 giới tính”, chị tâm sự nhiều điều.
Không còn phải gồng mình trong lớp vỏ bọc đàn ông, Lynk Lee đã đánh đổi rất nhiều để được sống dưới hình hài phụ nữ. Với cô đó là hành trình...
Tin bài cùng chủ đề 18 năm - Hướng về phía hạnh phúc
Chị Thanh Loan và mẹ chồng "song kiếm hợp bích" tạo ra những bữa cơm gần gũi, giản dị nhưng thơm ngon cho cả nhà thưởng thức.