Tết là thời điểm tuyệt vời nhất trong năm để mọi người tận hưởng thời gian bên gia đình với nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, dịp Tết có thể kém vui nếu để rối loạn tiêu hóa xuất phát từ việc ăn uống không điều độ, dinh dưỡng không cân đối, thực phẩm bảo quản chưa đúng cách,...
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vào dịp Tết, những bữa ăn quá nhiều chất dinh dưỡng, không theo giờ giấc sẽ làm hệ tiêu hóa bị xáo trộn, có thể gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng, ậm ạch, ợ chua, nhẹ sẽ gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn thì gây ra các bệnh tiêu hóa khác như bệnh dạ dày, gan, mật, tụy,...
Chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải cho biết, Tết đến xuân về là dịp để mọi người đoàn viên, là dịp để các gia đình tụ họp sum vầy, cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống nhưng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý. Những người bị các bệnh mạn tính càng cần chú ý đến vấn đề ăn uống trong dịp Tết hơn, nhất là những người có vấn đề về đường tiêu hóa.
Cho dù bạn bị hội chứng ruột kích thích, đã được chẩn đoán mắc bệnh Crohn hay chỉ hy vọng duy trì ổn định đường ruột khỏe mạnh thì việc đối mặt với thực đơn phong phú các món ăn ngày Tết là một thử thách cần phải vượt qua.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, có nhiều cách để tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ Tết mà không ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Nên chủ động lên kế hoạch về ăn uống để giữ cho đường ruột luôn trong tình trạng tốt nhất. Sau đây là một số cách đã được thử nghiệm và chứng minh giúp duy trì đường ruột khỏe mạnh, phòng tránh rối loạn tiêu hóa trong kỳ nghỉ.
1. Bắt đầu ngày mới với kefir hoặc sữa chua Hy Lạp
Kefir và sữa chua Hy Lạp chứa nhiều chất dinh dưỡng và vi khuẩn có lợi giúp cân bằng đường ruột. Nên ăn ngay vào bữa sáng sẽ giúp đường ruột được bổ sung vi khuẩn có lợi cần thiết để giúp tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn. Cả hai lựa chọn đều giúp tiêu hóa và đã được chứng minh là làm giảm đầy hơi. Thêm vào bữa sáng món sinh tố trái cây yêu thích, trái cây tươi đều giúp tận hưởng ngày mới mà không phải lo lắng quá nhiều về đường ruột.
Kefir và sữa chua Hy Lạp chứa nhiều chất dinh dưỡng và vi khuẩn có lợi giúp cân bằng đường ruột.
2. Chú ý đến lượng nước uống hàng ngày
Nước chiếm tới 70-75% trọng lượng cơ thể, khiến lượng nước uống hàng ngày trở thành một phần thiết yếu của chế độ ăn uống cân bằng và liên quan tới sức khỏe đường ruột. Khi nói đến đường ruột khỏe mạnh, việc uống đủ nước là rất quan trọng đối với các quá trình tiêu hóa thích hợp. Vận chuyển chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất khắp cơ thể, nước đóng vai trò như một phương tiện để giữ cho toàn bộ cơ thể cân bằng hoàn toàn. Mất nước có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về dạ dày do dạ dày dư acid bao gồm loét, ợ nóng và táo bón.
3. Lưu ý về những thực phẩm gây rối loạn tiêu hóa
Hãy dành thời gian để ghi chú những loại thực phẩm nào gây ra phản ứng xấu cho đường ruột trong những lần trước đây. Tránh những loại thực phẩm gây rối loạn tiêu hóa trong Tết này và lựa chọn những thực phẩm vừa giàu dinh dưỡng vừa ngon miệng hơn.
4. Vận động sau bữa tối
Một cách để duy trì hệ tiêu hóa tốt và ngăn ngừa những trục trặc hiệu quả là tập thể dục thường xuyên. Hành động đơn giản là đi bộ giúp di chuyển thức ăn, chất dinh dưỡng và acid qua ruột nhanh hơn, giảm nguy cơ ợ nóng hoặc trào ngược acid và đầy hơi. Đi bộ sau bữa ăn với gia đình để tận hưởng nhiệt độ mát mẻ và không khí mùa xuân xung quanh bạn.
5. Ăn khẩu phần nhỏ hơn
Hãy chú ý đến khẩu phần ăn khi thêm các món ăn khác nhau vào đĩa của mình. Ăn các khẩu phần nhỏ hơn thường xuyên hơn sẽ tốt hơn cho hệ tiêu hóa so với việc ăn các bữa ăn lớn. Các khẩu phần nhỏ hơn giúp giảm đau dạ dày và đầy hơi.
Hãy chú ý đến các tín hiệu của cơ thể và ngừng ăn khi bạn bắt đầu cảm thấy no. Ngoài ra, hãy cố gắng nhai kỹ thức ăn, đặc biệt là nếu bạn đang tiêu thụ những thực phẩm không thường xuyên có trong chế độ ăn uống của mình. Sự thay đổi đơn giản này sẽ giúp hệ tiêu hóa xử lý thức ăn dễ dàng hơn, ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa.
Khẩu phần ăn nhỏ hơn tránh quá tải cho hệ tiêu hóa, ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa do nạp quá nhiều thức ăn.
6. Tập trung vào thực phẩm chứa tinh bột kháng
Tinh bột kháng là một loại chất xơ giàu prebiotic có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm trên bàn tiệc ngày lễ. Sau khi tiêu thụ, chúng hoạt động bằng cách nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong ruột để duy trì đường ruột khỏe mạnh và cân bằng. Các loại thực phẩm phổ biến nhất có chứa tinh bột kháng là ngũ cốc nấu chín, khoai tây nướng và rau nấu chín.
7. Chọn thực phẩm tươi sạch, đảm bảo vệ sinh
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, ngày Tết, các gia đình thường mua quá nhiều thực phẩm, dù có được bảo quản trong tủ lạnh thực phẩm vẫn có thể bị hư hỏng. Khi đãi khách thường nấu quá nhiều món ăn, ăn không hết để lại dễ bị ôi thiu, khi ăn những thức ăn này dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt nguy hiểm với người bị bệnh về đường tiêu hóa.
Hiện nay các siêu thị, cửa hàng hay chợ dân sinh đều mở bán từ sớm ngay sau Tết nên mọi người không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm. Từ mùng 2 Tết đã có thể đi chợ, chọn mua thực phẩm tươi sạch, đảm bảo vệ sinh và ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm do ăn uống thức ăn lưu cữu quá lâu.
8. Ăn đủ chất xơ mỗi ngày
Chất xơ là một trong những cách tốt nhất để duy trì đường ruột cân bằng. Tuy nhiên, hầu hết các món ăn chính trong ngày lễ đều thiếu chất xơ. Khi lượng tiêu thụ cao nhưng lượng chất xơ lại thấp, đường ruột sẽ mất cân bằng, dẫn đến tình trạng viêm, khó chịu và các vấn đề đáng kể về đường tiêu hóa. Trong dịp Tết này, hãy đảm bảo bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, bông cải xanh, khoai tây, các loại hạt và quả bơ...
Xem thêm video đang được quan tâm:
5 lý do nên ăn lê để đường ruột khỏe mạnh.