Họ mang lại cho người xem sức sống thanh xuân trong từng đêm diễn, không bị khô cứng bởi lối phô diễn kỹ thuật ngoại hình; dùng kỹ thuật để lấp cảm xúc, tâm lý nhân vật.
Nhiều diễn viên đã thể hiện rất thành công vai diễn trong các tác phẩm sân khấu của tôi, nhưng có hai cặp diễn viên mà tôi yêu mến nhất là Quốc Thảo - Ngọc Trinh (trong vở "Tiếng giày đêm", Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ TP HCM - 5B) và Lan Phương - Bình Minh (trong vở "Kỹ nghệ lấy Tây", Sân khấu Kịch Phú Nhuận). Điều lớn nhất mà họ mang lại cho người xem là sức sống thanh xuân trong từng đêm diễn, không bị khô cứng bởi lối phô diễn kỹ thuật ngoại hình; dùng kỹ thuật để lấp liếm cảm xúc, tâm lý nhân vật.
Công chúng hôm nay có thể không còn để tâm nhiều đến các tác phẩm sân khấu ngày trước muốn triết lý điều gì nhưng người ta vẫn nhớ những hình tượng nhân vật như Thị Kính, Thị Mầu, Mẹ Đốp, Lý Trưởng, Xúy Vân, Nghêu, Sò, Ốc, Hến… Bởi đó là thân phận con người, là đích đến cuối cùng của nghệ thuật. Phải chăng, mọi sáng tạo sẽ trở nên vô nghĩa, nếu sân khấu không thấp thoáng hiện lên hình bóng con người? Tôi vẫn nghĩ một trong những nguyên nhân mà các "Sân khấu thông tấn", sân khấu rườm rà kỹ thuật, cao ngạo tuyên ngôn dạy đời… không còn chạm đến trái tim người xem, là do họ cố tình bỏ qua hoặc không nhận thức được rằng nghệ thuật biểu diễn hình thể diễn viên mới là trung tâm của sân khấu.
Nghệ sĩ Quốc Thảo trong nhiều năm lang thang định cư bên Mỹ, có lần điện thoại cho tôi nói: "Anh ơi, nhiều đêm một mình chạy xe trên đường, em lại nhớ Bình Hero - nhân vật trong vở "Tiếng giày đêm" - và em đã khóc". Tôi hơi lặng đi. Giống như người viết kịch bản, diễn viên phải có sự ám ảnh về đời sống nhân vật của mình thì khi thể hiện trên sân khấu mới mong đạt đến giá trị chân thực, đi vào lòng người xem.
Lan Phương - Bình Minh. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Trong hiệu quả ánh sáng sân khấu, Lan Phương - Bình Minh không chỉ mang vẻ đẹp lung linh mà họ đã sống trọn vẹn với nhân vật của mình. Lan Phương là một cô gái có học, thông minh, đa tài và giỏi vũ đạo nên cô rất tinh tế, tự tin làm chủ các vai diễn. Sau này người ta biết thêm rằng trong cái gọi là duyên sân khấu còn có cả yếu tố nhân điện của người diễn viên. Chẳng thế mà có những diễn viên thật sự tài năng khi chỉ vừa bước ra sân khấu đã tỏa ra một thứ hào quang vô hình, lấp đầy khoảng trống trên sàn diễn. Người xem luôn cảm thấy rất rõ điều đó, dù trong vô thức và họ có thể yêu nhân vật - diễn viên của họ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nếu chỉ riêng Sân khấu Kịch Phú Nhuận, tôi thấy Hồng Vân, Lan Phương có được cái nhân điện lúc sơ giao, để có thể đi vào lòng người xem một cách ngọt ngào.
Một đêm diễn vai cô gái lai Suzanne (vở "Kỹ nghệ lấy Tây"), Lan Phương khóc thật trên sân khấu. Lúc vừa bước vào phòng hóa trang, Hồng Vân rất ngạc nhiên: "Ơ! Con nhỏ này, sao hôm nay mày khóc thật trên sân khấu?". Lan Phương hơi lúng túng: "Tại em thấy anh Trung xúc động bên cánh gà nên em không cầm được nước mắt". Đúng là một cảm xúc rất trẻ con, hơi nghiệp dư nhưng lại vô cùng đáng yêu. Trong con mắt nghề nghiệp, tôi sợ nhất sự chai sạn và không ít diễn viên tự biến mình thành thợ diễn.
Sau tối đó, tự nhiên tôi hơi ngại đứng cánh gà xem diễn viên biểu diễn. Ngày ấy, nhà tôi ngay cạnh Sân khấu Kịch Phú Nhuận nên tối tối hay "mò" lên xem. Dù đã lăn lộn nhiều năm trong nghề, tôi còn ngại cả sự đắm đuối, liêu trai khi xem Lan Phương thả mình trong nhân vật. Biết đâu có lúc lòng mình chếnh choáng nên tôi đã nói với cô: "Con chỉ hơn con gái bố một tuổi. Bắt đầu bữa nay nhận bố nuôi đi". Từ đó, tôi và cô thật lòng xưng hô bố bố con con. Chắc cô không bao giờ ngờ rằng đó là cái khoảng cách mà một người tác giả như tôi phải tự vạch ra bởi lối diễn như hút hồn người khác của cô ấy.
Lan Phương và Bình Minh là hai diễn viên trẻ đoạt huy chương vàng trong hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2010, ở tác phẩm thứ hai của tôi mà họ tham gia - vở "Mẹ và người tình", nhưng tôi vẫn nghĩ họ diễn hay hơn trong tác phẩm "Kỹ nghệ lấy Tây". Vở này Sân khấu Kịch Phú Nhuận không đưa đi hội diễn nhưng cũng đã đoạt giải Cù nèo vàng (Báo Tuổi Trẻ Cười tổ chức), qua sự bình chọn của các nhà báo chuyên lĩnh vực sân khấu.
Tôi vẫn nhớ những ngày đầu, khi Hồng Vân mời Bình Minh vào vai nhà văn họ Vũ trong vở "Kỹ nghệ lấy Tây". Tôi còn hoang mang hơn việc Hồng Vân mời ca sĩ Bằng Kiều trong 2 vở trước bởi Bình Minh (xin lỗi anh) khi đó chỉ là người mẫu. Tôi đã uống thuốc liều khi đưa Vũ Trọng Phụng lên sân khấu trong một tác phẩm của ông, do tôi chuyển thể từ văn học. Nhất là lại để ông si tình da diết cô gái lai Tây, con một tú bà trong cái xóm me Tây Thị Cầu mà người ta cho là nhớp nhúa.
Dù thể hiện một cuộc tình đầy nhân văn, mang tính chủ đề tác phẩm nhưng tôi rất sợ con cháu ông phản đối. Chính vì vậy tôi phải xây dựng nhân vật nhà văn họ Vũ như một nhân vật lý tưởng. Nghĩa là dạng nhân vật thánh thiện, không gai góc, không có điểm tương phản cá tính. Hầu như tất cả diễn viên giỏi nghề đều sợ loại vai diễn này bởi họ như người leo núi mà không có những góc cạnh để bám víu vào. Bình Minh ngày đó ngây thơ, chưa biết đá biết vàng trong cuộc tình đầu tiên với sân khấu nên nhận lời ngay. Vậy mà khi ra khán giả, Bình Minh và Lan Phương đã tạo nên một cặp đôi hoàn hảo đến từng chi tiết biểu diễn. Nếu có khiếm khuyết nào đó chỉ là do kịch bản, đạo diễn và những yếu tố ngoài diễn viên.
Sự sang trọng, đĩnh đạc và cách diễn chân thật của Bình Minh trong vai nhà văn họ Vũ không chỉ chiếm cảm tình của người xem mà còn thuyết phục cả con cháu nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ông Kim Dung (nhà văn nổi tiếng thế giới chuyên viết tiểu thuyết kiếm hiệp) hay nói rằng người tập võ phải đi từ hữu chiêu đến vô chiêu. Nhưng Bình Minh, với tố chất bản năng, lại dùng cái vô chiêu để thắng hữu chiêu vô cùng ngoạn mục.
Cuộc sống hạnh phúc hiện tại của Bình Minh.
Biết tôi có cái tật thích ngồi phòng hóa trang nghe nghệ sĩ tám chuyện nghệ thuật, lai rai một vài lon bia nên ngay cả khi đã rất nổi tiếng, hễ thấy mặt tôi, Bình Minh lại bảo: "Đại ca ngồi xuống đi, để em kêu bia. Có gì đại ca góp ý thêm cho em". Sau này tôi nghe nói Bình Minh đi lên từ thân phận anh lơ xe ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Lạng Sơn. Có lẽ, chính nhờ sự khiêm tốn học hỏi và những cố gắng vượt lên không ngừng nghỉ, Bình Minh mới có được chỗ đứng như ngày hôm nay. Lao động nghệ thuật khác với sự ăn may và đó chính là chân giá trị của người làm nghệ thuật.
Bình Minh bây giờ đã là ông phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM. Lan Phương thì quá nổi tiếng, từng nhiều lần là đại diện thanh niên Việt Nam trong các cuộc giao lưu quốc tế. Tôi chỉ mong họ giữ mãi tình yêu và sự trong trẻo như ngày đầu bước vào thế giới nghệ thuật. Bởi chính những điều đó đã làm nên giá trị của họ và để lại dấu ấn khó quên trong lòng người xem.
Nhiều đạo diễn coi diễn viên như con rối Tôi từng bị coi là kẻ cực đoan, khó tính, không biết vuốt ve chiều lòng bằng hữu. Có lần, trước cả trăm diễn viên ở một nhà hát sân khấu phía Bắc, tôi đã nổi đóa la một cô diễn viên chính khá nổi tiếng, mà nghe nói vừa đoạt giải diễn viên xuất sắc Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam: "Cô nhắm mắt biểu diễn thế à? Diễn mà không hiểu thì thà cô cầm dao giết chết nhân vật của tôi". May mà thương tình ông tác giả ở xa lớn tuổi nên cô không chửi lại. Mấy ngày sau, đâu khoảng 12 giờ đêm, cô điện thoại nói với tôi: "Em biết anh không vừa lòng nhưng đạo diễn bắt em phải diễn như vậy". Tự nhiên tôi cảm thấy thương cô ấy, khi rất nhiều đạo diễn chỉ coi diễn viên như con rối cho họ thỏa chí với những trò sân khấu. |