Có khoảng 15 chương trình truyền hình giải trí hiện nay có khai thác trẻ em, con số này có thể còn tăng lên trong tương lai với nhiều hệ lụy tăng theo tỉ lệ thuận
Không phải vô lý mà chính phủ Trung Quốc mới đây đã ban hành lệnh cấm trẻ em tham gia các chương trình truyền hình giải trí, nhất là con của nghệ sĩ nổi tiếng, vì lợi bất cập hại. Ngoài ra, chính phủ nước này còn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các chương trình truyền hình có trẻ em tham gia một cách có định hướng.
Cũng như Trung Quốc, truyền hình Việt Nam gần đây bùng nổ các chương trình, trò chơi giải trí có trẻ em là thí sinh, người chơi. Yếu tố cạnh tranh và tính thương mại hóa ngày càng tăng của các chương trình này đang biến các em trở thành món hàng kinh doanh hơn là những ý nghĩa tích cực ban đầu của nó.
Kiểu nào cũng đẻ ra “nhí”
Có thể kể tên chưa thật đầy đủ các chương trình truyền hình giải trí, game show có đối tượng tham gia là thiếu nhi: “Giọng hát Việt nhí”, “Chung sức Kids”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Người hùng tí hon”, “Đồ rê mí”, “Tìm kiếm tài năng MC nhí - Young MC Talent”, “Young hit Young beat - Nhí tài năng”, “Con biết tuốt”, “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, “Cha con hợp sức”…
Ngoài ra, trong một số “sân chơi” khác như “Tìm kiếm tài năng Việt”, “Thách thức danh hài”... cũng có không ít trẻ em tham gia trong vai trò thí sinh. Năm 2016, lên sóng chương trình mới là “Siêu nhí tranh tài” và sắp tới là “Thần tượng âm nhạc nhí”.
Thí sinh nhí trình diễn trong chương trình “Giọng hát Việt nhí” 2015. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Thí sinh nhí trình diễn trong "Gương mặt thân quen nhí" 2015
Hình ảnh trong "Siêu nhí tranh tài"
Đa phần các chương trình đều xoay quanh những cuộc tranh tài về năng khiếu múa, hát, nhảy, diễn kịch... cho các em dưới danh nghĩa tìm kiếm tài năng. Một số chương trình khai thác yếu tố giải trí thông qua mối quan hệ con trẻ với bố mẹ. Hầu như chương trình truyền hình thực tế cho người lớn nào cũng đẻ ra chương trình “nhí” sau đó, nhất là sau khi “Giọng hát Việt nhí” mùa đầu tiên thành công lớn.
Tuy nhiên, mục đích tốt đẹp ban đầu của các nhà sản xuất chương trình và nhà đài phát sóng đề ra đang dần biến mất bởi một số chương trình đang thương mại hóa, dùng trẻ em như một chiêu “câu khách” tăng rating (tỉ suất khán giả xem đài) để dễ thu hút tài trợ, quảng cáo. Khi thấy chương trình đi trước thành công về doanh thu, các nhà sản xuất khác lại đổ xô làm phiên bản nhí.
Theo quy luật, cái gì nhiều quá cũng dễ dẫn đến tình trạng “bội thực”, bão hòa và chất lượng đi xuống. Một vài chương trình tạo sự chú ý cho khán giả ở một hai mùa đầu còn những chương trình nhí khác đều mờ nhạt nhưng các nhà sản xuất vẫn không ngừng ra mắt “sản phẩm” mới.
Lợi bất cập hại
PGS-TS Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP HCM, cho biết các chương trình truyền hình thực tế nhí mang đến cái lợi là cho các em sự tự tin, bản lĩnh sân khấu, bộc lộ năng khiếu để gia đình biết hướng đầu tư nhưng cái hại không ít như tác động về mặt tâm lý, thay đổi nhận thức nghệ thuật. Đồng quan điểm này, TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, nhận định các em có trải nghiệm, mạnh dạn, tự tin khi tham gia truyền hình thực tế nhưng gây hại cũng khá nhiều.
Cảnh thí sinh nhí bật khóc trên sân khấu mỗi khi bị loại là thường thấy. Trong ảnh: Thí sinh nhí của chương trình “Bước nhảy hoàn vũ nhí” bật khóc khi bị loại. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Theo TS Ngô Xuân Điệp, những chương trình nhí liên quan đến hoạt động trình diễn thời trang, ca nhạc tác hại nhiều hơn cả bởi các em diện trang phục đôi lúc không hợp tuổi, tạo dáng, trình diễn theo phong cách người lớn, hát nhạc người lớn dễ dẫn đến khuynh hướng lớn nhanh hơn, các hệ thống giá trị cũ bị xóa bỏ, thay vào đó là hệ thống giá trị khác lạ.
Với chương trình có yếu tố cạnh tranh, thắng thua ảnh hưởng nhiều đến tâm lý trẻ. Nếu bị loại ngay vòng sơ khảo, trẻ cũng có thể bị sốc vì nghĩ mình không có khả năng nhưng càng vào vòng trong, kỳ vọng cao mà không chiến thắng sẽ ảnh hưởng nặng nề, hụt hẫng nhiều hơn về mặt tâm lý. Trong số 100 trẻ em tranh tài, chỉ có 1 trẻ đăng quang, còn lại 99 trẻ sẽ gặp khó khăn tâm lý vì thất bại, cảm giác kém cỏi hơn bạn bè khiến trẻ bị ức chế, cần chuyên gia trị liệu, tư vấn.
Những trẻ chiến thắng lại gặp vấn đề ở khía cạnh khác. Chúng được tung hô, ca ngợi nên nhiều khả năng bị danh vọng điều khiển. Việc học, bổ sung kiến thức bị chúng xóa bỏ, thay vào đó là ham thích sự nổi tiếng, được mọi người khen ngợi, tung hô.
Mục đích ban hành lệnh cấm trẻ em tham gia trong các chương trình truyền hình giải trí của chính phủ Trung Quốc là để giúp các em tránh xa ánh đèn sân khấu và tự do tận hưởng tuổi thơ đáng được hưởng. “Trở thành sao nhí có thể gây hại cho trẻ, nhất là khi sự nổi tiếng đó bắt nguồn từ mong muốn của cha mẹ chứ không phải quyết định của con cái họ” - nhà tâm lý học trẻ em Hou Lixia phân tích.
Hiện nay, không ít người thấy con có năng khiếu nên đưa đi tham gia hết chương trình thực tế này đến chương trình thực tế khác để được nổi tiếng sớm và bắt đầu đẩy chúng đi trình diễn kiếm tiền. Mỗi cuộc tranh tài như vậy tốn không ít thời gian, công sức đầu tư, tập luyện tiết mục biểu diễn hằng tuần nên việc học của các em vì vậy ảnh hưởng không ít.
Từ nhiều năm trước, công luận cũng đã lên tiếng cảnh báo tình trạng lạm dụng trẻ em trong kinh doanh các chương trình truyền hình giải trí. Báo Người Lao Động đã có loạt bài nhiều kỳ “Trẻ con làm trò giải trí cho người lớn” đăng trên các số báo ra ngày 17, 18 và 19-6-2015, phản ánh, phân tích, đánh giá những hệ lụy mà những chương trình này mang lại.
Tuy nhiên, các đơn vị sản xuất chương trình, các nhà đài và cơ quan quản lý vẫn chưa lưu tâm.
Không ít người thấy con có năng khiếu nên đưa đi tham gia hết chương trình thực tế này đến chương trình thực tế khác. |
Nên tập trung chương trình truyền hình giáo dục “Theo tôi, việc bùng phát các chương trình truyền hình thực tế có trẻ em hiện nay có trách nhiệm của nhà quản lý văn hóa. Tôi nghĩ nên hạn chế bớt những chương trình vô bổ, không có giá trị giáo dục, trí tuệ mà chủ yếu chỉ để nhà sản xuất “câu khách”, thu hút sự chú ý, khai thác quảng cáo cho chương trình mình. Thay vào đó, chúng ta nên phát triển những chương trình đối thoại với giới trẻ, trẻ em về văn hóa, nghệ thuật do người có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực đó thực hiện. Để từ đó, chúng ta góp phần giáo dục trẻ, giải đáp thắc mắc, hướng chúng đi đúng hướng trong việc nhận thức về văn hóa, nghệ thuật!” - PGS-TS Văn Thị Minh Hương nhận định. Theo bà Hương, việc các gia đình đổ xô đưa con tham gia truyền hình thực tế như một trào lưu chỉ có thể giải quyết bằng việc tuyên truyền, đánh thức nhận thức của phụ huynh để họ nhận thấy cái lợi, cái hại mà đưa ra quyết định cho con em mình. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ Thanh Bùi nói hiện tại, các chương trình truyền hình cần thiết nên là các chương trình mang tính cốt lõi với mục đích giáo dục cho các thế hệ trẻ. Anh nghĩ những sân chơi cần thiết ở Việt Nam nên là những nơi mà các em có thể được thử sức trước cộng đồng nghệ thuật để các em có thể trải nghiệm, có thêm nhiều kinh nghiệm để bước lên sân khấu lớn sau này và từ đó theo đuổi đúng với niềm đam mê của mình. Trong xã hội ngày nay, cốt lõi của mọi thứ đều nằm ở giáo dục và nên có những chương trình truyền hình đưa ra những thông điệp có chiều sâu và mang tính nhân văn, dạy cho các em phải sống như thế nào, làm người thế nào... nhưng không quá khô khan. Hình thức này ở các nước phương Tây được gọi là Educational entertainment, giáo dục qua những hoạt động giải trí vui nhộn. Mong là Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều chương trình như vậy. |