Mấy năm gần đây một số phim hài bị la ó vì nhạt nhẽo và phản cảm. Nhưng có lẽ, chưa bộ phim hài nào vượt qua “Bản nhiều vợ” ở sự dung tục.
Khán giả quá khắt khe?
Một bộ phim dung tục từ đầu chí cuối, từ trang phục đến điệu bộ, lời thoại… Đoạn ca dao đẹp (“Trên trời có đám mây xanh/Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng/Ước gì anh lấy được nàng/Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”) được chế một cách thô tục: “Ước gì em hóa lá măng/Anh là con cóc anh văng vào lồi (nồi)”; “Ước gì em được là xôi/Anh là cục chả anh ngồi lên trên”…
Hễ nhân vật mở mồm là một loạt thoại tục tuôn ra: “Cẩn thận con vợ nó biết nó xẻo cái đó đi là mất đồ chơi”; “Nó xẻo hay không cũng thế. Mấy năm nay tao tèo rồi”; “Một cái lạ bằng xã cái quen, người lạ cá tươi có khi lại hứng khởi” v.v... Bổ sung vào đó là hình ảnh diễn viên nữ ăn mặc thiếu vải, khoe “hàng khủng” cùng không ít cảnh sàm sỡ. Một số khán giả sau khi xem “Bản nhiều vợ” đã bình luận phía dưới phim: Có một thể loại hài mới xuất hiện, đó là hài khiêu dâm.
Khi phim bị “ném đá” dữ dội, NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo), người giữ vai trò chỉ đạo nghệ thuật kiêm diễn viên vẫn thấy mình không sai, anh đổ lỗi cho khán giả quá khắt khe với nghệ thuật. Quang Tèo bức xúc: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, phim ảnh phản ánh đời sống xã hội. Muốn phim có tính “chiến đấu” để đẩy lùi cái ác - cái xấu thì phải xây dựng được những nhân vật như thế để khán giả họ soi vào đó mà thay đổi”. Xem “Bản nhiều vợ” khán giả không thấy tính “chiến đấu” ở đâu, chỉ thấy cái đẹp bị tiêu diệt và ảnh hưởng xấu tới những bạn trẻ đang độ tuổi ăn, tuổi lớn.
Đạo diễn bộ phim - Dương Ngọc Bảo, cũng không công nhận phim hở hang, dung tục, đã thế anh còn đổ lỗi, phim khiêu dâm, gợi dục là “do khán giả tự nghĩ ra”.
Kỳ thị dân tộc?
Không dừng lại ở sự dung tục, “Bản nhiều vợ” còn khiến khán giả có cái nhìn lệch lạc về người dân tộc thiểu số. Dù đạo diễn bào chữa đây là một bộ phim có “tính chất siêu tưởng tượng”, tức là Bản Tình trong phim là một bản không có thật.
Nhưng chẳng cần phải “siêu tưởng tượng” người xem đủ biết nguồn chất liệu cho phim lấy ở đâu. Người Kinh đến bản Tình hỏi: “Mùi gì lạ quá? Có phải thắng cố không”. Một gã thuộc “thế giới văn minh” nhanh nhảu đáp: “Làm gì có mùi phân đâu mà (là) thắng cố?”.
Người của “thế giới hoang sơ” giới thiệu: “Đây là món ăn của dân tộc tao. Chúng mày cứ ăn thoải mái đi”. Đoạn khác, người đàn ông bản Tình được gọi là Ma Phủ (Chiến Thắng đóng) khi à ơi gái Kinh, đã khen bàn tay gái Kinh đẹp. Gái Kinh đáp, đại khái: Tay người ta được chăm sóc đàng hoàng có đi bốc phân bao giờ đâu mà không thơm.
Có khán giả không chịu được, đã bình: Phim mắc tội kỳ thị dân tộc. Người Kinh được đặt ở “đẳng cấp”, thế giới khác: “Phải nói con gái Kinh xinh lung linh lại thông minh”… Người dân tộc bị vẽ bằng nét bút nguệch ngoạc, thiếu tôn trọng và hiểu biết cần thiết. Họ bị gán đủ thứ “bệnh”: Thích lấy nhiều vợ, yếu sinh lý, quên tắm giặt, khoái những món kinh dị, như ăn cóc không bỏ da, để “bổ lục phủ ngũ tạng”… “Cạn đề tài rồi nên bây giờ hài quay sang “chọc ngoáy” người dân tộc thiểu số”, một khán giả lên tiếng.
Theo đạo diễn Dương Ngọc Bảo, phim của anh không có nhu cầu đúc rút bài học, chỉ đơn giản là giải trí, thế thôi. Song có lẽ cần nhắc lại với người làm nghệ thuật: Giải trí cũng cần văn hóa.
Cần “vòng kim cô” cho phim phát Youtube?
“Bản nhiều vợ” bị la ó “lật tẩy” thái độ làm việc của một bộ phận nghệ sỹ. Hiệp Gà sắm vai Ma Lầy trong phim cho biết, anh không quan tâm tới nhận xét của khán giả: “Tôi là diễn viên nên tôi đi đóng phim lấy tiền, đơn giản vậy thôi”.
NSND Trần Nhượng cũng phủi bỏ trách nhiệm: “Tôi chỉ đảm nhiệm một vai diễn rất nhỏ, thậm chí đến hiện trường quay tôi mới cầm kịch bản của nhân vật mình thủ vai. Tôi cũng chỉ biết sẽ làm tốt nhân vật của mình chứ cũng chưa xem nội dung những phần khác nên không biết khán giả có ý kiến trái chiều như thế nào”.
Người duy nhất gửi lời xin lỗi đến khán giả, hứa lần sau không tham gia những phim hài thấp kém vậy là Chiến Thắng. Anh tiết lộ: Nhận vai diễn do mối quan hệ với đạo diễn, chính anh trong quá trình quay phim cũng chẳng rõ trang phục anh mặc là trang phục gì.
Qua phần “bào chữa” cho mình, các nghệ sỹ vô tình lộ sự cẩu thả khi hoạt động nghệ thuật. Đã là nghệ sỹ, mà lại là một nghệ sỹ lớn thì vai diễn nào, dù nhỏ cũng phải đặt tâm huyết, tìm hiểu kỹ càng mới quyết định nhận vai hay không. Đằng này, NSND Trần Nhượng cứ nhận vai, trong khi chưa biết vai ấy ra sao, diễn tiến, nội dung toàn bộ phim thế nào.
“Bản nhiều vợ” phát trên Youtube, đạo diễn tham vọng phim phục vụ nhiều lứa tuổi. Vấn đề đặt ra: Quản lý ra sao, kiểm duyệt thế nào với phim phát Youtube? Đầy rẫy hình ảnh hở hang, phản cảm mà vẫn muốn phục vụ các lứa tuổi, có nghĩa là phim phát Youtube thoát vòng “dán nhãn”?
Chính vì được tự do nên đạo diễn “Bản nhiều vợ” mới mặc kệ khen chê của dư luận, cứ vui đã, vì càng “ném đá” lượt xem càng cao.