Bánh chưng thừa ngày Tết là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, nếu không sử dụng và chế biến đúng cách, nguy cơ gây bệnh với sức khỏe là rất lớn, trong đó có cả ung thư.
Theo phong tục truyền thống, trên bàn thờ mỗi gia đình vẫn có cặp bánh chưng để thắp hương trong những ngày Tết và khi hết Tết mới được hạ xuống. Việc không được bảo quản trong tủ lạnh, những chiếc bánh chưng này rất dễ bị mốc. Tuy nhiên, đa số mọi người đều không vứt bỏ mà sẽ sử dụng vì đó là đồ lễ hoặc do tiếc của nên cắt phần bị mốc, ướt ở phía ngoài và tiếp tục sử dụng.
Với cách ăn này, các chuyên gia cảnh báo là rất nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí có nguy cơ gây ung thư. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết, khi bánh chưng bị mốc đó là dấu hiệu đã bị hỏng, cần phải bỏ ngay. “Kể cả khi cắt bỏ phần đầu hay phía ngoài chiếc bánh, chỉ ăn phần trong không bị mốc vẫn nguy hiểm. Vì vi khuấn, nấm mốc đã tấn công vào trong chiếc bánh”, ông Thịnh cảnh báo.
Sở dĩ dịp Tết bánh chưng hay bị mốc, theo ông Thịnh là do người dân làm quá nhiều, bảo quản không đúng cách và điều kiện nồm ẩm nên bánh dễ bị hỏng. Với những chiếc bánh sau khi luộc ra, nếu không rửa sạch ngay thì nguy cơ mốc càng cao hơn.
Bánh chưng nếu bóc ra thấy có hiện tượng nhớt đầu, nấm mốc cần loại bỏ ngay. Ảnh minh họa.
“Bánh bị hỏng, ngoài vi khuẩn thì độc tố aflatoxin (gây mốc) rất nguy hiểm, chúng gây hại trực tiếp đến gan và là nguyên nhân gây ung thư gan”, PGS Thịnh cho biết và cảnh báo thêm rằng, để tránh nhập viện ngay những ngày đầu năm, tuyệt đối không ăn bánh chưng đã bị hỏng, mốc.
Cùng quan điểm trên PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng, thói quen bỏ phần mốc ăn phần chưa mốc của bánh chưng rất thường gặp. Thậm chí, nhiều gia đình cẩn thận, rán kỹ bánh chưng mới sử dụng, vì cho rằng như vậy ăn sẽ ngon hơn và nấu chín lại một lần nữa sẽ an toàn hơn.
“Khi chiếc bánh bị mốc chứng tỏ vi khuẩn đã tấn công sâu vào bên trong mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Không chỉ nấm mốc, một chiếc bánh chưng bị chua đầu, bắt đầu có biểu hiện bị nhớt, chảy nước ra thì chắc chắn chất lượng bánh sẽ không ngon cả về cảm quan và hương vị. Do vậy, khi cắt bỏ phần nấm mốc, hỏng thì nó vẫn còn và gây hại cho sức khỏe”, PGS Lâm cảnh báo.
Với việc chiên rán bánh chưng để hạn chế nấm mốc, các chuyên gia cho rằng điều này là không hiệu quả, vì nhiều loại nấm mốc không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ. Ngược lại, rán bánh chưng với dầu mỡ nhiều, ở nhiệt độ cao sẽ làm biến đổi chất, khi đó sẽ “hại đơn, hại kép” tới sức khỏe.
Bánh chưng rán tuy ngon miệng, nhưng không tiêu diệt được nấm mốc, ăn vào sẽ hại cho sức khỏe gấp đôi. Ảnh minh họa.
Hơn nữa, bánh chưng vốn đã nhiều calo, khi rán lượng dầu mỡ nhiều sẽ càng khiến nguy cơ tăng cân hiện hữu. Theo đó, một chiếc bánh chưng có rất nhiều năng lượng (khoảng 2.600kcal, với cỡ bánh trung bình), khi rán bánh cần khá nhiều dầu mỡ (10gram dầu = 90kcal), như vậy năng lượng một chiếc bánh sẽ tăng lên nhiều. Đó chính là nguyên nhân gây tình trạng tăng cân, hơn nữa ăn đồ chiên rán nhiều cũng không tốt cho sức khỏe.
“Bánh chưng giờ có thể mua và ăn quanh năm, do vậy đến tết không nên gói nhiều, chỉ gói với lượng vừa đủ cho gia đình sử dụng. Như vậy, vừa được thưởng thức bánh ngon, vừa không bị nấm mốc, vừa không phải tìm cách chế biến để sử dụng hết”, bà Lâm khuyến cáo.
PGS Nguyễn Duy Thịnh tư vấn thêm rằng, để bảo quản được bánh chưng lâu, mọi người sau khi luộc chín, cần rửa bằng nước sạch, hết phần nhớt dính bên ngoài. Sau đó để nguội và khô bánh. Nếu sử dụng ngay thì nên bảo quản ở ngăn mát, nếu không nên hút chân không, rồi cấp đông để sử dụng lâu dài.