“Cho tới khi ba chồng mất vì Covid, chồng em không kịp về, thì em có suy nghĩ hay cả gia đình mình đi “thăm ông” luôn, thì lúc đó em thấy mình thực sự có vấn đề rồi”, Ngọc Khánh nói.
Ngọc Khánh là gương mặt quen thuộc trong làng sắc đẹp Việt Nam, hiện đang sống và làm việc tại Houston, Texas, Mỹ cùng chồng và hai cô con gái sinh đôi. Không chỉ nổi tiếng với danh hiệu Á hậu Người đẹp hoa anh đào năm 2008, Ngọc Khánh còn được biết đến là một huấn luyện viên phong cách tại Mỹ. Tuy nhiên, phía sau ánh hào quang của sân khấu là một câu chuyện đầy cảm động về hành trình mang thai và làm mẹ của cô.
Hành trình mang thai đầy nước mắt
Gần đây, Ngọc Khánh trở về Việt Nam với tư cách khách mời trong một chương trình truyền hình. Trong buổi trò chuyện, cô đã chia sẻ về quá trình khi quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Việt Nam và những khó khăn sau khi sinh con. Được biết trước khi thực hiện IVF, Ngọc Khánh đã kiểm tra sức khỏe tại Mỹ và xin nghỉ ba tháng để trở về Việt Nam tiến hành quy trình này.
Ngọc Khánh cho biết mình có thai nhờ thực hiện IVF.
Ngọc Khánh kể lại kỷ niệm đặc biệt trong quá trình kích trứng: “Em nhớ khi làm IVF thì phải kích trứng đúng giờ, đúng hôm đó thì tụi em đi xem phim. Lúc xách theo cái kim đẻ chích thì ngồi trong xe, khi vạch bụng lên chích thì có 1 người đi ngang qua, cái ông xã em mới nói là: 'Chết rồi em ơi, cái ông đó ông nhìn 2 đứa mình như bị nghiện vậy đó'".
Trong vòng một tháng rưỡi, Ngọc Khánh đã được chuyển phôi và cô biết mình sẽ giữ được hai bé. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu, Ngọc Khánh phải đối mặt với nhiều vấn đề như suyễn, hô hấp không đều và máu loãng, điều này khiến cô phải tập trung cao độ cho quá trình mang thai.
“Hành trình mang thai của mình nó đơn giản quá cho nên em nghĩ là mọi thứ đã ổn, nhưng mà không như mơ. Khi bay qua (Mỹ) em nghén muốn xỉu, trong quá trình làm IVF em phải kiêng cái này, kỹ cái kia. Nên em nghĩ có bầu là phải ăn cho đã, nhưng lúc này em lại nghén tất tần tật mọi thứ. Cái mùi cơm nấu nhà hàng xóm thôi mà em cũng nghe được luôn, em không ăn được cái gì trong 4 tháng đầu nên em xuống 4kg. Em ói bất chấp luôn, đang ngủ giật mình dậy nghe mùi ở đâu đó em cũng ói khan.
Chưa bao giờ em cảm thấy sợ mùi đồ ăn tới như vậy, chỉ có thể uống được sữa, ăn được bánh gạo. Hồi trước em rất thích ăn tinh bột, tưởng tượng có bầu sẽ ăn cơm ngon lắm mà sau đó em lại rất sợ”. Ngọc Khánh chia sẻ.
Ngọc Khánh bị nghén nặng khi mang thai.
Đến khi mang bầu tháng thứ 5, khi Ngọc Khánh nghĩ rằng mình đã hết nghén và sẽ ăn ngon miệng thì bác sĩ lại không cho ăn vì lượng đường trong máu quá cao.
“Em thèm nhãn, vào khám bác sĩ nói: 'Với chỉ số đường này của em, em chỉ được ăn 1 trái rưỡi'. Xong về nhà, ông chồng lấy con dao cắt đúng 1 trái rưỡi". Ngọc Khánh vừa cười về kể khi nhớ lại kỉ niệm đặc biệt này.
Ông xã luôn đồng hành cùng Ngọc Khánh trong suốt thời gian mang thai.
Mang thai tháng thứ 6, Ngọc Khánh bắt buộc phải tiêm isulin để kiểm soát đường huyết. “Do hóc môn thay đổi nên em bị mụn mọc từ đỉnh đầu xuống chân, 1 tuần có 7 ngày thì em chỉ được ở nhà 1 ngày, còn lại 6 ngày đi viện để kiểm tra sức khoẻ. Do phôi phát triển nhanh nên xương em bị lệch thành chân thấp chân cao”. Ngọc Khánh nói tiếp: “Tháng thứ 7 thì em muốn ở nhà rộng hơn dù bác sĩ đã ngăn không được đi lại. Nhưng đúng là cái đêm mà em dọn tới nhà mới xong là em bị bể nước ối luôn nên phải mổ sớm lúc 7 tháng”.
Từng muốn giải thoát khi sinh con
Vì 2 bé song sinh chào đời sớm, một bé nặng 1,6kg, bé còn lại nặng 1,8kg, được nuôi trong lồng kính nên Ngọc Khánh chỉ được thăm con mỗi ngày một lần trong 45 phút. “Khi mà đẩy vô phòng, nhìn con gắn nhiều dây truyền, em xót xa, nước mắt trào ra, em ân hận khi không giữ con mình được lâu hơn. Lúc đó em nghĩ có phải mình vội vã quá, lẽ ra em chỉ nên có 1 đứa thôi thì sức khoẻ của mình sẽ mang thai tốt hơn”, Ngọc Khánh bộc bạch.
Nhìn 2 con sinh đôi yếu ớt khiến Ngọc Khánh không kiềm được nước mắt.
Sau sinh, cô phải đối mặt với tình trạng tắc sữa nghiêm trọng và phải ngưng sữa đột ngột. Những căng thẳng từ việc chăm con và lo lắng cho sức khỏe của các bé khiến cô rơi vào trạng thái trầm cảm. Cô thậm chí đã nghĩ đến việc “giải thoát” khi phải đối mặt với quá nhiều áp lực.
“Cho tới khi ba chồng mất vì Covid, chồng em không kịp về, thì em có suy nghĩ hay cả gia đình mình đi “thăm ông” luôn, thì lúc đó em thấy mình thực sự có vấn đề rồi”, Ngọc Khánh nói.
Ngọc Khánh từng có ý định muốn được “giải thoát” cho cả gia đình.
“Trong 6 tháng đầu sau sinh, em không biết giường là gì, lúc nào cũng mệt mỏi và kiệt sức. Mỗi khi tỉnh giấc, việc đầu tiên em làm là kiểm tra xem con có thở đều không. Sau đó chồng em nhận ra em gặp vấn đề nên anh khuyên em ra ngủ ở phòng khác để nghỉ ngơi.
Nhưng mỗi lần nghe con khóc, em tưởng tượng ra hàng loạt vấn đề và lo lắng không yên. Chồng em phải trấn an rằng đã có anh và mẹ anh chăm sóc cho con, em cứ yên tâm ra ngoài nghỉ ngơi. Bác sĩ cũng khuyên rằng khi em ngủ, đã có người lo cho con, nhưng trong đầu em vẫn luôn nghe tiếng khóc của con và lo lắng. Cuối cùng, bác sĩ nói rằng cần tạo thói quen ra ngoài mỗi ngày, đi bộ và thư giãn”. Ngọc Khánh tâm sự.
Ngọc Khánh gặp nhiều áp lực sau sinh con.
Nhờ sự hỗ trợ của gia đình và liệu pháp tâm lý, Ngọc Khánh đã vượt qua giai đoạn khó khăn. Hiện tại, dù hai bé còn yếu và phát triển chậm, nhưng cô vẫn kiên trì và không bỏ cuộc. "Bác sĩ nói trên 3 tuổi mọi thứ sẽ ổn”, cô chia sẻ.
Ngọc Khánh bên cạnh 2 con sinh đôi.
Sản phụ sau sinh đôi thường phải đối mặt với những khó khăn nào?
- Hồi phục sức khỏe: Việc mang thai và sinh đôi đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ cơ thể người mẹ, do đó quá trình hồi phục sau sinh thường kéo dài và khó khăn hơn. Sản phụ có thể gặp các vấn đề như mất máu nhiều, đau đớn vùng mổ (nếu sinh mổ), mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
- Chăm sóc sức khỏe tinh thần: Trầm cảm sau sinh là một vấn đề phổ biến và nghiêm trọng, đặc biệt là đối với sản phụ sinh đôi. Cảm giác mệt mỏi, lo lắng và căng thẳng có thể dẫn đến trầm cảm hoặc lo âu sau sinh.
- Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh: Việc chăm sóc hai trẻ sơ sinh cùng một lúc đòi hỏi nhiều thời gian và năng lượng. Sản phụ cần phải thức đêm nhiều hơn để cho con bú, thay tã và dỗ dành hai bé. Điều này có thể dẫn đến thiếu ngủ và kiệt sức.
- Nguồn sữa mẹ: Đối với những người mẹ muốn nuôi con bằng sữa mẹ, việc duy trì nguồn sữa đủ cho hai bé là một thử thách lớn. Sản phụ cần phải ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý và thường xuyên kích sữa để đảm bảo đủ sữa cho cả hai bé.
- Vấn đề tài chính: Việc nuôi dạy hai đứa trẻ cùng một lúc đòi hỏi nhiều chi phí hơn, từ tã, sữa bột, quần áo đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục.
- Tâm lý và tình cảm: Sản phụ có thể cảm thấy áp lực và lo lắng về khả năng chăm sóc tốt cả hai con. Sự thiếu ngủ và mệt mỏi có thể làm tăng cảm giác căng thẳng và bất an.
- Sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè: Sự hỗ trợ từ chồng, gia đình và bạn bè rất quan trọng trong giai đoạn này. Tuy nhiên, việc không có đủ sự hỗ trợ có thể khiến sản phụ cảm thấy cô đơn và quá tải.
- Vấn đề y tế: Trẻ sinh đôi thường có nguy cơ sinh non và nhẹ cân hơn, do đó, sản phụ cần chú ý đến việc chăm sóc y tế thường xuyên cho các bé, đảm bảo chúng phát triển khỏe mạnh.
Để vượt qua những khó khăn này, sản phụ cần có kế hoạch chăm sóc sức khỏe hợp lý, sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, và không ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế khi cần thiết.