Nhiều nhà tổ chức, chuyên gia, người làm việc trong lĩnh vực truyền hình đã chia sẻ ý kiến của mình về việc Trường Giang cầu hôn Nhã Phương trong Lễ trao giải Mai Vàng được phát sóng trực tiếp.
Video Trường Giang cầu hôn Nhã Phương giữa lễ trao giải được tường thuật trực tiếp.
Dù trước đó vướng phải tin đồn chia tay nhưng tối ngày 18/01 tại Lễ trao giải Mai Vàng, danh hài Trường Giang đã bất ngờ cầu hôn nữ diễn viên Nhã Phương ngay trên sóng truyền hình trực tiếp gây ra nhiều tranh cãi.
MC Quý Bình - người dẫn dắt tại sự kiện yêu cầu Trường Giang phải lên tiếng, không ít đồng nghiệp cũng chỉ trích hành động kém tinh tế của nam danh hài tại một lễ trao giải trang trọng. Nữ đạo diễn giải Mai Vàng mới đây cũng thẳng thắn nói về những điều đáng lên án của Trường Giang, trong đó có việc anh góp phần làm trôi sóng khiến ban tổ chức buộc phải cắt phần trao giải 2 nghệ sĩ khác.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một số nhà tổ chức, chuyên gia, người làm việc trong lĩnh vực truyền hình để tìm hiểu thêm hành động của danh hài gây ảnh hưởng thế nào đến chương trình, ban tổ chức, nhà đài, đơn vị tài trợ... Hầu hết các ý kiến cho rằng hành động này của Trường Giang thể hiện thái độ không tôn trọng khán giả và ê kíp tổ chức Lễ trao giải.
Anh Văn Hậu - biên tập viên truyền hình đưa ra ý kiến: "Trường Giang là một nghệ sĩ lớn nhưng anh ta không nên xem thường một chương trình trực tiếp tôn vinh giới nghệ sĩ trên sóng truyền hình quốc gia như vậy. Từ trang phục cho tới hành động cho thấy anh ta xem thường khán giả, Ban tổ chức và cả giải thưởng mà anh ta vừa nhận."
Chị Khánh Vy - một người phụ trách truyền thông cho nhiều chương trình truyền hình chia sẻ: "Tôi không xem trực tiếp buổi trao giải nên xin phép không bình luận về hành động của nghệ sĩ Trường Giang. Tôi chỉ xin đưa ra quan điểm của mình về những phát sinh trên sân khấu truyền hình trực tiếp.
Tôi cho rằng, một nghệ sĩ chuyên nghiệp cần phải tôn trọng kịch bản của chương trình và mọi hoạt động mang tính cá nhân trên sân khấu phải được thống nhất và thông qua Ban tổ chức trước đó. Điều đó cũng thể hiện thái độ tôn trọng khán giả cũng như cả ekip chương trình."
Để tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp, ê kíp phải chịu rất nhiều áp lực vì chỉ cần một sự cố nhỏ cũng ảnh hưởng tới rất nhiều cá nhân, tổ chức và mất điểm trong mắt khán giả. Chị Phạm Kim Dung - Tổng giám đốc công ty Sen Vàng - đơn vị chuyên tổ chức sự kiện Hoa hậu Việt Nam, Liên hoan phim Việt Nam với giải Bông Sen Vàng và nhiều gameshow truyền hình nổi tiếng, cũng nêu quan điểm về việc này.
"Thực hiện một chương trình với truyền hình trực tiếp thì ekip sẽ phải đối diện với vô vàn áp lực. Đối với các chương trình ca nhạc đơn thuần thì rất đơn giản bởi lẽ thời lượng bài hát đã có, kịch bản MC rõ ràng, mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát.
Đối với các cuộc thi Hoa Hậu, các đêm chung kết của các gameshow có nhận xét của giám khảo, đặc biệt là các lễ trao giải mà có truyền hình trực tiếp luôn là một áp lực rất kinh khủng, khi mà tất cả mọi sự việc chỉ trong thời gian nhất định với những quy định theo chuẩn tùy Đài.
Giám khảo cuộc thi có thể có quan điểm dài hơn thời gian quy định, thí sinh Hoa hậu có thể bước chân chậm hơn thời gian tập, trả lời ứng xử dông dài… tuy nhiên, những điều này đều đã được tổng duyệt qua và không khác quá nhiều.
Còn đối với Lễ trao giải thì đúng là vô cùng khó đoán, khi mà các kết quả phải giữ đến giờ cuối cùng… tất cả phần phát biểu đều không được tổng duyệt và canh thời gian, ekip không được “dặn dò” gì và gần như những nhân vật đoạt giải đều là những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng nên hành xử của chương trình cũng phải rất phù hợp… ekip buộc phải nhìn vào đề cử để biết những nhân vật nào có thể lên sân khấu và phát biểu để lường trước phong cách của họ mà có phương án."
Để xử lý những sự cố xảy ra khi phát sóng, chị Khánh Vy tiết lộ: Khi xảy ra sự cố, áp lực của Ban tổ chức và người dẫn chương trình rất lớn. Tùy trường hợp cụ thể, Ban tổ chức sẽ quyết định “xử lý” tình huống này như thế nào. Thông thường họ chọn cách để MC “nhắc khéo” hoặc chuyển hướng câu chuyện về đúng kịch bản, nhưng cũng có khi người dẫn chương trình phải “bó tay” với các trường hợp “dở khóc dở cười” trên sân khấu…"
Trong Lễ trao giải Mai Vàng, diễn viên Quý Bình cũng cố hết sức để có thể "nhắc khéo" diễn viên Trường Giang nhằm đảm bảo thời lượng của chương trình. Tuy nhiên, sau đó, trang cá nhân của Quý Bình đã bị fan của danh hài Trường Giang tấn công vì cho rằng hành động của anh làm ảnh hưởng đến không khí lãng mạn của màn cầu hôn quan trọng cả đời.
Về thiệt hại khi thời lượng phát sóng bị lố, chị Khánh Vy tiết lộ: "Việc lố thời lượng không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến Ban tổ chức mà còn ảnh hưởng đến các chương trình khác trên sóng truyền hình. Thứ nhất, với Ban tổ chức (nhà sản xuất) việc lố sóng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung chương trình, ảnh hưởng đến tất cả các tiết mục của các nghệ sĩ tham gia trong chương trình, ảnh hưởng thời gian phát sóng bao gồm cả rating (nếu thời gian bị lố quá nhiều), thời gian quảng cáo…
Và nếu bị cắt sóng, sẽ thiệt hại rất lớn về mặt uy tín cũng như kinh tế cho nhà sản xuất khi họ không đảm bảo được cam kết tổ chức 1 chương trình truyền hình trực tiếp thành công với Đài Truyền hình, với Đơn vị đầu tư, Nhà tài trợ và khán giả. Với Đài Truyền hình, thời gian phát sóng của mỗi chương trình đều đã được lên kế hoạch chi tiết đến từng giây cho nên, việc một chương trình bị lố thời lượng sẽ ảnh hưởng đến một loạt các chương trình còn lại."
Chị Kim Dung cũng cùng chung ý kiến: "Tùy vào hợp đồng giữa nhà Đài với đơn vị tổ chức và hợp đồng giữa đơn vị tổ chức với các nhà tài trợ. Chương trình bị ngắt khi chưa hết mà còn những quyền lợi tài trợ trên truyền hình chưa xong thì nếu gặp nhà tài trợ khó tính thì sẽ có thể bị phạt hợp đồng… Tuy nhiên, cái thiệt hại lớn nhất đó là uy tín của chương trình đối với khán giả và đối với nhà đài.
Mỗi chương trình truyền hình trực tiếp thì có muôn hình vạn trạng vấn đề cần rút kinh nghiệm, không chương trình nào giống chương trình nào. Chúng tôi sẽ cứ phải dựa vào từng trường hợp cụ thể qua mỗi chương trình mà cẩm nang rút kinh nghiệm cứ dày thêm."