Ly hôn ở tuổi gần 60 khi con cái đã ngoài 30, danh ca Vũ Khanh rất thoải mái và tự tin với quyết định của mình. Tuy nhiên, anh khẳng định không có ý định gì với bạn diễn Ý Lan.
Giọng ca Vũ Khanh đã đi vào lòng nhiều thế hệ yêu nhạc hơn 30 năm qua với nhiều ca khúc không thể quên. Năm 2012, lần đầu tiên Vũ Khanh trở lại sân khấu Việt Nam sau nhiều năm xa xứ. Bốn năm liên tục, anh phải gồng mình để chu toàn công việc kinh doanh, gia đình và đam mê riêng.
Từ sau này, khi những lo toan đời thường đã tạm ổn thì Vũ Khanh mới có nhiều thời gian cho bản thân mình. Anh trở lại quê hương thường xuyên hơn, làm giám khảo cuộc thi truyền hình cho dòng nhạc Bolero cũng như gặp gỡ nhiều khán giả yêu mến giọng hát của mình qua những đêm nhạc tình ca sâu lắng.
Mới đây, danh ca Vũ Khanh đã có buổi trải lòng chân thật về công việc và cuộc sống, đặc biệt là chuyện ly hôn ở tuổi gần 60.
Trách nhiệm với con cái xong, giờ là lúc tôi bay bổng
Cuộc sống cá nhân của anh hiện giờ đã bình yên sau sóng gió chưa?
Tình cảm lứa đôi đẹp nhưng chuyện vợ chồng lại là trách nhiệm nặng nề. Tôi không muốn chính bản thân mình tổn thương và tôi không muốn những người bạn đời của mình tổn thương. Vì thế tạm thời tôi chọn con đường tự do để thoải mái quyết định con đường âm nhạc này. Trong mấy năm qua tôi không có một người ở bên cạnh.
Sau biến cố của đời sống tình cảm, tôi thấy mình như trải qua cơn ác mộng, ảnh hưởng đến đời sống tình cảm của mình rất là nhiều, đặc biệt là ảnh hưởng đến nghề nghiệp và âm nhạc. Cho nên tôi chọn cách sống không nặng nề, như tựa đề bài hát Hãy Cứ Là Tình Nhân…
Anh có gặp khó khăn khi trở thành người độc thân ở tuổi này không?
Không khó gì vì trách nhiệm cho đời sống của mình đã chu toàn rồi. Tôi có hai con đã trưởng thành. Cháu lớn trên 35 tuổi, đang làm luật sư. Con gái 34 tuổi cũng đã lập gia đình. Trách nhiệm với con cái đã tạm xong. Bây giờ là thời gian tôi bay bổng.
Tôi muốn điều gì thì có thể tự mình quyết định cho giai đoạn này. Trước đây tôi từng nghỉ hát để làm kinh doanh. Nhưng lần này có duyên nên mọi thứ quay trở lại, giống như là nghiệp. Tôi gặp ca sĩ Ý Lan. Chúng tôi là những người khuyến khích nhau. Rồi tôi trở lại sinh hoạt văn nghệ và từ từ âm nhạc sống lại trong tâm hồn của mình khiến mình thích thú hơn và thời gian này tôi thoải mái nhất để sống với âm nhạc.
Anh đặc biệt nổi tiếng với các bài về các cô như Cô Láng Giềng, Cô Hàng Nước… Vậy anh có phải là người đa tình không?
Đào hoa, đa tình không phải dễ mà có. Đâu phải ai muốn là được. Đó là may mắn của đời người thôi. Tôi không hiểu mình bị dính đến nhiều cô láng giềng, cô hàng nước, cô hàng café… dù mình không tính gì trước. Hình như tất cả các bài hát có các cô thì tôi đều dính hết, không bỏ một cô nào cả (cười). Đến giờ này chắc 7,8 cô rồi. Đó là những bản nhạc may mắn cho tôi được thăng hoa.
Còn ngoài đời thì sao?
Đào hoa là số mệnh, là nghiệp của người ta. Gặp những cơ hội tình cảm nhiều chưa chắc là sướng, nhiều khi đó là cái khổ. Ăn chung một tô phở, uống chung một ly café thì dễ nhưng để rủ nhau về nhà nấu một nồi cơm chung với nhau thì đó là cả một vấn đề, hoàn toàn khó khăn và tế nhị. Mình phải sống thế nào đó thì mới có hạnh phúc thật sự chứ không phải là sự chịu đựng nhau.
Mẹ tôi lấy chồng năm 14 tuổi mà ở với chồng đến 89 tuổi mới mất. Tôi không hiểu dùng công thức gì để giữ được hạnh phúc như vậy. Mình thấy đó là cả một vấn đề vĩ đại quá. Sống với nhau có thể ở thời điểm đó khiến người ta phải chấp nhận như vậy. Còn thời đại bây giờ là cả quá trình không cắt nghĩa được.
Tôi là nghệ sĩ thì cần có sự phóng khoáng. Tôi không lấy lí do này để bào chữa cho thất bại trong hôn nhân nhưng cuộc đời một con người cần phải tìm mộ người hiểu mình. Chưa hẳn vợ/chồng sống với nhau 40, thậm chí 100 năm đã là tri kỉ của nhau. Chữ vợ/chồng đã bị lệch đi nhiều lắm. Tôi vẫn muốn có một người tri kỉ trong cuộc đời, chia sẻ những điều nhỏ nhất trong đời sống của mình.
Con cái có chia sẻ về cuộc sống hiện tại bây giờ với anh không?
Con tôi được sinh ra ở Mỹ nên dù muốn dù không vẫn bị Mỹ hóa rồi. Cho nên bố con nhiều khi nói chuyện bằng tiếng Mỹ còn rành hơn tiếng Việt. Khi các cháu được sinh ra ở Tây phương thì tư tưởng thẩm mỹ khác lắm, cho nên mình phải theo các cháu hơn là các cháu phải theo mình. Ở ngoại quốc, sau 18 tuổi con cái có quyền lựa chọn theo ý chúng. Mình phải tôn trọng tối đa. Mình chỉ là người người chia sẻ và hướng dẫn con cái đừng đi sai đường thôi.
Anh có cảm thấy khó khăn so với cách giáo dục của Việt Nam không?
Ví dụ mình đang đi xe ô tô, vất giấy kẹo ra đường mà con nhìn thấy thì con có quyền trách bố mẹ làm sai. Tôi phải nghe, phải xin lỗi, chứ mình không thể lấy quyền của bố mẹ để ức chế con. Giới trẻ bên đó có quyền nói bố mẹ sai. Cho nên với con cái thì mình phải làm gương cho con. Nếu không thì sẽ có khoảng cách rất xa với con. Chúng tôi sống như vậy quen rồi. Phải làm bạn với con thì mới có thể chia sẻ. Chứ nếu lấy quyền của bố mẹ thì mình sẽ là người thất bại, không hoàn thành được chức vị bố mẹ.
Anh ở VN tự do thì con cái của anh có lo lắng không?
Tôi đã chọn lựa con đường mình đi để con cái không phải lo. Con gặp người phối ngẫu thì là cánh chim vươn lên. Tất cả con cái có sự lựa chọn riêng, mình chỉ đứng vai trò góp ý thôi. Tôi chỉ đề nghị với con thôi chứ không phải ra lệnh.
Ý Lan có gia đình rồi, còn tôi thì không thích chuyện tình ái lăng nhăng
Những người mà anh từng song ca thì ai là người hợp ý nhất?
Tôi hát chung với hầu hết các ca sĩ hải ngoại rồi nhưng nếu có sự chọn lựa thoải mái nhất thì chắc chắn là Ý Lan. Tôi với cô ấy là người bạn hát với nhau trên 20 năm rồi, tung hứng với nhau mà không phải tập dợt, không phải viết văn bản ra, nhìn ánh mắt nhau là hiểu nhau muốn gì. Thỉnh thoảng khi tập dợt chúng tôi còn đùa với nhau nữa.
Trong 20 năm qua, hai người đã từng nảy sinh tình cảm ngoài tình đồng nghiệp chưa?
Ai cũng hỏi điều đó, cũng dễ hiểu thôi. Nhưng Lan là người đang có gia đình, Lan có một người chồng đầy đủ, trí thức, có giáo dục, có bằng cấp cao. Chúng tôi đứng trên sân khấu với nhau hát một bản nhạc tình cảm thì phải làm cho trọn vẹn. Chỉ thế thôi. Một chuyện rất bình thường vì chúng tôi chỉ có gặp nhau trong âm nhạc. Chúng tôi mỗi người có đường đi riêng nên không có tình cảm lăng nhăng ở trong đó. Nếu cứ đứng cạnh nhau mà có cái gì thì cũng không hẳn.
Nhưng sự ăn ý đó có bao giờ khiến anh có rung động không?
Tôi nghĩ chắc không vì tôi có người yêu rồi, Lan có gia đình rồi và tôi không thích lăng nhăng. Tôi không thích làm chuyện đó. Tôi độc thân, tôi có quyền quen với nhiều người nhưng không bao giờ tôi đụng chạm đến người có gia đình. Bởi vì tất cả quá khứ đi qua thì tôi học được bài học là không lăng nhăng, vì điều đó là sai. Thiếu gì người để mình quen chứ!
Hạnh phúc do mình tự tạo ra, mình đừng đánh đổi bằng hạnh phúc gia đình của người khác, đó là một cái tội rất nặng. Tôi không bao giờ làm điều đó vì người tạo ra nghiệp sẽ lãnh những hậu quả không tốt. Cho nên không bao giờ tôi chấp nhận những điều đó. Tôi không đồng ý với việc quen người đã có người yêu, gia đình.
Trong cuộc đời nghệ thuật, có bao giờ anh rung động với người cùng nghề không?
Ở ngoại quốc tôi có rất ít thời gian, công việc bận rộn nên không dễ nảy sinh tình cảm. Thậm chí tôi còn không có thì giờ để ăn cơm. Ngay cả trong công ty, tôi cũng không bao giờ ăn chung với một nhân viên, vì như thế 79 người còn lại sẽ cảm thấy thế nào. Tôi phải có vị thế của một người chủ đối với nhân viên.
Danh ca Vũ Khanh và Ý Lan
Giữa hai lĩnh vực anh đang theo đuổi hoàn toàn trái ngược nhau, một bên là kinh doanh dùng lí trí rất nhiều, một bên là nghệ thuật dùng tình cảm nhiều. Trong con người anh có bị mâu thuẫn không?
Bạn có biết con chim bị trúng đạn không? Con chim sẽ đậu trên cành và thù viên đạn lắm. Khi đã bị thương thì mình không cho phép mình được đau vết thương lại một lần nữa.Tôi chọn lựa tình cảm, mình lớn rồi, ai cũng phải đi qua thăng trầm, bồng bột của tuổi trẻ cho nên tôi phải biết mình chọn lựa để đừng có những tổn thương để mình bị đau. Những hố sâu rồi thì mình phải nhìn, phải chấp nhận.
Anh đã từng thất bại trong công việc chưa?
Nhiều chứ. Khi nhảy vào cuộc chơi thương mại không phải ai cũng thành công. Nhưng tôi học được một điều là biết đủ thì sẽ hạnh phúc. Chẳng hạn mình ăn cháo gà thấy ngon thì mình cứ thoải mái tận hưởng. Mình cứ mơ sâm nhung, yến sào nhưng chưa chắc lúc được ăn mình đã thấy hạnh phúc. Tôi có nhiều người bạn là đại gia, nắm trong tay cả triệu USD nhưng khi mất thì không còn gì hết. Họ kết liễu đời mình bằng những gì tệ hại nhất vì không có can đảm để sống nữa. Khi bạn nắm trong tay cả một gia tài khổng lồ, rồi thì bạn không còn gì nữa thì bạn có đủ can đảm để sống hay không đó là một vấn đề.
Khóc khi hát trên quê hương
Anh mong muốn con đường nghệ thuật sắp tới sẽ như thế nào?
Tôi chỉ mong sao khán giả đừng quên tôi thôi. Tôi có thói quen hay hát bài Còn Chút Gì Để Nhớ trong các phần trình diễn của mình với câu nói là xin khán giả đừng quên Vũ Khanh. Bởi vì trong nghề này, so với các anh chị em nghệ sĩ thì chưa ăn thua gì nhưng với tôi hát trên 30 năm là tạm đủ. Tôi mới học được từ “bão hòa” gần đây. Tôi không bao giờ tôi muốn mình là bão hòa cả.
Tôi muốn mình được đóng góp cho đến khi nào mỏi cánh thì thôi. Tôi luôn tâm sự với khán giả rằng từ khi bước lên sân khấu, nhận được tràng tay của khán giả thì kể từ ngày đó tôi mang nợ những tràng pháo tay đó, phải nói là tiếng nợ mà mình trả cho đến chết. Khi đứng trên bục cao, khán giả ngồi dưới nghe mình hát, vỗ tay, cho mình được thăng hoa trong đời sống, vinh quang trong nghề nghiệp. Mình phải mang nợ thì mình phải có trách nhiệm để trả. Còn tôi mang nợ tiếng vỗ tay của khán giả thì tôi phải trả.
Một số nghệ sĩ đi hát nhiều năm và dần chai sạn cảm xúc, họ chỉ hát như một thói quen. Cảm xúc của anh khi hát giữa 30 năm qua có sự thay đổi gì không?
Năm 2012, lần đầu tiên quay lại Sài Gòn, tôi đã khóc khi hát bài Áo Lụa Hà Đông. Tôi là đàn ông mà, đâu dễ gì rơi nước mắt. Nhưng hôm đó tôi đã khóc mà không biết. Tôi khóc vì cảm xúc lạ lắm. Những câu hát ngày trước mình chỉ hát như con vẹt thì nay hiển hiện sống động trước mắt. Như vừa nãy, khi tôi tập hát Tháng Sáu Trời Mưa thì ngoài trời mưa đổ ập xuống.
Nhìn mưa rơi bên ngoài cửa sổ phòng trà khiến cảm giác của mình cũng lâng lâng. Đời người nghệ sĩ hơn người thường ở những điểm ấy. Đó là may mình cám ơn ông trời là mình còn cảm xúc. Tôi không muốn mình trở thành thợ hát. Tôi muốn tôi hát đầy cảm xúc. Đó là phần thưởng trong cuộc đời của mình, cho tất cả nghệ sĩ.
Ba mươi năm trôi qua nhưng không phải ngày nào tôi cũng hát. Có khi một tuần, hai tuần, hoặc cả tháng mới có show lớn. Mỗi lần như vậy di chuyển rất xa, 3 – 6 tiếng. Tôi còn bay đi Úc 12 tiếng. Việt Nam là 26 tiếng. Lúc mình trở về thì cũng có khi nghĩ thôi chắc không đi nữa đâu vì quá mệt, nhưng có khi trở về vài tuần thì lại muốn đi nữa. Chính vì quê hương cho tôi những cảm xúc rất đặc biệt.
Xin cảm ơn Vũ Khanh và chúc anh hạnh phúc!