Vì sao show thực tế ngày càng "yểu mệnh"?

Ngày 23/10/2013 15:06 PM (GMT+7)

Thí sinh, ban giám khảo, chương trình "đối thủ"... đều là nguyên nhân chủ yếu.

Dù vẫn còn được khá ưa chuộng, tuy nhiên truyền hình thực tế tại Việt Nam trong một năm trở lại đây không còn dễ tồn tại như khoảng thời gian đầu. Nhiều chương trình dù vừa qua mùa thứ 2 đã nhanh chóng đuối sức, thậm chí còn có những chương trình vừa được thực hiện mùa đầu tiên đã không tạo ra được bất cứ hiện ứng nào.

Không tìm ra được thí sinh hạt giống

Không phải vô tình mà các cuộc thi chính thức diễn ra đều tổ chức những buổi casting rầm rộ, quy mô nhỏ thì ở các thành phố lớn, hoành tráng hơn thì trải dài khắp các tỉnh thành trên cả nước. Mục đích duy nhất là để tìm ra những thí sinh đủ chất lượng lẫn cá tính, hay chỉ đơn giản là có những câu chuyện hậu trường hay để khán giả có thể chú ý, từ đó giới truyền thông cũng có chủ đề để bàn tán.

Điển hình là “cú hit” The Voice Kids vừa kết thúc cách đây không lâu, nếu không có Phương Mỹ Chi chưa chắc đã rầm rộ đến như vậy. Tương tự là Cuộc đua kỳ thú với Hari Won, The Voice 2012 có Bùi Anh Tuấn, Bảo Anh…

Vì sao show thực tế ngày càng quot;yểu mệnhquot;? - 1
The Voice Kids sẽ giảm đi độ hot nhiều lần nếu không có Phương Mỹ Chi.

Ngược lại, Vietnam’s Got Talent sau năm đầu tiên khá rầm rộ đã lập tức xuống dốc vì cả mùa thứ 2 không có được một thí sinh nổi trội. The Voice 2013 cũng đang trong tình huống tương tự khi đến thời điểm này vẫn chưa đẩy lên được một cái tên nào bật lên hẳn.

Tất nhiên, việc tìm ra được những gương mặt này không phải là dễ dàng, nhất là trong thời điểm các cuộc thi diễn ra quá nhiều khiến tình trạng cung không đủ cầu. Để khắc phục, nhiều nhà sản xuất đã chọn giải pháp tìm đến các thí sinh chuyên nghiệp hoặc đã từng chinh chiến ở các cuộc thi khác, tuy nhiên với những giọng ca bài bản này lại rất khó để chạm đến cảm xúc của các khán giả bình dân. Như Vietnam Idol 2012 đã không ngần ngại lên tận miền núi để tìm thí sinh, tuy nhiên cách làm này không phải lúc nào cũng tỏ ra hiệu quả.

Trùng format – Cạnh tranh giờ phát sóng

Nói về các cuộc thi hát, ngoài hai chương trình lớn là Vietnam Idol và The Voice, còn có “ma mới” The Winner Is vừa được phát sóng mùa thứ 1. Lĩnh vực thiết kế thời trang có Project Runway và Ngôi sao thời trang, chương trình dành cho các vũ công có Thử thách cùng bước nhảy, Got to dance, Dancing with the star…

Bấy nhiêu chương trình có nội dung na ná nhau thay phiên nhau phát sóng vào các khung giờ cuối tuần khiến khán giả cần phải đưa ra sự lựa chọn cho mình. Tất nhiên, chương trình nào tạo được sự hấp dẫn hơn sẽ dành được chiến thắng.

Đa số các chương trình xuất hiện sau thường chịu nhiều thiệt thòi khi không có format đủ mới mẻ để lôi kéo khán giả. Điển hình là The Winner Is có thể xem là thất bại về mọi mặt vì nội dung dù có thay đổi nhưng cũng chỉ quanh quẩn ở những đêm thi hát.

Chưa kể việc hai chương trình có cùng chủ đề nhưng phát sóng cùng thời điểm như Thử thách cùng bước nhảy và Got to dance cũng sẽ khiến lượng người xem của từng bên giảm đi ít nhiều.

Vì sao show thực tế ngày càng quot;yểu mệnhquot;? - 2
So you think you can dance và Got to dance dù có nội dung na ná nhau nhưng lại trùng giờ phát sóng.

Tất nhiên vẫn có những ngoại lệ như giữa The Voice và Idol. Dù xuất phát sau khá muộn nhưng The Voice ở cả Mỹ và Việt Nam đều có cú bứt phá ngoạn mục so với “đàn anh”, thậm chí còn có thời điểm vượt mặt. Nhưng để có được thành công này, The Voice đã phải xây dựng cho mình một hướng đi hoàn toàn khác biệt. Gương mặt thân quen cũng khá được ưa chuộng nhờ chọn được con đường riêng.

Hiện tại, có hai chương trình vẫn đang độc quyền về nội dung và đối tượng khán giả là Vietnam’s Next Top Model và Cuộc đua kỳ thú.

Giám khảo nhạt

Dù không đóng vai trò quan trọng bằng các thí sinh, nhưng dàn ban giám khảo vẫn là một trong những nhân tố chính quyết định sức hấp dẫn của các chương trình truyền hình thực tế.

Việc nhà sản xuất chịu bỏ một số tiền không hề nhỏ để mời những nghệ sĩ nổi tiếng ngồi vào chiếc ghế nóng ắt hẳn không phải là chuyện dư thừa. Chưa cần đề cập đến các vấn đề khác, một dàn ban giám khảo chất lượng sẽ là lý do đầu tiên “dụ” khán giả mở TV để theo dõi chương trình, nhất là trong những tập đầu tiên. Nhiều chương trình còn nhờ đến những khách mời thay phiên nhau xuất hiện hàng tuần để giúp “đổi gió”. Hay như Vietnam’s Next Top Model còn mời cả chuyên gia nước ngoài về tham gia.

Nhưng không phải vị giám khảo nổi tiếng nào cũng có thể chinh phục được những giám khảo khó tính.

Vì sao show thực tế ngày càng quot;yểu mệnhquot;? - 3
Hoài Linh "đuối sức" khi làm giám khảo một cuộc thi hát.

Hoài Linh sau này thử sức nhiều với vai trò ban giám khảo. Ở Gương mặt thân quen, anh rất được yêu thích vì những nhận xét mang đậm tính giải trí, đúng như mục đích của chương trình. Nhưng đến khi vào The Winner Is, khi khán giả cần một người cầm cân nảy mực có tính chuyên môn thì những trò đùa của anh lại trở nên quá dư thừa. Nên dù có là tên tuổi lớn, Hoài Linh vẫn không thể nào “cứu” chương trình này.

Bộ tứ quyền lực Mỹ Linh, Hồng Nhung, Quốc Trung và Đàm Vĩnh Hưng được kỳ vọng sẽ mang lại The Voice 2013 những nhận xét chuyên môn, hạn chế chiêu trò. Trong những tập đầu tiên, họ ít nhiều đã làm được điều này, tuy nhiên bắt đầu những vòng trực tiếp, khán giả dần hụt hẫng khi phải lắng nghe những dòng phát biểu dài lê thê của họ. Chưa kể cách huấn luyện thí sinh của họ cũng chưa khiến khán giả thuyết phục.

Chiêu trò nhiều, chất lượng kém

Chiêu trò là một trong những yếu tố không thể thiếu trong truyền hình thực tế, nhưng chiêu trò được sử dụng và xuất hiện như thế nào lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Có lẽ khán giả vẫn chưa thể nào quên được chương trình Cặp đôi hoàn hảo mùa thứ 2 diễn ra vào thời điểm nửa đầu năm nay. Sở hữu dàn thí sinh ít đình đám và kém cá tính hơn hẳn mùa đầu tiên, đã vậy, chương trình còn để dính quá nhiều thị phi xuất phát từ những cuộc khẩu chiến, tranh cãi, tố cáo của những người trong cuộc, đến chiêu quảng cáo sản phẩm khá thô của nhà tài trợ. Một chương trình thi hát mà khiến khán giả phát ngán bởi chiêu trò và sự ồn ào không đáng có thì đã là một thất bại.

Vì sao show thực tế ngày càng quot;yểu mệnhquot;? - 4
Cặp đôi hoàn hảo 2013 mất điểm vì quá nhiều chiêu trò.

Vietnam’s Next Top Model 2013 ngay từ khi chưa trên sóng đã thu hút sự chú ý của dư luận và giới truyền thông bởi những câu chuyện bên lề như thí sinh chuyển giới, bản sao người nổi tiếng, thí sinh cãi giám khảo, giám khảo chửi mắng thí sinh… Đến thời điểm này, khi đã phát sóng qua tập thứ 2, có vẻ như chương trình này đã dung hòa được khá tốt các yếu tố chuyên môn và các chi tiết kích thích trí tò mò để vừa vặn với nhu cầu của người xem. Tuy nhiên điều này có kéo dài hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn, nhưng có một điều chắc chắn rằng nếu để quá nhiều không gian để chiêu trò hoành hành, số phận của Vietnam’s Next Top Model sẽ còn bỏ ngỏ.

Theo Phương Giang (Tri thức trực tuyến)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hậu trường showbiz