Diễn viên lồng tiếng là người thổi hồn lần thứ hai cho vai diễn. Tuy nhiên, họ chỉ là những người giấu mặt, ít được khán giả biết đến.
NSND Minh Hằng: “Tôi đã mua được một căn nhà bằng tiền lồng tiếng”
Mới đây, trong chương trình Quán Thanh Xuân, NSND Minh Hằng đã hé lộ mức thù lao khủng khi cô tham gia lồng tiếng phim khiến công chúng ngỡ ngàng.
NSND Minh Hằng tham gia chương trình "Quán Thanh Xuân" và chia sẻ về nghề lồng tiếng phim.
Nữ nghệ sĩ cho biết, vào những năm thập niên 80, 90, Đài truyền hình Việt Nam phát sóng nhiều bộ phim nước ngoài như Oshin, Đơn giản tôi là Maria, Người giàu cũng khóc…. và mời cô tham gia lồng tiếng.
Ngoài ra, cô còn được giao lồng tiếng cho NSND Phương Thanh, NSND Mai Khanh, NSƯT Thanh Quý, NS Lê Vân,… trong các phim truyện nhựa nổi tiếng.
Cô được chọn lồng tiếng cho nhiều phim nổi tiếng của Việt Nam và nước ngoài.
Ngày đó, do còn chưa có nhiều kỹ thuật hiện đại như bây giờ nên yêu cầu đối với các nghệ sĩ lồng tiếng cũng khắt khe hơn. “Chúng tôi ngày xưa lồng tiếng không phải khớp đến tận răng nữa đâu mà khớp đến tận cuống gà ấy”. – Cô hài hước chia sẻ.
Cô cho biết, cơ sở vật chất cũng khá nghèo nàn, cả phòng thu chỉ có một cái mic, tất cả các diễn viên chính, phụ hay quần chúng đều đứng quanh mic đó để thu âm, chỉ cần một chi tiết nhỏ không ổn là phải thu lại từ đầu.
“Có những hôm phòng lồng tiếng chứa đến 30 người, vừa lồng cảnh quần chúng hỗn loạn ở phía sau, vừa lồng tiếng từng vai diễn. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì bước vào thu bắt buộc phải tắt hết quạt điện.”
Nhờ lồng tiếng phim, cô đã mua được căn nhà trị giá mấy trăm cây vàng.
Đổi lại, cô nhận được mức thù lao khá cao từ công việc này, thời đó lại không phải nộp thuế thu nhập cá nhân nên cô hoàn toàn có thể hưởng trọn thu nhập. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Thù lao phim truyện nhựa trả theo phim, còn phim truyền hình hoặc phim nhập khẩu thì trả theo thời lượng. Tôi vì toàn lồng vai chính nên phim nào cũng được một mớ kha khá. Ngày xưa được chọn lồng tiếng là oách lắm, tiền tiêu rủng rỉnh, ăn diện thoải mái, mua sắm không tiếc tay...”
Chính vì vậy, cô có thể xây được căn nhà trị giá mấy trăm cây vàng, đổi xe như thay áo cũng nhờ công việc này. Tuy nhiên hiện tại, mắt cô kém hơn do phải nhìn màn hình trong phòng thu quá nhiều, cộng thêm vấn đề tuổi tác nên cô không thể tiếp tục công việc này nữa.
Diễn viên Vân Sơn: Đổi đời nhờ lồng tiếng cho Châu Tinh Trì
Cũng giống như NSND Minh Hằng, Vân Sơn xuất thân là một diễn viên, sau khi sang California (Mỹ) định cư năm 1990 thì được một đàn chị hướng dẫn theo nghề lồng tiếng. Thời gian đầu, anh gặp phải không ít khó khăn và có ý định từ bỏ, nhưng anh được “bà bầu” Thúy Uyển phát hiện và dẫn theo học các diễn viên chuyên lồng tiếng cho phim TVB.
Vân Sơn từng lồng tiếng cho nhiều diễn viên nổi tiếng TVB.
Vân Sơn lồng tiếng cho một loạt các nam diễn viên Hongkong nổi tiếng như Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vỹ, Lý Liên Kiệt, Châu Nhuận Phát, Lê Minh, Trương Học Hữu, Trương Vệ Kiện...
Cho đến các vai diễn của Châu Tinh Trì, Vân Sơn mới thực sự đạt được thành công. Vốn Châu Tinh Trì có cách thoại liến thoắng nên ít người dám nhận lồng tiếng cho ông, nhưng Vân Sơn với giọng thoại hài hước và cách xử lý linh hoạt nên rất thích hợp với nhân vật và được đông đảo khán giả yêu thích.
Nhờ lồng tiếng thành công cho Châu Tinh Trì, Vân Sơn được đông đảo khán giả yêu mến và được đích thân Vua hài gửi thư cảm ơn.
Bản thân Vân Sơn còn được Vua hài trực tiếp gửi thư cảm ơn bằng tiếng Anh: “Khi coi bản Việt Nam, tôi rất vui vì thấy mình như đang nói tiếng Việt. Cảm ơn anh đã giúp tôi gần gũi với khán giả Việt Nam.”
Từ đó, thù lao của Vân Sơn tăng vọt, trong khi các diễn viên lồng tiếng khác chỉ được trả 70 USD cho bộ phim dài 90 phút, thì Vân Sơn nhận được 200 USD. Đến năm 1994, Vân Sơn tự thành lập công ty giải trí và không tham gia lồng tiếng nữa.
“Phù thủy lồng tiếng” Bích Ngọc: Có tiếng mà chẳng có tên
Nghệ sĩ Bích Ngọc là một trong những nghệ sĩ lồng tiếng cho hàng loạt các bộ phim dài tập của Hongkong trong những năm thập niên 90. Cô đảm nhận lồng tiếng cho các vai diễn của Tuyên Huyên, Châu Hải My, Trần Tú Văn, Ôn Bích Hà, Lý Nhược Đồng…khi các bộ phim Đắc Kỷ Trụ Vương, Võ Tắc Thiên, Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu … được trình chiếu tại Việt Nam.
Nghệ sĩ Bích Ngọc được mệnh danh là "phù thủy lồng tiếng".
Chia sẻ về nghề lồng tiếng, cô cho biết: “Lồng tiếng phải làm sao cho khán giả cảm thấy giọng của mình chính là của nhân vật ấy. Phải biết điểm rơi của nhân vật, tính cách của nhân vật, của diễn viên như thế nào thì mới thăng hoa, khiến bộ phim thêm hấp dẫn”.
Cô còn cho biết, diễn viên lồng tiếng cũng phải có khả năng giả giọng, ví dụ ngoài đời nói tiếng miền Bắc, miền Trung nhưng trong phim đạo diễn yêu cầu giọng miền Nam thì diễn viên lồng tiếng phải nói giọng Nam. Đôi khi, vừa lồng tiếng mẹ chồng mắng chửi con dâu xong thì phải lồng tiếng người con dâu kia khóc lóc năn nỉ, vì vậy phải ngay lập tức đổi giọng cho phù hợp.
Cô có khả năng giả giọng từ người già tới trẻ em.
Vì vậy, nghệ sĩ Bích Ngọc có khả năng giả giọng từ người già tới trẻ em, từ Bắc vào Nam và được mệnh danh là “phù thủy lồng tiếng”.
Chia sẻ về thu nhập của mình, nữ nghệ sĩ khéo léo cho biết: “Mọi thứ vô tận lắm. Khi phim bộ cực thịnh thì đủ sống, nếu trang trải cuộc sống thường ngày thì ổn, còn mua được nhà hay không là do bạn tiêu xài thế nào!”.
Có lần, sau khi thuyết minh 20 tập cho một bộ phim Mỹ, nữ nghệ sĩ đã bị tắt tiếng và phải đi khám bác sĩ. Nhưng bằng tình yêu nghề, cô kiên trì uống thuốc, điều trị và lại tiếp tục công việc, khóc cười cùng nhân vật của mình sau màn ảnh nhỏ.
Nghệ sĩ Đạt Phi: Từ bỏ phim bộ Hongkong, Đài Loan vì thu nhập quá thấp
Cùng thời với nghệ sĩ Bích Ngọc, nghệ sĩ Đạt Phi hiện không chỉ là một diễn viên lồng tiếng gạo cội mà còn là người truyền cảm hứng cho các thế hệ đi sau.
Nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi.
Ông cho biết, hiện tại thị trường lồng tiếng như một buổi chợ chiều với đủ các mức giá khác nhau, vì vậy các bộ phim đều bị ép giá lồng tiếng. Bản thân ông đã phải rút lui khỏi phim bộ Hongkong, Đài Loan vì mức kinh phí quá thấp.
Những năm gần đây, Đạt Phi tập trung lồng tiếng cho các phim hoạt hình chiếu rạp, bởi theo ông, khi lồng tiếng cho những bộ phim nước ngoài, ông sẽ học hỏi được nhiều hơn về diễn xuất và cách làm phim của họ.
Hiện ông còn mở lớp đào tạo diễn viên lồng tiếng và thành lập đội lồng tiếng Đạt Phi.
Đạt Phi mở lớp đào tạo diễn viên lồng tiếng nhưng cũng không quên nhắc nhở học viên của mình phải có một công việc ổn định chứ đừng quá hy vọng công việc lồng tiếng sẽ mang lại cho họ mức thu nhập mong muốn.
Ông còn thành lập một đội lồng tiếng mang tên Đạt Phi và được đông đảo các hãng phim tin tưởng lựa chọn.