Lê Minh Châu trở thành nhân vật chính của bộ phim tài liệu “Chau, beyond the lines” do Mỹ sản xuất. Phim đang nằm trong tốp 5 phim tài liệu tranh giải Oscar diễn ra vào cuối tháng 2 này.
34 phút phim khắc họa một số phận ấn tượng. 34 phút phim được nữ đạo diễn Courtney Marsh chắt lọc từ suốt bảy năm quay hình một quãng đời đầy biến động của chàng trai Việt bị di chứng chất độc màu da cam - thứ vũ khí hóa học mà quân đội Mỹ đã rải xuống Việt Nam cách đây hơn bốn thập niên.
Lê Minh Châu ngậm cọ vẽ, cúi đầu chấm một ít màu đã pha, rồi quệt những đường nét chuyên nghiệp lên khung tranh. Những bức tranh phong cảnh đẹp như mơ, những bức họa chân dung chân thật và sinh động chẳng khác ảnh chụp, những khuôn tranh trừu tượng hút mắt với đường nét và sắc màu… Gia tài tranh của Châu dày lên sau gần 10 năm học tập và sáng tạo miệt mài.
Vẽ bằng miệng
Cuộc đời sau những bức vẽ tài hoa, cây cọ không chịu đầu hàng số phận đã chinh phục Courney Marsh ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi chị sang Việt Nam thực tập cho dự án phim tài liệu của trường vào năm 2007.
Quê quán Đồng Nai nhưng từ sáu tháng tuổi, Lê Minh Châu đã được cha mẹ gửi vào làng Hòa Bình, TP.HCM. Bởi ngay từ khi chào đời, Châu đã mang trong mình khuyết tật hiếm gặp ở cánh tay và chân, không chỉ việc đi lại trở nên khó khăn mà đôi tay yếu ớt còn khiến anh không thể làm được những việc đơn giản với người bình thường.
Năm chín tuổi, trong một lần làng Hòa Bình mời họa sĩ đến vẽ trang trí lên tường lớp học, anh đã ngồi nhìn người họa sĩ ấy như bị thôi miên, để đắm chìm trong những sắc màu, những đường nét đang dần hiện ra trên tường. Khoảnh khắc đó anh biết mình cũng muốn vẽ. Từ đó Châu bắt đầu học vẽ một cách chăm chỉ, dốc lòng dốc sức cho niềm đam mê cháy bỏng của mình. Anh vẽ không khác một kẻ nghiện hội họa, vẽ mọi lúc mọi nơi. Nửa đêm đang ngủ mà có ý tưởng vụt lóe lên, anh lại bật dậy hí hoáy vẽ cho đến rạng sáng.
Đêm đêm, khi TP yên ắng, Lê Minh Châu lại miệt mài ngậm cọ vẽ cho đến rạng sáng (Ảnh: Xuân Tiến)
Trước đây Châu cũng có thể vẽ tranh bằng tay. Nhưng trong một lần đá bóng, anh đã bị chấn thương ở tay khiến đôi tay vốn không được lành lặn và khỏe mạnh như người bình thường đã không thể cầm cọ vẽ như trước. Nhưng trở ngại này không làm anh từ bỏ đam mê hội họa mà chuyển sang vẽ tranh bằng miệng. “Thời gian đầu tôi tập ngậm cọ bằng miệng vẽ cực lắm, mệt lắm nhưng cứ âm thầm tập. Nhiều khi tôi cứ ngậm vẽ suốt đêm như vậy, mệt thì nghỉ một lát. Cho đến khi nét vẽ bằng miệng cũng bén như vẽ bằng tay trước đây” - Châu kể.
Quyết định rời khỏi làng Hòa Bình - nơi anh coi là gia đình thân thương, mang tính bước ngoặt trong cuộc đời Lê Minh Châu. Có một thời gian anh phải đối mặt với lòng người lạnh lùng, với gánh nặng cơm áo. Anh vừa đi giúp việc ở các phòng tranh vừa âm thầm vẽ những bức tranh của riêng mình. Cuối cùng, một trong số các bức tranh anh vẽ đã có người mua với giá 3 triệu đồng. Đó là số tiền đầu đời anh bảo rất vui sướng kiếm được bằng chính khả năng và đam mê của mình.
Hiện nay Châu có thể vẽ đa dạng phong cách, từ tranh phong cảnh, chân dung cho đến trừu tượng. Anh cũng có thể vẽ trên áo, thiết kế thời trang và vẽ “body painting” trên cơ thể người. Tranh của Châu không chỉ được khách hàng trong nước ưa chuộng mà nhiều người ở Mỹ, Nhật, Pháp… cũng đặt mua.
Bằng nghị lực phi thường và mong muốn trở thành họa sĩ, chàng trai khuyết tật đã biến ước mơ của mình thành sự thật. Phim Chau, beyond the lines còn có cảnh người bảo mẫu thẳng thừng phủ nhận giấc mơ họa sĩ của Châu, bảo anh hãy dẹp giấc mộng hoang đường; rồi có cảnh anh cười tươi rói, nói rằng: “Họ nói tôi không thể làm được và tôi chứng minh được rằng họ đã sai rồi”.
Trước khi đến với Oscar 2016, Chau, beyond the lines từng được ban giám khảo tại Liên hoan phim Austin 2015 và Liên hoan phim Mỹ 2015 vinh danh. Mới đây, kênh Netflix ra lời đề nghị được phát hành tác phẩm tại thị trường Bắc Mỹ trên sóng truyền hình.
Giỏi tiếng Anh và thích “bắn” rap
Trước khi yên ổn ở phòng tranh nằm trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM như hiện nay, Lê Minh Châu có thời gian mở lớp học vẽ dành cho trẻ em 6-12 tuổi ở quận 7. Học trò của Châu đa số là người nước ngoài. Không ít người ngạc nhiên sao anh có thể nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Nhật với chúng như thế. Kỳ thực ngoại ngữ cũng là nỗ lực chinh phục của anh, ngay khi anh còn ở làng Hòa Bình. Chuyển sang chỗ mới, Châu cho biết sẽ khai giảng lớp vẽ tranh mới trong thời gian tới để làm tay vịn cho mọi đứa trẻ yêu thích hội họa như anh ngày trước.
Bất chấp vẻ ngoài khiếm khuyết, Lê Minh Châu vẫn lạc quan và tràn đầy tình yêu cuộc sống, đúng với tuổi 25 của mình và hệt như phương châm sống của anh: “Khi hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng ta”. Ngoài phần lớn thời gian trong ngày Châu dành vẽ tranh, anh thích chơi đùa với bầy thú cưng của mình là mấy con chuột bạch và cặp nhím. Facebook của chàng trai siêng “like” và “comment”, mở rộng vòng tay bạn bè khắp nơi.
Được một mạnh thường quân tặng chiếc xe lăn nhưng Châu ít khi dùng đến. Anh tự làm mọi việc như một người bình thường. Lúc rảnh, anh bắt xe ôm đi ăn, đi xem phim hài, đi bơi và chụp ảnh “tự sướng” với bạn bè. Bạn bè rất ưng tài ứng khẩu hát rap “cực chuẩn” của anh. Chưa kể Châu còn là thành viên tích cực của một đội bóng. Và bất cứ khi nào có sức khỏe và điều kiện, anh đều nhiệt tình tham gia các chuyến đi cùng các tổ chức từ thiện.