Từng cấm cản chuyện tình của con gái, giờ đây bố mẹ lại lo Trương Quỳnh Anh "ế", thậm chí tìm cách mai mối để sau này cô có người dựa dẫm.
XEM VIDEO: Con trai Trương Quỳnh Anh diễn ăn ý với mẹ.
Trương Quỳnh Anh từng tâm sự những sai lầm của tuổi trẻ đã thay đổi cô rất nhiều, từ "cô công chúa" lớn lên trong sự bảo bọc của bố mẹ, trở thành một người phụ nữ học cách làm mẹ ở tuổi đôi mươi. Chưa kể, những rạn nứt với gia đình trong quãng thời gian đấu tranh vì tình yêu cũng từng khiến Trương Quỳnh Anh rơi vào cảm giác đơn độc.
Mạnh mẽ đứng lên từ thất bại, Trương Quỳnh Anh tự hào khi thấy khoảng cách giữa mình và gia đình đã được rút ngắn lại, chữa lành bằng tình yêu và sự bao dung. Tâm sự với nữ ca sĩ trong ngày Tết đoàn viên, cô hãnh diện khi đã tìm được sự kết nối với ba mẹ và cậu con trai 11 tuổi đang có nhiều thay đổi về tâm lý.
- Chào Trương Quỳnh Anh! Năm ngoái, khán giả xúc động khi thấy chị lần đầu đón gia đình từ Mỹ về Việt Nam sau 7 năm xa cách. Có lẽ đó là khoảnh khắc đặc biệt sau những biến cố xảy ra trong quá khứ?
Năm ngoái, ba mẹ Quỳnh Anh trở Việt Nam thăm con cháu và sẵn dịp để xả tang ông ngoại. Mẹ Quỳnh Anh cũng về nước vài lần trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên ba trở về sau 7 năm. Ban đầu ông không chịu về, phần vì bận công việc, phần vì trong lòng còn nhiều điều lấn cấn dù mình vẫn giữ liên lạc qua video call.
Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, tôi lại thấy ba mẹ ngày càng già hơn, vẫn thường nhắc phụ huynh giữ gìn sức khỏe khi tóc đã bạc nhiều. Bản thân mình sau tuổi 30 đã có nhiều thay đổi, huống chi ba mẹ đã ngoài 60, dấu hiệu tuổi già ngày càng thấy rõ hơn. Lúc gặp ba ở sân bay, tôi đã xúc động và khóc vì cảm nhận rõ sự thay đổi của ông sau nhiều năm không gặp.
Tháng 8 vừa rồi, ba mẹ có trở về Việt Nam khoảng 1 tháng để thăm cháu, sau đó đã bay về Mỹ. Tôi dành hết thời gian đó cho gia đình, ít nhận công việc hoặc nếu có sẽ cùng đưa ông bà và Sushi đi chơi. Chẳng hạn tôi kéo cả gia đình lên Đà Lạt để nghe Quỳnh Anh hát, hay về quê dẫn bà ngoại đã ngoài 80 tuổi đi du lịch Nha Trang, Sài Gòn… Đây cũng là lần về Việt Nam vui nhất của ba mẹ vì mình đã làm được "điều không ai nghĩ tới" là dẫn được bà ngoại đi cùng. Ở nhà không ai làm được điều đó, ngoại trừ cháu gái cưng của bà (cười).
- Từng có giai đoạn "chiến tranh lạnh" với gia đình vì chuyện tình cảm trước khi ba mẹ đi Mỹ, chị thấy việc hàn gắn mối quan hệ trong 7 năm xa cách có khó khăn không?
Thật ra, Quỳnh Anh và gia đình không có buổi nào gọi là nói chuyện rõ ràng, rành mạch đúng sai những điều đã xảy ra. Dù ông bà có giận lúc rời đi nhưng mình biết suốt những năm ở Mỹ, mọi tin tức, hình ảnh hay bài báo về con gái phụ huynh đều đọc không sót. Tôi hay trêu "ba mẹ là fan trọn đời" nên hiểu gia đình sẽ không bỏ mình (cười). Sau này, ba mẹ cũng sẽ tự hiểu con đường tôi chọn đã không còn liên quan đến quá khứ. Ông bà thấy tôi chăm sóc Sushi tốt hơn, thay đổi bản thân tích cực hơn sau những lần vấp ngã.
Cuộc điện thoại đầu tiên mẹ gọi về cho tôi lúc đó cũng rất gần gũi, chỉ hỏi về cuộc sống lúc này, về Sushi… Thật ra, tôi có "chiêu" hết. Những gì mình thay đổi đều tâm sự với chị gái, và chị sẽ là "trung gian", cầu nối để kể với ba mẹ (cười). Ông bà sẽ tự nguôi giận rồi chủ động gọi làm hòa.
Khi gặp lại gia đình, tôi không nghĩ quá nhiều về cách để hàn gắn tình cảm. Bởi đã là máu mủ thì chỉ cần gặp và ôm hôn là mọi khoảng cách đều rút ngắn lại. Đó là truyền thống của gia đình, và tôi được ba mẹ dạy cách yêu thương, bày tỏ tình cảm như vậy từ khi còn nhỏ. Sau này, dù đã con nhưng Quỳnh Anh vẫn như một đứa trẻ khi gặp lại ba mẹ, thích được ôm hôn và ngược lại, ông bà cũng thích điều đó. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên và tự chữa lành những điều không hay đã xảy ra.
- Gặp gỡ sau nhiều năm xa cách, vẫn còn nhiều điều lấn cấn trong lòng, chị và gia đình có lúc nào ngồi lại tâm sự, chia sẻ để hiểu nhau hơn?
Người ta hay nói: "Càng trưởng thành càng cô đơn", điều đó đúng và có lý do. Sau này khi Quỳnh Anh đã có con, đã thay đổi rất nhiều thì mình càng khó nói ra những suy nghĩ trong lòng. Không phải tôi không thương ba mẹ, nhưng vì cuộc sống của 2 thế hệ bây giờ đã khác rất nhiều, nên chưa chắc tâm sự của mình phụ huynh sẽ hiểu, có khi lại khiến ông bà lo lắng hơn.
Bây giờ, ba mẹ không hiểu tôi nhiều như trước đâu. Vì chỉ những lúc vui vẻ, có nguồn năng lượng tích cực hoặc tin vui thì mình mới kể. Tuy nhiên, ông bà sẽ có linh cảm con gái không ổn nếu gọi điện mà tôi không nghe máy. Tính tôi không thích nghe điện thoại gia đình trong lúc tinh thần có vấn đề, nếu bắt máy thì phải ở trạng thái vui vẻ nhất, hoặc là không.
- Với tính cách ít chia sẻ và không có điểm tựa gia đình suốt 7 năm, thậm chí ở những giai đoạn chông chênh nhất, ngoài Sushi thì điều gì đã vực chị dậy?
Có lẽ là bản thân. Từ nhỏ, tôi như một "nàng công chúa" trong nhà, chỉ biết dựa vào gia đình, đến chuyện xài tiền cũng không biết. Ở tuổi 22-23, Trương Quỳnh Anh muốn ăn gì cũng nói bố mẹ, không có cả tiền cho ăn xin. Sau này nhìn lại, tôi tự thấy bản thân "dở", vì đáng lẽ mình phải tự lập sớm hơn. Tôi hiểu ba mẹ muốn bảo bọc con gái lâu chừng nào tốt chừng đó, nhưng nếu bản thân có ý thức tự lập từ năm 17-18 tuổi, thì những khó khăn sau này đến với tôi sẽ không kinh khủng như vậy.
Nhưng việc tự giải quyết mọi vấn đề cũng là điều hay vì tôi có thời gian tĩnh tâm, nghĩ xem mình sống vui, hạnh phúc vì cái gì? Nếu lỡ có người đồng hành để vượt qua giai đoạn đó, có khi tôi không vững chãi như bây giờ (cười).
- Dường như quãng thời gian tự đối mặt đã tạo ra một Trương Quỳnh Anh khá "lì đòn"?
Đúng vậy. Dù được bảo bọc từ nhỏ nhưng tính cách tôi lại rất "lì" và "bướng", nên chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ nhấc máy kể khổ, than khó với gia đình, ngay cả lúc bế tắc nhất. Nếu cùng cực, tôi chỉ muốn gọi điện cho vài người bạn thân. Không gọi được cho bạn thì giải pháp cuối cùng sẽ là gọi cho… bác sĩ tâm lý. Vì mình không muốn gia đình phải lo quá nhiều, nhất là khi ba mẹ đang ở xa.
- Đứng lên từ những tổn thương và trở nên mạnh mẽ hơn, chị nghĩ ba mẹ có còn phải lo cho mình?
Lo chứ, lo nhiều nữa. Bây giờ ông bà lo con gái "ế", "không có ai hốt" kìa (cười). Vì Quỳnh Anh cũng đã ngoài 30, lại 1 lần đổ vỡ và có con trai riêng nên ít nhiều sẽ có khó khăn trong việc tìm "bờ vai" để dựa vào sau này. Ông bà lo không biết người mới có yêu thương, chăm sóc con gái, cháu gái mình tốt không.
Ba hay thủ thỉ với Quỳnh Anh rằng ông không cần người giàu, chỉ cần họ thương yêu, chăm sóc tốt con gái ông là được. Chỉ cần họ thương con gái ông thật lòng thì ông sẽ đối xử lại như con ruột. Chưa kể, 2 ông bà nhiều lần còn tìm cách mai mối cho con (cười).
Vài năm trước, ông bà rất muốn đưa Quỳnh Anh và Sushi sang Mỹ, một phần để cháu ngoại có môi trường học tốt. Ba mẹ làm cả danh sách "ứng viên" để giới thiệu, nhưng trước giờ Trương Quỳnh Anh chỉ thích ở Việt Nam và cực kỳ không thích mai mối. Thà để tự nhiên gặp gỡ, tùy duyên chứ biết có ý sắp đặt là tôi sẽ lập tức từ chối luôn.
Hơn hết, bây giờ tôi sống vì con nhiều hơn. Nếu tìm phải một người không tử tế thì chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là Sushi. Tôi sợ điều đó, vì giai đoạn này Sushi đã 11 tuổi và khá nhạy cảm. Nếu mình có điều không hay xuất hiện trên mặt báo thì Sushi sẽ bị bạn bè hỏi. Về nhà, con có thể hỏi mẹ hoặc không, buộc mình phải có lời giải thích để bé không suy nghĩ quá nhiều.
- Ở tuổi ngoài 30, nếu quay ngược thời gian thành Trương Quỳnh Anh ở tuổi 22, chị có muốn những tổn thương cũ xảy ra?
Tôi nghĩ mọi thứ nên xảy ra và phải xảy ra để có Trương Quỳnh Anh như lúc này. Trước đây, tôi sống "tiểu thư" quá cũng không tốt, và mình không nhận ra nhiều điều ý nghĩa, bài học cho bản thân.
Tôi nghiệm ra, không cần quá giàu có hay nổi tiếng. Mỗi ngày thức dậy, tôi thấy vui vẻ, hạnh phúc, được làm điều mình thích, thấy Sushi khỏe mạnh… là ổn rồi. Và nếu mọi thứ không tới thì có khi với sự bảo bọc quá mức từ gia đình, mình sẽ phải nhận cú sốc to lớn hơn về sau. Nếu không như vậy, tôi cũng không có Sushi. Với tôi, con là điều đặc biệt trong đời, nên mình thà chịu sự va vấp để có được Sushi.
- Sau thời gian dài không gặp cháu, tình cảm giữa ông bà và Sushi thế nào?
Tuy không gặp nhau nhiều nhưng ông bà cực kỳ thương Sushi. Sushi giống tính mẹ, cũng là một chàng trai rất tình cảm, dễ thích nghi nên chỉ vài ngày là con "quấn" ông bà. Tôi thấy rõ cách ông bà thương cháu y hệt như cách phụ huynh quan tâm, chăm sóc mình ngày bé.
Điều Quỳnh Anh thích nhất ở gia đình là việc ba mẹ, con cái, dì cháu, ông bà… đều xem nhau như bạn. Tôi hay đăng ảnh gia đình, kể cho mọi người nghe cách gia đình xưng hô với nhau là "bạn này", "bạn kia", kêu phụ huynh bằng… "bé". Thỉnh thoảng, ba mẹ gọi cho con gái còn đùa: "Alo, có phải ca sĩ diễn viên Trương Quỳnh Anh không? Tôi là fan của bạn đây…". Nhiều lúc tôi thấy tâm hồn phụ huynh rất đáng yêu, như trẻ thơ (cười).
- Việc một mình nuôi dạy con trai, thiếu vắng sự hỗ trợ từ phía ông bà hay của một người đồng hành có khó khăn với chị không?
Giai đoạn khó khăn nhất với Quỳnh Anh đã qua. Hiện tại, bé Sushi đang ở với ba, chỉ về nhà mẹ cuối tuần hay dịp lễ. Do cách giáo dục 2 bên khác nhau nên tôi nghĩ Sushi cần thời gian để tiếp nhận. Mỗi khi gặp con, tôi luôn muốn bé được vui vẻ nhất, muốn Sushi cảm giác mẹ là bạn.
Có thời gian, Quỳnh Anh không kết nối được với Sushi vì bé đến giai đoạn thay đổi tính cách, ít nói chuyện, ở lì trong phòng chơi game, sống trong thế giới riêng và không thích đi chơi với mẹ. Làm mẹ, tôi càng phải bình tĩnh học cách làm bạn với Sushi. Tôi nghĩ cách tốt nhất là bước vào thế giới của bé, tiếp cận bạn của Sushi, làm quen với phụ huynh của bạn con. Tôi cũng từng qua giai đoạn dậy thì nổi loạn, có khi tin tưởng bạn hơn ba mẹ và chỉ muốn tâm sự với bạn.
Tôi sợ cảm giác mất kết nối với Sushi, nhiều lúc không liên lạc được với con là mình sẽ bị xuống tinh thần. Dù biết con khỏe mạnh khi ở cạnh ba, nhưng tôi vẫn cảm giác con hết thương mình, lập tức tâm lý bị ảnh hưởng. Sau này, tôi cố gắng dành thời gian cho bé nhiều hơn. Thậm chí, tôi tìm hiểu game để chơi cùng con, dù không "đua" nổi vì Sushi chơi giỏi và lên cấp nhanh quá (cười). Quỳnh Anh còn định sắm cả máy game để ở nhà để 2 mẹ con cùng chơi mỗi khi Sushi về dịp cuối tuần.
Khi gần con, tôi cũng không đề cập hay hỏi những điều về cuộc sống lúc Sushi ở với ba. Tôi không muốn bé suy nghĩ nhiều và khó xử.
- Sau quãng thời gian mất kết nối như đã chia sẻ, mối quan hệ giữa 2 mẹ con hiện tại thế nào?
Bây giờ đỡ hơn nhiều rồi (cười), vì Quỳnh Anh phải tìm từng cách để con thoải mái tâm sự, bày tỏ suy nghĩ với mình. Sushi đã 11 tuổi, những bạn đồng trang lứa với con khi vào trường không thích ba mẹ ôm hôn, nếu đi gần là sẽ né… và Sushi cũng như vậy. Nhưng bé biết mẹ "nghiện" ôm hôn, thích nắm tay khi đi cạnh… nên bé cũng chiều mẹ lắm (cười). Nhiều lúc tôi thử kêu Sushi hôn mẹ trước mặt các bạn, bé ngại nhưng vẫn làm. Nhìn con thế, tôi càng thấy bé dễ thương.
- Ba mẹ chị có đề cập chuyện sẽ đưa Sushi đi Mỹ?
Có, gia đình đã làm giấy tờ cho Sushi từ nhỏ và chỉ còn khoảng vài năm nữa là con có thể đi học, ở gần để ông bà chăm sóc. Thật lòng, tôi chưa sẵn sàng để xa con, vì mình rất thích Việt Nam và muốn ở lại phát triển công việc. Nhưng nếu điều đó tốt cho bé, tôi vẫn cố vượt qua. Quan trọng nhất là đưa ra quyết định vì lúc này, Sushi vẫn còn lưỡng lự.
- Giai đoạn này vẫn chưa hẳn đến "tuổi nổi loạn", chị nghĩ mình cần làm gì nhất lúc này để có thể khi con đi học xa, mẹ vẫn có cảm giác an tâm?
Tôi hiểu những đứa trẻ càng lớn thì ba mẹ càng khó tiếp cận. Tôi chỉ muốn bây giờ tập cho Sushi tính tự lập. Bản thân mình từ nhỏ "dở" điều này nhất nên khi bước ra đời đã phải khó khăn rất nhiều để vượt qua. Nên mình càng phải dạy con ngay từ bây giờ.
Mình thấy rõ Sushi không thích bám víu vào ba mẹ, thích tự lập mọi thứ nhưng chưa có cơ hội để thể hiện bằng hành động. Vì bé được mọi người thương nhất nên ai cũng lo và quan tâm, nhiều lúc chưa cần gia đình đã cung cấp quá đủ, chưa đói đã hỏi con đói chưa, muốn ăn gì chưa? Tôi rất muốn con bước vào môi trường tự chăm sóc bản thân, tự giặt quần áo, nấu ăn…
Đó là thử thách cho 2 mẹ con vì nhiều lúc, tôi lo sự bảo bọc của mình bây giờ giống như cách ba mẹ làm cho Quỳnh Anh ngày xưa. Những lúc ở với mẹ, tôi cho bé có cơ hội thể hiện sự chủ động, chẳng hạn như tự nấu mì ăn, đi chợ với mẹ thì để con thể hiện sự ga-lăng, trách nhiệm khi tự xách đồ…
- Trung thu năm nay, cả nhà có những hoạt động gì để kết nối với nhau không?
Đúng ngày Trung thu, tôi tới trường xem Sushi diễn văn nghệ và đóng kịch với các bạn. Như đã chia sẻ, tôi đã gắn kết được các phụ huynh và bạn bè của bé nên cũng ngỏ ý mời mọi người về nhà đón Tết đoàn viên, cho các bé vừa vui chơi, vừa bơi, ăn uống cùng nhau… Ban đầu, tôi rủ đi chơi ngày Trung thu thì bé không chịu, nhưng cách này thì lại đồng ý ngay vì có bạn, có không gian làm điều mình thích.
Chỉ tiếc là ông bà ngoại đã về Mỹ trước ngày Trung thu. Ngẫm lại, Trung thu là Tết đoàn viên, mà không có năm nào có cảm giác đông đủ người yêu thương bên cạnh.
Tuy nhiên, Quỳnh Anh vẫn có nhiều hoạt động khác, chẳng hạn như mỗi năm mình đều đi từ thiện ở các Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi đồng… để mang niềm vui cho các em nhỏ. Thỉnh thoảng, nếu không trùng lịch học, tôi vẫn đưa Sushi đi để bé có thêm trải nghiệm và hiểu cuộc sống xung quanh nhiều hơn. Có năm, tôi đưa con tới Lào Cai để làm từ thiện. Tôi thấy bé rất hòa đồng và biết san sẻ cho những bạn khó khăn hơn. Từ đó, tôi càng thấy Sushi là đứa bé sống tình cảm và hiểu chuyện.
- Rất lâu rồi, Trương Quỳnh Anh chưa có dự án âm nhạc gây chú ý. Thậm chí chị đầu tư lớn trong năm ngoái nhưng ở mảng phim ảnh. Vì sao vậy?
Tôi tự thấy hành trình tìm một ca khúc vừa vặn quá gian truân với mình. Nhiều lúc bản thân cũng chạnh lòng khi nhìn đồng nghiệp xung quanh ra bài mới, đầu tư tiền tỷ cho dự án… Tôi không có nhiều chi phí để thử từng sản phẩm, không thể "đổ tiền" liên tục làm 3-4 MV để xem khán giả thích gì nhất. Vấn đề lớn nhất vẫn là chưa tìm được bài hát đủ sức khiến mình muốn ra MV tốt.
Bây giờ ca sĩ nhiều, mà nhạc sĩ cũng chẳng thiếu. Các bạn trẻ còn tự sáng tác, tự hát và họ sẽ ưu tiên để ca khúc chất lượng nhất cho bản thân thay vì gửi gắm cho một ca sĩ. Tôi vẫn sẽ chờ bài hát "đủ duyên", phù hợp với giọng hát của mình. Trong thời gian chờ đợi ca khúc xuất hiện, mình sẽ tập trung cho phim ảnh.
- Cảm ơn những chia sẻ của chị!