Công nương Kate đã gặp phải chứng ốm nghén nặng trong cả 3 lần sinh nở khiến cô phải bỏ lỡ nhiều công việc.
Công nương Kate là một trong những nàng dâu hoàng gia nổi đình đám nhất hiện nay. Bà mẹ 3 con này hiện là hình mẫu chuẩn mực về phong thái lẫn cách chăm sóc và giáo dục con cái.
Ít ai biết rằng, Công nương Kate từng trải qua giai đoạn ốm nghén nặng ở cả 3 lần mang thai khiến cô nhiều lần phải hủy bỏ các nhiệm vụ hoàng gia.
Vậy chứng ốm nghén nặng của Công nương Kate là gì?
Chứng ốm nghén nặng của Công nương Kate có tên khoa học là hyperemesis gravidarum. Đây là hiện tượng ốm nghén ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.
Người mẹ thường xuyên bị buồn nôn và nôn rất nhiều, thậm chí có thể lên tới 50 lần mỗi ngày. Điều này dễ dẫn đến các biến chứng như mất nước do mất cân bằng lượng muối trong có thể và sút cân nhanh chóng tương đương 5% trọng lượng so với trước khi mang bầu.
Xác suất phụ nữ mang bầu gặp phải hội chứng này chưa tới 1%. Tuy nhiên, tương tự như trường hợp của Công nương Kate, nếu người mẹ gặp phải hội chứng này trong lần mang bầu trước đó, thì khả năng lặp lại trong lần mang bầu tiếp theo lên tới 15%.
Hyperemesis gravidarum khiến người mẹ có cảm giác cực kỳ khó chịu, mệt mỏi và khó có thể ăn uống được. Trong một vài trường hợp, hyperemesis gravidarum có thể tồi tệ đến mức người mẹ thậm chí không thể xuống giường, đi lại bình thường như bao thai phụ khác.
Công nương Kate từng vật vã với chứng ốm nghén nặng.
Dấu hiệu của Hyperemesis gravidarum
Khi mắc phải hội chứng này, người mẹ sẽ bị nôn mửa nghiêm trọng và đi kèm các triệu chứng khác:
- Chán ăn.
- Đi tiểu ít hơn.
- Mất nước.
- Ngất xỉu.
- Mệt mỏi.
- Huyết áp thấp.
- Nhịp tim nhanh.
- Sụt cân.
Các biến chứng của hyperemesis gravidarum
Rất hiếm khi hội chứng này dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Mối lo ngại duy nhất là người mẹ có thể bị mất nước trầm trọng, khiến lượng nước ối bị giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.
Mất nước và thiếu vận động cũng làm gia tăng nguy cơ nghẽn mạch máu ở người mẹ. Người mẹ sụt cân quá nhiều trong khi mang bầu cũng có thể làm giảm cân nặng của đứa trẻ khi chào đời, khiến em bé không đạt được số cân lý tưởng.
Tình trạng nôn mửa nghiêm trọng kéo dài trong nhiều ngày của người mẹ có thể gây ra các hiện tượng xấu với thể chất của người mẹ như vỡ mạch máu mắt hoặc rách thực quản. Do đó, người mẹ cần được chữa trị ngay lập tức nếu gặp phải biến chứng này.
Ốm nghén nặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. (Ảnh minh họa)
Trong một số ít trường hợp, người mẹ cần được chăm sóc đặc biệt và can thiệp càng sớm càng tốt để đề phòng biến chứng nghiêm trọng. Năm 2012, khi đang mang thai Hoàng tử George, Công nương Kate đã phải vào Bệnh viện King Edward VIII vì ngất ở nhà bố mẹ.
Chính vì vậy, cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con,, thai phụ nên tham vấn ý kiến của bác sĩ nếu tình trạng nôn ọe suốt 24 giờ hoặc hơn.
Tiến sĩ Williams, bác sĩ sản khoa tại Viện sức khỏe phụ nữ (thuộc Bệnh viện Đại học London) cho biết ông thường giữ những người bị chẩn đoán mắc chứng ốm nghén nặng ở bệnh viện vài ngày để đảm bảo tình trạng của họ thực sự được ổn định. Ông nói: "Rất nguy hiểm khi cho họ xuất viện quá sớm, nếu sau đó bệnh xuất hiện trở lại”.
Cách điều trị hyperemesis gravidarum
Các biện pháp can thiệp và điều trị sớm sẽ có tác dụng ngăn chặn hội chứng hyperemesis gravidarum trở nên trầm trọng hơn và giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của các triệu chứng đối với người mẹ.
Trong giai đoạn đầu, các biện pháp tự nhiên thường được khuyến khích hơn cả do thuốc điều trị có thể gây nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi. Các bữa ăn nhạt được cho là có tác dụng giúp kìm hãm sự gia tăng của các triệu chứng.
Gừng dạng tươi, viên uống hoặc bánh quy đã được chứng minh trong một vài nghiên cứu quy mô nhỏ có tác dụng cải thiện cảm giác buồn nôn ở phụ nữ bị hyperemesis gravidarum. Ngoài ra, phương pháp bấm huyệt, đặc biệt là vị trí huyện Nei-Guan cũng được đánh giá là khá hiệu quả trong việc giảm cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
Bên cạnh đó, thai phụ cũng có thể dùng các loại thuốc điều trị ốm nghén trong danh mục thuốc an toàn đã được kiểm chứng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, người mẹ có thể nôn mửa nghiêm trọng tới mức ngay cả thuốc cũng không thể giữ được trong cơ thể. Khi đó, người mẹ bắt buộc phải nhập viện để được bác sĩ theo dõi và điều trị.