Được nhà chồng yêu thương, sở hữu bộ sưu tập hàng hiệu đắt đỏ, đi đâu có chồng tháp tùng trên “xế sang”… nhưng đó có phải tất cả đời sống của ca nương Kiều Anh?
Nhiều người đã gọi Kiều Anh bằng một danh xưng mới: “Ca nương hát nhạc pop” khi cô ra mắt MV “Một lần sau cuối”. So với hình ảnh một ca nương tuổi mới lớn khuôn mặt tròn đầy mũm mĩm, vận áo dài hát ả đào trước đây, bây giờ Kiều Anh đã mang vẻ đẹp thanh mảnh, quyến rũ đồng thời thử sức mình với nhạc điện tử - dấu ấn có thể coi như bước ngoặt đột phá với ca nương 9x.
Chia sẻ cùng chúng tôi về sự thay đổi này, ca nương Kiều Anh cho biết, MV cô vừa ra mắt mang màu sắc âm nhạc hiện đại nhưng vẫn giữ được chất riêng qua giai điệu mở đầu ca khúc, cách thể hiện pha trộn màu sắc âm nhạc dân gian, đặc biệt là ca trù. Cô tiết lộ thêm, để hoàn thành MV “Một lần sau cuối”, cô đã phải liên tục di chuyển giữa Hà Nội và TPHCM để nhờ dựng lại MV. Thậm chí, số lần cô yêu cầu dựng lại sản phẩm âm nhạc mới lên tới 13 lần.
Ca nương Kiều Anh trong MV “Một lần sau cuối”.
“Ban đầu, tôi nhờ một ê-kíp phía Nam thực hiện, song các hiệu ứng về hình ảnh không đáp ứng được yêu cầu, nhất là khi kết hợp với phần trang điểm trên gương mặt. Nhiều lần tôi yêu cầu đối tác làm lại, đến mức họ bỏ cuộc giữa chừng với lý do rằng không có nhiều thời gian. Thú thực, tôi từng có ý định bỏ sản phẩm âm nhạc mới. Tuy vậy, một số người trong nhóm thực hiện cho rằng, bỏ đi công sức mấy tháng trời là lãng phí và cuối cùng họ đành phải chọn phương án là nhờ một ê-kíp khác hoàn thiện một số phần còn thiếu sót của sản phẩm”, nữ ca sĩ nói.
Ngoài âm nhạc, điều dư luận chú ý tới ca nương Kiều Anh là cuộc sống sang chảnh sau khi kết hôn cùng cháu ngoại PGS Văn Như Cương. Đem câu chuyện này trao đổi với nàng dâu trẻ, chúng tôi nhận được lời bày tỏ: “Hai chữ “đại gia” có lẽ thuộc về một thế giới khác. Còn với những gia đình như nhà chồng tôi, mọi người coi trọng nền tảng tri thức chứ không phải tài sản, tiền bạc”.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ca nương Kiều Anh tình cờ nhắc lại món quà cưới của mẹ chồng. “Mọi người thường quen nhìn nhận món quà ở ý nghĩa vật chất để tò mò xem một chiếc đồng hồ nạm kim cương như thế là bao nhiêu tiền, có khoe khoang, sang chảnh gì không… Nhưng thực chất, đó là món quà mẹ Dương gửi gắm nhiều thông điệp yêu thương và sâu nặng.
Trong đám cưới, mẹ Dương đã dặn rằng, chiếc đồng hồ này sẽ nhắc nhở con dâu có đi đâu, làm gì cũng nhớ giờ về nhà để nấu cơm cho chồng con hay đưa đón con đi học như mẹ đã từng làm. Mẹ chồng tôi là mẫu phụ nữ rất cổ điển, nền nếp… nên có những khi chồng tôi đi chợ giúp tôi vì thương vợ đi làm về mệt, tôi cũng giấu mẹ, sợ mẹ xót con trai”.
Ca nương Kiều Anh và mẹ chồng. Ảnh: TL
Chúng tôi hẹn gặp nhà giáo Văn Thùy Dương đúng thời điểm bà và gia đình đang tập trung chăm lo cho sức khỏe của PGS Văn Như Cương. Dù công việc bận rộn, gia đình nhiều nỗi âu lo nhưng nhắc đến ca nương Kiều Anh và sản phẩm âm nhạc nàng dâu vừa ra mắt, bà Thùy Dương vẫn mở lòng bày tỏ chân thành. Mẹ chồng ca nương Kiều Anh cho biết, vợ chồng Văn Quỳnh (con trai bà Văn Thùy Dương - PV) chỉ sống cùng mẹ chồng một năm đầu tiên sau kết hôn. Hiện tại, đôi uyên ương đã chuyển ra ở riêng.
Lâu nay, tình cảm mẹ chồng - nàng dâu giữa bà Văn Thùy Dương và ca nương Kiều Anh là chủ đề khiến nhiều người chú ý. Trước câu hỏi: “Làm dâu bà dễ hay khó?”, bà Thùy Dương thẳng thắn nhìn nhận:
“Dễ thì rất dễ nhưng khó thì cũng khó! Vì sao tôi nói là dễ? Bởi tôi lúc nào cũng tràn ngập tình yêu thương với gia đình, đặc biệt là với con dâu. Tình cảm dành cho Kiều Anh, tôi thường không nói ra mà gia đình, đồng nghiệp đều cảm nhận được. Tôi không nghiệt ngã, khắt khe mà ấm nồng, thẳng thắn. Điều gì cần dạy dỗ con cái, tôi chỉ nói một lần, cùng lắm đến câu thứ ba. Còn vì sao khó? Vì tình yêu thương cũng có nguyên tắc.
Lòng mẹ bao la nhưng vẫn mong tình yêu thương được những đứa con cảm thấu. Kiều Anh ở với bố mẹ đẻ hơn 20 năm và mới về với tôi 2 năm, tôi nghĩ rằng, tình yêu của con dâu với con trai mình sẽ quyết định đến cách con nhập gia tùy tục, yêu thương gia đình chồng. Mẹ chồng nàng dâu sống với nhau, yêu thương thôi chưa đủ mà cần nhìn vào điểm tích cực của nhau để vun đắp mái ấm gia đình”.
Nhà giáo Văn Thùy Dương tâm sự, với truyền thống làm giáo dục, gia đình bà trọng nền nếp, gia phong. Khi con trai, con dâu đã tách ra ở riêng, bà vẫn mong mỏi tất cả lễ nghĩa, tinh thần của một nếp nhà từ lâu được gìn giữ.
“Nhiều điều mẹ có thể dạy được con nhưng cũng có những điều phải cần đến ý thức, sự tinh tế ở từng đứa con và trải nghiệm theo thời gian mới thực hiện được. Chẳng hạn như con gái tôi, cháu chưa lập gia đình, tôi cũng chưa dạy sau này con làm dâu phải thế nào nhưng từ ngày còn ở nhà đến lúc đi du học, qua cách con nấu từng món ăn truyền thống như canh măng, kho thịt đậm đà hương vị quê hương là tôi đã an tâm, thấy lòng mình ấm áp.
Tôi hay nói xa xôi: Mai kia con về nhà chồng, không làm được như bên ấy cũng phải làm được như mẹ. Còn nếu nàng dâu nào không làm tròn bổn phận, không phải lỗi ở mình họ mà còn ở nhiều phía, trong đó có các chàng trai. Tình cảm gia đình được vun đắp theo năm tháng, nếu vì một lý do nào đó mà đánh mất thì khủng khiếp lắm”.