Nhiều cặp vợ chồng bị sảy thai liên tiếp nhưng khi thực hiện các xét nghiệm đều không tìm ra nguyên nhân thực sự cho đến khi phải mất nhiều năm sau mới truy tìm được căn nguyên của bệnh.
Nỗi ám ảnh của vợ chồng bị sảy thai liên tiếp
Sau đám cưới 2 năm, chị Huyền Trang (Hà Nội) mới có tin vui mang bầu. Nhưng niềm hạnh phúc ấy chưa kéo dài bao lâu thì chị lại đột nhiên bị sảy. Thời điểm ấy, chị Trang đang mang bầu được 19 tuần.
Sau biến cố mất con, bản thân người mẹ này day dứt và tự trách rất nhiều. Chị cố gắng ăn uống để hồi phục sức khỏe. May mắn tin vui lại một lần nữa đến với anh chị trong hạnh phúc vỡ òa. Cứ nghĩ lần mang thai thứ 2 này chị sẽ được cùng con trải qua 9 tháng thai kỳ thiêng liêng. Nào ngờ, ở tuần thai thứ 8, mẹ bầu này lại một lần nữa bị sảy.
Quá ám ảnh 2 lần sảy thai, khi có kế hoạch mang bầu lần 3, 2 vợ chồng chị đã rất cẩn thận trong sinh hoạt, ăn uống. Một lần nữa, chị lại đón nhận niềm vui có thai sau đó nhưng khi chưa kịp thấp thỏm lo sợ lại bị sảy đúng thời điểm bị sảy thai lần trước.
3 lần bị sảy thai liên tiếp, vợ chồng mới được đón con yêu trong vòng tay. (Ảnh: BSCC)
Đau khổ kèm lo lắng suốt 3 lần sảy thai không rõ nguyên nhân, vợ chồng chị Trang đã đi khám tại nhiều bệnh viện, làm đủ các xét nghiệm liên quan đến sinh sản nhưng vẫn bế tắc không tìm ra nguyên nhân.
Khao khát được làm mẹ, bản thân chị Trang rất tuyệt vọng. Chị cho biết từng trách cứ bản thân, tự dằn vặt vì không giữ được con, không làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, người vợ. Mỗi lần mất con là một lần chị đau lòng, ám ảnh và muốn dừng lại.
Suốt 8 năm mới phát hiện được căn nguyên bất thường và hạnh phúc đón quả ngọt
Suốt 8 năm qua, vợ chồng chị Trang không dám mang thai vì quá sợ hãi với những lần bị sảy liên tiếp. Tận đến khi anh chị tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội thăm khám mới được phát hiện ra anh Nguyễn Văn H. (chồng chị) bị bất thường trên bộ nhiễm sắc thể. Các bác sĩ cho biết đó chính là nguyên nhân khiến chị Trang bị sảy thai liên tiếp.
Sau khi phát hiện chồng chị có bất thường về bộ nhiễm sắc thể, các bác sĩ bệnh viện đã tư vấn cho vợ chồng chị Trang làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) kết hợp xét nghiệm sàng lọc tiền làm tổ, tìm phôi không bất thường nhiễm sắc thể để chuyển phôi. Đây là biện pháp duy nhất giúp vợ chồng trẻ có cơ hội sinh em bé khỏe mạnh.
Năm 2022, vợ chồng chị Trang thực hiện IVF và nuôi được 2 phôi ngày 5. Qua xét nghiệm sàng lọc tiền làm tổ, 1 phôi bất thường, chỉ còn duy nhất 1 phôi khỏe mạnh. Bao nhiêu hi vọng, mong mỏi của cả đại gia đình vợ chồng chị Trang đặt hết vào đó. May mắn, chị Trang đậu thai ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên. Một bé gái khỏe mạnh chào đời trong niềm hạnh phúc, hân hoan của cả gia đình.
Vợ chồng chị Trang bên con mới sinh. (Ảnh: NVCC)
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cho biết, những bất thường về di truyền, nhiễm sắc thể sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ sau, ảnh hưởng tới cả cuộc đời con trẻ. Là cơ sở y tế khám, điều trị vô sinh, hiếm muộn uy tín, hiện đại hàng đầu Việt Nam, bệnh viện đã giúp hàng trăm cặp vợ chồng có bất thường về NST hoặc mang đột biến gen gây bệnh, đón con yêu khỏe mạnh về nhà. Trong đó điển hình nhiều trường hợp như vợ chồng chị Nhã được hạnh phúc đón con yêu sau 8 năm sảy thai liên tiếp.
Cũng theo bác sĩ Nhã khuyến cáo, nếu sảy thai nhiều lần do bất thường nhiễm sắc thể của phôi thai thì không có biện pháp ngăn ngừa. Nhưng nếu do các nguyên nhân có thể can thiệp khác, chị em nên phòng ngừa bằng cách: xây dựng lối sống lành mạnh (không hút thuốc, hạn chế rượu, caffeine và duy trì cân nặng hợp lý), tránh các bệnh lây qua đường tình dục, bổ sung axit folic (vitamin B9) hàng ngày.
Trường hợp xuất hiện những cảnh báo sảy thai, thai phụ nên đến ngay bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời. Việc điều trị cho thai phụ bị sảy nhiều lần sẽ dựa trên nguyên nhân gây ra. Nếu kịp thời đưa ra những phác đồ điều trị tốt, trong tương lai cơ hội mang thai thành công sẽ rất cao.