Chương trình được đặt quá nhiều kỳ vọng, trong khi kịch bản dường như đang mất dần đi những nét đặc sắc của mình.
Táo quân 2016 - không còn nghi ngờ gì nữa vẫn là một trong những chương trình được chào đón nhất vào dịp cuối năm trên sóng Đài truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự bền bỉ về mặt nhiệm kỳ của các Táo, chương trình dường như cũng đang mất dần đi những nét đặc sắc của mình.
"Định mệnh" của Táo quân và cái cười thế sự
Trong buổi ra mắt cuốn sách “Oscar và bà áo hồng” mà mình là một trong những dịch giả, GS Ngô Bảo Châu có nói một câu rằng: “Trong đời có những việc quan trọng thường ra đời một cách tình cờ”. Sự xuất hiện của Táo quân để trở thành thương hiệu đình đám của VTV có lẽ cũng ra đời như thế.
Từ một tiểu phẩm hài miêu tả lại cảnh “họp Táo” cuối năm của các Táo với Ngọc Hoàng, qua đó nhằm tổng kết những sự kiện đình đám, gây chú ý diễn ra trên hạ giới, kèm theo yếu tố phê bình dí dỏm, Táo quân đã vượt ra ngoài phạm vi ban đầu. Thiên đình từ một sân khấu nhỏ đã trở thành một sân khấu to, Táo quân cũng được bổ nhiệm nhiều hơn với nhiều chức danh lạ lẫm hơn nhằm bao quát hết được thế sự hạ giới.
Xuân Bắc - một gương mặt trong "bộ ba then chốt" của mỗi mùa Táo quân.
Thậm chí, trong mùa chầu năm 2012 Thiên đình còn phải tiến hành một cuộc thi Táo để tính đến chuyện cắt giảm nhân sự. Không rõ cơ cấu nhân sự mùa trước đã được tính toán như thế nào, tuy nhiên những gương mặt Táo quen thuộc chắc vẫn chưa thể kết thúc “hoàng hôn” nhiệm kỳ của mình được.
Sự quen mặt của các nhân vật trong các mùa chầu có thể cũng tạo ra một sự nhàm chán tương đối nào đó. Tuy nhiên, phải khẳng định có những vai diễn dường như đã được “định mệnh” sắp đặt rất khít cho từng người. Bộ ba Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu dường như không thể thay thế. Sự quen mắt và nét diễn có duyên, hợp vai đã hằn sâu trí nhớ của người xem vào chương trình quen thuộc kể trên. Thay diễn viên đối với những vai diễn này là một thử thách đầy rẫy rủi ro. Điểm mới trong đội ngũ diễn viên chỉ có thể chia đều cho những vai ít quan trọng hơn như Thiên Lôi hay các Táo, hoặc có chăng là những nhân vật con dân trần gian được lồng ghép trong các màn kể tội những người thực thi công quyền.
Theo tiết lộ của những danh hài nổi tiếng ở miền nam như Hoài Linh, Hồng Vân họ cũng đã từng được nhận lời mời tham dự Táo Quân nhưng đều nói lời từ chối. Phần vì bận, cũng có phần vì theo như nghệ sĩ Hồng Vân là: “Các kịch bản năm nay vẫn là những chuyện 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi' như vấn đề về giao thông, bạo lực trong nhà trường, thực phẩm mất an toàn…”
Hài bám sát thời sự, chế giễu những chính sách không phù hợp, phê bình từ trực diện đến thẳng thắn những tồn tại ở hạ giới…là điểm cốt lõi, là xương sống của Táo quân. Tuy nhiên, có vẻ như chính điểm cốt lõi này khiến cho các mùa Táo quân trở nên dễ đoán nội dung theo từng năm.
Táo quân "đuối" dần: Dễ đoán, lê thê
Ngoài việc sẽ đưa vào chương trình những nội dung “nóng” diễn ra trong năm, trong đó khoét sâu vào các vấn đề về chính sách thì Táo quân những mùa qua còn có sự lặp lại của việc “ăn theo” các chương trình nổi tiếng khác đã diễn ra trên VTV. Mùa là Táo Idol (năm 2011); Mùa là Giọng hát Việt (2013); Mùa là một kiểu của Ơn giời cậu đây rồi hay Ai là triệu phú (Ai là trợ lý- 2015)….
Việc lồng ghép các chương trình đình đám kể trên ít nhiều tạo được hiệu ứng lạ, tránh kiểu chầu nhàm chán “Táo tâu, Nam Tào trêu, Bắc Đẩu chọc, Ngọc Hoàng phê...”, tuy nhiên cũng có không ít sự lồng ghép làm cho chương trình trở nên khiên cưỡng, chưa đạt tới hiệu ứng gây tiếng cười hiệu quả, thậm chí còn làm kéo dài chương trình ra một cách lê thê, làm loãng thông tin thời sự mà chương trình phải tập trung.
Các nghệ sĩ quen thuộc đã "đi cùng năm tháng" với Gặp nhau cuối năm.
Các màn tung hứng của “Nam Tào, Bắc Đẩu” có lúc cũng rơi vào tình trạng lan man, chưa kể có cả những từ không phù hợp trên sóng truyền hình của một chương trình hướng đến nhiều lứa tuổi như Táo quân.
Một điểm góp phần khiến cho Táo quân bị phê là “nhạt dần theo năm tháng” đó là thiếu vắng đi những bài nhạc chế hay, vừa tổng hợp được những câu chuyện nhức nhối trong năm, vừa có yếu tố giải trí. Những bài chế kiểu như Lụt từ ngã tư đường phố, hay Làng tôi không chỉ gây ấn tượng trong chương trình mà còn là hiện tượng trên mạng xã hội. Những mùa gần đây những bài hát chế vẫn là nội dung không thể thiếu của Táo quân, gắn với thương hiệu của "Giáo sư" Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng). Tuy nhiên, cũng có thể cảm nhận độ nóng, sát, hay nhức nhối của những bài chế như thế ít nhiều đã trở nên thiếu vắng.
Chờ đợi gì mùa này?
Vẫn theo logic về nội dung kể trên, năm nay có nhiều sự kiện đáng được được xuất hiện trong kịch bản của Táo quân 2016. Đầu tiên có thể là sự kiện Hà Nội chặt cây (nếu sự kiện này xuất hiện thì có thể gắn với cái búa của Thiên Lôi, chàng Thiên Lôi có thể phải tham gia vào việc đưa nội dung này vào chương trình). Kỳ thi quốc gia với sự hỗn loạn chưa từng thấy cũng có thể sẽ xuất hiện trong màn chầu của Táo Giáo dục, còn Táo Y tế chắc phải bận lòng giải trình về sự kiện vỡ trận vắc xin dịch vụ những ngày cuối năm.
Năm nay không phải là năm quá nóng của Táo Giáo thông, nhưng đất diễn của người đảm nhiệm vai này không phải là không có. Đề xuất tịch thu xe máy của người say vừa ra đời đã nhận được bão tố dư luận để rồi phải rút lui trong lặng lẽ. Chưa hết, cùng vào thời điểm cuối năm người tham gia giao thông lại được nghe tin phải bật đèn xe ban ngày để giảm thiểu tai nạn giao thông…
Nhiều sự kiện được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong Táo quân 2016.
Không biết năm nay các Táo lên chầu bằng phương tiện gì, nhưng không loại trừ khả năng phương tiện liên lạc của các Táo sẽ là điện thoại B-phone kèm theo lời thoại: “Thật không thể tin nổi”. Bên cạnh đó, những bài hát của Sơn Tùng –MTP với câu cửa miệng của giới trẻ “Không phải dạng vừa đâu” cũng có khả năng được lặp lại hoặc xuất hiện trong một bài hát chế nào đó.
Thương hiệu của Táo quân có thể tóm gọn là “Hài thế sự”, ở đó tiếng cười bật ra từ những hiện tượng diễn ra trong năm ở hạ giới. Đó là điểm mạnh, tuy nhiên cũng là nguy cơ cho sự nhạt. Bởi lẽ, cười thế sự khi bị nhồi quá nhiều thông điệp sẽ khiến cho người xem phải nhọc lòng suy luận, thậm chí khó lòng nắm bắt được thông điệp của chương trình. Chưa kể, vì nhồi quá nhiều thông điệp nên sẽ dẫn đến sự dàn trải, lan man trong kịch bản, làm cho tiếng cười bị loãng ra cả chương trình.
Cũng như các mùa trước, Táo quân 2016 đang được quá nhiều kỳ vọng đặt vào, quá nhiều thông điệp buộc nó phải chuyển tải... Khi sự kỳ vọng quá lớn thì có thể đẩy nghệ sĩ vào tâm thế bị động, bị gồng lên để đáp ứng hoặc như nghệ sĩ Xuân Bắc “có vẻ giận” trong mùa vừa qua, mà lời khuyên của anh cũng không phải không có lý, người xem có một sự lựa chọn thượng tôn: Bấm nút và chuyển kênh.